leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) - Đến năm 2025, thành lập và duy trì hoạt động của 9.000 tổ truyền thông cộng đồng. Việc thành lập tổ truyền thông cộng đồng có ý nghĩa rất thiết thực, nhằm tuyên truyền vận động bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

THIẾT LẬP MẠNG LƯỚI NÒNG CỐT TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Các hoạt động của Dự án 8 hướng đến phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số (DTTS) trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống, vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Một trong những mục tiêu của Dự án 8 cần đạt được đến năm 2025 là thành lập và duy trì hoạt động 9.000 tổ truyền thông cộng đồng. Tổ truyền thông cộng đồng được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân vùng DTTS và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại đã và đang là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em.

leftcenterrightdel
 

 

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Tổ truyền thông được thành lập ở thôn bản, do UBND xã ra quyết định thành lập trên cơ sở tham mưu của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã.

Tổ có từ 07 - 10 thành viên, gồm: Bí thư chi bộ thôn/trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận/các đoàn thể ở địa phương, trưởng các tổ/nhóm/CLB hiện có trên địa bàn thôn như: tổ vay vốn, tổ tín dụng tiết kiệm, CLB Gia đình hạnh phúc, tổ công nghệ số cộng đồng...), người có uy tín trong cộng đồng, người có khả năng tuyên truyền, vận động (giáo viên, cán bộ y tế, bộ đội biên phòng...) và hội viên nòng cốt. Trong trường hợp các tổ/nhóm/CLB hoạt động ở phạm vi nhiều thôn thì ưu tiên mời trưởng các tổ/nhóm/CLB tham gia tổ truyền thông ở thôn nơi mình sinh sống.

Theo hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành viên tổ truyền thông cộng đồng phải là người sinh sống tại thôn, tự nguyện tham gia tổ; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bản thân và gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; trách nhiệm, nhiệt tình với các hoạt động cộng đồng, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ người dân trong cộng đồng; là người uy tín trong cộng đồng hay trong tổ chức/đơn vị/CLB/tổ/nhóm và có khả năng vận động quần chúng; có tinh thần đổi mới, tiên phong, đi đầu trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Như vậy, nếu như các mô hình thông thường chỉ có sự tham gia của hội viên phụ nữ thì tổ truyền thông cộng đồng theo Hướng dẫn của Dự án 8 đã có sự phối hợp của nhiều thành phần xã hội khác nhau, có cả nam, cả nữ nhằm từng bước vận động thay đổi nếp nghĩ cũ của người dân. Từ đó, góp phần xóa bỏ các định kiến, hủ tục, giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Ban điều hành tổ truyền thông cộng đồng tối đa 3 người tiêu biểu trong số các thành viên của tổ, do Hội LHPN xã đề xuất.

Các thành viên trong tổ có trách nhiệm tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng; kịp thời phản ánh với Ban điều hành về các vấn đề phát hiện ở địa bàn.

Tổ truyền thông cộng đồng có nhiệm vụ: xác định các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại địa phương để tuyên truyền, vận động thay đổi, giải quyết. Xác định nội dung, hình thức truyền thông phù hợp với địa phương. Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông theo kế hoạch. Báo cáo, đánh giá và rút kinh nghiệm các hoạt động truyền thông của tổ.

Tổ truyền thông cộng đồng lấy người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng thuộc địa bàn của thôn/bản nơi thành lập tổ hoặc trên địa bàn xã là đối tượng truyền thông và phải đảm bảo mỗi tháng có ít nhất 1 hoạt động truyền thông.

CÁC HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG

Hình thức truyền thông do tổ trưởng cân nhắc lựa chọn một hoặc kết hợp một số phương pháp truyền thông phù hợp, hiệu quả như: Thảo luận nhóm, thăm hộ gia đình, tư vấn nhóm nhỏ/cá nhân, tọa đàm/nói chuyện chuyên đề, truyền thông tương tác ( kịch, tiểu phẩm, kịch tương tác, trò chơi), tổ chức hội thi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã, loa lưu động, viết tin bài truyền thanh/dán trên bản tin, sử dụng tài liệu truyền thông (tờ rơi, sách lật, áp phích, băng hình…), tuyên truyền trên mạng xã hội…

leftcenterrightdel
 

Hình thức thảo luận nhóm: Là sự trao đổi giữa các thành viên trong một nhóm, nhằm thống nhất cách giải quyết vấn đề có lợi nhất mà trong đó cần sự chia sẻ, gặp gỡ giữa các thành viên. Số lượng đối tượng truyền thông thường dưới 30 người. Thảo luận nhóm sẽ rất hiệu quả vì có cơ hội trao đổi thông tin sâu hơn, quan tâm kỹ hơn đến khó khăn/thuận lợi từng đối tượng đích để có thể kịp thời hỗ trợ và truyền cảm hứng thay đổi cho họ.

