(ĐCSVN) - Là người con dân tộc Dao ở xã khác nhưng Đặng Văn Chính vẫn quyết tâm vượt qua nhiều rào cản, một mình tới khởi nghiệp, bước đầu đã thuyết phục được hơn chục hộ người dân tộc Mông ở Bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, cùng với một số hộ người dân tộc Tày, Giáy... trên địa bàn tỉnh Yên Bái thay đổi tư duy, cùng anh liên kết thành lập hợp tác xã nông nghiệp và du lịch, mở ra hướng sinh kế mới đầy triển vọng cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.
Động cơ thôi thúc Đặng Văn Chính quyết tâm khởi nghiệp thành công ở nơi cách xa quê mình hơn năm chục km là bởi với anh: "Khi trái tim mình đủ lớn thì sẽ thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau".
NHỮNG BIẾN CỐ LỊCH SỬ
Theo lời kể của thầy giáo Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên và ông Giàng A Châu, dân tộc Mông, người từng giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ xã Nà Hẩu trong hai chục năm cho biết, năm 1979, một số hộ người Mông từ các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương (tỉnh Lào Cai) đã đi bộ hàng trăm km, vượt qua bao dãy núi cao hiểm trở, tiến vào vùng rừng núi Nà Hẩu.
Cùng thời điểm đó, một số hộ người Mông ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái do tập quán di canh, di cư cũng rời quê cũ, vượt dãy núi Sùng Đô, băng rừng tìm tới vùng đất mới Nà Hẩu.
|
|
Bản làng người Mông trên vùng núi cao (Nguồn ảnh: hagiangsensetravel.com) |
Những người Mông đến từ những miền quê khác nhau, vì những lý do khác nhau đã dừng chân định cư ở Nà Hẩu từ đó đến nay. Bởi thế vùng đất này là nơi hội tụ của nhiều nhóm ngành dân tộc Mông như: Mông hoa, Mông trắng, Mông đen...
Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho rằng, những biến cố lịch sử khiến “người Mông phải cư trú trên những sườn núi cao, tách biệt với xã hội và thay đổi hẳn cả phương thức sản xuất, từ làm ruộng nước gắn với nghề thủ công, chuyển sang làm rẫy ở độ dốc cao”[1].
Chịu ảnh hưởng của các biến cố trong lịch sử dân tộc, những người Mông di cư đã chọn Nà Hầu làm quê hương mới do xung quanh nơi đây được bao bọc bởi những dãy núi có độ cao từ 200m đến xấp xỉ 1.800m so với mực nước biển.
Mãi đến tháng 10 năm 2006, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu rộng trên 16 nghìn ha mới được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Yên Bái. Xã Nà Hẩu nằm trọn trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên này.
KHÓ KHĂN BỦA VÂY
Nằm cách trung tâm huyện Văn Yên chừng 30km, Nà Hẩu hôm nay vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Từ trung tâm huyện đến xã mất khoảng một tiếng rưỡi đi ô tô vì đường rất xấu, quanh co, đèo dốc, càng đi càng lên cao, xuyên qua những cánh rừng quế, rừng tự nhiên của hai xã ở thấp hơn là An Thịnh và Đại Sơn.
Ngoài hứng liên tục những cú xóc khiến đầu chạm trần xe, hôm chúng tôi tới Nà Hẩu còn được trải nghiệm khí hậu thất thường của miền rừng núi hẻo lánh. Trời đang nắng gắt bỗng mây đen ùn ùn kéo đến, mưa to như trút nước khoảng 30 phút.
Dứt mưa, nắng bừng lên chang chang, rồi lại nhanh chóng mưa ào ào trở lại. Cựu giáo chức Nguyễn Mạnh Hà bảo, bây giờ thời tiết thường xuyên thất thường. Ở giữa vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên mà vẫn nóng như thiêu đốt. Khí hậu khắc nghiệt, đỏng đảnh liên tục, đến con người còn mỏi mệt huống hồ cây trồng, bảo làm sao năng suất cao được…
Bốn bề Nà Hẩu là những ngọn núi cao, phủ màu xanh thăm thẳm của những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Theo ông Giàng A Châu, ở đây, vẫn còn nhiều thú rừng như báo hoa mai, báo lửa, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, gà lôi trắng, gà so ngực gụ, cá suối, ốc núi, ếch đát... cùng nhiều thảo dược quí hiếm như trà hoa vàng, sâm cau, gừng đát, lá gan trâu, dạ cẩm...
Vì nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên nên theo quy định của pháp luật hiện hành, người dân không được phép chặt phá rừng làm nương rẫy. Họ chỉ được canh tác trên phần diện tích khai khẩn từ trong quá khứ, không được khai khẩn thêm, nếu không sẽ là vi phạm pháp luật.
Chính quyền và các lực lượng chức năng tuần tra liên tục. Nhà nào phát trộm rừng làm nương rẫy là bị phát hiện và phải nhổ bỏ cây trồng ngay. Năm 2022, chính quyền phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, Công an xã, lực lượng dân quân và các tổ bảo vệ rừng đã nhổ bỏ 49 điểm trồng cây trong khu vực rừng lấn chiếm, với tổng diện tích khoảng 43,3 ha. 6 tháng đầu năm 2023, đã nhổ 38 điểm trong khu vực rừng lấn chiếm với khoảng 20,3 ha.
Những con số này cho thấy, nhu cầu về đất sản xuất của đồng bào rất lớn, trong khi yêu cầu của Nhà nước phải bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên cũng rất nghiêm ngặt. Mâu thuẫn này nếu không có biện pháp xử lý hài hoà sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Về vùng đất Văn Yên, từ lâu đã được mệnh danh là nơi “cao sơn ngọc quế” của tỉnh Yên Bái. Người Mông ở Nà Hẩu cũng trồng quế.
