Theo nghệ nhân làng Kiêu Kỵ, một bí quyết nghề đó là công đoạn làm lá giống để đặt vào các miếng điệp (vàng, bạc) được cán và cắt nhỏ. Cứ 49 miếng điệp xếp xen kẽ giữa 50 lá giống để sử dụng cho công đoạn đánh vỡ. Đây là công đoạn mang tính quyết định chất lượng của việc dát mỏng vàng bạc.
Những người thợ lâu năm ở Kiêu Kỵ cho biết thêm, lá giống xếp xen kẽ với các lá vàng phải đủ độ khô, dai, đàn hồi để không bị rách, không được phai màu keo lẫn vào vàng, hay để miếng vàng không bị dính vào lá giống khi gỡ ra. Khi lướt và đập giấy quỳ phải loại bỏ giấy rách nát. Chỉ cần sơ ý quên, vàng bạc lúc cho vào đánh quỳ sẽ bị vỡ, hoặc dàn mỏng không đều, ảnh hưởng đến chất lượng của quỳ. Thông thường lá giống có thể sử dụng khoảng 10 lần tùy thuộc vào kinh nghiệm làm của mỗi hộ làm quỳ vàng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, có thời kỳ nghề làm vàng quỳ ở Kiêu Kỵ đã gần như bị mai một. Sau ngày thống nhất đất nước, bước vào thời kỳ mở cửa, nền kinh tế đất nước phát triển đã mang làn gió mới tới làng nghề. Các công trình văn hóa, các di tích lịch sử được khôi phục, nhiều công trình văn hoá truyền thống được xây dựng mới, nhu cầu trang trí các sản phẩm, hàng hoá tăng cao rất cần đến dát vàng, đã thúc đẩy nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ khôi phục và phát triển.
Hiện nay làng Kiêu kỵ có khoảng 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất quy mô lớn, thu hút khoảng 300 - 400 lao động, thu nhập bình quân từ 5-10 triệu/tháng. Nhiều hộ gia đình phải mượn thêm tới 20 lao động để sản xuất, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Có gia đình ở Kiêu Kỵ mỗi tháng sử dụng trên dưới 10 cây vàng để làm nguyên liệu sản xuất, duy trì thường xuyên 10 lao động, sản xuất quỳ vàng quanh năm. Công việc làm vàng bận rộn nhất vào dịp cuối năm, các mặt hàng cần sơn son thiếp vàng ở Kiêu kỵ rất đa dạng không chỉ là các sản phẩm truyền thống như hoành phi, câu đối, tượng thờ mà còn cả các vật dụng trang trí như đồ lưu niệm, tranh sơn mài, gốm sứ, sản phẩm trưng bày, trang trí nội thất…dân làng Kiêu Kỵ nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nhiều địa phương cả nước đặt hàng, nhờ đó nâng cao thu nhập, giúp xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc ngay trên quê hương mình một cách bền vững.
Một người thợ trẻ tại hộ ông Hiệp, có thâm niên 12 năm làm quỳ vàng cho hay. Dù nghề dát vàng không thể giàu nhanh, nhưng bù lại công việc ổn định, thu nhập cũng khá nên anh muốn gắn bó lâu dài với nghề này. Anh tâm sự, nếu nhận được sự hỗ trợ vốn liếng của địa phương, anh và lớp thanh niên trẻ trong làng cũng sẽ khởi nghiệp, đầu tư mở rộng sản xuất, tiếp nối ngành nghề cổ truyền của cha ông.
