(ĐCSVN) - "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Giai đoạn I: 2021 - 2025" được phê duyệt tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (bà con các dân tộc thiểu số thường nói tắt là "Chương trình 1719" cho dễ nhớ) được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại An Giang, đối tượng chính được thụ hưởng là đồng bào Khmer và đồng bào Chăm, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Kinh tế xã hội cũng như diện mạo vùng nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc.
Ông Chau Anne, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang đã có cuộc trao đổi Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh những kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) trên địa bàn.
Phóng viên: Thưa ông, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xin Ông đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN đối với sự phát triển của tỉnh An Giang, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
Ông Chau Anne - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang: An Giang là tỉnh biên giới đầu nguồn lưu vực sông Cửu Long, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm 5,2%. Trong đó, dân tộc Khmer (75.878 người, chiếm 3,98%), dân tộc Chăm (11.171 người, chiếm 0,59%), dân tộc Hoa (5.233 người, chiếm 0,27%), phần còn lại là dân tộc thiểu số khác sinh sống rải rác trên địa bàn. Vì vậy, việc phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN được triển khai thực hiện chính là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chính sách dân tộc; vừa là giải pháp để phát triển KT-XH, vừa là tích hợp thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong đợi của đồng bào DTTS cả nước, trong đó có tỉnh An Giang.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của Chương trình, An Giang đã thành lập ban chỉ đạo, các bộ phận giúp việc; giao đơn vị chủ trì quản lý chương trình, kế hoạch thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện trong từng nội dung; cơ chế, chính sách, giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm…
Theo đó, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh An Giang đã chủ động, nỗ lực triển khai chương trình nhằm hướng đến mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Phóng viên: Để triển khai thực hiện Chương trình có trọng tâm, trọng điểm, thực sự là đòn bẩy giúp vùng dân tộc và miền núi phát triển bền vững, xin Ông cho biết những lĩnh vực nào được tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư từ chương trình này?
Ông Chau Anne: Các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS & MN là trọng điểm, với vốn phân bổ cao.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn của Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 416/QĐ-UBND ngày 04/4/2023 về việc thành lập các Đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023: Kiểm tra, đôn đốc và xử lý vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án thuộc danh mục dự án kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương (kể cả vốn kéo dài), trong đó trọng tâm là các công trình, dự án trọng điểm và các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phóng viên: Cho đến nay, việc triển khai Chương trình tại An Giang có gặp khó khăn, vướng mắc gì không? Tỉnh có đề xuất, kiến nghị gì để Chương trình sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS, thưa Ông?
Ông Chau Anne: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN An Giang còn gặp một số khó khăn do Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn đối với Tiểu dự án 2, Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu hồi vốn, vay vốn ủy thác qua ngân hàng; Chưa có qui định về hạn mức để tính giá trị qui đổi đối với cây trồng, vật nuôi, nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Hay như đối với Dự án 1, Dự án 3 và Tiểu dự án 2, Dự án 9: Trung ương chưa ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về biểu mẫu, hồ sơ, thủ tục, trình tự lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất để thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế (so với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững Bộ lao động, Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2022). Đồng thời, Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu hồi vốn, vay vốn ủy thác qua ngân hàng; chưa qui định về hạn mức để tính giá trị qui đổi đối với cây trồng, vật nuôi, nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, hiện các tiểu dự án, dự án này đang phải tạm ngưng triển khai chờ sự hướng dẫn của Trung ương và cấp có thẩm quyền.
|
|
Tỷ lệ người Chăm và người Khmer từ 15 tuổi trở lên biết nói tiếng mẹ đẻ là 18,7% và 21,5% (cao hơn mức bình quân chung của 32 dân tộc thiểu số được khảo sát), đồng nghĩa với việc tỷ lệ người Chăm và người Khmer biết nói tiếng phổ thông là khá cao (81,3% và 78,5%), nhưng trong đó, tỷ lệ người mù chữ cả chữ Chăm, chữ Khmer và chữ phổ thông tiếng Việt cũng ở mức khá cao (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Phóng viên: Với mục tiêu nâng tỷ lệ đồng bào DTTS Chăm, Khmer từ 15 tuổi trở lên biết đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông (tiếng Việt), An Giang đã triển khai công tác xóa mù chữ như thế nào?
Ông Chau Anne: Toàn tỉnh An Giang có 54 trường THPT và 155 trường THCS, trong đó, có 03 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) , gồm: Trường PTDTNT THPT của tỉnh đặt tại thành phố Châu Đốc, Trường PTDTNT THCS Tri Tôn và Trường PTDTNT THCS Tịnh Biên. Đa số học sinh DTTS theo học tập tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc và thị xã Tân Châu.
Công tác xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm triển khai thực hiện, trong đó dạy và học tiếng Chăm tại các điểm thờ tự Thánh đường và Tiểu Thánh đường; tiếng Khmer được tổ chức tại 03 trường PTDTNT và ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Một số nơi của huyện Tri Tôn còn tổ chức dạy tại các điểm chùa vào dịp hè hàng năm.
Bên cạnh đó, từ năm học 2015 - 2016, được sự giúp đỡ của tổ chức UNICEF Việt Nam, địa phương cũng đã tổ chức giảng dạy thí điểm các lớp song ngữ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (tiếng Khmer) tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.
Cùng với việc dạy tiếng mẹ đẻ cho con em đồng bào thì hàng năm, Sở Giáo dục - Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phổ cập giáo dục xóa mù chữ, chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, cập nhật, điều tra nắm chắc số liệu người trong độ tuổi xóa mù chữ (từ 15 đến 60 tuổi) từ đó huy động các nguồn lực để vận động trẻ em đến trường và tiến hành mở lớp xóa mù chữ cho người dân, trong đó đặc biệt chú ý đến vùng đồng bào DTTS & MN khó khăn.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!