Tuy vậy, cây quế chỉ thích hợp sinh trưởng từ độ cao 600m trở xuống, trong khi Nà Hẩu lại quá cao. Bởi thế, nếu cây quế ở những vùng khác chỉ mất 5 năm là cho thu hoạch thì ở Nà Hẩu có khi phải mất 10 năm, 20 năm. Cây nhỏ nên lượng vỏ thu được không nhiều, lượng tinh dầu cũng không cao. Nhưng “nếu không trồng quế thì chúng tôi biết trồng cây gì?” - anh Vàng A Hua ở Bản Tát ngậm ngùi cảm thán.
Hiện giờ, xã Nà Hẩu có 428 hộ, 2.156 khẩu; dân tộc Mông có 424 hộ, 2.149 khẩu (còn lại là 3 hộ người Tày và một hộ người Kinh). Với 99% dân số, người Mông chiếm gần như tuyệt đối dân cư ở đây.
Xã Nà Hẩu chỉ có hơn 60 ha đất ruộng có khả năng trồng lúa. Một năm, bà con trồng được hai vụ lúa. Mỗi nhà thu hoạch chừng 40 bao thóc/vụ trở lên, mỗi bao khoảng 40 kg, như vậy là có dư, nhưng không nhà nào dám bán thóc bởi phải tự đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và phục vụ chăn nuôi.
Hơn 44 năm về định cư ở Nà Hẩu, dù ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhưng người Mông ít nhiều đã giao lưu kinh tế với các dân tộc khác và với người từ nơi khác đến mua bán quế. Ấy vậy mà như ông bà Dương Chinh - hộ người Kinh duy nhất sinh sống cộng cư cùng người Mông ở Bản Tát nhận xét, đồng bào vẫn còn rất khó khăn. Cuộc sống phần nhiều là tự cung, tự cấp. Họ chưa biết ăn nước mắm, lác đác vài hộ bắt đầu biết dùng bột canh để làm cho thức ăn ngọt hơn nhờ chút ít mì chính trong đó. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018 lên tới gần 70%.
Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết, năm 2022, xã Nà Hẩu vẫn còn 67 hộ dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới, 111 hộ nghèo, 74 hộ cận nghèo. Vào dịp tết hay lúc giáp hạt, chính quyền vẫn phải lập danh sách gửi lên huyện đề xuất hỗ trợ hộ nghèo thiếu đói gạo ăn. Dịp Tết năm 2023, chính quyền hỗ trợ cho 14 hộ, 65 khẩu, 975kg; dịp giáp hạt hỗ trợ cho 10 hộ, 45 khẩu, 675 kg.
Nguyên nhân khiến người Mông ở Nà Hẩu đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sản xuất được tổng hợp từ nhiều yếu tố như: điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, xa xôi, hẻo lánh; đồng bào thiếu đất sản xuất, khó phát triển chăn nuôi trâu, bò do không có bãi chăn thả; chưa biết cách tính toán làm ăn, lối sản xuất quảng canh năng suất không cao; khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tham gia vào các chuỗi nông sản theo hướng sản xuất hàng hóa thấp...
ƯỚC MƠ TỪ LỚP HỌC LÁ CỌ
Đặng Văn Chính là một thanh niên dân tộc Dao ở xã Yên Phú, cùng thuộc huyện Văn Yên nhưng cách xã Nà Hẩu hơn 50 km. Chính sinh năm 1982 và như anh tâm sự, ngày nhỏ, chỉ biết theo cha mẹ lên nương làm rẫy. Năm 10 tuổi, Chính mới được cắp sách đến trường nhờ chương trình tài trợ của tổ chức UNICEF.
Chính vẫn nhớ như in đó là một lớp học đặc biệt, được lợp bằng lá cọ, tường trát đất trộn rơm, trang bị bàn ghế rất đẹp và mới. Anh cũng nhớ hình ảnh cô giáo chủ nhiệm tất bật dạy lớp ghép, cứ giảng xong lớp này, giao bài cho học sinh làm bài tập hoặc đọc thầm lại quay sang giảng cho lớp kia. Một lớp học mà có đến 3 trình độ: lớp 1, lớp 2, lớp 3, với 3 cái bảng đen quay về 3 hướng khác nhau. Học sinh thì nhiều lứa tuổi, có bạn còn địu em trên lưng…
Trong ký ức của cậu bé năm xưa nay đã ngoại tứ tuần, ngày đó, đời sống thật khó khăn. Mất mùa thường xuyên dẫn đến giai đoạn khó khăn cuối năm 1990 - 1992 làm vùng quê vốn đã nghèo lại càng thêm cùng cực. Bữa cơm chỉ có gạo miền Nam độn sắn.
Nhà Chính có 6 anh, chị, em. Chính là con thứ 2 trong gia đình. Bố thường xuyên xa nhà nên Chính trở thành lao động chính cùng mẹ và chị gái. Học tiểu học đã phải vác cày bừa, dắt trâu đi làm đất chuẩn bị mùa cấy. Tuổi ăn tuổi lớn mà dinh dưỡng không đủ dẫn đến thể trạng thấp còi, vác cái bừa phải nghiêng vẹo người để bừa không chạm đất. Cái nghèo khiến Chính suýt bỏ học để mưu sinh.
Nhưng cũng từ lớp học mái cọ ấy và hoàn cảnh gia đình khó khăn đã nuôi dưỡng trong Chính ước mơ sau này lớn lên phải thoát ly khỏi thôn bản để học hỏi, làm giàu và đưa công nghệ mới về giúp quê hương phát triển.
Ngày Chính đăng ký theo học chương trình “Đào tạo lập trình viên” của Trung tâm Đào tạo công nghệ thông tin ở Hà Nội, bố phải bán 2 ha đất rừng làm tiền lộ phí và học phí cho anh.
Tiễn Chính ra ga lên tàu về Hà Nội, bố anh - một người lính đã cương nghị nhắn nhủ: “Không thành công thì đừng có về”, bởi phần đất dự định sau này chia cho Chính đã bán hết.
