Không khó để nhận ra Hiếu cùng gian trưng bày Dự án "Hoa Ốc" ở Sảnh Nhà Văn hóa Thanh niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, thành phố Hồ Chí Minh. Gian trưng bày đặc biệt bởi những sản phẩm giản dị, tinh tế, bởi cô gái ngồi trên chiếc xe lăn với nụ cười hiền dịu và tự tin, và đặc biệt nhất, rất đông những người trẻ, họ đến đây các tối cuối tuần, bên Hiếu, cùng nhau tạo nên những cảm hứng đẹp đẽ cho cuộc sống, tìm ra những hướng đi, bắt đầu những hành trình khởi nghiệp.
Sinh ra với cơ thể lành lặn, bỗng chốc trở thành người khuyết tật sau cơn sốt bại liệt năm 4 tuổi, Trần Thị Ngọc Hiếu (quê Đồng Nai) phải gắn liền cuộc sống với chiếc xe lăn bởi đôi chân co rút không đi lại được và bàn tay phải yếu ớt. Không đầu hàng số phận, Hiếu cháy bỏng giấc mơ vươn mình ra khỏi cánh cổng nhà, nơi nhiều năm đứa bé tàn tật như cô đã tự ti trú núp, để biết thế giới bên ngoài, để học hỏi. Những suy nghĩ ấy đã thôi thúc Hiếu đưa ra một quyết định táo bạo, lên thành phố Hồ Chí Minh, làm việc tại một công ty sản xuất tranh đá quý. Dù bàn tay không được linh hoạt nhưng Hiếu vẫn chăm chỉ, quyết tâm theo đuổi công việc. Tác phẩm đầu tiên hoàn thành, cô bật khóc vì biết mình đã có thể tự tin đứng trong cuộc đời này.
Dù công việc làm tranh đá quý giúp Hiếu có một công việc để sống, nhưng trong cô vẫn ấp ủ những dự định lớn lao hơn, không chỉ để cho riêng bản thân. Và điều đó đã đến, định hướng lại con đường đi của cuộc đời cô. Đó là năm 2014, một khách hàng biết đến Hiếu ngỏ ý nhờ cô làm các sản phẩm thủ công từ vỏ ốc để giới thiệu ra nước ngoài. Đứng trước cơ hội thay đổi, trong lòng Hiếu không khỏi hoang mang, do dự.
|
|
Không giống như các sản phẩm thủ công khác, tranh làm từ vỏ ốc đòi hỏi sức sáng tạo và sự khéo léo. |
Và Hiếu đã lặng lẽ ra biển, giữa một trưa nắng chói.
Ngắm nhìn những vỏ ốc lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, Hiếu chợt nhận ra nó thật đẹp, mà đôi chân cô thì không thể đứng lên, đi tới để chạm vào nó. Giây phút ấy, Hiếu dùng hết sức, dùng tay rời chiếc xe lăn để đôi chân liệt cảm nhận sức nóng của cát, chạm vào vẻ đẹp của những chiếc vỏ ốc lấp lánh. Khi chân trầy xước, Hiếu quyết định: “Mình sẽ biến những thứ vừa làm đau mình thành sản phẩm nghệ thuật”.
Rời biển về, Hiếu quên ăn quên ngủ lao vào nghiên cứu làm tranh từ vỏ ốc.
Hiếu không sản xuất tranh từ vỏ ốc theo kiểu đại trà. Không giống như các sản phẩm thủ công khác, tranh làm từ vỏ ốc đòi hỏi sức sáng tạo và sự khéo léo, mỗi bức tranh phải có hình dáng, chi tiết và ý nghĩa khác nhau. Vỏ ốc được Hiếu gom góp từ dọc các vùng biển. Những vỏ ốc dù lành lặn hay đã vỡ, đều được cô khéo léo sử dụng, làm nên những tác phẩm đẹp mắt, tạo ra ý nghĩa riêng. Hiếu muốn tạo ra các sản phẩm bằng tất cả tình yêu thương từ trái tim, và mong muốn nó chạm đến trái tim của người khác. Hiếu cho biết, sản phẩm cô làm ra đều từ những cảm nghiệm của bản thân. Khi làm được bức tranh từ những vỏ ốc xù xì, cô thấy chúng được gắn kết lại với nhau trông rất đẹp. Cũng nhờ cách nhìn ấy, cô đã nhận ra, sự gắn kết của cô với bạn bè, với những người cùng cảnh ngộ, cùng giúp nhau, cùng truyền cảm hứng mới thật sự mang lại ý nghĩa cho cuộc đời.
