leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) – Trong bi cnh hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đổi mới đất nước ta, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người M’Nông, tỉnh Đắk Nông là cơ sở khoa học và nguồn lực quan trọng để góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Dân tộc M'Nông có số dân hơn 67.300 người, đứng thứ 19 trong số 54 dân tộc ở Việt Nam. Đồng bào cư trú tại nhiều tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng. Riêng ở tỉnh Đắk Nông, có hơn 40.000 người M'Nông, chiếm khoảng 50% tổng số người M'Nông ở Việt Nam và 1/3 dân số M'Nông trên thế giới. Đồng bào M'Nông phân biệt với các nhóm tộc người như: Bu Nong R'Ong, Bu Nong Prâng, Bu Nong Đip, Bu Nong Bih, Bu Nong Nong, Bu Nong Preh, Bu Nong Biăt, Bu Nong Kuănh, Bu Nong Mạ...Những nhóm địa phương đều có chung ngôn ngữ thống nhất nhưng có vài nét khác nhau về bản sắc, thể hiện trong phong tục, tập quán, nhất là lối trang phục. Sắc thái văn hóa từng nhóm tộc người là yếu tố tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa người M'Nông.

Tỉnh Đắk Nông vùng đất cổ trên cao nguyên M'Nông, phía Tây Nam vùng Tây Nguyên, cuối dãy Trường Sơn, có độ cao trung bình từ 600 - 1.970m so với mực nước biển. Nơi sinh sống lâu đời của dân tộc M'Nông – một trong những chủ thể của nền văn hóa Tây Nguyên.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Đắk Nông là vùng địch tạm chiếm đóng. Đồng bào M'Nông có truyền thống kiên cường, anh dũng đấu tranh chống ngoại xâm sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1959), nhiều thanh niên M'Nông sớm giác ngộ cách mạng, đã thoát ly và được đưa vào vùng hậu cứ đào tạo phục vụ đất nước. Ban Cán sự Đảng kết hợp với đội công tác tuyên truyền, vận động thành lập được trung đội du kích người dân tộc M'Nông để chiến đấu chống Pháp. Đây cũng là những lực lượng tiền thân của lực lượng quân sự tỉnh sau này.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Đắk Nông luôn trung thành với Đảng, đi theo Đảng và theo cách mạng, đóng góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh đấu tranh chống giặc, góp phần vào thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đắk Nông còn là vùng đất hội tụ những giá trị văn hóa lâu đời đặc sắc của đồng bào các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Với nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc còn lưu giữ đến nay như: Tín ngưỡng, sử thi, văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật múa dân gian, nghệ thuật kiến trúc, ẩm thực, trang phục dân tộc và cả trong thiết chế để duy trì sự ổn định của cộng đồng...

leftcenterrightdel
 

Xã hội truyền thống dân tộc M’Nông bảo lưu những dấu ấn sâu đậm về chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò người phụ nữ. Trong hôn nhân, người phụ nữ có vai trò chủ động. Sau lễ cưới, người con trai về ở bên nhà vợ, con cái sinh ra theo dòng họ mẹ, quyền thừa kế tài sản đều thuộc về những người con gái trong gia đình.

Trong số những nét văn hoá đặc trưng của người M'Nông còn lưu giữ có nghề thuần dưỡng voi nổi tiếng. Đặc biệt là bảo tồn được những làn điệu dân ca giàu chất trữ tình và các bộ sử thi, trong đó có bộ sử thi “Ót N’Rông” - bộ sử thi lâu đời và cổ xưa nhất của dân tộc M’Nông. Bộ sử thi được tạo dựng từ hàng nghìn câu văn có vần điệu, một thể loại văn học truyền miệng tổng hòa giữa ngôn ngữ và giai điệu thơ ca, phản ánh tiến trình phát triển xã hội các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có người M’Nông.

Trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, diễn xướng, lễ hội, người M'Nông ở gần dân tộc Êđê có trang phục và diễn tấu nhạc cụ và cồng chiêng như nhau. Các nhóm khác có nét khác lạ trong nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng. Người Bu Nong Preh gõ chiêng vào lòng, bên trong chiếc chiêng thì người Bu Nong Prâng, Bu Nong Nong, Bu Nong Đip, Bu Nong Biăt, Bu Nong R'Ong đánh chiêng bên ngoài, trên mu của chiêng.

