|
|
Cô giáo Lê Thị Bích Hường, thay mặt Bộ môn Tiếng Việt, nhận bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam vì đã có thành tích đóng góp vào việc củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Italy. (Ảnh: NVCC) |
Đóng góp vào việc phát triển phong trào học tiếng Việt, gìn giữ hồn cốt văn hóa Việt ở Italy, không thể không nhắc tới cô giáo Lê Thị Bích Hường, hiện đang giảng dạy thực hành tiếng Việt tại Bộ môn Tiếng Việt, một chương trình học nằm trong Chương trình đào tạo Ấn Độ và Đông Nam Á (ISEA), Khoa Châu Á và Bắc Phi học, Trường Đại học Ca' Foscari. Ngay từ năm 2019, khi tiếng Việt chính thức được đưa vào chương trình cử nhân Đông Nam Á học, cô Hường đã đảm nhận vai trò này. Trước đó, cô giáo Lê Thị Bích Hường đã từng tham gia giảng dạy tiếng Việt với tư cách tình nguyện viên cho Hiệp hội Nhịp cầu Văn hóa tại Bologna và hỗ trợ một số trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi tại Italy học tiếng Việt. Và bên cạnh công việc tại Đại học Ca' Foscari, từ tháng 2/2025 tới đây, cô giáo Lê Thị Bích Hường cũng sẽ phụ trách Chương trình thí điểm dạy tiếng Việt tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học Nước ngoài và Văn hóa Hiện đại, Trường Đại học Torino.
Tuy không được đào tạo bài bản về sư phạm nhưng cô giáo Bích Hường luôn rất tâm huyết với việc giảng dạy tiếng Việt. Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cô giáo Bích Hường cho biết: “Đối với thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài, khi tiếng nước sở tại trở thành ngôn ngữ chính, việc dạy tiếng Việt gặp nhiều khó khăn. Điều này đặc biệt đúng với các em có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, hoặc trong gia đình mà cả hai phụ huynh đều sử dụng tiếng nước sở tại. Trong những trường hợp này, tiếng Việt không thực sự là một nhu cầu cần thiết. Thêm vào đó, nhiều em chưa có sự kết nối sâu sắc với văn hóa Việt Nam. Do đó, giảng dạy tiếng Việt không chỉ đơn thuần là dạy ngôn ngữ mà còn là cách để gắn kết các em với bản sắc văn hóa Việt. Còn đối với người nước ngoài học tiếng Việt, khó khăn thường nằm ở sự khác biệt về thanh điệu và ngữ pháp”.
Gần gũi, nghiên cứu những đặc điểm riêng có trong quá trình dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài nên cô giáo Lê Thị Bích Hường đã tìm ra nhiều phương pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng người học đặc biệt này. “Tôi thường lồng ghép vào bài học các yếu tố văn hóa như ngày lễ truyền thống, phong tục, tập quán, hay âm nhạc để các em học sinh là thế hệ trẻ kiều bào cảm thấy hứng thú và gần gũi hơn với cội nguồn” - cô chia sẻ.
Còn đối với các sinh viên Italy, cô Hường tập trung xây dựng nhiều phương pháp truyền đạt linh hoạt như sử dụng hình ảnh, video, các bài hát, hoặc giáo cụ trực quan… để giúp các em gần gũi và tiếp cận với tiếng Việt nhanh hơn. Tiếng Việt là một ngôn ngữ không dễ đối với người nước ngoài nói chung và sinh viên Italy nói riêng, do tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu và được thể hiện bằng nhiều dấu thanh. Mặt khác, trong lời nói tiếng Việt cũng có tính nhạc và âm điệu rõ ràng. Vậy làm thế nào để sinh viên có thể dễ dàng tiếp nhận một ngôn ngữ mới và không dễ như tiếng Việt? Đó là câu hỏi khiến cô giáo Lê Thị Bích Hường luôn đau đáu. Và cô đã nghĩ đến việc sử dụng nhạc dân gian và nhạc cụ dân tộc Việt Nam để giúp sinh viên Italy hình dung cao độ, trường độ và đường nét của 6 thanh điệu một cách dễ dàng hơn và nhận ra sự khác biệt về mặt âm điệu khi phát âm và đọc các từ, cụm từ khác nhau của tiếng Việt trên tinh thần “học mà vui, vui mà học”.
