leftcenterrightdel
 

TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước cụ thể hóa việc “học và làm theo Bác” bằng việc đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) phương hướng: “Xây dựng TP Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa của người dân, cán bộ, đảng viên của Thành phố mang tên Bác …”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI cũng đã xác định: “Thông qua xây dựng Thành phố thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và Nhân dân Thành phố. Đây là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức…”. Trên thực tế, sau một thời gian triển khai đã cho thấy đó là quyết sách độc đáo, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và cũng là nét đẹp rất riêng, rất hấp dẫn của thành phố mang tên Bác. Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đã góp phần xây dựng văn hóa và con người toàn diện, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Thành phố.

Bài 1: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” - Nét đẹp riêng của thành phố mang tên Bác

Việc xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại TP Hồ Chí Minh được xác định là động lực quan trọng để xây dựng Thành phố phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Thành phố, con người Thành phố - trung tâm của vùng đất Nam bộ. Đó không chỉ thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn hình thành nét đẹp riêng có của Thành phố vinh dự được mang tên Người. 

Trở thành thuộc tính văn hóa của Thành phố

***

leftcenterrightdel
"Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" được các đơn vị trên địa bàn Thành phố tích cực triển khai 

TP Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, với sự năng động, sáng tạo đã đưa nền kinh tế Thành phố phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia. Không chỉ giữ vai trò đầu tàu về kinh tế, nơi đây còn đi đầu ở nhiều lĩnh vực, trong đó, đặc biệt chú trọng tới phát triển văn hóa. Thành phố luôn xác định phát triển văn hóa và phát triển kinh tế là hai yếu tố có mối tương quan đặc biệt trong quá trình xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

leftcenterrightdel
  Xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại TP Hồ Chí Minh là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân; là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân nhân Thành phố. 

Với tinh thần xuyên suốt đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định: “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho Thành phố phát triển nhanh và bền vững”. Và cũng tại nhiệm kỳ này, một điểm nhấn khá nổi bật đã được Thành phố triển khai đó chính là xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm vào từng người dân, trở thành một đặc thù của công dân Thành phố mang tên Bác; đó thật sự trở thành động lực phát triển, trở thành thuộc tính văn hóa của Thành phố như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong buổi làm việc giữa Bộ Chính trị với TP Hồ Chí Minh chuẩn bị cho Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Vinh dự là thành phố duy nhất mang tên Người, TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên trong lịch sử Thành phố cũng là lần đầu tiên trong cả nước đưa vào văn kiện Đảng bộ, đồng thời đang từng bước hiện thực hóa việc xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Đây thực sự là một quyết sách độc đáo của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 

Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại TP Hồ Chí Minh là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân; là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân nhân Thành phố.

Tuy nhiên, để triển khai, tạo điểm nhấn trong thực tế, nhiều người cho rằng, mỗi địa phương khi xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" cần xem xét tới yếu tố đặc thù của mình, tạo nên đặc trưng riêng. Với TP Hồ Chí Minh cũng vậy, xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại thành phố vinh dự mang tên Người lại càng phải thể hiện đầy đủ, sinh động mối quan hệ biện chứng giữa cái chung, cái riêng, cái đặc thù trên địa bàn Thành phố.

Cũng với quan điểm trên, đồng chí Phạm Phương Thảo đã chỉ rõ, đó là việc củng cố, tạo lập các giá trị văn hóa trên địa bàn Thành phố (cả vật chất lẫn tinh thần) mà nền tảng là từ những giá trị của cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nói cách khác là làm cho môi trường sống của Thành phố chứa đầy các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào văn hóa con người Thành phố và trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, đặc thù của người dân Thành phố.

Đồng chí Phạm Phương Thảo nhấn mạnh:" Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nét đẹp rất riêng, rất hấp dẫn của Thành phố. Chúng ta không chỉ có sức mạnh "cứng" mà còn phải có sức mạnh "mềm" là văn hóa"

Thu hút sự quan tâm, triển khai hiệu quả của nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị

***

leftcenterrightdel
"Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trở nên thân thuộc với đời sống hàng ngày của người dân. Trong ảnh là một "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại cơ sở tôn giáo trên địa bàn Thành phố. 

Để đạt được mục đích đã đề ra, TP Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ quy hoạch để phát triển thêm những công trình văn hóa, những thiết chế văn hóa vật thể. Việc xây dựng những công trình văn hóa gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn ở những nơi mà Bác đi qua, Bác dừng chân. Hiện nay, "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" của Thành phố đã có một số địa điểm nổi bật như: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Bến cảng Nhà Rồng, Nhà số 5 Châu Văn Liêm - nơi Bác ở 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đường sách TP Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, theo định hướng xây dựng và phát triển "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên địa bàn, Thành phố không chỉ quy hoạch phát triển thêm những công trình văn hóa, những thiết chế văn hóa vật thể, mà còn cần phải xây dựng thêm nhiều hơn những công trình văn hóa phi vật thể, là những hoạt động, chương trình, sản phẩm nghệ thuật gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được biết, theo quy hoạch, ở phía Đông Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự kiến Thành phố sẽ xây dựng thêm "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" với diện tích lớn hơn, đó là quảng trường, là nơi biểu diễn nghệ thuật, trưng bày những tác phẩm nghệ thuật, những công trình, những thiết chế văn hóa vật thể gắn với Bác.

leftcenterrightdel
  Cùng với các công trình lớn của Thành phố, tại các địa phương, các đơn vị cũng đã tích cực triển khai xây dựng, hình thành các "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" riêng phù hợp với đặc thù công việc, với từng địa bàn.
 

Cùng với các công trình lớn của Thành phố, tại các địa phương, các đơn vị cũng đã tích cực triển khai xây dựng, hình thành các "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" riêng phù hợp với đặc thù công việc, với từng địa bàn. Chỉ với một khoảng thời gian ngắn, nhưng hôm nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" ngay tại phòng tiếp dân, ngay trụ sở các cơ quan, ban, ngành. Trong môi trường giáo dục, đào tạo, "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" đã được thầy, cô lồng ghép vào chương trình học, sân khấu hóa các câu chuyện về Bác. Từ đó, nhà trường cũng muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa cho các em học sinh trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không khó để bắt gặp những không gian trưng bày tranh, ảnh, khẩu hiệu khắc họa chân dung của Người ở ngay các khu phố, các tuyến đường - nơi tất cả mọi người dân đều được thụ hưởng, đồng thời góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cộng đồng.

leftcenterrightdel
 

Mặc dù chủ trương là mới mẻ, chưa có tiền lệ lịch sử, dù còn cần phải đánh giá cả về lý luận và thực tiễn để làm sáng tỏ nhiều vấn đề song nó đã thu hút sự quan tâm, triển khai, thực hiện hiệu quả của nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị... trên địa bàn Thành phố. Điều này giúp  chúng ta có cơ sở để tin vào kết quả tốt đẹp của chủ trương này, xây dựng thành công "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên Thành phố mang tên Người. Thông qua đó sẽ hình thành nên "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" gắn liền với nét riêng đặc trưng cốt lõi của TP Hồ Chí Minh. Có thể nói, từ thực tiễn, chúng ta đã cảm nhận rõ rệt một điều rằng qua "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" đã giúp nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân và góp phần tích cực vào việc xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Thông qua xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của Nhân dân Thành phố. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang dần được hình thành, phát triển và lưu truyền bền vững./.

(Bài viết có sử dụng một số hình ảnh của đồng nghiệp)

V.Lê
10/04/2024 10:03