left center right del
 

(ĐCSVN) – Đối mặt với sự lây lan của biến thể mới của virus Mpox, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo lên mức tối đa... Nguy hiểm hơn chủng virus đầu tiên được phát hiện vào năm 2022 ở Tây Phi, hiện bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện thêm tại Thụy Điển, Pakistan, Đức…, làm dấy lên lo ngại về sự lây lan trên quy mô lớn.

Bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), trước đây gọi là đậu khỉ, là một bệnh nhiễm virus có liên quan chặt chẽ với bệnh đậu mùa. Các triệu chứng ban đầu bao gồm: Sốt, nhức đầu, sưng hạch và đau cơ. Phát ban điển hình xảy ra sau đó, chủ yếu ở mặt, tay và chân. Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nhưng với một số người khác, bệnh có triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

Điều gì đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng?

Bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở một số quốc gia châu Phi kể từ năm 1970. Tuy nhiên, hàng chục năm sau đó, bệnh này chưa được cộng đồng khoa học và y tế công cộng lưu tâm cho đến khi bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu, buộc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023.

Sau đó, đến ngày 14/8 vừa qua, WHO lại ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do Mpox bùng phát ở các nước châu Phi với sự xuất hiện của biến thể Clade Ib vốn gây quan ngại toàn cầu vì có khả năng lây lan nhanh và có nguy cơ gây tử vong cao hơn.

Trong nhiều thập kỷ, căn bệnh này chủ yếu được phát hiện ở Trung và Tây Phi, nhưng đã bắt đầu lây lan ở châu Âu và Bắc Mỹ vào năm 2022.

Đợt bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo chủ yếu là do hai biến thể Clade I khác nhau. Đợt đầu tiên bùng phát ở Tây Bắc Cộng hòa Dân chủ Congo với biến thể Clade I, hiện được gọi là Clade Ia. Trong khi đó, đợt thứ hai bùng phát ở Đông Bắc Congo, xác định là nhánh mới của Clade I, gọi là Clade Ib, lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 9 năm ngoái và đã lây lan nhanh chóng. Sự lây lan của biến thể Clade Ib ở Cộng hòa Dân chủ Congo và việc phát hiện ra chủng này ở các quốc gia láng giềng là lý do chính khiến WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp hàng đầu. Biến thể Clade I bệnh đậu mùa khỉ được đánh giá là nguy hiểm hơn so với biến thể Clade II bởi tỷ lệ tử vong do loại biến thể này cao hơn.

Thêm vào đó, bước đầu, giới chức y tế đã ghi nhận có một số đặc điểm dịch tễ của bệnh đậu mùa khỉ có khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong đợt dịch trước đó xảy ra trong năm 2022 - 2024 tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác.

Cụ thể, các trường hợp mắc đậu mùa khỉ trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39% trẻ dưới 5 tuổi), có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình.

Ngoài ra, 4 quốc gia giáp với Cộng hòa Dân chủ Congo (Burundi, Kenya, Rwanda, Uganda) đã lần đầu ghi nhận các trường hợp mắc đậu mùa khỉ có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch đậu mùa khỉ đang xảy ra tại Congo. Hai nước khác ngoài khu vực châu Phi (Thụy Điển, Pakistan) bấy giờ cũng ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nhánh Ib.

“Sự xuất hiện và lây lan của chủng đậu mùa khỉ mới ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo cũng như các nước lân cận rất đáng lo ngại. Cần có phản ứng quốc tế để ngăn chặn dịch lây lan và cứu sống mọi người”, Tổng Giám đốc WHO, Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ. “Cộng đồng quốc tế cần chung tay nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và hạn chế số ca tử vong. Việc phát hiện một chủng virus mới đang lây lan nhanh chóng ở Cộng hòa Dân chủ Congo và đã lan sang cả các nước trước đây chưa ghi nhận dịch đậu mùa khỉ cũng như nguy cơ lan rộng ra toàn châu Phi và trên giới là rất đáng báo động”.