Hào hứng kể với chúng tôi về phương pháp dạy học rất thú vị và hữu ích này, cô Hường cho biết: “Hai nhạc cụ mà tôi sử dụng là trống và chũm chọe. Trống đại diện cho hệ thống thanh điệu [thấp] còn chũm chọe đại diện cho hệ thống thanh điệu [cao]. Giữa các âm tiết (ngôn ngữ) và ca từ tiếng Việt (âm nhạc) thường có những sự tương đồng về mặt phát âm nên người ta có thể sử dụng nhạc cụ để biểu diễn giúp thông qua nghe các âm phát ra từ nhạc cụ, người học có thể phân biệt, nhận biết được đặc trưng [cao/ thấp] về âm vực và nhận biết được đặc trưng [dài/ ngắn] về mặt trường độ”.
Ngoài ra, theo cô Hường, sử dụng âm nhạc truyền thống là một biện pháp hữu ích trong giảng dạy và thúc đẩy các hoạt động ngoại khóa trong quá trình học tiếng Việt. Các lợi ích của việc này bao gồm: Cải thiện kỹ năng nghe và phát âm; giúp sinh viên ghi nhớ từ vựng và cụm từ dễ dàng hơn; cung cấp một cơ hội để hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam. Âm nhạc cũng có thể tăng động lực và sự tham gia của sinh viên trong việc học, giúp các em kết nối cảm xúc với tài liệu học, từ đó thúc đẩy việc học hiểu sâu và lâu dài hơn.
Trong từng tiết học, cô Hường cũng đưa ra các chủ đề để sinh viên nghiên cứu và sau đó tổ chức các sự kiện để các em trình bày kết quả. Ví dụ, các em từng báo cáo về truyền thống Trà Việt của người Kinh và các dân tộc thiểu số; trình diễn trang phục truyền thống của 8 dân tộc thiểu số và giới thiệu phong tục liên quan... Những hoạt động này không chỉ giúp các em trau dồi tiếng Việt mà còn khơi dậy niềm yêu thích, ham muốn tìm hiểu đối với văn hóa Việt Nam.
Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, đóng vai trò vừa là cầu nối, vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa; là công cụ quan trọng hàng đầu giúp giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc, đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Thấm nhuần tinh thần đó, cô giáo Lê Thị Bích Hường luôn xác định rõ việc giảng dạy tiếng Việt cần được kết hợp chặt chẽ với yếu tố văn hóa, sử dụng các tài liệu phản ánh bản sắc văn hóa Việt Nam. Giáo viên có thể lồng ghép các nội dung như: Ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, văn thơ, hay các bài hát dân ca vào bài giảng. Những tài liệu này không chỉ giúp người học có thể học được ngôn ngữ tiếng Việt mà còn giúp họ hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa Việt Nam.
Đối với các lớp học tiếng Việt ở nước ngoài, theo cô Hường, giáo viên có thể tái hiện những hoạt động này ngay trong lớp học. Một số hoạt động nghệ thuật như hướng dẫn học viên hát dân ca, diễn kịch, xem các chương trình nghệ thuật trên truyền hình và mạng internet, cũng như thảo luận về các chủ đề như múa rối nước cũng mang lại hiệu quả cao trong việc kết hợp ngôn ngữ và văn hóa.
Ngoài ra, các lớp học có thể phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam, các hiệp hội hoặc cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các sự kiện như Ngày Văn hóa Việt Nam hoặc Tuần lễ tiếng Việt, nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên cũng như những người mong muốn học tập tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Để mở rộng phạm vi, cô Hường gợi ý có thể tạo ra các hội nhóm hoặc trang mạng xã hội, nơi học viên từ khắp nơi có thể học tiếng Việt, chia sẻ trải nghiệm văn hóa, và kết nối với người Việt Nam.
