(ĐCSVN) – Để khuyến khích bà con dần chuyển đổi diện tích lúa một vụ sang trồng bắp có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập gấp từ 3 đến 5 lần trên một đơn vị diện tích so với trồng lúa cán bộ xã phải là người bạn đồng hành với và con, cùng xuống làm, cùng lắng nghe, chia sẻ với bà con…
Ai đã từng đến mảnh đất Đinh Lạc (huyện Di Linh) tỉnh Lâm Đồng từ những năm 2015, và có dịp trở lại đây vào thời điểm này sẽ thấy Di Linh hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Các thôn, bản của xã được bê tông hóa 100% từ quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống vật chất và tinh thần của bà con nhân dân có những đổi thay theo hướng tích cực; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu được xóa bỏ, vấn đề y tế, giáo dục ngày một được quan tâm.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Trần Thị Tâm cho biết: Xã Đinh Lạc có hơn 11 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22%, đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện toàn Huyện còn 0,97% hộ nghèo, xã còn 28 hộ nghèo tập trung chủ yếu ở 2 thôn KaoKuil và thôn Duệ. Đảng ủy xã xác định cần triển khai các chính sách cụ thể để đưa 28 hộ này thoát nghèo.
Cùng với các chủ trương từ huyện Di Linh, UBND xã Đinh Lạc đã thực hiện Nghị quyết 37-NQ/ĐU ngày 22/2/2017 của Đảng ủy xã về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, giai đoạn 2016- 2020 và Nghị quyết của HĐND xã về phát triển kinh tế- xã hội hằng năm. Trong đó, ban hành nhiều chủ trương, dự án, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, đào tạo nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Xã Đinh Lạc lựa chọn thôn KaoKuil và thôn Duệ, là hai thôn nghèo của xã, đa số đồng bào sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, tổng diện tích 283,39 ha, năng suất ước tính 5 tạ/ha. Đa phần bà con chỉ canh tác một vụ, diện tích đất bỏ hoang nhiều do thiếu nước tưới, vì vậy đời sống của bà con vô cùng khó khăn.
Bí thư Đảng ủy xã Đinh Lạc Trần Thị Tâm nhấn mạnh: “Lãnh đạo xã xác định, để thay đổi được nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng không phải là câu chuyện có thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai, bởi bà con đã quen sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp truyền thống từ lâu đời, phương thức canh tác không thay đổi. Xác định được những khó khăn phải vượt qua, lãnh đạo xã lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng, trong đó tập trung vận động trưởng thôn và những người có uy tín trong đồng bào thực hiện làm mẫu trước, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Cùng với đó, UBND xã đã phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các bộ phận chuyên môn và cán bộ phụ trách, tổ chức các cuộc họp chuyên đề triển khai chủ trương đến bí thư, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn, đoàn thể các thôn như phát triển bò sữa hay chuyển đổi lúa 01 vụ sang trồng bắp, chuyên đề trồng dâu nuôi tằm… trồng xen đa cây, đa con, tăng thu nhập trên một diện tích và triển khai, lồng ghép các cuộc họp ở thôn; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn qua đài truyền thanh, tổ chức tập huấn khuyến nông viên.
Xác định rõ vai trò của trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, cán bộ công tác mặt trận, những người gần gũi, trực tiếp tiếp xúc với bà con, bởi vậy xã đã phát huy vai trò của đội ngũ trưởng thôn và bí thư chi bộ trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc Nguyễn Thị Gái cho biết: UBND xã đã tổ chức cho đội ngũ bí thư, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trện các thôn đến tham quan, tìm hiểu và học hỏi mô hình chăn nuôi bò sữa, mô hình bắp, hiệu quả ở Xã Tutra huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Qua mô hình tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng bắp năm 2017, bà con đi tham quan tai nghe mắt thấy, sử dụng lượng nước ít hơn so với canh tác lúa nước, thời gian sản xuất ngắn, năng xuất cao, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, UBND xã, sự quyết tâm của đội ngũ trưởng thôn, bí thư chi bộ các thôn, năm 2017 xã vận động được 125 hộ chuyển đổi 35 ha, năm 2018 vận động được 63 hộ chuyển đổi 30ha, năm 2019 vận động được 47 hộ với 16,54ha, năm 2020 xã đã vận động tiếp 29 hộ chuyển đổi 13 ha và những tháng đầu năm 2021 xã đã vận động được 9,64 ha/23 hộ, diện tích còn lại. Hiện nay do hiện tượng sâu keo đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả cây bắp, vì vậy xã đang hỗ trợ bà con xử lý đất.
