(ĐCSVN) – Bắc Giang phải tổ chức thi đợt 2 cho hơn 3.000 thí sinh của tỉnh và 51 thí sinh của 7 tỉnh bạn. Khi dịch bùng phát, hơn 300 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, hầu hết giáo viên, cán bộ, nhân viên tham gia các mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương; nhiều người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly, hỗ trợ ngành Y tế, công an, quân đội trong các hoạt động chống dịch...
“Có thể nói, đây là thử thách rất lớn với ngành Giáo dục Bắc Giang khi phải làm sao vừa duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, hoàn thành nhiệm vụ năm học.” – Đó là chia sẻ của đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về 1 năm học đặc biệt, một kỳ thi đặc biệt và cũng nhiều thành tích đặc biệt.
Vượt khó khăn, tìm giải pháp
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, trước hết, xin được chúc mừng Bắc Giang vừa khống chế thành công đợt dịch COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh. Nhưng cũng trong bối cảnh đó cho thấy, ngành giáo dục trong tỉnh đã trải qua một năm học đầy biến động và khó khăn, xin đồng chí chia sẻ những khó khăn, vất vả đó, cũng như những giải pháp mà tỉnh đã chỉ đạo để hoàn thành năm học 2020-2021?
Đồng chí Mai Sơn: Năm học 2020-2021 là năm học đặc biệt khó khăn với ngành Giáo dục, bởi diễn ra trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang trở thành tâm dịch từ đầu tháng 5, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó có ngành Giáo dục.
Các hoạt động giáo dục phải tạm dừng hoặc giảm quy mô, thay đổi hình thức. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp khiến hơn 3.000 thí sinh lớp 12 không thể dự thi tốt nghiệp đợt 1 ngày 7-8/7/2021; cận ngày thi, phát sinh tình huống thí sinh thuộc các diện F0, F1, F2 và các thí sinh thuộc vùng cách ly y tế, phong tỏa không thể dự thi đợt 1, gây khó khăn cho công tác tổ chức coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Sở GD&ĐT phải tổ chức thi đợt 2 cho hơn 3.000 thí sinh của tỉnh và 51 thí sinh của 7 tỉnh bạn (ngày 7-8/8/2021). Mặt khác, hơn 300 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, hầu hết giáo viên, cán bộ, nhân viên tham gia các mặt trận phòng, chống dịch. Trong bối cảnh khó khăn đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” để duy trì các hoạt động giáo dục, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2020-2021 và năm 2021, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục khẩn trương chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác để hoàn thành nội dung, chương trình theo kế hoạch. Đối với những học sinh thuộc diện F1, F2 các nhà trường chủ động kiểm tra học kỳ II bù bằng hình thức phù hợp để hoàn thành chương trình năm học, không phải điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học (Bắc Giang là một trong những địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, thi để kết thúc năm học đúng tiến độ, trước khi dịch bùng phát trên địa bàn).
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với các ngành, nhất là Y tế, công an và UBND huyện, thành phố xây dựng kịch bản, phương án tổ chức các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Đặc biệt là sự thành công của 03 kỳ thi: thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh, thi tốt nghiệp THPT (2 đợt) và thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022.
Đối với 02 kỳ thi tốt nghiệp THPT (2 đợt) và thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 vì diễn ra trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thi tỉnh; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các ngành, các địa phương phối hợp với ngành Giáo dục trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo đúng các kịch bản phù hợp với thực tiễn: Rà soát các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc trong khu vực cách ly, phong tỏa...; tổ chức điểm thi, phòng thi riêng cho những đối tượng này để bảo đảm an toàn; chỉ đạo Sở Y tế phối hợp xây dựng các kịch bản bảo đảm ATVSTP, phòng chống dịch COVID-19 tại từng điểm thi; chủ động, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị chăm sóc, điều trị phục vụ Kỳ thi theo phương châm “Bốn tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống; chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trên 2,2 nghìn cán bộ làm thi và test nhanh cho tất cả cán bộ làm thi...
Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác truyền thông. Ngành Giáo dục chủ động cung cấp thông tin đầy đủ cho các phóng viên Trung ương và địa phương truyền thông sâu rộng về công tác tổ chức coi thi; tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên tác nghiệp, đưa tin về các Kỳ thi đúng quy định để dư luận xã hội hiểu và đồng thuận. Đã có gần 20 cơ quan báo chí, truyền hình của Trung ương đưa tin về tổ chức kỳ thi và các hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo hoàn thành tiến độ thực hiện đổi mới chương trình, SGK. Công tác chuẩn bị đổi mới chương trình, SGK lớp 2, lớp 6 năm học tới vẫn diễn ra theo đúng tiến độ. Chỉ đạo các địa phương, các ngành, trong đó có ngành Giáo dục – Đào tạo khẩn trương xây dựng Kế hoạch Khôi phục các hoạt động giáo dục gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới...
Nhiều thành tích nổi trội
PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết những kết quả chung đạt được trong lĩnh vực giáo dục năm học vừa qua tính tới thời điểm này?
Đồng chí Mai Sơn: Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục vẫn triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, quy mô trường lớp được quy hoạch, sắp xếp hợp lý, bảo đảm tinh giảm đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 761 cơ sở giáo dục (giảm 7 cơ sở so với cùng kỳ năm trước), hoàn chỉnh quy hoạch giáo dục tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên đã hoàn chỉnh phương án, được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua.
Thứ hai, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Năm 2020, tỉnh đã tuyển dụng 1.418 chỉ tiêu, năm 2021 tiếp tục tuyển dụng 560 chỉ tiêu. Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT mới giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Năm 2021 có 7 nhà giáo của tỉnh được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.
Thứ ba, cơ sở vật chất được tăng cường, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Tỷ lệ kiên cố hóa toàn tỉnh đạt 91,3%. Số trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 691 trường đạt tỷ lệ 92,1%. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thứ tư, duy trì kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp học trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực và toàn quốc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 100% các huyện, thành phố đạt PCGD mầm non 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3 và PCGD THCS mức độ 2 (trong đó có 7/10 huyện, thành phố đạt mức độ 3).
Thứ năm, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GDPT; tổ chức thành công các kỳ thi trong bối cảnh dịch COVID-19, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Chất lượng giáo dục các cấp học được duy trì.Thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia đạt 58 giải, trong đó 16 giải Nhì, 16 giải Ba; môn Lịch sử 10/10 em đạt giải; xếp thứ 9 toàn quốc về số lượng giải. Có 02 học sinh được tham dự vòng 2 (chọn đội tuyển thi Olympic môn Hóa học, Vật lý). Đặc biệt, có 01 học sinh đạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu năm 2021. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT sơ bộ đạt 98,95%; có 01 học sinh đạt Thủ khoa khối A1 toàn quốc.
PV: Được biết, trong thời gian vừa qua, Bắc Giang được biết đến với những tấm gương có thành tích học tập nổi trội trong kỳ thi tốt nghiệp và thi quốc tế, đồng chí cho biết cụ thể về các tấm gương đó, và tỉnh đã có những biện pháp gì để khuyến khích và động viên các em?
Đồng chí Mai Sơn: Năm 2021, Bắc Giang có 01 học sinh đạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu, là em Nguyễn Thanh Bình - học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Ngày 30/6/2021 Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt, tuyên dương, tặng bằng khen cho em với thành tích xuất sắc này. Tại đây, một số tổ chức doanh nghiệp đã trao thưởng cho em với tổng số tiền 86 triệu đồng.
Cũng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, Bắc Giang có 01 học sinh đạt Thủ khoa khối A1 toàn quốc và Thủ khoa của tỉnh khối D. Đó là em Thân Trọng An, học sinh Trường THPT Lục Nam. Chủ tịch UBND tỉnh đã kịp thời tặng bằng khen cho em với thành tích xuất sắc này.
Ngày 17/8/2021 vừa qua, tỉnh đã tổ chức Lễ trao tặng Danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 15 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021. Tại buổi lễ tỉnh đã tuyên dương, khen thưởng 62 học sinh đạt giải văn hóa và Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và 55 giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Trên 3.000 cán bộ, nhà giáo, người lao động bị ảnh hưởng việc làm
PV: Thưa đồng chí, dịch bệnh làm ảnh hưởng lớn tới đời sống, việc làm của đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh, Bắc Giang đã và đang có những giải pháp như thế nào để họ yên tâm gắn bó với nghề?
|
|
Trong bối cảnh khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời đến giáo viên, học sinh nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch của năm học. |
Đồng chí Mai Sơn: Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của nhiều nhà giáo, người lao động, nhất là cán bộ công tác ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Theo thống kê của ngành Giáo dục, có trên 3.000 cán bộ, nhà giáo, người lao động bị ảnh hưởng; trong khi đó, các cơ sở giáo dục ngoài công lập vừa không có nguồn thu do học sinh không đến trường, vừa phải trả chi phí thường xuyên như thuê mặt bằng, duy trì đóng bảo hiểm cho giáo viên, nên rất khó khăn.
Để kịp thời động viên đội ngũ thầy, cô giáo, người lao động ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang yên tâm công tác, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục thường xuyên nắm bắt thông tin về diễn biến tình hình dịch COVID-19 để có những chỉ đạo xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra; quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ các thầy, cô giáo, người lao động bị nhiễm bệnh và đi cách ly tập trung.
Chỉ đạo ngành Giáo dục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục hiểu rõ, rà soát, thống kê và lập danh sách các nhà giáo thuộc diện được hỗ trợ theo Kế hoạch số 325/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đến nay, các cơ sở giáo dục đang tích cực triển khai thực hiện, hy vọng sẽ giảm phần nào khó khăn, động viên nhà giáo chia sẻ khó khăn chung của tỉnh, của đất nước trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay.
PV: Xin cảm đồng chí đã trả lời phỏng vấn!