Hình thức nói chuyện chuyên đề kết hợp với hỏi, đáp: Là hình thức nói chuyện (trình bày) về một vấn đề nào đó mang tính chất chuyên sâu; đối tượng có thể trao đổi hoặc hỏi trực tiếp với người nói chuyện, yêu cầu giải thích các vấn đề mà đối tượng đang quan tâm.

Người nói chuyện có thể là cán bộ các ngành Tư pháp, Y tế, Văn hóa, cán bộ các đoàn thể xã hội hoặc các thành viên tổ truyền thông đã được tập huấn, có nhiều kinh nghiệm.

Thăm hộ gia đình: Là hình thức truyền thông trực tiếp đến đối tượng cần tác động nhằm cung cấp kiến thức, thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi về một vấn đề nào đó.

Hình thức tư vấn: Là góp ý kiến cho ai đó về vấn đề được hỏi. Người tư vấn cung cấp thông tin, phân tích vấn đề, đưa ra ý kiến gợi mở cách thức giải quyết vấn đề để người được tư vấn tự đưa ra quyết định thực hiện. Người tư vấn chỉ đưa ra ý kiến mang tính gợi mở, không được quyền đưa ra quyết định thay người có yêu cầu tư vấn.

Những trường hợp nên áp dụng hình thức tư vấn là phụ nữ bị bạo lực gia đình; trẻ em gái bị gia đình ép buộc bỏ học để lấy chồng sớm, hoặc kết hôn cận huyết thống; các gia đình duy trì tập tục văn hóa lạc hậu...

Hình thức tổ chức cuộc thi: Là loại hình truyền thông linh hoạt, hấp dẫn, thu hút số lượng lớn thành viên tham gia. Cuộc thi có thể được tổ chức dưới hình thức thi viết, thi vẽ, thi tiểu phẩm giữa các đội, có tính chất sân khấu hóa. Cuộc thi thường chuyển tải nhiều thông tin (gồm thông tin cơ bản và các thông tin mang tính chiều sâu) giúp cho các thành viên, người tham dự nâng cao kiến thức, kỹ năng và củng cố niềm tin để giải quyết có hiệu quả vấn đề liên quan.

Hình thức đóng kịch/ tiểu phẩm: Là hình thức sân khấu hóa được chuẩn bị trước về một tình huống trong cuộc sống mà các thành viên thể hiện cách ứng xử thông qua vai diễn của mình hướng tới thái độ, hành vi tích cực để giải quyết một vấn đề cụ thể.

Hình thức này có thể áp dụng với hầu hết các chủ đề: định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng; xóa bỏ các tập tục văn hóa lạc hậu hay giải quyết các vấn đề xã hội bức thiết đối với phụ nữ, trẻ em (bạo lực, tảo hôn, hôn nhân cận huyết...)

Ngoài các hình thức trên, tổ truyền thông cộng đồng có thể chủ động, sáng tạo triển khai thêm các hình thức phù hợp như: xây dựng hòm thư góp ý tại hội trường thôn để nắm bắt các vấn đề bức thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em, từ đó phối hợp kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết kịp thời như cách làm ở thôn Tôm, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá;

Hoặc thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau về các lĩnh vực văn hóa, đời sống, gia đình, kinh tế, nắm bắt nhu cầu của người dân; xác định được định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng để tuyên truyền, vận động thay đổi, tháo gỡ; giải đáp các nhu cầu phản hồi thông tin của cộng đồng trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của tổ như cách làm tại làng Klăh, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai;

Hay nắm bắt, phản ánh tâm tư tình cảm, nguyện vọng, dư luận xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ và trẻ em DTTS như đối với tổ truyền thông cộng đồng tại ấp Xung Thum A, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng…

Với chức năng, nhiệm vụ như trên, có thể coi tổ truyền thông cộng đồng là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền tại các địa bàn có đông đồng bào DTTS.

BƯỚC ĐẦU THAM GIA GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CẤP THIẾT VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ

Chiếm khoảng 50% lực lượng dân số, lực lượng lao động nhưng trên thực tế, phụ nữ DTTS vẫn đang phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Một số vấn đề giới đang ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn tồn tại trong vùng DTTS và miền núi. Điển hình, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chung ở 53 DTTS tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức đáng lo ngại, mức giảm chưa đồng đều và cá biệt vẫn tiếp tục tăng trong một số dân tộc.