Cùng với đó, xã đã mời Công ty Vinamilk về làm việc tại thôn Kao Kuil, lồng ghép qua các cuộc họp, tuyên truyền, vận động qua đài truyền thanh. Đến nay đã có 63 hộ đã chuyển đổi trồng lúa sang trồng ngô NK 7328, và một số hộ dân đã ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Vinamilk. Năng suất bắp vụ đông xuân đạt từ 4,0-4,5 tấn/sao và sản lượng đạt từ 40- 45 tấn/ha, với giá bà con thỏa thuận với công ty thì so ra việc chuyển đổi từ lúa 1 vụ sang trồng ngô lời gấp 3 lần.
Bí thư Đảng ủy xã Đinh Lạc Trần Thị Tâm khẳng định: Để khuyến khích bà con dần chuyển đổi diện tích lúa một vụ sang trồng bắp có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập gấp từ 3 đến 5 lần trên một đơn vị dện tích so với trồng lúa cán bộ xã phải là người bạn đồng hành với và con, cùng xuống làm với bà con. Cán bộ được giao địa bàn thường xuyên tới tận nhà, xuống tận ruộng hướng dẫn, trao đổi tận tình với lời nói ngắn gọn, dễ hiểu và thực hành ngay tại đồng ruộng…
Trong quá trình triển khai, cán bộ xã cũng khuyến khích bà con nêu ra những ý kiến, quan điểm của mình để cùng phân tích, kết luận từ đó giúp bà con nhớ lâu, đưa ra các hộ điển hình trồng bắp có thu nhập cao để biểu dương, khen thưởng…
“Tôi đến ngồi nói chuyện, cùng uống rượu chia sẻ với bà con về chính sách, rồi nói xã có hỗ trợ nếu tận dụng thì sẽ giúp cuộc sống thay đổi. Ban đầu không ai nghe, không ai tin, vì không có gì làm bằng chứng để bà con thấy rằng trồng cây khác sẽ tốt hơn cây lúa. Chúng tôi cũng là những người đầu tiên được tham gia các chuyến tham quan, học hỏi mô hình trồng xen canh cây mắc ca, bơ, sầu riêng, rau, hoa, chăn nuôi bò sữa, trồng dâu nuôi tằm và các mô hình trồng xen canh khác tại xã Hòa Nam, Hòa Trung, xã Tutra huyện Đơn Dương do xã Đinh Lạc tổ chức. Nhìn cơ ngơi của đồng bào mình ở Đơn Dương, chúng tôi thấy có thêm động lực để thực hiện”. Bí thư Chi bộ thôn Kaokuil, K' Bróp chia sẻ.
6 đảng viên trong chi bộ thôn đã vận động, cầm tay chỉ việc hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nâng cao đời sống. Bí thư Chi bộ miệng nói tay làm, ông K'Bróp tiên phong đi trước, mặc dù gia đình ông chỉ có 2 sào đất do con trai quản lý, ông vận động con trai đăng ký thực hiện chuyển đổi, hiện cho thu nhập ổn định.
Bí thư Chi bộ K'Bróp khoe: “Nhờ kinh nghiệm thực tế của gia đình mà tôi vận động thành công được 02 hộ khó tính nhất thôn chuyển đổi hơn 2ha diện tích đất trồng lúa một vụ sang trồng ngô. Hiện nay thu nhập của các hộ dân này đã ổn định, đời sống được nâng lên. Tôi vinh dự là một trong những bí thư chi bộ tiêu biểu được huyện tuyên dương”.
|
|
Từ việc chuyển đổi diện tích lúa một vụ sang trồng bắp, hiện nay thu nhập của các hộ dân đã ổn định, đời sống được nâng lên. |
“Cán bộ xã rất nhiệt tình và tích cực trong việc chia sẻ, hướng dẫn quan tâm bà con, thường xuyên xuống đôn đốc bà con. Nhiều cán bộ xã đã dành thời gian xuống đồng cùng giúp bà con chữa sâu bệnh, dạy bà con cách chăm sóc, bảo vệ đất để năng suất cây trồng năm sau cao hơn năm trước”. Nông dân Kren một trong bảy hộ ở thôn Kaokuil đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng chia sẻ với chúng tôi.
Vừa nói, vừa chỉ về gần một mẫu ngô đang trong quá trình sinh trưởng, ông Kren khoe: “Tôi đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô. Từ năm 2016 đến nay, gia đình chuyển được một mẫu đất từ lúa một vụ sang trồng ngô và trồng lúa. Cây ngô dễ chăm bón hơn cây lúa, thời gian sinh trưởng ngắn và sản lượng cao và ổn định hơn cây lúa. Mỗi vụ ngô tôi thu được hơn 60 tấn, trừ chi phí mỗi một vụ tôi thu về hơn 30 triệu tiền lãi”.
