(ĐCSVN) - Phát triển đảng viên trong học sinh THPT có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sức trẻ cho Đảng, tạo nguồn cán bộ kế cận, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đảng viên. Việc tìm ra các giải pháp đẩy mạnh công tác này cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cũng là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Phát triển đảng viên trong học sinh không chỉ là vấn đề xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là một quy luật mang tính tất yếu khách quan của sự nghiệp cách mạng. Để công tác này trong thời gian tới phát triển mạnh hơn, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi chi bộ trường cần gắn công tác phát triển Đảng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; củng cố, xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, các trường THPT xây dựng chỉ tiêu về công tác phát triển Đảng trong học sinh gắn với nghị quyết của chi bộ, Đảng bộ nhà trường.
|
|
|
Các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và Quận ủy Long Biên chụp ảnh lưu niệm cùng 16 đảng viên được kết nạp đảng tại Khu di tích K9 - Đá Chông. |
|
|
Nổi bật trong việc xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông Lê Xuân Trung cho biết: Ngoài việc bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Quận ủy, từ khi học sinh bước vào lớp 10, nhà trường rất chú trọng đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Đồng thời, phát hiện và định hướng cho những học sinh có tố chất tốt, nổi trội, xuất sắc, tiêu biểu, gương mẫu, có sự lan tỏa tích cực trong các phong trào thi đua, học tập, hoạt động của chi đoàn, Đoàn trường để học sinh xác định được mục tiêu phấn đấu trong suốt quá trình học tập, rèn luyện 3 năm tại trường.
Ngoài ra, nhà trường đã phân công đảng viên chính thức phối hợp Đoàn Thanh niên, giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức chính trị - xã hội trong trường theo dõi để giúp đỡ, uốn nắn, dẫn dắt học sinh; từ đó kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp được những đảng viên trẻ chất lượng…
Là trường kết nạp được 12 đảng viên từ năm học 2021-2022 đến nay, thầy giáo Nguyễn Minh Châu, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Oai khẳng định: Để làm tốt công tác phát triển Đảng trong trường THPT, điều quan trọng là phải tập trung vào việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh. Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ này. Kinh nghiệm của Trường THPT Quốc Oai trong tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh là tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề; mời các chuyên gia, cán bộ các cơ quan chuyên môn về trường thông tin, trao đổi với học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn tích cực đổi mới các giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp để học sinh hứng thú khi tiếp nhận các thông tin.
Ý kiến của một số giáo viên ở các trường THPT cũng đề nghị cần nghiên cứu tổ chức các hoạt động để học sinh tìm hiểu, xây dựng nhận thức về Đảng, từ đó có sự tự hào, yêu quý, động lực phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Phải làm tốt công tác rà soát nguồn, tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên. Cần tạo điều kiện để các em học sinh tham gia hoạt động, phong trào thi đua của nhà trường, của Đoàn Thanh niên, của ngành Giáo dục, nhằm giúp các em học sinh khẳng định được mình, nâng cao bản lĩnh chính trị.
Trong quá trình triển khai, cần phân công trách nhiệm rõ ràng trong từng chi bộ, đặc biệt là các đồng chí đảng viên là giáo viên chủ nhiệm, Đoàn Thanh niên, từng đồng chí đảng ủy viên trong công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên là học sinh nói riêng. Xây dựng quy trình, cơ chế phối hợp nhuần nhuyễn giữa Đảng ủy nhà trường với phụ huynh học sinh; giữa Ban Chấp hành Đoàn trường với giáo viên chủ nhiệm và chi bộ trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Đảng ủy nhà trường cũng cần quan tâm đến vấn đề hoàn thiện thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng cho các đảng viên là học sinh, hướng dẫn học sinh về các quy định liên quan đến chuyển sinh hoạt Đảng. Bản thân các trường phải xác định không chạy theo thành tích, số lượng và cần đưa chỉ tiêu kết nạp Đảng vào chỉ tiêu thi đua của các trường.
Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Tây Hồ Trần Lan Hương đề xuất cần mở rộng đối tượng, miễn các em học sinh có đủ điều kiện, có nguyện vọng thì có thể đưa vào diện cảm tình Đảng để đưa đi bồi dưỡng. Đồng thời, cần tiếp tục giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, giáo viên, phụ huynh học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên là học sinh; từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ thống nhất trong công tác phát triển đảng viên, đặc biệt đến từ phụ huynh học sinh.
Cùng quan điểm với các ý kiến nêu trên, đồng chí Lý Duy Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì nhấn mạnh đến yếu tố củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức đoàn thể vững mạnh, xây dựng chỉ tiêu về công tác phát triển Đảng trong học sinh gắn với nghị quyết của chi bộ. Đồng thời, ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên là học sinh; phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Thanh niên trong công tác định hướng, giáo dục lý tưởng, chính trị, giáo dục nhận thức về Đảng cho học sinh ở các trường THPT để các em cố gắng đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện, hoàn thiện bản thân, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ Ứng Hòa, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ngô Văn Giang lại nhấn mạnh đến việc đánh giá đúng ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân để đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện. Đồng thời có các giải pháp chặt chẽ trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên; trong đó, ngoài chú trọng về số lượng và cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng đảng viên.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến giải pháp người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong trường học. Cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo nhà trường, tổ chức Đoàn Thanh niên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên; thường xuyên quan tâm công tác giáo dục, phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên đối với học sinh, sinh viên ưu tú có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho Đảng, cho hệ thống chính trị các cấp cả trước mắt và lâu dài.
Có thể nói, phát triển Đảng trong khối THPT tại Hà Nội còn nhiều dư địa và thách thức. Trong đó, một vướng mắc hiện nay là về độ tuổi của học sinh THPT và các quy định khi chưa có hướng dẫn cụ thể đối với học sinh gần cuối năm ra trường nhưng chưa được kết nạp. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, để khắc phục, Thành phố cần chỉ đạo các đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác này. Cụ thể, cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao tạo thuận lợi cho các học sinh chuyển tiếp quá trình kết nạp Đảng khi đi du học. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các học sinh sinh hoạt ghép trong quá trình chuyển tiếp vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT…
Đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khẳng định, năm 2024 và những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ tập trung phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên: "Năm 2024, chúng tôi tập trung quyết liệt vấn đề phát triển Đảng trong khối THPT. Đúng là nguồn nhiều mà chưa khai thác hết... Tất cả quận, huyện đều có học sinh, sinh viên. Nguồn này là nguồn rất quan trọng. Hà Nội có 400.000 học sinh, sinh viên mà có tổ chức đảng, có đảng viên thì chắc chắn phát triển ổn định".
“Hà Nội sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng để các em được đứng trong hàng ngũ của Đảng trong điều kiện ở trường THPT. Thành phố cũng chuẩn bị mọi điều kiện, hành trang tốt nhất để khi bước vào trường đại học, các em có đầy đủ nhận thức và sự thuận lợi về hồ sơ, từ đó giới thiệu kết nạp Đảng. Do vậy, dù các em học tập ở trong nước hay ngoài nước, ở Hà Nội hay tỉnh khác mà có nhiệt huyết, nhận thức và nguyện vọng được đứng vào hàng ngũ của Đảng thì thành phố sẽ tạo điều kiện trong thời gian sớm nhất” - đồng chí Vũ Đức Bảo nói.
