leftcenterrightdel
 Ba nữ doanh nhân thế hệ 8x họ Lương  

(ĐCSVN) – Cùng thế hệ 8x, 3 cô gái ở 3 vùng khác nhau của đất nước nhưng đều chung họ Lương và cùng là thành viên của một dự án liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển. 3 cá tính khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở đam mê và khát vọng cháy bỏng về “lan tỏa giá trị Việt” ra khu vực và thế giới, hỗ trợ được ngày càng nhiều bà con làm nghề, sống trọn với nghề...

Gặp gỡ, chứng kiến quá trình xây dựng và phát triển của 3 doanh nghiệp do 3 cô gái trên làm chủ, càng thấm thía hơn giá trị của tinh thần quyết tâm “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền” cùng tâm huyết, đam mê và trách nhiệm, dám theo đuổi đến cùng ước mơ, dám chịu trách nhiệm đến cùng với quá trình khởi nghiệp không chỉ trải hoa hồng mà còn nhiều chông gai.

Lương Thanh Hạnh thổi hồn lụa đũi Việt

 

Gặp Lương Thanh Hạnh, “cô gái lụa xinh tươi” chỉ thấy toát lên một vẻ dịu dàng, thanh thoát nhưng ẩn sau cô gái mảnh mai ấy là một quyết tâm, kiên trì, bền bỉ và đặc biệt dũng cảm khi lựa chọn cách thổi hồn cho làng nghề truyền thống.

leftcenterrightdel
"Cô gái lụa" Lương Thị Thanh Hạnh 
 

Đến không gian trưng bày lụa Hạnh Silk tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (số 2, Hoa Lư, Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và trầm trồ trước những sản phẩm lụa phong phú, đa dạng được trưng bày, giới thiệu tại đây cùng các mô hình dệt lụa được tái hiện một cách sinh động và ấn tượng. Điểm riêng có và khác biệt thể hiện ở sản phẩm lụa tơ tằm mang thương hiệu Hanh Silk không phải sản xuất dây chuyền hàng loạt mà là hàng được làm thủ công, đòi hỏi sự công phu cần mẫn của người nghệ nhân. Mỗi một sản phẩm là một quá trình sản xuất thủ công kết hợp với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ dệt Nam Cao cùng những họa tiết vẽ tay riêng biệt độc bản, do đó giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm là rất lớn.

Bắt đầu với ý tưởng khôi phục sản xuất của làng nghề truyền thống và làm thương hiệu xuất khẩu đến với bà con nông dân làng nghề dệt đũi Nam Cao, Hạnh đã gặp phải không ít sự nghi ngờ. Bằng sự kiên trì vận động, cùng xắn tay vào làm cùng bà con, tâm huyết của cô đã được đền đáp. Từ năm 2016, Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao được thành lập với 30 thành viên do Lương Thanh Hạnh làm Chủ nhiệm. Ngoài ra, toàn xã Nam Cao có khoảng 90 hộ dân quay lại với nghề dệt để cung cấp lụa đũi cho Hợp tác xã và mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm và hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng khép kín. Sau hơn 4 năm, đến 2020, Hanhsilk đã có 2 vùng nguyên liệu, đáp ứng đủ cho đơn hàng xuất khẩu đa dạng, từ vải đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tự nhiên 100% tơ tằm…

Nói đến hành trình săn lùng làng nghề đũi có phần liều lĩnh để nuôi nấng khát vọng của mình, Lương Thanh Hạnh nhớ lại khi đó cô đang có một công việc ổn định và thu nhập cao trong lĩnh vực nội thất nhưng cuối cùng đã quyết định gạt bỏ hết để đi khắp Việt Nam tìm hiểu về đũi. Quyết định này của cô khiến những người xung quanh hết sức ngạc nhiên còn người thân thì phải đối và cho rằng quá mạo hiểm. “Rất nhiều người ngăn cản nhưng tôi vẫn quyết đi dọc đất nước để tìm hiểu về đũi và phát hiện đũi Nam Cao khác hẳn, hoàn toàn là thủ công. Các cụ già, những người phụ nữ Đồng bằng Bắc bộ tần tảo sớm chiều ngâm tay trong nước lạnh đông cũng như hè để kéo đũi mà không có chút than phiền. Có những cụ năm nay gần 80 tuổi vẫn hăng say làm, tay thoăn thoát kéo sợi, không cần nhìn kén cũng tuốt ra sợi. Những hình ảnh này đã lưu giữ trong tâm trí tôi một cách rất sâu sắc và khiến tôi nhận thấy quyết định của mình tuy mạo hiểm nhưng rất cần thiết với bà con” - Lương Thanh Hạnh nhớ lại.