Say mê kể về công việc giảng dạy tại Bộ môn Tiếng Việt, Khoa Châu Á và Bắc Phi học, Trường Đại học Ca’ Foscari, cô giáo Lê Thị Bích Hường cho biết: “Tôi giới thiệu cho các em sinh viên một số làn điệu dân ca và loại hình sân khấu cổ truyền Việt Nam như: Quan họ Bắc Ninh, chèo, tuồng, cải lương, múa rối nước… Ngoài ra, trong các hoạt động ngoại khóa, tôi cũng giới thiệu Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, cùng một số phong tục của Việt Nam… Sau đó, các em có cơ hội luyện tập và biểu diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống của Việt Nam tại những sự kiện văn hóa của trường cũng như các sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và Hiệp hội Nhịp cầu Văn hóa Ý - Việt tổ chức, nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước sở tại”.
Trong đó, “Hồn Việt” là một sự kiện khá đặc trưng, gây ấn tượng sâu sắc đối với các sinh viên học tiếng Việt nói riêng cũng như sinh viên của Trường Đại học Ca’ Foscari. Điểm đặc sắc của chương trình này là các em sinh viên đã giới thiệu về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trước khi biểu diễn minh họa, khiến người xem như được đắm mình trong những nét văn hóa Việt và cảm thấy mình như đang có mặt tại Việt Nam.
Nhờ tham gia vào các sự kiện văn hóa này, các em đã có cơ hội học thêm nhiều kiến thức về văn hóa Việt, bù đắp cho thời gian ít ỏi học trên lớp vốn chủ yếu tập trung vào chuyên môn tiếng Việt. “Thông qua hoạt động ngoại khóa, các em sinh viên Italy đã trở thành những sứ giả văn hóa Việt Nam, mang những gì học được về văn hóa Việt đến với công chúng Italy” - cô Hường hào hứng nói.
Tham gia sự kiện “Hồn Việt” phiên bản 2, Martina Piana, sinh viên năm thứ nhất, người giới thiệu các dụng cụ và cách pha trà của người Việt, bày tỏ: “Em coi trải nghiệm này như một hành trình đắm mình trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt là truyền thống trà, chủ đề mà chúng em đã dành nhiều thời gian tìm hiểu. Trong sự kiện này, em và các bạn đã mở rộng trái tim và tâm trí để đón nhận một nền văn hóa tràn đầy sự tôn trọng, tinh tế, và những truyền thống dù đã rất lâu đời nhưng vẫn đủ sức để làm ấm lòng thế hệ trẻ. Tất cả những giá trị này, như cô giáo Hường đã cho chúng em thấy, thể hiện ngay cả trong những điều đơn giản nhất của việc thưởng trà”.
Cũng tại sự kiện này, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã trao Bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng Bộ môn Tiếng Việt vì đã có thành tích đóng góp vào việc củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Italy.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), bắt đầu từ năm 2018, chính quyền công nhận tiếng Việt cũng như 6 loại ngôn ngữ Đông Nam Á khác thì phong trào giảng dạy tiếng Việt trong các trường học sôi động rõ rệt và tiếng Việt là môn học chính thức trong các trường tiểu học ở đây.
|
|
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai với lớp học tiếng Việt tại Đài Loan (Trung Quốc). (Ảnh: NVCC) |
Rời quê hương sang sinh sống và lập nghiệp tại Đài Loan (Trung Quốc) đã hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai đã tham gia giảng dạy tiếng Việt với mong muốn truyền bá ngôn ngữ dân tộc ở nước ngoài. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai hiện là giảng viên chính giảng dạy tiếng Việt và tiếng Trung tại Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Lĩnh Đông (Đài Loan, Trung Quốc). Trước đây, chị cũng đã từng tham gia giảng dạy tiếng Việt tại các trường đại học khác ở Đài Loan (Trung Quốc) như: Trường Đại học Phụ Nhân, Trường Đại học Xã hội Bàn Kiều, Trường Đại học Hoằng Quang…; đồng thời tham gia giảng dạy nhiều khóa tiếng Việt ngắn hạn ở một số trường học và doanh nghiệp, ngân hàng tại đây.