Nhờ vào lần hợp tác làm các sản phẩm thủ công từ vỏ ốc khá thành công đó, Hiếu đã tìm ra con đường đi mới cho mình. Và cũng chính những vỏ ốc ấy đã khiến cô tìm ra bản ngã của bản thân. "Vỏ ốc có sẵn ngoài biển, nó được xem như rác. Nhưng khi mang vỏ ốc về làm tranh, rác ấy được tái sinh, làm nên sản phẩm có giá trị. Mỗi chiếc vỏ ốc dù có vụn, nát cũng có những hình thù tạo nên vẻ đẹp riêng, giống như cách mình nhìn nhận cuộc đời bằng nhiều hướng. Bản chất của con người là ngại thay đổi, ngại thử thách. Khi bước vào một lĩnh vực mới tôi cũng lo, cũng ngại, nhưng rồi lại tự động viên mình: phải thoát khỏi “vùng an toàn” là bước ra khỏi “vỏ ốc” của bản thân, sẽ có được chân trời mới. Nhờ vậy mà tôi tự tin hơn”, Hiếu chia sẻ.
|
|
Những vỏ ốc vô tri, bị bỏ đi, qua đôi tay của chị, trở lên lung linh, tinh xảo, đa hình dạng và hữu dụng. |
Với đôi tay khiếm khuyết của mình, Ngọc Hiếu đã tạo nên những sản phẩm độc đáo từ vỏ ốc và có thể “sống” bằng công việc này. Bắt đầu chị chỉ làm những dòng tranh treo tường từ vỏ ốc, nhưng đến nay Hiếu đã làm ra hàng nghìn sản phẩm nghệ thuật ứng dụng đời sống như bình hoa, hộp trang sức, cài tóc, vòng tay, khung ảnh… Những vỏ ốc vô tri, bị bỏ đi, qua đôi tay của chị, trở lên lung linh, tinh xảo, đa hình dạng và hữu dụng. Tranh và vật phẩm từ vỏ ốc từ dự án của cô sáng tạo ra được nhiều người ưa chuộng. Những sản phẩm mang “hơi thở biển cả” đến với khách hàng đều mang một tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên, với môi trường, gợi lên trách nhiệm của mỗi người, biết bảo vệ và trân trọng môi trường.
Đối với Hiếu, những vỏ ốc dù còn nguyên vẹn hay không, thì cũng mang giá trị riêng, nhiều mảnh vỡ chắp vá lại với nhau tạo nên một sản phẩm tuyệt vời. Cũng như những người khuyết tật, tuy có khác biệt nhưng mỗi người lại là một mảnh ghép quan trọng trong cộng đồng, chỉ cần được đặt đúng vị trí, họ sẽ biết biến những yếu điểm thành ưu điểm, tạo nên giá trị riêng biệt cho bản thân. Chính những suy nghĩ ấy, trong lòng Hiếu luôn có một mong ước cháy bỏng. Đó là, từ câu chuyện của bản thân có thể truyền cảm hứng đến nhiều người, để ai cũng dám bước ra khỏi “vỏ ốc” an toàn, từ đó mở ra những trang đời mới hơn.
Đó cũng là lý do Dự án khởi nghiệp mang tên “Hoa ốc” của Hiếu ra đời.
Dự án “Hoa ốc” mang mong muốn giản đơn đầu tiên là từ câu chuyện của cuộc đời truyền cảm hứng đến với nhiều người. Nhưng về sau, càng đi xa hơn với dự án, khát vọng của Hiếu càng nhiều hơn, đó là được đồng hành, dạy nghề và tạo việc làm giúp nâng cao giá trị bản thân cho những người yếu thế, đặc biệt là thanh niên trẻ và phụ nữ. Sản phẩm của Dự án gồm tranh đá quý, khung hình và bình hoa được làm thủ công với điểm nhấn là những bông hoa bằng vỏ ốc có màu sắc tự nhiên.