Lương Thanh Hạnh chia sẻ: “ngoài tạo công ăn việc làm cho bà con, chúng tôi còn khơi dậy tinh thần và lòng tự hào về làng nghề truyền thống cho bà con nên những người nghỉ hưu sớm, trên 60 tuổi vẫn có thể tham gia vào các khâu sản xuất của Hanhsilk. Gần 80% lao động là những người trên 60 tuổi, các ông, bà lớn tuổi đều làm được. Với góc nhìn đa dạng, cách làm mới mẻ, khi xây dựng được mô hình nhà máy dệt lụa sinh thái, Hạnh Silk đã nghĩ tới việc liên kết với lĩnh vực du lịch, ở đó, bản thân nhà máy sẽ là một địa điểm đón tiếp đoàn tour du lịch quốc tế. Thực tế cho thấy hướng đi đó hoàn toàn đúng đắn và hiệu quả, trung bình mỗi tháng Nam Cao cũng đã đón khoảng 4 -5 đoàn du lịch cả trong và ngoài nước. “Khi du lịch phát triển sẽ tăng thu nhập cho bà con từ các dịch vụ đồng thời tạo sự hào hứng cho bà con khi làm việc. Chúng tôi cũng hy vọng thay vì phải sang nước ngoài để bán thì mình xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch”.

Bản đồ các thị trường xuất khẩu từ năm 2017 của Hạnh Silk đã có thêm Thái Lan, bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Đức. 80% doanh thu của Hạnh Silk có được từ xuất khẩu, chỉ 20% đến từ thị trường nội địa nên những chuyến đi nối tiếp nhau của Lương Thanh Hạnh để tiếp thị sản phẩm gần như dày đặc. Hạnh kể, sau mỗi chuyến đi “mang chuông đi đánh xứ người” là chuỗi ngày nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của từng thị trường. Hơn thế, không phải chuyến đi nào cũng cho ngay kết quả.

Trân quý và đam mê những giá trị văn hóa truyền thống, kiên trì đến cùng với hành trình săn lùng làng nghề đũi có phần liều lĩnh để nuôi nấng khát vọng của mình cũng là bí kíp để Hạnh Silk phát triển đến hôm nay. “Ăn thật, làm thật” là phương châm kinh doanh của Hạnh Silk, để mọi người có thể kiểm chứng từ những gì mà Hạnh Silk làm.

Lương Thị Ngọc Trâm với giấc mơ cà phê hữu cơ và hành trình xây dựng cà phê đặc sản Quảng Trị

   

Tâm sự với chúng tôi, cô gái cà phê chân chất Lương Thị Ngọc Trâm chia sẻ, Pun Coffee thành lập 2019 với suy nghĩ cực kì đơn giản là lập doanh nghiệp sẽ dễ dàng kí hợp đồng mua bán, trong khi đó kiến thức quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự, tài chính kế toán hầu như là con số không. Là doanh nghiệp trụ sở vùng biên giới nên việc quản lý doanh nghiệp rất là sơ sài và thả nổi nhưng sau thời gian hoạt động, thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường thì những người sáng lập và lành đạo doanh nghiệp bắt đầu lo lắng việc điều hành quản trị doanh nghiệp. Năm 2021, Pun Coffee may mắn được Oxfam - CSIP phê duyệt tham gia gói hỗ trợ EFD dành cho các doanh nghiệp tác động xã hội.

leftcenterrightdel
"Cô gái cà phê" Lương Thị Ngọc Trâm luôn có người chồng là "phù thủy pha chế cà phê" Phan Hồng Phong đồng hành  