PHEIC là cấp độ cao nhất trong hệ thống cảnh báo của WHO, được đặt ra nhằm tập trung các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và tăng cường hợp tác đa quốc gia trong ứng phó với dịch bệnh. Động thái này cũng có thể khiến các quốc gia thành viên đầu tư thêm nguồn lực vào việc kiểm soát đợt bùng phát trước mắt, bổ sung kinh phí nhằm chia sẻ vaccine, phương pháp điều trị…

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC) đã tuyên bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn châu lục.

left center right del
 WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ.

Virus đậu mùa khỉ tiến hóa, lây lan từ người sang người

Thế giới đang đối mặt với đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở mức độ khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu lần thứ 2 trong vòng 2 năm.

Nếu như trong 3 năm 2021 - 2023, thế giới ghi nhận 92.000 ca nhiễm và 167 trường hợp tử vong vì Mpox, chủ yếu liên quan người nam quan hệ tình dục đồng giới và người có nhiều bạn tình, thì theo số liệu mới nhất từ WHO, đã có tới hơn 44.000 trường hợp được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc Mpox tại riêng châu Phi chỉ trong năm nay và hơn 1.000 trường hợp tử vong do căn bệnh này, chủ yếu tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Không những thế, ngày 15/8 - chỉ một ngày sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu vì đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế Thế giới đã xác nhận một trường hợp nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở Thụy Điển có liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh này ở châu Phi. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy dịch bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ra bên ngoài lục địa đen. Tiếp ngay đó, Bộ Y tế Pakistan, ngày 17/8, đã xác nhận ít nhất một trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ ở bệnh nhân trở về từ một quốc gia vùng Vịnh. Không lâu sau, ngày 22/8, Thái Lan đã thông báo về trường hợp đầu tiên ở châu Á mắc biến thể Clade Ib của virus Mpox. Đây cũng là trường hợp thứ hai được xác nhận nhiễm Clade Ib bên ngoài châu Phi. Ngày 23/8, Bộ Y tế Singapore công bố thông tin về 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận từ đầu năm… Gần đây nhất, Cơ quan y tế của Viện Robert Koch, ngày 22/10, thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới Clade Ib của virus đậu mùa khỉ tại Đức; trong khi ngày 30/10, Cơ quan An ninh y tế của Anh (UKHSA) cũng cho biết nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus gây bệnh đậu mùa khỉ Clade Ib.

Tổng Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) Jean Kaseya, ngày 18/10, cảnh báo số quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đậu mùa khỉ đã tăng từ 6 nước vào tháng 4 lên 18 nước trong tháng 10 và sau đó còn tiếp tục tăng thêm.

Virus đậu mùa khỉ cũng đang gây ra mối lo ngại mới ở Trung Phi khi chủng Clade Ia, vốn chỉ lây từ động vật sang người, cho thấy dấu hiệu tiến hóa để lây lan hiệu quả hơn giữa người với người. Phân tích về chủng virus này đang lưu hành ở Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo, cho thấy những xu hướng đột biến di truyền cho thấy khả năng lây truyền liên tục từ người sang người. Điều này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở khu vực này, vốn đang hứng chịu một đợt bùng phát mạnh.

left center right del
Các chiến dịch tiêm chủng phòng đậu mùa khỉ sẽ hướng đến những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao.  

Không thể chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ

Ðậu mùa khỉ vốn được xem là bệnh đặc hữu ở châu Phi trong nhiều thập kỷ. Vì thế, những đợt lây lan nhỏ lẻ của Mpox không nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ðiều này kéo theo việc các nước ít đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vaccine, phương pháp điều trị, cũng như cách thức ứng phó đối với căn bệnh này.

Tiến sĩ Dimie Ogoina, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Đại học Niger Delta ở Nigeria đồng thời là Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ của WHO, cho rằng sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế chính là một trong những nguyên nhân khiến Mpox lan rộng.

Dù đợt bùng phát hồi năm 2023 đã được ngăn chặn, song việc Mpox lây lan mạnh mẽ trong thời gian vừa qua đã cho thấy mối đe dọa vẫn chưa chấm dứt. Ðiều này còn đáng lo ngại hơn khi những chủng mới của virus Mpox được cho là lây lan nhanh và có nguy cơ gây tử vong cao hơn.