18 tháng học ở Hà Nội là khoảng thời gian đầy khó khăn với một trai bản chưa bao giờ ra khỏi những dãy núi mờ sương. Ban ngày, Chính là thợ làm thạch cao, tối đến, trở thành học viên. Được nghỉ học là Chính đi làm thêm, mỗi năm chỉ về nhà vào dịp Tết.
Sau này, Chính lấy thêm bằng Đào tạo từ xa của Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, rồi cùng các bạn lập Công ty Công nghệ ở Hà Nội. Mọi việc diễn ra rất thuận lợi, nhưng tâm trí của chàng trai người Dao luôn canh cánh trong lòng ước mở từ thuở nhỏ và một lòng hướng về quê hương, nơi còn bao nhiêu gia đình, bao nhiêu đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn giống mình thuở nào...
GẶP NHAU LÀ MỘT “CÁI DUYÊN”
Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Đặng Văn Chính tích góp được chút vốn và có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh chóng. Đây chính là cơ hội để anh thực hiện một trách nhiệm tự giao cho mình, đó là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về với thôn bản.
Năm 2016, Chính theo bạn về chơi xã Nà Hẩu. Tiềm năng bản địa nơi đây với rừng nguyên sinh bạt ngàn, quần thể thác nước, hang động, bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc Mông đã thuyết phục anh xây dựng ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng.
Ấp ủ hai năm, năm 2018, tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên” do Huyện Đoàn Văn Yên tổ chức, dự án của Chính đạt giải Nhì. Nội dung ý tưởng của Chính là phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng bản sắc văn hoá dân tộc Mông kết hợp với nuôi cá tầm nước lạnh bằng nguồn nước sạch chảy ra từ những cánh rừng nguyên sinh.
Giải thưởng đã tạo động lực cho Chính quyết tâm hiện thực hoá dự án, với nguyện ước đưa Nà Hẩu trở thành khu du lịch của tỉnh Yên Bái và mục tiêu là tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế mới cho bà con người Mông xã Nà Hẩu.
Nhiều lần đến Nà Hẩu khảo sát để hiện thực hoá ý tưởng, Chính gặp ông Giàng A Châu, một người Mông mà như sau này anh nhận xét, một lời ông nói nửa xã Nà Hẩu nghe theo. Ông Châu có hàng chục năm làm cán bộ xã Nà Hẩu, trải qua nhiều cương vị khác nhau và cuối cùng là Bí thư Đảng uỷ xã 4 khóa liên tiếp. Năm 2018, ông Châu nghỉ hưu về nhà cùng các con làm kinh tế gia đình.
Bấy giờ, với hiểu biết của một cán bộ xã và sự năng động cá nhân, ông Châu sang Sa Pa (Lào Cai) tìm hiểu và thử nghiệm mô hình nuôi cá tầm nước lạnh. Sau một năm, 100 con cá tầm của ông lớn nhanh, ít bệnh tật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thành công ngay từ năm đầu và bằng nhãn quan của người từng làm cán bộ xã, ông Châu có niềm tin vào triển vọng nuôi cá tầm nước lạnh ở Nà Hẩu. Nếu áp dụng kỹ thuật mới nhằm giảm tối đa chi phí thì cá tầm Nà Hẩu hoàn toàn có thể cạnh tranh được với cá tầm Trung Quốc.
Nhưng ông Châu mới chỉ dừng lại và cũng chỉ đủ lực để làm kinh tế cho bản thân gia đình mình, chứ không đủ điều kiện để vận động các hộ gia đình khác cùng làm kinh tế... Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ khi ông gặp chàng thanh niên người Dao đến từ xã khác - Kỹ sư Đặng Văn Chính.
Nở nụ cười hiền hậu và bằng chất giọng lơ lớ nói tiếng Kinh không rõ, ông Châu kể lại: “Đối với anh Chính, tôi đã có sự tìm hiểu rất kỹ, biết anh ấy là một chàng trai người Dao thật thà, dũng cảm nên mình đặt niềm tin vào anh ấy. Khi anh Chính vào đây trao đổi, tôi thấy rất vui. Gặp được một chàng trai người Dao có học hành và tâm huyết như vậy, tôi nói: “thế thì chú sẵn sàng hợp tác với anh để làm giàu cho quê hương”.
Kết quả từ cuộc gặp “có duyên” giữa một người Mông sở tại, lớn tuổi, từng trải, giàu kinh nghiệm lãnh đạo và một chàng trai người Dao từ nơi khác đến, trẻ tuổi, có học thức và tràn trề nhiệt huyết là sự ra đời Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu vào ngày 24 tháng 5 năm 2019.
Nhớ lại ngày đầu thành lập HTX, Đặng Văn Chính cho rằng, khó nhất là tìm người đồng hành. Ở xã vùng cao đặc biệt khó khăn, những người học đại học rất hiếm. Làm thế nào để có đội ngũ lãnh đạo HTX có năng lực để gánh vác trọng trách, sứ mệnh này?
Sau bao ngày tháng kết nối đội ngũ, Chính và ông Châu mới tập hợp đủ các mảnh ghép bổ trợ cho nhau một cách hoàn chỉnh. Ông Giàng A Châu làm Phó Giám đốc HTX; Giàng A Di - cựu sinh viên cử tuyển Đại học Luật Hà Nội phụ trách mảng nuôi cá; Giàng Thị Lan - cô gái Mông sắc sảo phụ trách văn nghệ; Thào A Dơ phụ trách hướng dẫn viên; Vàng Văn Phúc phụ trách ẩm thực… Đặng Văn Chính giữ vai trò Giám đốc, người định hướng, kết nối và tạo ra chuỗi giá trị. Người thầy giáo cũ của Chính là nhà giáo Nguyễn Mạnh Hà - cựu Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (huyện Văn Yên) được mời làm cố vấn và cùng góp vốn tham gia với tư cách thành viên hợp tác xã.
KIÊN CƯỜNG VƯỢT QUA BÃO GIÔNG
Phương hướng hoạt động của HTX những ngày đầu thành lập là tìm cách cụ thể hoá các ý tưởng trong Dự án "Phát triển du lịch sinh thái tại xã Nà Hẩu".