Theo đó, Pun Coffee được đào tạo các kiến thức tổng quan từ quản lý doanh nghiệp, tài chính, nhân sự. Từ việc đào tạo tập trung cho đến huấn luyện trực tiếp 1:1 giữa chuyên gia và doanh nghiệp. “Chúng tôi đã sắp xếp lại hoạt động doanh nghiệp mình sau khi tham gia các khoá đào tạo của EFD, không có sự chồng chéo trong công việc, quản lý vận hành doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là việc quản lý vận hành tài chính, xây dựng chiến lược maketting. Hiện nay, Pun Coffee đã được thành công vượt kế hoạch ban đầu, vươn lên dẫn đầu vị thế cà phê đặc sản Việt Nam, trở thành đơn vị đầu tiên thực hiện xuất khẩu cà phê Khe Sanh sang Mỹ, giành nhiều giải cao tại các bảng xếp hạng cà phê rang quốc tế…" - Lương Thị Ngọc Trâm chia sẻ

Pun Coffee là doanh nghiệp hoạt động theo hướng xã hội, triết lý kinh doanh của Pun Coffee gắn liền với trách nhiệm cộng đồng, cụ thể nâng cao sinh kế bền vững cho bà con đồng bào thiểu số Vân Kiều thông qua sản phẩm cà phê giá trị chất lượng cao, thiết lập hệ sinh thái canh tác cà phê theo hướng nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Hành trình 4 năm (2019-2023), 4 năm chưa một lần chùn bước của Pun Coffee và 4 năm cùng bản làng mang giấc mơ trời Âu từ góc trời nhỏ bé Trường Sơn. Arabica Khe Sanh Quảng Trị do Pun Coffee sản xuất đến bây giờ xếp hạng thứ 5 thế giới sau các ông lớn khác. Và hành trình đưa cà phê Khe Sanh vào top cà phê đặc sản thế giới đã bước đầu hiện thực hoá tầm nhìn chiến lược được Pun xây dựng từ đầu năm 2023 đã dần thực thi “Pun Coffee cà phê đặc sản toàn cầu được canh tác bền vững đa dạng sinh học trên nguyên lý tôn trọng môi trường tự nhiên và an toàn cho những nhân tố có liên quan.

Năm 2022, Pun Coffee vinh dự là 30SIBs xuất sắc nhận được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam phối hợp. Mới đây, Pun Coffee đã lọt Top 10 sáng kiến ESG Việt Nam 2023 - chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững trong khuôn khổ hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là một trong những nỗ lực góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Đồng thời, Pun Coffee cũng kịp giành Giải Nhất ý tưởng kinh doanh gắn với chuỗi giá trị Rừng với đề tài “Du lịch Cộng đồng” 2023. Đây là giải thưởng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của mạng lưới WWF Quốc tế - Trồng rừng thế hệ mới.

Nhận thức một cách rõ ràng, việc rang xay cà phê sẽ sinh ra quá nhiều CO2 trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu, nên doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm với xã hội, cải tạo môi trường; “cô gái cà phê” Lương Thị Ngọc Trâm chia sẻ, “Tụi mình chỉ là tổ hợp nhỏ trong toàn bộ sinh thái cà phê Khe Sanh, nhưng tụi mình luôn xác định, mỗi người một tay, chung sức nâng tầm, đưa cà phê Khe Sanh Quảng Trị lên tầm cao mới - tầm cao cà phê đặc sản”. Hiện nay, doanh nghiệp đã vận đồng đồng bào Vân Kiều vừa phát triển cây cà phê xen canh với phát triển lâm nghiệp, xây dựng vùng trồng cà phê sạch để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động trồng cà phê cũng lồng ghép vào việc nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc Vân Kiều trong gia đình. Song song với đó, Pun Coffee cũng đang bắt tay tiến hành xây dựng điểm trải nghiệm cà phê đặc sản Quảng Trị nằm trên cung đường Hồ Chí Minh nhánh tây, kết hợp cùng các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình coffee tour để quảng bá cà phê Quảng Trị. Quan trọng hơn cả là dự án trồng rừng gắn với vườn cà phê của Pun Coffee đang từng ngày từng giờ thành hình dù còn lắm chông gai.

Có thể thấy, giấc mơ phủ xanh cà phê hữu cơ với các bóng cây tán rộng, có sinh kế che bóng cho vườn cà phê được nhen nhóm với tất cả đam mê, sự tri ân và khát khao về khôi phục, củng cố và nhân rộng giá trị cà phê Khe Sanh, Quảng Trị đã từng bước được hiện thực một cách chắc chắn, đầy tự tin.

