(ĐCSVN) – Kỳ họp thứ 9 là điểm nhấn quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội. Kỳ họp một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.
Lần đầu tiên, Quốc hội họp trực tuyến
“Kỳ họp đặc biệt” – cụm từ này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc đến ngay trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Đặc biệt bởi, Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động thường kỳ của Quốc hội. Điều này buộc Kỳ họp chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Họp trực tuyến của Quốc hội có những đặc thù khác so với họp trực tuyến của Chính phủ. Thời gian họp Quốc hội dài hơn và các yêu cầu về một số phần mềm đảm bảo cho hoạt động của nghị viện cũng khác với các cuộc họp thông thường. Vì vậy, đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yêu cầu phức tạp hơn.
Mặc dù là lần đầu tiên, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, tổ chức liên quan, đợt họp trực tuyến đã được tổ chức rất thành công. Các hoạt động của đại biểu như đăng ký phát biểu, tranh luận... vẫn diễn ra bình thường, theo đúng quy định pháp luật.
Điều này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, là rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới. Kết quả này cũng một lần nữa khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.
Việc bố trí kỳ họp thành hai đợt và có khoảng thời gian 1 tuần ở giữa là một kinh nghiệm tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết, thông qua.
Các vị đại biểu Quốc hội cũng có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, tham khảo chuyên sâu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động của các chính sách để chuẩn bị tốt ý kiến tham gia thảo luận, xem xét, quyết định tại đợt 2.
Dấu ấn nghị trường còn đặc biệt ở việc, Quốc hội không tiến hành chất vấn trực tiếp tại Hội trường - hoạt động được cử tri rất quan tâm trong mỗi kỳ họp Quốc hội. Nhưng, các vị đại biểu Quốc hội vẫn tích cực thực hiện chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các vị Trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Quyền chất vấn của đại biểu vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn trong điều kiện Chính phủ đang tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.
Dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
Diễn ra chỉ trong 19 ngày, ngắn hơn so với các kỳ họp trước nhưng Quốc hội vẫn hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp với nhiều nội dung.
Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020 và phát triển trong thời gian tới.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng và thông qua 10 Luật, 21 Nghị quyết, cho ý kiến 06 dự án luật khác. Đây là những Luật, Nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều..., tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Đáng chú ý, với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây là bước đánh dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Một dấu ấn khác của kỳ họp là Quốc hội đã dành trọn một ngày (27/5) để thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Một video clip gần 30 phút phản ánh về tình hình xâm hại trẻ em cũng đã được trình chiếu ngay tại phiên họp này. Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tiếp tục làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện mạnh mẽ quan điểm “miền núi tiến kịp miền xuôi”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững...
Kỳ họp đặc biệt đã chính thức khép lại sau 19 ngày làm việc, với những dư âm và ấn tượng tốt đẹp.
Như lời Chủ tịch Quốc hội nói, việc tổ chức thành công kỳ họp này sẽ tạo niềm tin, động lực để chúng ta tiếp tục cải tiến, đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Và như vậy, tin rằng, Quốc hội tiếp tục có những dấu ấn đặc biệt hơn nữa, ở các kỳ họp sau này!./.