Đây là dự án lấy nông nghiệp sinh thái làm gốc, khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hay nói cách khác, con cá tầm nuôi trong môi trường nước lạnh và sạch, sẽ cung cấp thực phẩm đặc sản an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh; tiến tới phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: gà cẩm, lợn cắp nách, ếch đát…
Dưới sự dẫn dắt của Chính và ông Châu, HTX đã đầu tư 8 lồng cá tầm và trên 3.000 con giống. Để đảm bảo “đầu xuôi đuôi lọt”, giảm thiểu rủi ro, anh thuyết phục HTX liên kết với Viện Nghiên cứu ứng dụng và phát triển, Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ để chuyển giao kỹ thuật nuôi thương phẩm.
Về du lịch, HTX triển khai một số dịch vụ du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái rừng Nà Hẩu. Hình thành là các tour đi thăm thác nước, hang động, rừng già và chinh phục đỉnh cao 1789m.
Đang hứng khởi thì đại dịch COVID-19 ập đến. Đó là cơn bão mang đến những thách thức chưa từng có với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động và các tổ chức xã hội có hoạt động kinh doanh nói riêng, trong đó có HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu.
Lượng khách du lịch đến Nà Hẩu vốn chưa nhiều lại càng giảm. Tình trạng khách đặt tour rồi lại hủy xảy ra thường xuyên hơn. Mọi người rất buồn, nhưng Chính và Ban lãnh đạo quyết tìm ra hướng giải quyết.
HTX chuyển trọng tâm sang hoạt động nông nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng phương thức bán hàng online. Thay vì bán con cá, HTX bán nồi lẩu cá. HTX mở nhà hàng Cá tầm 8687 tại thị trấn Mậu A, đăng ký thương hiệu “Cá tầm NaHau” để tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Xoay nhanh sang bán hàng trực tuyến, nên năm 2020, HTX vẫn đạt doanh thu 353 triệu đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ bán cá tầm là 338 triệu đồng. Năm 2021, doanh thu tăng đột biến, đạt gần 1,2 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán cá tầm đạt trên 1,1 tỷ đồng.
Trong đại dịch, Yên Bái vẫn là vùng xanh an toàn, vì vậy, HTX chủ động tổ chức các tour tắm thác, trải nghiệm thăm quan rừng già, trải nghiệm văn hóa Mông… cho người trong tỉnh.
Không ngồi chờ khách đến, các thành viên chủ động thường xuyên đăng bài trên các nền tảng mạng xã hội để thông tin cho khách biết về tình hình dịch bệnh ở địa phương, hướng dẫn cụ thể thủ tục đi lại và lưu trú...
Cùng với những hoạt động trên, HTX đã hoàn thành các tiêu chí và thủ tục để các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái công nhận Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát đạt tiêu chuẩn 4 sao. Vậy là sau hơn 2 thập niên mong chờ, Nà Hẩu đã chính thức có tên trong các địa danh du lịch vùng Tây Bắc.
Năm 2021, HTX được trao Giải thưởng “Én xanh” của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng dành cho những doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động xã hội và các tổ chức xã hội có sáng kiến kinh doanh khắp cả nước đã kiên cường và sáng tạo vượt bão giông trong đại dịch COVID-19.
VƯƠN LÊN TẦM CAO MỚI
Qua nhiều kênh thông tin, Chính được biết, du lịch là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh nhất, với khoảng 1,3 tỷ lượt khách/năm, đóng góp khoảng 10% tổng GDP toàn thế giới. Và theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, đến năm 2030, sẽ tăng lên 1,8 tỷ lượt khách.
Nhu cầu của khách du lịch đang có sự thay đổi, từ “viếng thăm, ngắm cảnh” sang tìm hiểu sâu hơn về giá trị và cuộc sống bản địa. Xu hướng này đặc biệt phù hợp với Việt Nam nói chung, các tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc nói riêng.
Phát triển du lịch bền vững miền núi Nà Hẩu ở quy mô nhỏ là một chỗ lách tốt trên thị trường du lịch khi du khách trong và ngoài nước đang chán dần hội chứng “bê tông hóa núi rừng”, “cáp treo”, “resort làm giả làng bản” mà quay trở về với thiên nhiên đơn sơ.
Không những vậy, trải qua những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn và khi có cơ hội bước ra khỏi thôn bản để học tập, lập nghiệp ở Thủ đô, Chính càng thêm thấu cảm những hệ luỵ của việc bởi giao thông đi lại khó khăn nên đồng bào phải ngủ lại các lán nương, ít có thời gian dành cho gia đình và chăm sóc con cái. Anh muốn làm gì đó để thay đổi thói quen canh tác, giúp bà con tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nắm bắt xu hướng mới, trên nền tảng Dự án "Phát triển du lịch sinh thái tại xã Nà Hẩu", năm 2022, Chính tiếp tục bổ sung ý tưởng, hoàn thiện thành Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu”, với mục tiêu tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương khai thác tiềm năng du lịch hang, thác, cảnh quan, sinh thái rừng già và khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng.
Chính cho biết, trong Dự án mới, HTX nhấn mạnh đến sự tham gia và hưởng lợi của người dân tộc thiểu số ở địa phương. Anh nghĩ, khi người dân thực sự làm chủ lợi ích thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên sẽ được tối ưu hóa; tránh việc đồng bào phải đứng ngoài vòng phát triển hoặc trong thụ hưởng lợi ích mà đơn giản họ chỉ là công cụ kiếm tiền cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Trong phương án phát triển ở tầm cao mới, HTX thành lập và phát triển 3 nhóm sinh kế, đối tượng tham gia chủ yếu là đồng bào dân tộc. Đó là nhóm nuôi thương phẩm cá tầm và các sản phẩm bản địa (gà đen, ốc rạ, lợn đen, ếch đát, rau dớn); nhóm làm dịch vụ Homestay; nhóm làm dịch vụ ăn uống, bán hàng tại các điểm du lịch sinh thái.
HTX giữ vai trò trung tâm điều phối thông qua liên kết với các hộ dân. Chẳng hạn, với con cá tầm, HTX là đầu mối cung cấp vật tư, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để bà con có sinh kế mới ngoài trồng trọt, nhằm giảm sức ép phá rừng lấy đất sản xuất. Hiện nay, HTX đã có 4 hộ liên kết theo hình thức này.
Trong phát triển du lịch cộng đồng, HTX cùng bà con tu sửa nhà sàn, tạo thành homestay đủ tiêu chuẩn đón khách; tập huấn về du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, đăng ký an ninh trật tự… cho các hộ gia đình.
Thanh niên và những người thành thạo đường rừng, có sức khỏe tốt được đào tạo cơ bản để phục vụ du khách trong các chuyến đi cắm trại, khám phá rừng nguyên sinh. HTX tìm nguồn khách, điều tiết cho các hộ gia đình thu tiền lưu trú và làm dịch vụ ăn uống, văn nghệ. Hiện nay, HTX đã liên kết được với 8 hộ.
Sự liên kết giữa HTX với các hộ dân tộc Mông đang mở ra tương lai mới cho họ. Lại nói về ông Giàng A Châu hiện là một trong những hộ liên kết nuôi cá tầm với HTX. Ông Châu tự vay ngân hàng 1,8 tỷ đồng để xây bể nuôi cá với quy mô 1 vạn con/lứa.
Bằng kinh nghiệm của một người nuôi cá trước khi vào HTX, ông cho biết, sau một năm, tỷ suất lợi nhuận có thể đạt tới 50%. Mỗi gia đình có điều kiện thuận lợi có thể nuôi 1 đến 2 bể, cho thu nhập 100 trăm triệu đồng/năm.
“Con cá tầm cần diện tích nhỏ nhưng hiệu quả rất cao. Thời của tôi trước đây, bà con có thói quen chổng lưng lên trời, cúi mặt xuống đất, suốt ngày đi vào nương rẫy mà chẳng được bao nhiêu. Ngày xưa, có nhiều thú rừng phá hoại mùa màng, có chỗ bà con còn chẳng được thu hoạch. Bây giờ bà con đã nhận thức ra được, tới đây bà con cũng có thể tham gia. Đảng bộ xã cũng đã ra nghị quyết, tới đây, những chỗ có nước, có đất, mỗi hộ làm 1 - 2 bể nuôi cá để có thu nhập, tránh tình trạng phá rừng làm nương rẫy, xâm hại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Tôi thấy chắc chắn sau này sẽ mang lại lợi ích rất lớn đối với bà con Nà Hẩu”, ông Châu nói.
Sinh năm 1990, Giàng A Di có trình độ Đại học Luật. Anh tốt nghiệp hệ cử tuyển, ra trường năm 2016. Chàng trai người Mông này từng lăn lộn với các nghề phụ hồ, thợ mộc ở ngoại thành Hà Nội.
Tháng 4/2020, anh về quê nhà ở thôn Trung tâm, xã Nà Hẩu để tránh dịch COVID-19. Anh không xin được việc ở quê vì bộ máy xã đã đủ biên chế.
Tháng 6/2020, anh xin vào HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu. Biết HTX đang trong giai đoạn kiến thiết nên anh hài lòng với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Gác lại kiến thức luật, Di bắt đầu công việc mới từ lúc 5h30 sáng bằng việc cọ rửa hết các bể nuôi cá, cho cá ăn 4 bữa/ngày và kết thúc công việc vào lúc 23h.
So với làm phụ hồ ở Hà Nội thì “nuôi cá nhẹ nhàng hơn nhiều, lại được gần vợ con, gia đình” - Di thật thà nói. Chỉ những hôm mưa gió mới phải vất vả lần tìm, khắc phục chỗ nào bị đất đá tràn vào lấp đường ống, vì chỉ cần 2 tiếng không có nước là cá sẽ chết.
Tại điểm du lịch Suối Tiên, một trong rất nhiều điểm du lịch ở Nà Hẩu, Thào A Dơ được HTX giao quản lý, cung cấp dịch vụ ăn uống nếu khách có nhu cầu và dẫn đường đưa khách lên thăm quan thác.
Nếu khách tự mang đồ ăn mà thuê lán của anh thì phí phục vụ là 100.000đ/mâm. Nếu khách đặt thì anh chế biến tại chỗ các món ăn đặc sản như cá tầm, gà đen, ốc núi… Cùng làm với anh có 1 người sở tại. Lúc đông khách dịp hè thì có thêm 2 người nữa.
Cao điểm từ tháng 4 đến tháng 9, Dơ thu nhập thêm vài triệu đồng/tháng. Tuy chưa cao nhưng Dơ rất phấn khởi vì có thêm tiền mặt để lo cho cuộc sống. Tiền mặt là thứ mà những người dân sở tại như anh trước đây luôn thiếu nhưng lúng túng chẳng biết làm thế nào để làm ra.
Khi màn đêm buông xuống, sự âm u, bí hiểm của núi rừng bị phá tan bởi những chương trình biểu diễn văn nghệ đậm chất văn hoá truyền thống do chính người Mông ở Nà Hẩu biểu diễn, mang lại sự hứng khởi, phấn khích cho khách du lịch thông qua những tiết mục múa khèn, múa gậy sinh tiền, hát dân ca… Thông thường một buổi biểu diễn, mỗi thành viên thu nhập khoảng 100.000 - 200.000đồng/tối.
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) là một tổ chức phi chính phủ thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, có kinh nghiệm 15 năm tìm kiếm và đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nhân và doanh nghiệp xã hội đang áp dụng các giải pháp kinh doanh bền vững nhằm giải quyết các thách thức xã hội và môi trường.