|
|
Nghệ nhân Lê Bá Chung (áo trắng) làng Kiêu Kỵ thực hiện thiếp vàng trên sản phẩm. |
Nghệ nhân Chung cho biết, hiện nay người dân làng nghề đang tích cực tìm tòi, sáng tạo và tìm hướng đi mới để quảng bá và phát triển làng nghề. Ngoài sản xuất những sản phẩm truyền thống, người dân làng nghề năng động, mở rộng làm thiếp vàng trên các sản phẩm trang trí, quà tặng, đặc biệt là các công trình nội ngoại thất…, nhận được sự yêu thích của khách hàng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo bà Ngọ, một người thợ làm quỳ vàng lâu năm cho biết. Cuối năm 2020, nhiều hộ ở Kiêu Kỵ đã nhận được những công trình lớn như thếp vàng, trang trí hoa văn tư gia ở tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hưng Yên. Do công trình có quy mô lớn phải thực hiện trong nhiều tháng mới hoàn thành. Hay năm Tân Sửu, có gia đình nghệ nhân nhận đơn hàng thếp vàng hàng ngàn con trâu làm tặng phẩm , có lúc phải mượn tới gần 30 công nhân làm việc miệt mài để hoàn thành.
Để bảo tồn và phát triển nghề quỳ vàng bạc, những năm gần đây người dân Kiêu Kỵ đã kết hợp với các làng nghề cổ truyền sơn mài, tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối khác như: Làng Hạ Thái, Sơn Đồng, Vũ Lăng; Mai Động, Đồng Quang (Bắc Ninh); Cát Đằng (Nam Định); Bảo Hà (Hải Phòng)… để giao thương, ổn định đầu ra sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề. Không ít nghệ nhân ở Đình Bảng, Huế và miền Nam là những bạn hàng của Kiêu Kỵ. Gần đây, các hoạ sĩ trang trí nội thất những công trình kiến trúc lớn tìm đến Kiêu Kỵ để phối hợp thực hiện các công trình lớn. Trong đó kể đến như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Triệu Tổ miếu (Hoàng thành Huế), Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), chùa Nam Thiên Nhất Trụ (TP. Hồ Chí Minh) và các công trình, khách sạn trong nước. Các di sản văn hoá, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An, Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng không thể thiếu vàng quỳ, bạc quỳ.
|
|
Sản phẩm thiếp vàng tại làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. |
Không chỉ bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, gần đây du lịch làng nghề đang được tính đến ở Kiêu Kỵ. Hiện nay làng có 15 di tích là các đình, đền, chùa, miếu có giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc cao, đặc biệt là di sản nghề làm quỳ vàng, bạc độc đáo là những nền tảng văn hoá truyền thống thuận lợi để khai thác, phát triển loại hình du lịch làng nghề kết hợp du lịch tâm linh.
Điều mà người dân Kiêu Kỵ đang mong mỏi huyện Gia Lâm tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch nông thôn mới, để tạo thuận lợi sản xuất, đón tiếp khách du lịch tham quan. Hay kết hợp với các điểm du lịch khác để xây dựng tuyến du lịch làng nghề - tâm linh từ Hà Nội đi Bát Tràng, đền Chử Đồng Tử, Kiêu Kỵ, chùa Bà Tấm, đền Gióng (Phù Đổng)... để làng Kiêu Kỵ trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Với nhiều đóng góp quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị làng nghề truyền thống, nhiều cá nhân ở Kiêu Kỵ đã được vinh danh như: Năm 2004, ông Lê Bá Chung được UBND TP Hà Nội xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Năm 2016, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2017 ông được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Ngoài ra còn nhiều danh hiệu nghệ nhân khác được Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phong tặng như nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, nghệ nhân Lê Văn Vòng, nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp cùng nhiều nghệ nhân khác…
|
|
Đền thờ Tổ nghề thờ Nguyễn Quý Trị một trong các di tích lịch sử, văn hoá đang được dân làng Kiêu Kỵ trân trọng bảo tồn, gìn giữ. |
Từ truyền thống văn hiến Hà Nội, từ đôi bàn tay kỳ diệu của người thợ thủ công Việt Nam, tháng 3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - một sự tôn vinh xứng đáng với làng nghề. Đây cũng là nguồn động viên, niềm tự hào lớn lao đối với các thế hệ người dân làng Kiêu Kỵ - những người đã trực tiếp thực hành và gìn giữ di sản. Đồng thời góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn và phát huy một ngành nghề cổ truyền mang đậm dấu ấn văn hoá của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. |