leftcenterrightdel

Tiên phong trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế

Với điều kiện thực tiễn, trước đó tổ chức bộ máy của Hà Giang còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Chức năng, nhiệm vụ giữa một số cơ quan tham mưu, giúp việc còn trùng lắp, chồng chéo, chưa liên thông; tổ chức bộ máy của một số sở, ngành còn chưa tinh gọn, các đơn vị sự nghiệp số lượng nhiều nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19, Tỉnh ủy Hà Giang đã chủ động xây dựng Đề án số 22-ĐA/TU, ngày 08/02/2018 về tổng thể đổi mới, sắp xếp các cơ quan trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy đã thống nhất thí điểm thực hiện hợp nhất các mô hình về tổ chức bộ máy tại cấp tỉnh và cấp huyện cần phối hợp về chức năng, nhiệm vụ, như: Thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh; hợp nhất Ban Tổ chức huyện ủy, thành ủy với phòng Nội vụ huyện, thành phố và Ủy ban Kiểm tra huyện ủy, thành ủy với Thanh tra huyện, thành phố; hợp nhất Trường Trung cấp kinh tế với Trường Cao đẳng nghề, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp sở...

Cùng với việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Hà Giang đã báo cáo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết sáp nhập 4 xã thành 2 xã gồm: Xã Nậm Dịch với xã Bản Péo thuộc huyện Hoàng Su Phì, xã Ngán Chiên với xã Trung Thịnh thuộc huyện Xín Mần. Các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần đã chủ động tập trung quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, ý nghĩa của việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, đảm bảo sự đồng thuận cao; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, ổn định đời sống của nhân dân.

Trong quá trình hoạt động sau hợp nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu sơ kết đánh giá kết quả để thống nhất giải pháp triển khai phù hợp. Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, tỉnh đã tiến hành tổng kết mô hình thí điểm hợp nhất một số cơ quan, đơn vị. Kết quả, Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo cho chủ trương thôi hợp nhất đối với những cơ quan cấp tỉnh, gồm: Ban Tổ chức - Nội vụ, Ủy ban kiểm tra - Thanh tra; tiếp tục duy trì mô hình hoạt động hiệu quả, gồm Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh,các trung tâm trực thuộc Sở Y tế...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong tình hình thực tiễn hiện nay của Hà Giang, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án số 29/ĐA-UBND, ngày 31/5/2021 về kiện toàn, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và các phòng chuyện môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Nghị định 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các sở, ban, ngành đã rà soát, sửa đổi, bổ sung đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị gắn với sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong cho phù hợp; rà soát, sắp xếp các phòng chuyện môn theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật. Công tác quản lý biên chế được thực hiện theo đúng quy định.

Tổng số biên chế công chức và số lượng người làm việc hiện nay của tỉnh Hà Giang là 26.379 chỉ tiêu, trong đó: 2.104 biên chế công chức; 23.872 chỉ tiêu số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp; 132 chỉ tiêu tại các Hội; hợp đồng theo Nghị định 68 là 271 chỉ tiêu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh thực hiện giảm trừ được 704 chỉ tiêu so với năm 2020, hoàn thành mục tiêu giảm 10% biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.

leftcenterrightdel
 

Nhìn lại kết quả xây dựng bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua

Có thể khẳng định trong điều kiện không ít khó khăn khi triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy nhưng với quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, mở rộng dân chủ trong thảo luận phương án sắp xếp, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức nên các mô hình thí điểm của tỉnh cũng đã đạt được hiệu quả bước đầu. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã lãnh đạo thực hiện đúng quy trình, lựa chọn được những cán bộ có đạo đức tốt, có năng lực, trình độ, có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không mưu cầu lợi ích cá nhân… để bố trí, sắp xếp vào các vị trí chủ chốt, tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong hành động và triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để có được những kết quả đó, Tỉnh ủy Hà Giang đã phải thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Trong lãnh đạo, điều hành giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, bám sát vào chủ trương, đường lối của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn của địa phương, xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Vì vậy, Tỉnh ủy Hà Giang đã nghiêm túc quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo ban hành các đề án, kế hoạch với nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39- NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, khi tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh. Với cách làm thận trọng, từng bước, chắc chắn nên việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đó là: Công tác đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy có nội dung còn biểu hiện nóng vội; việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các sở, ngành, gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự hiệu quả; việc nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi chưa chưa kịp thời.

Qua quá trình thực hiện, nhận thấy những hạn chế, vướng mắc nêu trên có nguyên nhân khách quan do việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tác động tới lợi ích của nhiều người; khi triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy, chưa có hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, trong đó có việc xác định cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư chưa thực sự hợp lý, khoa học. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa toàn diện, chưa quyết liệt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu còn thiếu sự quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện...

Từ thực tế đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2021 đã rút ra bài học kinh nghiệm đối với công tác xây dựng Đảng, đó là: Phải thường xuyên quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chú trọng năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ; mạnh dạn giao nhiệm vụ, phân công cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số để đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Kỷ luật kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

leftcenterrightdel

 Trao đổi kinh nghiệm giữa các thế hệ cán bộ của xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang. (Ảnh: TTXVN)

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Có thể thấy để xây dựng được hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII “xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là một nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, vì vậy, để thực tốt chủ trương trên, Tỉnh ủy Hà Giang đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, xây dựng và ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Tỉnh ủy về đổi mới công tác cán bộ giai đoạn 2021 - 2025.

Hai là, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xác định: Ban hành các nghị quyết, chỉ thị, đề ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tạo sự thống nhất, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch đề ra với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, xác định rõ vai trò, trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội. Sắp xếp tổ chức, bộ máy phải gắn chặt chẽ với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo vị trí việc làm. Thực hiện tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo sự đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế theo mục tiêu đề ra.

Ba là, tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó ở các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện theo đúng quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Khẩn trương thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, giảm số lượng cấp phó ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo đúng Nghị định của Chính phủ gắn với thực hiện Nghị quyết về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ giai đoạn 2021 - 2025

Bốn là, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, các chương trình, đề án về tổ chức, bộ máy tìm ra những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả để phổ biến, nhân rộng. Trước mắt, tập trung tiến hành sơ kết, đánh giá những mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục quan tâm việc kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã và sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế giai đoạn 2021 - 2026.

Năm là, cùng với việc kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó cần tập trung rà soát hoàn thiện quy chế làm việc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền cho các cơ quan tham mưu và các cấp chính quyền đảm bảo giải quyết các công việc nhanh, hiệu quả, tránh chồng chéo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, triển khai có hiệu quả khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh và mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số; chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình hợp tác với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ các cấp được nêu trong kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm để tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị. Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng trong Đảng bộ, giai đoạn 2021 - 2025.

leftcenterrightdel
 

Từ thực tiễn và kết quả đạt được cho thấy, việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị, gắn với việc thực hiện việc tinh giản biên chế của Hà Giang trong thời gian qua là chủ trương đúng đắn, khoa học, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, theo đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn đã nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu, tiết kiệm chi phí hoạt động và giảm gánh nặng cho ngân sách, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua, Tỉnh ủy Hà Giang quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; phấn đấu trở thành một trong những địa phương thực hiện hiệu quả trong việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

 
Đặng Quốc Khánh, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang
19/07/2021 15:59