Những ca mắc biến thể Clade Ib chủ yếu được tìm thấy ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng, những nơi vốn thiếu nguồn lực cho các biện pháp giám sát và phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, gần đây, những trường hợp mắc biến thể này cũng được xác nhận tại một số nước ngoài khu vực như: Thụy Ðiển, Thái Lan… Trong khi đó, các biến thể khác như Clade Ia và Clade II vẫn lây lan ở nhiều nước châu Phi, gây không ít khó khăn đối với các nỗ lực nhằm đẩy lùi đợt bùng phát mới.

Những thông báo kèm con số thống kê liên tục về bệnh đậu mùa khỉ là tiếng chuông cảnh báo các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế cần hành động ngay lập tức, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với Mpox.

Ngay sau khi PHEIC được đưa ra, nhiều quốc gia đã tích cực triển khai các hệ thống giám sát, trung tâm xét nghiệm và bảo đảm các cơ sở y tế đủ năng lực ứng phó nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn. Thực tế cho thấy kiểm soát nguồn bệnh là biện pháp hữu hiệu để hạn chế sự lây lan của virus. Thêm vào đó, việc giám sát sự lây lan của các dạng virus Mpox nghiêm trọng cũng rất cần thiết vì nhiều quốc gia không có đủ năng lực để tiến hành thử nghiệm quy mô lớn. Do đó, cần phải dựa vào các trường hợp giả định, dựa trên định nghĩa lâm sàng, để theo dõi diễn biến của dịch bệnh.

Thông tin dịch tễ học nguồn mở - chẳng hạn như sử dụng AI để theo dõi xu hướng phát ban và sốt - cũng có thể được sử dụng như một hệ thống cảnh báo sớm ở những quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hoặc nơi báo cáo ca bệnh muộn.

Ngoài ra, truyền thông hiệu quả và chống lại việc từ chối các biện pháp y tế cộng đồng và thông tin sai lệch về Mpox cũng là việc làm rất cần thiết. Đặc biệt, khi chúng ta đã chứng kiến việc làm này quan trọng như thế nào trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, nhằm đẩy lùi đậu mùa khỉ, WHO đã khởi động Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược toàn cầu, kêu gọi sự phối hợp của cộng đồng quốc tế nhằm tăng khả năng tiếp cận vaccine ngừa Mpox, nhất là đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Theo kế hoạch, các chiến dịch tiêm chủng sẽ hướng đến những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao là người tiếp xúc gần với các ca bệnh, cũng như nhân viên y tế nhằm cắt đứt chuỗi lây truyền. Ngày 14/10, WHO đã phê duyệt sử dụng Jynneos - vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ của Bavarian Nordic cho thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi. Đây là nhóm đối tượng được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự bùng phát của căn bệnh đang gây ra mối lo ngại toàn cầu. WHO cho biết cơ quan này đã cấp chứng nhận tiền phê duyệt vaccine Jynneos dành cho thanh thiếu niên vào ngày 8/10. Trước đó, vào tháng 9, WHO cũng đã phê duyệt sử dụng vaccine này cho nhóm đối tượng là người trưởng thành trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh lây lan tại các nước châu Phi.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã phê duyệt vaccine phòng Mpox của Bavarian chỉ định riêng với người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, mặc dù đã từng cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này cho thanh thiếu niên trong thời gian bùng phát Mpox năm 2022.

Hiện công ty dược phẩm KM Biologics (Nhật Bản) đã bào chế vaccine ngừa Mpox có tên gọi LC16, có thể được tiêm cho trẻ em theo quy định của cơ quan quản lý Nhật Bản, song kỹ thuật tiêm cần một loại kim đặc biệt.

left center right del
 

Bài học thực tế từ đại dịch COVID-19 đã cho thấy bất kỳ một dịch bệnh nào bùng phát nghiêm trọng, dù xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới, cũng đều khiến cả cộng đồng quốc tế lo ngại, vì nó có thể lây lan với tốc độ nhanh chóng, thậm chí khó kiểm soát, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên hành tinh này. Chính vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi tổ chức khu vực và quốc tế… cần ngay lập tức hành động, nỗ lực hết sức tuân thủ các Quy định và quy trình y tế quốc tế liên quan đến việc quản lý tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng, triển khai các giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm phòng ngừa và ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.

left center right del
 
Khánh Linh
31/10/2024 18:15