Lương Thị Mỹ Huệ nâng tầm giá trị cây dược liệu Tây Nguyên

 

Từ ý tưởng mang tinh hoa thảo dược Tây Nguyên đến với khách hàng, dự án "Liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum" của Lương Thị Mỹ Huệ đã giành giải Nhì cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Dự án được triển khai từ năm 2019, giúp phụ nữ Ngọc Tụ và Văn Lem - 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Tô, góp phần tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hoạt động trồng các loại dược liệu vùng là Ngọc Linh và sản xuất các đặc sản Kon Tum. 90% nhân sự và người hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh của công ty là nữ giới.

leftcenterrightdel
"Cô gái thảo dược" Lương Thị Huệ cùng người em Nguyễn Bá Trực với chuyên môn về hóa sinh đã cùng nhau làm thay đổi cây dược liệu vùng Tây Nguyên 

Thời điểm dịch COVID-19 với nhiều biến động về thị trường, kênh phân phối cũng như nhu cầu và hành vi của khách hàng thay đổi dẫn đến nhiều khó khăn cho công ty Thảo Dược Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chị Lương Thị Mỹ Huệ và công ty đã nỗ lực để thích ứng với nghịch cảnh bằng việc ra mắt dòng sản phẩm mới - Lá xông giải cảm. Những túi lá xông khô tiện dụng, gồm các loại thảo dược như lá tre, bạc hà, sả, quế, hương nhu, tía tô, kinh giới… đã được thị trường đón nhận và hỗ trợ công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bước sang giai đoạn hậu COVID-19, các sản phẩm thích ứng với dịch bệnh đã giảm sản lượng, một lần nữa khiến Lương Thị Mỹ Huệ phải thay đổi chiến lược để thích ứng với giai đoạn bình thường mới. Nữ Giám đốc chia sẻ: Công ty đã xây dựng kế hoạch ra mắt dòng sản phẩm mới kết hợp với tăng cường các hoạt động tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các kênh bán hàng để tiếp cận với khách hàng mục tiêu. Chiến lược mới không chỉ hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn mang lại nhiều tác động tích cực xã hội như hỗ trợ nâng cao nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số về bảo vệ rừng, phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương, giải quyết việc làm cho người dân nhập cư và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số buộc phải quay về làng vì không có việc làm do ảnh hưởng của COVID-19, đồng thời mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.

Kon Tum là vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm, có rất nhiều loài cây dược liệu tự nhiên sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng. Tài nguyên của địa phương còn rất lớn nhưng bà con còn chưa biết cách khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, việc phát triển dược liệu còn mang tự phát, nhỏ lẻ; kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được chuẩn hóa... Để phát huy tiềm năng, lợi thế đó, chị Lương Thị Mỹ Huệ đã liên kết với bà con đồng bào xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO với các loại dược liệu như: Sâm dây Ngọc Linh, khổ qua rừng, gừng, lạc tiên... Những sản phẩm của Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên mang tên gọi DATO đang mở ra hướng phát triển mới cho thảo dược Tây Nguyên.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương, DATO luôn chú trọng trong tất cả các khâu từ trồng trọt đến sản xuất, xây dựng câu chuyện sản phẩm và phân phối ra thị trường. Từ những nỗ lực ấy, DATO không chỉ nâng tầm giá trị cho cây dược liệu tại địa phương mà còn góp phần làm thay đổi suy nghĩ, lối canh tác và thu nhập của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

DATO đã vinh dự là 1 trong 29 doanh nghiệp tiêu biểu được nhận giải thưởng của dự án ISEECOVID. Dự án do Cục Phát triển doanh nghiệp (AED - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ với mục tiêu tăng cường sức chống chịu và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Mới đây, DATO cũng lọt Top 10 sáng kiến ESG Việt Nam 2023 - chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững trong khuôn khổ hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là một trong những nỗ lực góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Ý tưởng ban đầu chỉ giản dị dừng lại ở ước mong trở thành cầu nối giữa bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng Ngọc Linh với một thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, rộng lớn ngoài kia, đồng thời duy trì và phát triển được nguồn dược liệu quý tại chỗ, tạo sinh kế lâu dài cho bà con. Hành trình của thảo dược Tây Nguyên đã bắt đầu như thế. Khởi nguồn từ hai bàn tay trắng, chỉ có hoài bão, nỗ lực và tình yêu với mảnh đất, con người nơi đại ngàn xanh thẳm…

 

Nội dung: Hà - Trang
22/10/2023 10:52