Chia sẻ về tình hình giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan (Trung Quốc), chị Nguyễn Thị Ngọc Mai cho biết, điều thuận lợi là tiếng Việt được phổ biến trong học tập và giảng dạy tại đây. Tiếng Việt được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, còn ở bậc đại học thì tiếng Việt được học tập như là một học phần ngoại ngữ. Ngoài ra, tiếng Việt cũng được giảng dạy phổ cập rộng rãi ở các trung tâm giảng dạy ngôn ngữ hoặc các chương trình đào tạo của các cơ quan mở các lớp học tiếng Việt theo từng dự án.
|
|
|
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai và bức tranh vẽ của học sinh. (Ảnh: NVCC) |
|
|
Đáng chú ý, còn có các kỳ thi năng lực tiếng Việt quốc tế để thí sinh đăng ký dự thi lấy bằng chứng chỉ năng lực tiếng Việt. Các kỳ thi này do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam của Đại học Quốc gia Thành Công tổ chức mỗi năm ít nhất 2 lần để người Đài Loan có thể thi lấy bằng chứng nhận kỳ thi năng lực tiếng Việt quốc tế iVPT. “Và tôi là một trong những giáo viên nhiều năm giữ vai trò giám thị trong kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt này” – chị Mai tự hào nói.
Theo chị, chính vì nhu cầu học tiếng Việt cao và tính phổ biến của tiếng Việt ở Đài Loan (Trung Quốc) nên đây là cơ hội tốt để phát triển giảng dạy tiếng Việt tại đây.
Về công việc giảng dạy ở trường đại học, chị Ngọc Mai cho biết: “Bên cạnh việc giúp các bạn sinh viên người Đài Loan (Trung Quốc) học ngôn ngữ thứ hai hiểu và học văn hóa Việt Nam, tôi còn kiêm bộ phận văn phòng hợp tác quốc tế của trường và các chương trình hợp tác với các đối tác ở Việt Nam, hỗ trợ các bạn sinh viên sang trường học tập”.
Theo chị Ngọc Mai, trong quá trình giảng dạy tiếng Việt, điều quan trọng là cần tạo được hứng thú trong giảng dạy và học tập để học viên không cảm thấy học tiếng Việt là quá khó. Đa phần là học sinh học tiếng Việt đều cảm thấy khó trong phần phát âm và dấu thanh điệu.
Ngoài ra, “một điều mà tôi nghĩ rất quan trọng là bản thân giáo viên phải thực sự hiểu nhu cầu học tập của người học và có sự chuẩn bị đầy đủ nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy trực quan sinh động, tùy theo từng lứa tuổi và nhu cầu học tập mà thiết kế nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu, tâm lý của người học. Bản thân giáo viên phải có sự trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng sư phạm để dẫn dắt người học. Tạo được sự hứng khởi cho học viên, xử lý tốt những tình huống trong giảng dạy và tạo được sự thuyết phục cho người học” – chị Ngọc Mai tâm huyết nói.
|
|
Theo chị Ngọc Mai, bản thân giáo viên phải thực sự hiểu nhu cầu học tập của người học và có sự chuẩn bị đầy đủ nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy trực quan sinh động. (Ảnh: NVCC) |
Tốt nghiệp Cử nhân Ngữ Văn tại Đại học Cần Thơ, nên khi sang sinh sống tại Đài Loan (Trung Quốc), chị Nguyễn Thị Ngọc Mai rất hào hứng và phấn khởi khi được giới thiệu tham gia giảng dạy tiếng Việt tại đây. Sau nhiều năm giảng dạy, chị nhận thấy rằng, bên cạnh những thuận lợi đáng ghi nhận thì việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài còn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thể kể đến hai vấn đề là sách, tài liệu học tập, giảng dạy còn ít và đội ngũ giáo viên có chuyên môn còn hạn chế, số lượng giáo viên có chuyên môn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh.