HTX. Nà Hẩu là một trong những mô hình khởi nghiệp được CSIP quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, giúp kết nối với những mô hình khởi nghiệp khác, tạo ra chuỗi giá trị cộng đồng.
Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP đánh giá, mô hình HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu đã đáp ứng được mong muốn của tất cả các doanh nghiệp và đồng bào là làm sao tăng cường được sinh kế gắn với bảo vệ rừng.
Theo bà Oanh, mô hình có khả năng tạo ra nhiều hoạt động sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số; tính bền vững và khả năng nhân rộng rất cao vì có sự kết nối giữa đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Khi đồng bào nhìn thấy lợi ích từ hoạt động du lịch, từ hoạt động sinh kế và tiềm năng tạo ra sinh kế lâu dài, đồng bào càng có ý thức, có biện pháp để bảo tồn khu vực mình sinh sống, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh để kinh doanh không đi ngược lại với bảo vệ môi trường mà song hành, tương trợ lẫn nhau. Như vậy, HTX đang trực tiếp và gián tiếp đóng góp vào việc bảo tồn Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.
Năm 2022, khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, HTX đạt doanh thu gần 2,7 tỷ đồng, trong đó thu từ bán cá tầm là trên 2,5 tỷ đồng. Quý I/2023, thu gần 665 triệu đồng, trong đó thu từ cá tầm là trên 615 triệu đồng. Ngoài duy trì ổn định công việc cho các thành viên, HTX còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, trong đó có 3 lao động là phụ nữ người Mông. HTX đang từng bước hướng tới mục tiêu giúp 200 hộ người Mông hưởng lợi từ các hoạt động của dự án, tương đương gần một nửa số hộ ở Nà Hẩu, mức thu nhập bình quân tăng 15-20%/năm.
Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu đánh giá cao Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu đã khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất đang đặt ra gay gắt, góp phần chuyển đổi kinh tế của địa phương, mở ra hướng đi mới về làm kinh tế nông nghiệp dựa trên các điều kiện tự nhiên, để người dân có thêm thu nhập từ dịch vụ, du lịch, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với những bước đi triển vọng, Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số tại khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu” đã lọt Top 3 dự án xuất sắc nhất trong Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia năm 2022. Một thành tích rất đáng nể vì Chương trình này quy tụ sự tham gia của khoảng 300 startup doanh nhân, thanh niên, sinh viên.
"Tôi luôn có khát khao và mong muốn sẽ tạo ra một mô hình mẫu, có thể “đóng gói” phù hợp với đa số mọi người ở miền núi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, để từ đó nhân rộng mô hình ra không chỉ đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, mà còn đối với nhiều địa phương khác, nhiều tỉnh miền núi khác" - Đặng Văn Chính chia sẻ.
|
|
Video Cip: Kỹ sư Đặng Văn Chính và HTX Nà Hẩu gắn tinh thần khởi nghiệp với tinh thần đại đoàn kết các dân tộc thiểu số |
ĐOÀN KẾT ĐỂ CÙNG PHÁT TRIỂN
Trên hành trình đi tới của HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu có vai trò quan trọng của người đứng đầu, người truyền cảm hứng Đặng Văn Chính.
Những ai yêu thích Đại văn hào Nga Makxim Gorki và đọc chương trình Ngữ văn lớp 7 chắc chắn nhớ câu chuyện về chàng trai Đan-kô can đảm, giàu lòng yêu thương mọi người đã tự xé toang lồng ngực, giơ cao trái tim cháy rực để soi đường cho mọi người.
Chúng tôi tuyệt nhiên không có ý so sánh Đặng Văn Chính với nhân vật Đan-kô, mà chỉ muốn liên tưởng hành động của Chính với hành động của Đan-kô bởi câu chuyện mà anh chia sẻ: “Có người hỏi tôi: Anh là người Dao, là người xã Yên Phú, tại sao không làm ở vùng đồng bào người dân tộc mình, mà lại làm ở xã Nà Hẩu? Tôi trả lời: Khi trái tim mình đủ rộng mở thì sẽ thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.”
Chúng tôi thực sự bất ngờ rồi sững sờ với chia sẻ này của Chính và muốn tìm hiểu rõ hơn về anh ở một góc độ khác, ngoài những việc làm mang tính kinh tế cho HTX.
Sống giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số có truyền thống đoàn kết và yêu thương, giúp đỡ nhau, lại có hiểu biết nên năm 2019, lúc 37 tuổi, khi bắt tay vào thành lập HTX, Chính đã thấm tư tưởng đại đoàn kết các dân tộc của Bác Hồ. Lý tưởng của anh là trong khả năng của mình phải biến tư tưởng của Bác thành việc làm cụ thể.
Chính chia sẻ, Văn Yên quê anh có nhiều dân tộc (người Kinh, người Mông, người Dao, người Tày, người Nùng, người Sán Dìu…). Từ nhỏ, anh đã thấy người Mông và người Dao khá gần gũi vì đều sống trên núi cao. Lớn lên, anh được biết 2 dân tộc còn chung hệ ngôn ngữ Mông - Dao. Các dân tộc cùng sinh sống trong một cộng đồng giống như anh em trong một gia đình nên anh không có tư tưởng cục bộ dân tộc rằng khởi nghiệp chỉ để giúp dân tộc Dao của mình, mà muốn xoá đói giảm nghèo cho càng nhiều người càng tốt, không phân biệt thành phần dân tộc.
Chính nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra những hướng đi mới với hy vọng và cũng là quyết tâm đánh thức những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, biến tài nguyên thành di sản, biến di sản thành tài sản, để từ đó giúp bà con các dân tộc ở đây có công ăn việc làm, có thu nhập, phát triển kinh tế".
Chúng tôi tin chia sẻ của Chính là thật lòng, xuất phát từ trái tim chứ không phải là những mỹ từ của một người đã quen tiếp xúc với truyền thông sau khi đoạt được khá nhiều giải thưởng ở các cuộc thi cấp quốc gia và cơ sở.