 
 Lễ kết nghĩa anh em của người M’Nông và Ê Đê, được đồng bào Tây Nguyên trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, với mong muốn người dân buôn, làng sống chan hòa thân thiết, gắn bó nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp. 

 
 
Nghi lễ trong Lễ kết nghĩa anh em của người M'Nông và Ê Đê. 

Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”, năm 2015, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trù trì, phối hợp thực hiện nhằm xây dựng, bổ sung và số hóa kho tư liệu về văn hóa, văn học, nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng trên cơ sở kế thừa nguồn tư liệu của các nhà dân tộc học, nhân học, văn hóa học và các sáng tác văn học, nghệ thuật. Tham gia đề án, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã chọn tập “Truyện cổ M’Nông” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Minh Vũ vào đề án.

Công trình được tác giả kỳ công sưu tầm, biên soạn từ các truyện cổ do chính các nghệ nhân ở các buôn làng M’Nông kể lại. Nội dung gồm các thể loại: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích... với các chuyện: “Truyền thuyết thác Liăng Jơl, Nữ thần Blân Hiăt, Chàng Ndung Maih, Người thợ săn với dòng họ chim Răch, MBrah Mbrăk và Ji Băch Ji bay... Các truyện kể có cốt truyện đơn giản, có lời thoại, sự việc - nhân vật địa danh cụ thể. Nhiều truyện đề cập đến lịch sử người M’Nông, các vị thần, các vị anh hùng trong truyền thuyết. Tất cả phản ánh quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của người M’Nông xưa.

Từ quan niệm vạn vật hữu linh, đồng bào M’Nông có một hệ thống các nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ vòng đời gắn với những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian. Trong đó, nghi lễ vòng đời là một trong ba hệ thống nghi lễ chính của người M’nông phản ánh bản sắc cũng như vai trò văn hóa tộc người ở Tây Nguyên.

Các nghi lễ theo vòng đời có: Lễ cúng khi có thai, Lễ bảo vệ thai nhi trong bụng mẹ, Lễ mở mắt con, Lễ cắt nhau, Lễ đặt tên. Theo thời gian, đứa trẻ thực hiện Lễ cắt tóc; Lễ xỏ tai; Lễ thổi tai. Liên quan đến tuổi trưởng thành có Lễ trưởng  thành, Lễ cà răng. Phong tục cưới có các Lễ chính lễ dạm hỏi, lễ đính hôn, lễ cưới. Các nghi lễ liên quan đến tuổi già, kết thúc vòng đời có: Lễ mừng sức khỏe, Lễ tang ma. Đây là thời kỳ diễn ra các nghi lễ, kiêng kỵ nghiêm ngặt đối với những người tham dự để tránh làm ảnh hưởng đến bản thân, cộng đồng cũng như linh hồn người chết. Các nghi lễ chính là Lễ quàn người chết trong nhà; Lễ chôn người chết; Lễ sau khi chôn người chết; Lễ tiễn hồn người chết (tổ chức ngày thứ 8 sau khi chết); Lễ vĩnh biệt linh hồn người chết (vào năm thứ 3 sau khi chết).

Trong số các giá trị của nghi lễ vòng đời của đồng bào, nổi bật là “giá trị tâm linh” thể hiện đạo đức, tâm tư tình cảm, tâm hồn, mối quan hệ giữa người sống và người chết, người sống với thần linh. Nghi lễ thực hành theo trật tự, những quy tắc, chuẩn mực, được cả cộng đồng đề cao, mặc nhiên thừa nhận và tuân thủ. Hệ thống nghi lễ phản ánh rõ quan hệ văn hóa mang giá trị đạo đức trên - dưới, trước - sau, gia đình - làng bản, cá nhân - cộng đồng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông đến nay dân tộc M’Nông lưu giữ khoảng 31 lễ hội truyền thống. Nổi bật là lễ mừng lúa mới, lễ kết nghĩa, lễ ăn cơm mới, lễ hội Rnglăp bon (lễ hội đoàn kết các bon làng), lễ hội tách năng yô, lễ đón khách, lễ hội sum họp cộng đồng, lễ cúng thần rừng...Các nghi lễ khác như lễ đâm trâu, lễ cúng bến nước, lễ mừng nhà mới thường gắn với quan niệm về canh tác nông nghiệp, về thế giới thần linh. Các nghi lễ có xu hướng mong được các đấng siêu nhiên chở che, giúp đỡ con người có cuộc sống no đủ, yên vui.