Lao động nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh. Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%...

leftcenterrightdel
 

Phụ nữ DTTS thường có xu hướng lao động sớm, hoạt động sinh kế phụ thuộc nhiều vào đất đai, song lại rất thiếu cơ hội tiếp cận bình đẳng tới nguồn tài nguyên đất đai và vốn so với nam giới.

Họ ít có cơ hội tham chính hoặc tự quyết định các vấn đề có ảnh hưởng tới sự nghiệp và cuộc sống. Trong gia đình, nam giới vẫn đóng vai trò chủ đạo và có tiếng nói quyết định.

Ngoài ra, những định kiến truyền thống về vai trò nam - nữ khiến phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường và ra các quyết định liên quan đến sinh kế.

Do rào cản về tri thức, phụ nữ DTTS thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực hay đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi. Đa số phụ nữ DTTS chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân, chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập…

leftcenterrightdel
 

Trước thực trạng đó, việc thành lập các tổ truyền thông cộng đồng tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn - nơi điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, trình độ dân trí của đồng bào DTTS còn thấp là một giải pháp sáng tạo nhằm hướng tới mục tiêu vận động, tập hợp, nâng cao trình độ, nhận thức cho phụ nữ DTTS; tăng cường vai trò, sự tham gia của phụ nữ tại cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; xây dựng gia đình hạnh phúc cho phụ nữ DTTS, nhất là ở địa bàn biên giới, khu vực đặc biệt khó khăn.

Mặt khác, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là một chương trình lớn, lần đầu tiên được ban hành và tổ chức thực hiện, được thiết kế với rất nhiều nội dung, dự án, tiểu dự án thành phần bao phủ toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi; do nhiều bộ, ngành, cơ quan chủ trì nên rất cần được truyền thông rộng rãi để cán bộ, đảng viên, nhân dân biết, đồng thuận ủng hộ và quyết tâm tổ chức thực hiện toàn bộ Chương trình, trong đó có Dự án 8.

Là thành viên của tổ truyền thông cộng đồng, mỗi người sẽ đóng vai trò là một tuyên truyền viên tích cực, phát huy uy tín, sức ảnh hưởng của mình tại địa phương để thuyết phục người có suy nghĩ chưa đúng, phân tích, lý giải vì sao phải xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, đồng thời cổ vũ, động viên những người đã thay đổi, có cách nghĩ tiến bộ.

Bước đầu đi vào hoạt động, các tổ truyền thông cộng đồng đã phát huy hiệu quả. Đơn cử tại An Nghĩa, xã miền núi của huyện vùng cao An Lão, tỉnh Bình Định, có đông đồng bào DTTS sinh sống, ông Trịnh Hồng Vinh, Bí thư Đảng ủy xã đánh giá, tổ truyền thông cộng đồng nói riêng và Dự án 8 nói chung là giải pháp tiến bộ, góp phần giúp chính quyền xã hỗ trợ, quan tâm đến các đối tượng yếu thế nhanh chóng, cụ thể, hiệu quả. Đây cũng là ưu điểm lớn so với việc từng đơn vị tham gia vận động riêng lẻ như trước đây.

Ông Mang Vát, Bí thư chi bộ, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết, thời gian qua, tổ truyền thông cộng đồng thường xuyên đến từng nhà dân để rà soát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, sau đó lồng ghép nội dung tuyên truyền gắn với giải quyết các vướng mắc, khó khăn của người dân trong các cuộc họp thôn. Ngoài các nội dung như: Vận động, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, quan tâm trẻ em, tránh bạo lực gia đình và tảo hôn…, tổ còn nhấn mạnh việc bài trừ hủ tục cúng bái khi mắc bệnh và tuyên truyền người dân nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Theo bà La O Thị Tím ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, thông qua các đợt truyền thông của tổ truyền thông cộng đồng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã biết chú trọng nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; nhiều hủ tục không phù hợp đã dần được người dân hiểu biết và mong muốn thay đổi, xóa bỏ.

Những chuyển biến bước đầu trong nhận thức của đồng bào DTTS thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng cho chúng ta quyền hy vọng đây sẽ là một giải pháp hữu hiệu nhằm tuyên truyền vận động bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào DTTS./.

Hoài Phương
13/09/2023 09:25