Nếu không thực lòng và không có những hành động cụ thể, thì Đặng Văn Chính không thể thuyết phục được ông Giàng A Châu - một “thủ lĩnh tinh thần” của người Mông ở Nà Hẩu về lý tưởng đoàn kết các dân tộc trong một ý tưởng khởi sự kinh doanh.
Là người từng trải, hiểu đời, hiểu người, hiểu chuyện, ông Châu bộc bạch: “Ngày xưa, nghe các cụ kể chuyện thì thực ra cộng đồng người Mông, người Dao đã sống rất gần gũi, vì đa số sống ở rừng sâu, ăn cơm, uống rượu na ná giống nhau, phong tục sống cũng gần như nhau. Nhiều năm gần đây, các dân tộc sống đoàn kết theo Đảng, Nhà nước. Về xây dựng gia đình, con trai người Mông lấy con gái người Dao, con trai người Dao cũng lấy con gái người Mông.
Tôi suy nghĩ tích cực theo quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, không phải như ngày xưa các cụ nói, các dân tộc không sống được với nhau. Bây giờ phải có một sự hoà nhập. Cái hòa nhập đó là học tập lẫn nhau để cùng tiến bộ. Tôi đã 20 năm làm cán bộ, tôi vẫn tuyên truyền bà con là bây giờ chúng ta phải sống hòa nhập, tức là có cả người Kinh, người Tày… để người ta hòa nhập với chúng ta thì mới phát triển được. Một dân tộc sống ở địa phương như thế, lúc nào cũng lạc hậu theo cách của mình thì không thể phát triển được. Bây giờ thì bà con cũng hiểu được cái đó. Nhiều người về mua bán, trao đổi thì bà con cũng mới biết mua bán chứ trước đây làm sao bà con biết. Đó là những cái rất cần đối với xã hội, cần cho một dân tộc nào đó và nhiều dân tộc sống xen kẽ lẫn nhau để phát triển”.
Suy nghĩ tích cực về đoàn kết các dân tộc của một người Mông lớn tuổi như ông Châu “bắt sóng” với cái tâm và ý thức đoàn kết các dân tộc của một người Dao trẻ tuổi như Chính đưa đến kết quả là HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nà Hẩu hiện đã quy tụ được 14 thành viên. Họ gồm cả người sở tại và từ nơi khác đến, với nhiều thành phần dân tộc: Mông, Dao, Tày, Kinh, Giáy, trong đó người Mông chiếm một nửa.
Chính nói: “Trong HTX tuy có nhiều dân tộc, nhưng rất đoàn kết, có thể học hỏi những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu của nhau để tạo thành một khối thống nhất đưa HTX ngày càng phát triển”.
Chỉ có đoàn kết dân tộc thì Chính mới tâm sự với chúng tôi rằng, anh rất “đau” khi thấy đồng bào có thể trồng được bất cứ cây gì, nuôi được bất cứ con gì nhưng họ cứ nghèo mãi vì không biết làm thế nào để tạo ra được nhiều giá trị từ những cây, con mà mình làm ra. Chỉ có đoàn kết dân tộc thì anh và ban lãnh đạo HTX mới “đặt mình vào vị trí của người dân và suy nghĩ về điều đó để tìm ra những giải pháp giải quyết đầu ra cho các sản phẩm hàng hoá”.
Và giải pháp mà anh cùng HTX tìm ra chính là tập trung phát triển các chuỗi liên kết nuôi con cá tầm đặc sản và chuỗi liên kết du lịch cộng đồng cho đồng bào Mông ở Nà Hẩu.
Trở lại ông Giàng A Châu, bản thân từng là một người lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền xã lâu năm, lại là người có uy tín trong đồng bào Mông ở Nà Hẩu, tuổi thì lớn gần gấp đôi Chính nhưng ông vẫn sẵn sàng lui lại làm Phó Giám đốc HTX cho anh.
“Biết anh ấy là một chàng trai người Dao rất thật thà và dũng cảm nên lòng tin của mình cũng đặt rất cao với anh ấy. Tôi ý thức được rằng mình làm phó thì đã được sự tin tưởng của anh ấy cho mình. Vì anh ấy được học hành ở Thủ đô Hà Nội, anh ấy sẽ hiểu sâu hơn; văn bản, giấy tờ, máy móc anh ấy giỏi hơn, tất nhiên anh ấy phải đứng đầu HTX. Mình làm cái gì cũng được, thành viên HTX cũng rất là quý. Thành lập được HTX trước tiên mang lợi ích cho cá nhân mình, sau đó đến lợi ích của người dân nên mình không suy nghĩ gì cả” - ông Châu chân tình tâm sự.
Sự cởi mở, vượt lên cảm giác tự ái, tự ti thường có ở người lớn tuổi và tinh thần tất cả vì cái chung của ông Châu đã làm bệ phóng cho lý tưởng đoàn kết các dân tộc của Chính thành hiện thực, đồng thời dần thuyết phục đồng bào Mông ở Nà Hẩu tin vào mô hình HTX do một người dân tộc Dao đứng đầu.
Sau gần 4 năm hoạt động, HTX là đơn vị sản xuất, kinh doanh mang lại giá kinh tế bền vững trong cộng đồng với quy mô nuôi 1 vạn con cá tầm/lứa, sản lượng bình quân đạt trên 20 tấn/năm; giá bán 260.000 đồng/kg, đầu ra sản phẩm ổn định; tạo việc làm, thu nhập cho một số lao động là người Mông ở địa phương.
Hay nữa là mô hình đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của người ngoài xã. Hôm chúng tôi đến Nà Hẩu thì gặp một chàng thanh niên người Dao tên là Lý Liều ở xã Đại Sơn bên cạnh đang tìm đến học hỏi kỹ thuật nuôi cá tầm và làm du lịch cộng đồng để tìm cách đưa mô hình về thôn mình.