Một nét đặc sắc khác là Luật tục M’Nông (phat ktuôi), hình thức quản lý xã hội với những quy định chặt chẽ được lưu truyền qua nhiều thế hệ người M’Nông, nhằm duy trì, củng cố các mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa con người với đấng thần linh. Luật tục áp dụng trong các phong tục tập quán, tín ngưỡng; hôn nhân và gia đình; xâm phạm cơ thể con người; tranh chấp tài sản và một số vấn đề khác. Những người có vai trò phân xử thường là các chủ buôn, già làng, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức phạt cụ thể. Khi xử xong, dù tội nặng đến mức bị giết hay phải đền voi hoặc lỗi nhẹ bị cảnh cáo, khuyên nhủ…sau đó đều có lễ vật để cúng thần và uống rượu hòa giải. Điều đó thể hiện tinh thần nhân ái trong Luật tục M’Nông, và trong cộng đồng người M’Nông ở Tây Nguyên.

Ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng đã góp phần tạo nên những giá trị của di sản nhân loại.

Bên cạnh những tiến bộ, trong xu thế chung, sự phát triển kinh tế-xã hội kéo theo tình trạng mất cân bằng giữa giá trị cũ và mới, đang gây phá vỡ nhiều hình thức và nội dung trong lối sống truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Các sinh hoạt truyền thống ít đi khiến không gian hoạt động bị thu hẹp. Nhiều loại hình văn hóa có nguy cơ mai một. Hiện nay, không ít thanh niên dân tộc ngại mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, do thiếu tự tin hay thiếu tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Nhiều nghệ nhân lưu giữ tinh hoa truyền thống vào độ tuổi “xưa nay hiếm” khiến việc gìn giữ, trao truyền cho thế hệ tương lai gặp nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
 

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Văn kiện đại hội Đảng qua các thời kỳ đều thống nhất nguyên tắc quan tâm, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nêu: khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiếu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc người Việt Nam.

Hàng năm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức các chương trình, hoạt động giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào M’Nông tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây – Hà Nội).


Đồng bào M'Nông giới thiệu Lễ cúng cổng buôn - nghi lễ lâu đời, biểu đạt khát vọng trong sáng về một cuộc sống ấm no, thanh bình với người dân bản, làng. 
 
Đồng bào M'Nông thực hành nghi lễ cúng cổng buôn.


 
Đồng thời Đắk Nông đang sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cùng sự đa dạng bản sắc văn hóa của 40 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, các lễ hội lâu đời độc đáo. Cùng đó công viên địa chất Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thị xã có giá trị cao về đa dạng sinh học, địa chất, văn hóa. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, có ý nghĩa nền tảng để phát triển các sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Thực tế ở một số địa phương đã phát triển các mô hình du lịch homestay, du lịch trải nghiệm, các sản phẩm du lịch mới từ nền tảng văn hóa truyền thống đem lại hiệu quả thiết thực, qua đó giải quyết công tác bảo tồn.

Các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa cho thấy, hiện nay để xử lý hài hòa mối quan hệ tương tác giữa sức ép của toàn cầu trên lĩnh vực văn hóa, đảm bảo nhu cầu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Cần có những thiết chế văn hóa phù hợp với thời đại; cần đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật - nền tảng vật chất để bảo đảm phát triển lâu dài, bền vững; xây dựng “Quần thể di sản văn hóa M’Nông” với các khu bảo tồn: Nhà bảo tàng văn hóa, khu thực hành văn hoá, khu bảo tồn văn hóa tự nhiên; tổ chức “Ngày văn hóa M’Nông”.

leftcenterrightdel
 Các thanh niên người M'Nông biểu diễn văn nghệ truyền thống của dân tộc mình.

Bên cạnh đó cần có chính sách và chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên nghiệp đối với lực lượng làm công tác dân tộc, tôn giáo, giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc (trong đó có M’Nông). Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng các nghệ nhân và những người kế cận. Có chính sách sử dụng, đãi ngộ họ một cách hợp lý để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa M’Nông nói riêng và các dân tộc trên địa bàn nói chung.

Tại Festival Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu, trong đó khẳng định: “Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh gìn giữ không gian này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên. Tôi tin rằng, không ai làm tốt hơn việc này bằng đồng bào của mình ở đây, những chủ thể đích thực của di sản độc đáo này”.

Thế Dương
08/04/2021 09:06