Nhận định về bước đầu triển khai Đề án 20-ĐA/TW về "Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới" của Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác phát triển đảng trong học sinh THPT đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong triển khai tổ chức thực hiện Đề án. Việc nhiều học sinh tiêu biểu được vinh dự kết nạp Đảng sẽ là sự động viên to lớn cho chính các em và gia đình, người thân. Đồng thời, khẳng định rõ vai trò của các cơ sở giáo dục nói chung, các trường THPT nói riêng trong việc bồi dưỡng đoàn viên ưu tú làm nguồn để kết nạp đảng viên mới. Bên cạnh hoạt động dạy và học, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ đã luôn được các chi bộ, ban giám hiệu các trường THPT trên địa bàn Thủ đô quan tâm triển khai, thực hiện bằng nhiều giải pháp có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, để tiếp tục triển khai hiệu quả, các nhà trường, đơn vị cần chủ động, sáng tạo trong cách triển khai thực hiện, đặc biệt là việc lựa chọn những học sinh xứng đáng để tạo nguồn và phát triển Đảng; tránh "bệnh hình thức" khi chỉ lựa chọn những học sinh phải có giải quốc tế, quốc gia. Đồng thời cần thống nhất về nhận thức: “Việc phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh THPT và sinh viên rất quan trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo. Đó là giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục về ý thức, trách nhiệm công dân, giáo dục về chính trị”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý đào tạo học sinh THPT phát triển một cách toàn diện, không chỉ chú trọng vào việc dạy những kiến thức trên lớp, cần quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức – trách nhiệm của công dân. Trong đó, các địa phương, đơn vị chú trọng giáo dục về lý tưởng cách mạng, truyền thống lịch sử tự hào của dân tộc để các em có lý tưởng, tình yêu nước, qua đó khích lệ học sinh, sinh viên không ngừng học tập và đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước. “Trách nhiệm này thuộc về cấp ủy các cấp, bí thư chi bộ tại các nhà trường để góp phần đào tạo, bồi dưỡng các em học sinh, sinh viên kết nạp Đảng. Việc đào tạo và bồi dưỡng các em là một quá trình lâu dài từ các trường THPT đến các trường đại học, cao đẳng”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
|
|
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy, cô giáo và 7 đảng viên mới của Trường THPT Kim Liên. |
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị, trong quá trình triển khai, cần thực hiện song hành 2 mục tiêu về số lượng đảng viên kết nạp mới và tạo nguồn cho giai đoạn tiếp theo. Quá trình phát triển đảng viên mới trong trường phổ thông, một mặt phải bảo đảm các quy trình, quy định, không hạ thấp tiêu chuẩn song cần linh động, tạo cơ hội cho các học sinh có điều kiện và mong muốn được tham gia. Trên cơ sở đó, các trường lựa chọn, bồi dưỡng và đi đến kết nạp những học sinh xứng đáng, có sức hút, có sự lan tỏa.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã mỗi năm mở ít nhất 2 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh theo yêu cầu của các trường THPT. Đây là đối tượng đặc biệt nên các địa phương cần có tài liệu giảng dạy phù hợp. Việc tổ chức lớp học cũng như thời gian học phải có sự riêng biệt, hấp dẫn với học sinh. Các trường cũng cần có kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh. Từ đó, thông qua công tác phát triển Đảng, kết nạp đảng viên trong học sinh, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.
Cùng với đó là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành làm cho đảng viên mới kết nạp, bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản trong xây dựng Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, tính tiên phong gương mẫu, nhất là xác định đúng đắn động cơ vào Đảng.
Việc phát triển Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các tổ chức Đảng. Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đạt tỷ lệ ít nhất 70% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên”. Với lực lượng đoàn viên nòng cốt là học sinh, trường học chính là "mảnh đất" nhiều tiềm năng để “ươm mầm” những “hạt giống đỏ” nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến từ người trẻ, lan toả tình yêu quê hương đất nước. Để làm được điều này, cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội phải cùng vào cuộc. Trong đó, các bí thư chi bộ, hiệu trưởng, bí thư đoàn các trường THPT cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong nhiệm vụ này, để công tác phát triển đảng viên trên địa bàn Thủ đô không chỉ tăng về số lượng mà còn đảm bảo chất lượng.
Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, nghiêm túc từ lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, sự nhận thức của các học sinh từ trên ghế nhà trường với công tác phát triển Đảng, định hướng lý tưởng cho thanh niên, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước để cống hiến nhiều hơn cho xã hội..., ngày càng nhiều đảng viên tuổi 18 sẽ được đứng tuyên thệ dưới Cờ. Đó cũng chính là chiến lược xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang đồng lòng thực hiện./.
Đảng viên tuổi 18 – Gieo “hạt giống đỏ”, ươm những “mầm xanh” của Đảng
Bài 2: Hiệu quả từ chương trình “Đảng viên tuổi 18”
Bài 3: Chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng