leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) - Từ những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, 5 bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh rút ra. Trong đó, bài học đầu tiên là chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là sự gương mẫu, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Gần dân, sát dân, chủ động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân

Chỉ trong 3 tháng triển khai mô hình “Ngày thứ 7 với Dân” ở Đảng bộ thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, cán bộ, công chức phối hợp với cấp ủy chi bộ và nhân dân đã thực hiện phát quang, dọn vệ sinh, cắt tỉa, trồng mới 3 km đường hoa với 300 cây xanh ở một số tuyến đường. Vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp công sức, tiền của để làm đường điện chiếu sáng với tổng số tiền 230 triệu đồng. Kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn, hộ khó khăn đột xuất trong dịp Tết với tổng số tiền 90 triệu đồng...

leftcenterrightdel
Mô hình "Ngày thứ Bảy với dân" đã giúp cán bộ và nhân dân gần nhau hơn. (Ảnh: hanam.gov.vn) 
 

Việc thực hiện mô hình cho thấy, không chỉ vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được phát huy mà mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Dân cũng được tăng cường, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Mô hình “Ngày thứ 7 với dân” chỉ là một trong số rất nhiều mô hình được nhân rộng, cho thấy hiệu quả mà các cấp ủy đảng ở Hà Nam triển khai trong thời gian qua. Từ năm 2017 đến tháng 8/2020, toàn tỉnh đã triển khai hơn 1.000 mô hình, trong đó có 03 mô hình cấp tỉnh, 187 mô hình cấp huyện và tương đương, 837 mô hình cấp cơ sở.

Song song với việc triển khai các mô hình, nhiệm kỳ 2015-2020, Hà Nam đã tích cực tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Năm 2017, Thường trực Tỉnh ủy có buổi đối thoại với đoàn viên, thanh niên; với công nhân khu công nghiệp. Năm 2018, riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có 2 buổi đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhân dân xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm và với hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Năm 2019, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp tục có buổi đối thoại với nhân dân tại xã Chính Lý, huyện Lý Nhân. 6/6 huyện, thành phố đều tổ chức tốt các buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các cơ quan, đơn vị và nhân dân.

leftcenterrightdel

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có cuộc đối thoại với cán bộ, đảng viên (CBĐV), nhân dân xã Chính Lý (Lý Nhân) - Ảnh: Báo Nhân dân

Năm 2018, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành kế hoạch về đối thoại của người đứng đầu UBND tỉnh với nhân dân trên địa bàn. Năm 2019, Quy chế trách nhiệm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân tiếp tục được ban hành và thực hiện nghiêm túc, giúp tháo gỡ kịp thời những phát sinh, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Đây chính là yếu tố góp phần quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Hà Nam cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ.

Làm rõ thêm về vấn đề này, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt”, Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

Trong nhiệm kỳ, công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Do đó, Hà Nam chú trọng xây dựng mô hình điểm, việc đăng ký làm theo Bác của các tập thể, cá nhân được gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết những vấn đề khó khăn ở địa phương, cơ quan, đơn vị; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Nhiệm kỳ Đại hội XIX cũng ghi dấu ấn khi Hà Nam đã tập trung thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu quả. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhất là việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự thủ tục, thẩm quyền theo đúng quy định. Thực hiện các mô hình thí điểm theo Kết luận 34 của Bộ Chính trị, hợp nhất chức danh người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị cấp huyện. Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cán bộ gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; thực hiện tốt các chế độ, chính sách cán bộ...

Đổi mới phong cách, lề lối làm việc, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Hoàng Thuyên, Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm phát biểu tại chương trình đối thoại với công nhân lao động 
 

Với mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 5 năm tới là: Tăng cường đoàn kết, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Hà Nam xác định 3 khâu đột phá trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hoá nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh Hà Nam xác định tập trung đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng; chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quy chế làm việc của cấp ủy; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hệ thống chính trị. Nêu cao tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao gắn với tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ theo đúng vị trí việc làm; thực hiện tuyển dụng cán bộ theo đúng quy định, lấy chất lượng làm trọng, bảo đảm tuyển dụng được cán bộ có đức, có tài, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
CBCS Công an huyện Bình Lục đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD tại nhà
cho người già yếu, tàn tật, không có khả năng đi lại trên địa bàn huyện. (Ảnh: hanam.gov.vn)
 

Đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ; tạo môi trường để cán bộ rèn luyện, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên hằng năm, đảm bảo thực chất. Thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển đảng, nhất là tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên; phát triển các tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Quản lý chặt chẽ đảng viên, rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Tăng cường, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng nhất là công tác dân vận của chính quyền gắn với thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương, tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đơn vị với nhân dân và kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của dân.../.

Thực hiện: Minh Châu - Ảnh: Báo Hà Nam

 

 

20/09/2020 14:26