leftcenterrightdel
 

Nghệ thuật múa cổ truyền góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa của Thăng Long – Hà Nội. Di sản văn hóa đặc trưng của nền văn minh sông Hồng này đang thúc đẩy tính sáng tạo con người và thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hoá.

Theo thống kê, Hà Nội hiện lưu giữ gần 100 điệu múa cổ, gồm các hình thái múa dân gian, cung đình và múa tín ngưỡng, tôn giáo. Mỗi hình thái múa gắn với một môi trường trình diễn, có mục đích, tính chất khác nhau như: Múa cung đình đi kèm với các linh vật long - ly - quy - phượng với ý nghĩa chúc an lành, thịnh vượng, xua đuổi tà ma. Múa tín ngưỡng tôn giáo thể hiện tính nhân văn. Họa tiết về múa cổ còn khắc họa trên các trống đồng Đông Sơn ở (Thành Cổ Loa), trống đồng Miếu Môn (Mỹ Đức - Hà Nội) trống đồng Hoàng Hạ (Phú Xuyên - Hà Nội) cho thấy múa cổ có lịch sử lâu đời, gắn bó với đời sống của người dân Thăng Long - Hà Nội.

Trong số các điệu múa cổ đất Thăng Long còn lưu giữ, tiêu biểu là “múa Ải Lao” trong lễ hội Gióng, “múa đèn” trong lễ hội Đền Hai Bà Trưng, “múa chạy cờ”, xã Tân Triều, (Thanh Trì, Hà Nội), “múa rắn” ở làng Lệ Mật (Gia Lâm), “múa bồng” làng Triều Khúc, “múa roi” làng Cót, “múa chén” làng Mọc, “múa rồng lửa” ở Khương Thượng, múa "cởi vú mo" ở lễ hội làng Đường Yên, huyện Đông Anh, múa "canh nông" ở hội làng Cư An, huyện Mê Linh, “múa lục cúng” hoa đăng ở chùa Minh Quang (Đống Đa), múa “chèo tầu” ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng; múa “chèo cạn” ở phường Bưởi…

Tìm hiểu về múa cổ Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đều có chung nhận định: Múa cổ Hà Nội là di sản nghệ thuật có giá trị đặc sắc của nhân dân, hiếm có địa phương nào ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ còn bảo lưu được các hình thức múa dân gian cổ truyền như ở Hà Nội.

Theo nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh: Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ Hà Nội không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại.

leftcenterrightdel
 Các vũ công là các chàng trai ăn mặc giả gái trình diễn múa Bồng.

Trong kho tàng múa cổ đất Thăng Long, điệu múa đánh bồng làng Triều Khúc ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc sắc. Trải qua hơn 10 thế kỷ, điệu múa cổ này vẫn được gìn giữ và lưu truyền đến nay, để rồi mỗi dịp hội làng nó lại mang tới người xem bao niềm hứng khởi.

Theo các bậc cao niên làng Triều Khúc, múa Bồng có khởi nguồn gắn với huyền tích về vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761 - 802). Sau khi chiến thắng quân Đường ở thành Tống Bình (làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay), ông đã chọn những lính tráng tài hoa giả gái múa đánh bồng, để tạo không khí vui tươi, khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ.

Từ đó, múa bồng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ nghệ nhân dân gian. Đến nay, múa bồng đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của hội làng Triều Khúc, tổ chức vào ngày 9 - 12/1 (Âm lịch) hàng năm. Điệu múa này còn được giới thiệu tại các lễ hội truyền thống gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời của Thăng Long - Hà Nội.

Hình thức nghệ thuật diễn xướng múa bồng được lưu truyền, mang bản sắc riêng, không giống những loại hình nghệ thuật khác, vì vậy, nó rất cầu kỳ và phức tạp. Để có được người múa hợp trong một cặp, các nghệ nhân phải chọn lựa cẩn thận, rồi truyền nghề. Khi học múa, người học không chỉ phải thuộc các động tác mà còn phải biết nhập tâm, phải thể hiện được thần thái của điệu múa.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, múa Bồng làng Triều Khúc phản ánh đời sống tín ngưỡng, đồng thời gửi gắm ước mong của nhân dân được mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Với những sắc thái vui tươi, hạnh phúc, nên trong các ngày vui, dịp lễ trọng đại của làng Triều Khúc hay các làng cổ khác của Hà Nội, điệu múa Bồng lại có dịp phô diễn vẻ đẹp văn hóa của vùng đất kinh kỳ văn hiến.

leftcenterrightdel
Điệu múa Bồng trình diễn trong lễ hội làng Lệ Mật (Gia Lâm – Hà Nội). 

Hát múa Ải Lao, hội Gióng

Các thế hệ tiền nhân sáng tạo và để lại những di sản văn hóa vô giá thuộc về cộng đồng người dân ở các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín, quận Long Biên. Hàng trăm năm qua di sản văn hóa này vẫn đang được nhân dân trân trọng gìn giữ, bảo tồn và nuôi dưỡng các truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội phụng thờ Thánh Gióng.

Hội Gióng đền Phù Đổng (nơi sinh Thánh Gióng) tổ chức vào ngày 8 và 9/4 âm lịch là một kịch trường sống động, nổi bật với các màn diễn xướng dân gian đặc sắc, các đoàn rước, các trận đánh ước lệ ở bãi Đống Đàm, Soi Bia… Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được Tổ chức giáo dục văn hóa khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 16/11/2010. 