Theo ông Kren, do nguồn nước không đủ, để ngô sinh trưởng tốt, ông cùng các hộ xung quanh mua máy bơm, bơm nước từ hệ thống mương, ông đã đầu tư hệ thống tưới tự động để cung cấp đủ độ ẩm cho đất, giúp ngô sinh trưởng tốt, tránh sâu bệnh.
“Bản thân tôi cũng rất đồng bào mình thay đổi cách nhìn, thay đổi cách làm để từ đó thay đổi cuộc sống. Thời đại ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển thì phải áp dụng vào sản xuất chứ không thể trông vào thời tiết như trước kia. Đặc biệt là phải tin vào cán bộ, những người hiểu rõ về khoa học kỹ thuật, những người nông dân đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng…”- Ông Kren tâm sự.
Là người con của thôn Duệ, Trưởng thôn K'Brép vui mừng khi thấy cuộc sống của đồng bào mình mỗi ngày một đổi thay. Từ việc chỉ trồng lúa một vụ, từ việc chỉ làm đủ ăn, đến nay nhiều hộ gia đình trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cây cà phê sang trồng mắc xa, sầu riêng; nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nuôi dê, nuôi bò, đa dạng các loại cây trồng… đời sống vật chất của bà con thay đổi, trẻ em được quan tâm cho đi học, các tập tục lạc hậu cũng dần được xóa bỏ, đặc biệt hiện nay không còn tình trạng kết hôn cận huyết thống.
Cùng với đó đời sống văn hóa, tinh thần của bà con cũng được nâng lên đáng kể. “Trước đây họp thôn chủ yếu là dành thời gian để tuyên truyền, vận động bà con về các chủ trương, chính sách của Đảng. Hiện ngoài việc phổ biến các chủ trương, chính sách đó thì bà con còn dành thời gian chia sẻ với nhau về cuộc sống, về gia đình, vận động và con tham gia tổ hợp tác, thực hiện theo mô hình khuyến công, nhiều hộ chia sẻ cách làm giàu thành công và giao lưu văn nghệ. Niềm vui của thôn là hộ nghèo mỗi năm lại giảm, nếu năm 2019 cả thôn còn 10 hộ nghèo/320 hộ thì năm 2020 chỉ còn 5 hộ”. Ông K'Brép cho biết.
Bí thư Đảng ủy xã Trần Thị Tâm khẳng định: Để có được những kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, thực hiện tốt chủ trương của đảng, sự hỗ trợ các chương trình, dự án của cấp trên và ban dân vận xã… đã giúp đỡ và xây dựng các mô hình điểm, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Đặc biệt là vai trò không nhỏ của lực lượng khuyến nông cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác dân vận khéo gắn liền với nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định là cầu nối giữa bà con với “bốn nhà” là chỗ dựa vững chắc giữa bà con với hệ thống chính trị từ xã đến thôn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi từ diện tích lúa trồng một vụ sang trồng bắp thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Chia sẻ về câu chuyện làm dân vận ở Di Linh, đồng chí Bí thư Huyện ủy Đinh Văn Tuấn vừa chỉ về phía cánh đồng lúa ở trung tâm thị trấn, vừa nói: “Nói thì nhà báo không tin, nhưng đó sự thật ở Di Linh của chúng tôi đây. Cùng thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình, cơ cấu cây trồng nhưng cánh đồng ngay tại thị trấn Di Linh bao nhiêu năm nay không thực hiện được, nhưng ở xã Đinh Lạc và một số xã khác đã có những chuyển biến thực sự, bà con không chỉ thay đổi ý thức sản xuất, mà các tập tục lạc hậu không còn phù hợp cũng dần được xóa bỏ. Qua đó cho thấy vai trò thực sự của công tác dân vận, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Chỉ cần chủ trương đúng, lãnh đạo cơ sơ sát sao, cách thức triển khai phù hợp với đặc điểm, tình hình thì chắc chắn sẽ thành công. Hơn hết để công tác dân vận thành công ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cán bộ phải nói đi đôi với làm, tạo niềm tin trong đồng bào”.
Huyện đã thực hiện tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình dân vận, từ đó chỉ ra những điểm hạn chế còn tồn tại, từ đó yêu cầu Ban Dân vận, chính quyền các xã phải có kế hoạch thay đổi cách thức tuyên truyền, vận động với những mô hình đã thực hiện nhưng chưa hiệu quả. Mặt khác kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình có hiệu quả thiết thực. Bí thư Huyện ủy Di Linh cho biết./.