Dự án đã xuất sắc vượt qua 1.549 dự án để lọt vào vòng chung khảo và đoạt giải thưởng sáng tạo của cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 năm 2021 (do Hội LHPN Việt Nam tổ chức). “Đây là kết quả vượt ra ngoài sự mong mỏi của bản thân, là điều tôi không hề nghĩ tới nhưng nó cũng là bước ngoặt, là hướng đi mà tôi muốn phát triển nhiều hơn”, Hiếu bày tỏ.
|
|
Vỏ ốc dù còn nguyên vẹn hay không, thì cũng mang giá trị riêng, nhiều mảnh vỡ chắp vá lại với nhau tạo nên một sản phẩm tuyệt vời. |
Từ khi nhận được giải thưởng, Hiếu luôn đặt dự án “Hoa ốc” như một cột mốc, kim chỉ nam để bước qua những giới hạn mới. Hiếu cũng đặt ra mục tiêu tiếp theo là quyết tâm dành lợi nhuận kinh doanh của mình để hỗ trợ cho các chị em yếu thế. Cô luôn có một mong ước cháy bỏng về việc thành lập Câu lạc bộ hỗ trợ những người có hoàn cảnh giống mình. “Đây sẽ là nơi đào tạo cho các chị em yếu thế, nhất là các bạn trẻ có một công việc có thu nhập ổn định. Nơi đây, mọi người lấy sự kiên trì của mình để học hỏi và cùng nhau phát triển bản thân. Từ đó, mở ra những cơ hội mới giúp họ có thể bước qua những rào cản để nắm bắt các cơ hội, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và đóng góp cho xã hội, dần dần thay đổi cách nhìn của xã hội về những người khuyết tật, thanh niên khuyết tật”, Hiếu nói về mong muốn tương lai của mình.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài nên Dự án còn gặp nhiều khó khăn, nhưng điều đó không làm lung lay ý chí quyết tâm trong Hiếu. “Điều khó khăn nhất đối với tôi là bước ra khỏi “vỏ ốc” của bản thân. Việc khó khăn nhất ấy tôi đã vượt qua thì tất cả phía trước chỉ là thử thách”- Hiếu quả quyết.
Tuy khó khăn luôn thường trực nhưng dự án “Hoa ốc” đã cho Ngọc Hiếu cơ hội gặp gỡ, chia sẻ nhiều hơn về hành trình của mình đến với mọi người. Đặc biệt là chị em yếu thế có thêm động lực, tự tin, quyết tâm khởi nghiệp để thay đổi cuộc sống. Và hữu duyên, Ngọc Hiếu là một trong nhiều bạn khuyết tật được Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố cho phép mở một gian trưng bày các sản phẩm thủ công từ vỏ ốc. Với Ngọc Hiếu, đây là một địa điểm tuyệt vời để cô có thể vừa kinh doanh vừa chia sẻ, truyền đi năng lượng tích cực đến các bạn trẻ. Bởi, Nhà văn hóa Thanh niên là một địa điểm sinh hoạt văn hóa của thanh niên thành phố với những mảng hoạt động lớn về tuyên truyền, giáo dục, bồi đắp niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương cho thanh niên. Đây còn là nơi giao lưu gặp gỡ các tài năng, gương mặt trẻ điển hình, gương người tốt, việc tốt để thanh niên có dịp trao đổi học tập.
Hiếu luôn tâm sự với các bạn trẻ khi đến sinh hoạt tại Nhà văn hóa Thanh niên, rằng hãy tin khi chúng ta tự đẩy mình vào thế chủ động thì lúc đó bắt buộc bản thân phải chuyển động và thay đổi. Sẽ có những hụt hẫng, khó khăn nhất định nhưng đổi lại, chúng ta sẽ được trải nghiệm, va vấp, trưởng thành, tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống.
|
|
Các sản phẩm làm từ vỏ ốc của Hiếu rất đa dạng. |
Chia sẻ về Ngọc Hiếu, đạo diễn Trương Thành Bỉ - người đã công tác tại Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố 30 năm kể với giọng đầy khâm phục: “Ngọc Hiếu là một cô gái có nghị lực phi thường, trong hoàn cảnh nào cũng luôn tự tin với nụ cười thường trực trên môi. Có lẽ bởi vậy mà gian trưng bày của Hiếu lúc nào cũng đông khách. Dù di chuyển khó khăn nhưng Hiếu tràn đầy năng lượng khi giúp đỡ mọi người xung quanh. Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố luôn tạo điều kiện để các bạn trẻ có nghị lực, khát vọng như Ngọc Hiếu có cơ hội khởi nghiệp, phát triển bản thân”.
Hiện tại, Hiếu và Dự án đang tập trung vào việc sản xuất và kinh doanh thêm nhiều sản phẩm nghệ thuật từ vỏ ốc.
Giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh không may trong cuộc sống, song hành cùng các bạn trẻ, giúp họ thổi lên trong lòng mình ngọn lửa đam mê, trách nhiệm với bản thân và xã hội, trọn vẹn sống những cuộc đời ý nghĩa, đó là ước mơ đang dần thành hiện thực của Hiếu - người bước ra từ "vỏ ốc"./.