Chính vì vậy, với kiến thức được học tập, kỹ năng được trau dồi và tâm huyết của một giáo viên yêu tiếng Việt, năm 2022, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai đã phối hợp với một giáo viên cùng giảng dạy tiếng Việt biên soạn và xuất bản sách tiếng Việt với tựa đề “ 從0開始說越南語” - có thể dịch là “Nói tiếng Việt bắt đầu từ số 0”. Đây là sách tiếng Việt dành cho người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Trung có thể học tiếng Việt. Sách có 15 bài, sau mỗi bài đều có giới thiệu các nét văn hóa tương ứng với mỗi chủ đề bài học. Qua đó, người học không những có thể học tiếng Việt mà còn hiểu thêm về các nét văn hóa của người Việt như cách xưng hô hay thói quen sinh hoạt… “Đây cũng là một trong những cách có thể giới thiệu và làm cho văn hóa và ngôn ngữ Việt lan tỏa. Rất vui là cuốn sách đã được rất nhiều học sinh đón nhận, nên trong năm nay, sách được tái bản. Và hiện tôi giảng dạy tiếng Việt ở trường đều sử dụng sách này” – chị Mai tự hào chia sẻ.
Ngoài ra, trong khuôn khổ các chương trình giao lưu văn hóa của trường đại học tham gia giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai cũng thường tổ chức ngày lễ văn hóa Việt Nam, các chương trình biểu diễn văn nghệ, hoặc các hoạt động bày quầy ẩm thực Việt để các sinh viên Đài Loan (Trung Quốc), sinh viên quốc tế cùng giao lưu và trải nghiệm. “Đặc biệt, mỗi khi về Việt Nam, tôi thường chụp ảnh và quay video về hình ảnh, đất nước, đời sống con người Việt Nam để đưa vào trong quá trình giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan. Như thế, người học có thể cảm nhận được thực tế và bài giảng trở nên sống động và cuốn hút hơn” – chị Mai cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chị Ngọc Mai chia sẻ, học tiếng Việt là để nhớ về cội nguồn, để hiểu hết vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Từ đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ kết nối Việt Nam với quốc gia sở tại, đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, “tôi thường nói với các sinh viên Việt Nam rằng, khi chúng ta sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, thì chúng ta đã mang trên mình một sứ mệnh là “sứ giả văn hóa”” – chị Mai cho biết.
Có thể nói, món quà to lớn và ý nghĩa nhất đối với người giáo viên chính là sự trưởng thành của học trò. Và đối với những giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài như cô giáo Lê Thị Bích Hường, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai, thì chỉ thêm một câu nói, một lời ca phát ra bằng ngôn ngữ tiếng Việt, thêm chút yêu thích tìm hiểu về các phong tục tập quán truyền thống đặc trưng của Việt Nam đến từ các em học sinh, sinh viên thuộc thế hệ trẻ kiều bào cũng như sinh viên nước ngoài có niềm đam mê học tập tiếng Việt chính là những bù đắp cụ thể, sinh động và ý nghĩa nhất cho biết bao nỗ lực giảng dạy, gieo mầm yêu tiếng Việt ở nơi xa Tổ quốc.
“Mỗi lần lên lớp dạy các em học sinh tiểu học, tôi đều mặc áo dài. Có một lần, một học sinh tiểu học đã nói với tôi bằng tiếng Việt: Cô là cô giáo đẹp nhất, là cô tiên mà trong cuộc đời em từng gặp, vì cô có áo dài rất đẹp và cô rất thân thiện. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, khi dẫn dắt, dạy các em học sinh nhỏ tuổi, giáo viên là cả một bầu trời của các em, là lòng tin và sự yêu quý mà các em dành mình. Và chỉ một câu nói bằng tình cảm, bằng tiếng Việt thân thương của các em đã khiến những người giáo viên như tôi thấy mình cần có trách nhiệm và tâm huyết để giảng dạy hơn nữa” – cô Mai xúc động nói.
Hay như cô Hường chia sẻ: “Sự tiến bộ của các em, từ những lời cảm ơn chân thành được nói bằng tiếng Việt đến việc giành được học bổng học tại Việt Nam, là động lực lớn nhất với tôi. Thật cảm động khi nhận được tin của một em sinh viên báo tin đỗ thủ khoa trong số 800 học sinh của Khoa. Hay là khi nhận được bức ảnh một em sinh viên mặc áo dài truyền thống Việt Nam nhận bằng tốt nghiệp tại quảng trường Thánh Mark – một biểu tượng của Venice. Khoảnh khắc ấy như một lời tri ân gửi tới những thầy cô giáo dạy tiếng Việt ở nước ngoài như tôi với niềm tự hào về tiếng Việt và văn hóa Việt!”./.