Quá trình tồn tại của phường hát múa Ải Lao (làng Hội Xá, quận Long Biên) gắn với những huyền tích trong hội Gióng. Theo truyền thuyết dân gian, Thánh Gióng đi đánh giặc qua dòng sông Thiên Đức (tức sông Đuống), Ngài rủ lũ trẻ chăn trâu, người câu cá bên bờ sông cùng đi, Ông Hoàng Hổ cũng xin theo. Chiến thắng giặc Ân, Thánh Gióng hóa về trời. Mẹ Thánh Gióng buồn vì con không về, khi đó trẻ trâu làng Hội Xá sang múa hát, bà thấy đúng tâm trạng nên bật cười. Từ đó, nhà vua lệnh cho tổng Phù Đổng khi tổ chức Hội Gióng, phải mời phường Ải Lao sang biểu diễn.

Theo lệ xưa, phường hát múa Ải Lao gồm: 1 ông trùm, 1 người đánh trống khẩu, 1 người đánh chiêng, 1 người cầm cung (tượng trưng người đi săn), 1 người cầm cần câu (ông Câu), 2 người cầm cờ lau (tượng trưng lũ trẻ chăn trâu Hội Xá), 1 người múa hổ (ông Hổ), 12 người cầm sinh và hát cùng với lình cả, lình nhì (những người đứng đầu giáp) và một ông mõ đi phục vụ cơm nước. Những người trong phường Ải Lao phải từ 18 đến 49 tuổi, gia đình phải không có tang, tham gia tự nguyện.

leftcenterrightdel
Khung cảnh Hội Gióng, làng Phù Đổng và nhân vật ông Hoàng Hổ trong phường hát múa Ải Lao.

Hiện nay, hệ thống bài hát Ải Lao gồm 14 bài: Hát Lễ trình, Hát thờ đền Thượng, Hát sử, Kéo hội đi đường, Rước hội xuống đồng vào Giá Ngự, Uốn cành, Tre ngà, Hát thờ đền Mẫu, Giải núi, Vào chùa hát thờ, Lập đồn, Lễ tạ, Lên đình Hội Xá, Vào chùa. Các bài hát Ải Lao cổ vẫn được Phường lưu giữ và phát huy.

Song hành cùng lịch sử dân tộc Hội Gióng đã thẩm thấu vào đời sống dân cư vùng châu thổ sông Hồng, hình thành bản sắc văn hóa Việt và trở thành một mạch nguồn văn hóa chảy mãi không bao giờ cạn.

Múa rồng đất Thăng Long

Rồng linh vật gắn liền với văn hóa Việt Nam. Trong xã hội phong kiến, rồng tượng trưng cho sự cao quý và uy quyền của bậc vua chúa. Hình tượng Rồng xuất hiện ở hoàng cung, chùa chiền, miếu mạo và trong các hoạt động văn nghệ dân gian. Từ linh vật rồng, múa rồng là môn nghệ thuật múa dân gian độc đáo, lâu đời của người dân Thăng Long - Hà Nội.

Qua các tài liệu nghiên cứu, múa rồng có từ thế kỷ thứ 10, thời Lý. Ngày nay tại làng Đông Sàng, xã Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội), mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” quê hương của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, khi tổ chức lễ hội truyền thống đều có múa rồng, rước vua về làng. Ngoài ra, trong các dịp hội hè, lễ Tết, trên đất Thăng Long xưa đâu đâu cũng có múa rồng.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hiện nay Hà Nội còn trên 30 điệu múa rồng chính thức, xuất hiện ở nhiều địa phương, trong đó tiêu biểu như điệu: Bàn long, Thủy ba, Phong đằng, Phong chuyển, Phi long, Chồng tháp, Dao bãi, Thanh long xuất trận, Long quá vũ môn, Hoàng long chúc phúc, Kim long xuất động, Hồng long đảo thủy, Uyên ương dạ quang long, Dạ quang long (con Rồng cháu Tiên)...

Ở Hà Nội, múa rồng phổ biến ở nhiều vùng, đặc biệt là các vùng Sơn Tây, làng Triều Khúc, Thanh Trì, Ngọc Hồi, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Từ Liêm… Nhiều làng vào dịp hội hè, lễ Tết còn tổ chức thi múa rồng với các điệu rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc… tạo cho không khí cho lễ hội truyền thống thêm vui tươi, gửi gắm ước mong cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, nhân khang vật thịnh của cư dân nông nghiệp đất Việt.

Một điệu múa rồng có nhiều động tác, tạo hình biến hóa sinh động như rồng chào, rồng phục, rồng chầu, rồng bay cao, hạ thấp, rồng cuộn, rồng lượn, rồng uốn khúc, rồng đuổi ngọc, ngậm ngọc… cùng với âm thanh vang dội, tưng bừng, tiết tấu sinh động, linh hoạt của dàn trống cái, chũm chọe và tù và… là hình thức biểu lộ sự cầu mong phồn vinh, thịnh vượng.

Với những biến đổi muôn màu của cuộc sống, người dân ngày càng phát huy sức sáng tạo trong việc phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này. Nếu ngày xưa múa rồng chỉ để bày tỏ sự vui mừng chào đón các ngày đại lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an thì ngày nay múa rồng còn bao hàm cả nội dung giáo dục tinh thần thượng võ, truyền thống uống nước nhớ nguồn.

leftcenterrightdel
Nhân dân thôn Yên Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội

tham gia lễ rước truyền thống tổ chức dịp đầu xuân, hàng năm.

Thăng Long - Hà Nội, trung tâm của nền văn minh sông Hồng, văn minh Đại Việt. Nền văn minh ấy suốt hàng ngàn năm qua vẫn luôn gìn giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc. Trong dòng chảy văn hóa ngàn năm có sự hiện diện của những điệu múa cổ đang là một nhân chứng lịch sử. Ngày nay, sự giao thoa văn hóa cùng thời gian đổi thay, một số điệu múa có những thay đổi, song nó vẫn mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.

 

 

Thế Dương
02/03/2021 11:06