“Những mô hình như Nà Hẩu mặc dù tại một điểm có thể là nhỏ nhưng câu chuyện đó có sức lan toả. Mô hình đưa ra hy vọng cho thanh niên dân tộc thiểu số ở đây là họ có thể sinh sống, họ có thu nhập, họ có thể làm giàu được ngay trên chính mảnh đất của mình. Như thế họ sẽ gắn bó chặt chẽ với quê hương, bớt đi những xáo trộn về mặt xã hội ở cộng đồng. Về lâu dài, chúng tôi rất mong muốn tạo ra nhiều doanh nghiệp bám trụ tại các cộng đồng dân tộc như thế này để tạo ra sinh kế, tạo ra việc làm, giúp bà con không mất đi bản sắc của mình nhưng đồng thời họ cũng được sống và làm việc, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Chúng tôi đã nhìn thấy tác động xã hội và tính lan toả rất cao, rất sâu, hỗ trợ trực tiếp cho đời sống sinh kế của bà con địa phương nhưng đồng thời cũng tạo ra những tác động ở mức độ rộng hơn. Đó chính là sự khác biệt mà chúng tôi cùng các tổ chức khác muốn chung tay cùng Nà Hẩu để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.” - bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP nói.
|
|
Video clip: Kỹ sư Đặng Văn Chính mong muốn hoàn thiện và đóng gói mô hình để nhân rộng ra những địa phương khác... |
TIẾP TỤC HÀNH TRÌNH HY VỌNG
Theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2019 do Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện đã chỉ ra: tỷ lệ người dân tộc thiểu số làm các công việc giản đơn rất cao, có những dân tộc như Ơ Đu, Pà Thẻn, Lô Lô, Cờ Lao có hơn 90% lao động làm các công việc giản đơn tạo ra giá trị kinh tế thấp. Cùng với đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào loại hình kinh tế hợp tác xã cũng rất thấp, ở khu vực thành thị là 0,1%, còn ở khu vực nông thôn là 0%. Vì vậy, giờ đây ở xã đặc biệt khó khăn mà lại tổ chức được những hợp tác xã như HTX Nà Hẩu là điều rất đáng quý, cần được quan tâm hỗ trợ và nhân rộng.
Trong cộng đồng 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, dân tộc Mông là một trong 6 dân tộc thiểu số có dân số đông, trên 1 triệu người. Đông nhưng chưa phát triển vì trong danh sách 32 dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ có tên dân tộc Mông.
Một trong các tiêu chí xác định dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn là dân tộc đó có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn 1,5 lần trở lên so với bình quân chung tỷ lệ hộ nghèo của 53 dân tộc thiểu số.
Cũng theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng dân tộc thiểu số là 35,5%; tỷ lệ này ở dân tộc Mông là 65,5%, nghĩa là gấp trên 1,8 lần.
Trong tình hình đó, bất kỳ hành động nào dù to hay nhỏ, dù hiệu quả lớn hay bé nhưng nếu vì mục đích giúp đồng bào dân tộc Mông và các dân tộc thiểu số khác giảm nghèo thì đều đáng quý, đáng trân trọng.
Khi megastory này gần hoàn thành, Đặng Văn Chính gọi điện chia sẻ với chúng tôi ba tin vui. Thứ nhất, Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số tại khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu” đã được Ban Tổ chức Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia cố vấn hoàn thiện để tham dự Cúp Khởi nghiệp Toàn cầu.
Thứ hai, sau khi tìm hiểu, phân tích các điều kiện phát triển du lịch cộng đồng (về hệ sinh thái, văn hóa - xã hội, kinh tế, cơ sở hạ tầng, mạng lưới các điểm du lịch trong bán kính 100 km…), Đoàn nghiên cứu của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Cộng hòa liên bang Đức (DAAD) đã đề xuất phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu trong tương lai trở thành một “ốc đảo” du lịch sinh thái miền núi, tương tự như nhiều làng quê vùng núi ở Đức và một số nước châu Á nhằm phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng nội tại và sự tham gia của người dân địa phương.
Thứ ba, những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, Đặng Văn Chính vừa vượt qua vòng thuyết trình về mô hình HTX Nà Hẩu trước Hội đồng Quản lý Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19” (Dự án ISEE-COVID) và trở thành 1 trong 30 doanh nghiệp được Dự án ISEE-COVID hỗ trợ 100 triệu đồng đồng thời hỗ trợ tư vấn chuyên sâu trong vòng 6 tháng. Hoạt động này của Dự án ISEE-COVID nằm trong khuôn khổ "Chương trình hỗ trợ và đồng hành cùng các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) khôi phục sau COVID-19" do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Chính phủ Canada, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam cùng phối hợp tổ chức.
Đến và dừng chân ở Nà Hẩu là một cái cái duyên, Đặng Văn Chính mong muốn và đang nỗ lực không ngừng để vừa góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của cộng đồng dân tộc Mông đang sinh sống trên mảnh đất này, vừa chung tay bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh luôn xanh mãi và quan trọng nhất là tạo sinh kế từ chính tài nguyên bản địa giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.
Bằng sự chân thành và lý tưởng đoàn kết các dân tộc, chàng trai người Dao được được đồng bào Mông ở Nà Hầu coi như anh em trong gia đình. “Dù ở xã khác, dù là người dân tộc khác, nhưng bây giờ anh ấy về đây, người Mông chào hỏi rất cởi mở, thân mật, coi như một thành viên của nhân dân Nà Hẩu. Đấy là một cái tuyệt vời, là cái đoàn kết chúng tôi lại với nhau…” - ông già Giàng A Châu hồ hởi nói xen lẫn trong tiếng cười lớn sảng khoái và lạc quan.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mong sao trong xã hội có nhiều trái tim rộng mở và hành động thiết thực như Đặng Văn Chính để vun đắp, củng cố vững chắc cho tình đoàn kết và sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam!
[1] “Từ văn hoá truyền thống nghĩ về giải pháp bảo đảm quyền của đồng bào Mông ở Việt Nam hiện nay”, TS. Hoàng Xuân Lương, Tạp chí Dân tộc, số tháng 8/2011, tr 12