leftcenterrightdel

Bắc Giang cái tên có từ thời Tiền Lê - trước thế kỷ X, qua các di chỉ, hiện vật tìm thấy cho thấy Bắc Giang có đủ các dấu tích của các thời kỳ đồ đá, thời đồ đồng, đồ sắt và bước vào các giai đoạn lịch sử có chữ viết với nhiều trang sử hào hùng từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời Hai Bà Trưng đánh giặc Hán... Rồi tiếp nối vào thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ.

Trong địa dư của tỉnh hầu hết đều thuộc sơn phận các dãy núi lớn như: Yên Tử, Thái Hòa, Bảo Đài, Cai Kinh và một số núi như dãy Nham Biền, Quảng Phúc, Trung Sơn, Tiên Sơn, Thù Sơn... Trong đó dãy núi Yên Tử- Huyền Đinh và dãy Bảo Đài làm nên con sông Lục Nam với thung lũng Lục Nam, Lục Ngạn rộng lớn. Dãy núi Cai Kinh và dãy núi Bảo Đài cùng dãy Quảng Phúc, Nham Biền làm nên con sông Thương bên đục bên trong bao đời.

Về phía Nam dãy núi Thù Sơn, Tiên Sơn, Nham Biền là con sông Cầu nước chảy lơ thơ làm thành ranh giới giữa tỉnh Bắc Giang với tỉnh Bắc Ninh. Cả ba con sông này hội tụ về sông Lục Đầu rồi chảy xuôi ra Biển Đông. Nhìn trên bản đồ Bắc Giang như hình chiếc quạt lớn xòe ra với ba thung lũng sông: Sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam hội tụ cả về sông Lục Đầu.

Trên Đại thạch bia tại bảo tàng tỉnh Bắc Giang, có đề danh 63 vị tiến sỹ thời phong kiến của tỉnh (58 tiến sỹ văn 5 tiến sỹ võ). Mặt sau bia khắc bài “Xương Giang Phú” bất hủ của đại thi hào Lý Tử Tấn để ca ngợi miền đất Bắc Giang với chiến thắng Xương Giang hào hùng trong trận chiến diệt 10 vạn viện binh nhà Minh sang xâm lược cuối năm 1427. Cùng đó các di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên) được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, 16 xã của Hiệp Hòa được công nhận là An toàn khu II. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, có thể thấy đây là vùng “địa linh nhân kiệt” đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Những năm gần đây ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đang tích cực đầu tư bảo tồn những loại hình văn hóa đặc trưng của tỉnh. Các di tích trọng điểm được tu bổ, tôn tạo như đình Thổ Hà, chùa Bổ Đà (Việt Yên); hệ thống lăng đá cổ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa); đình Phù Lão (Lạng Giang); khu di tích khởi nghĩa Yên Thế; chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng)… các lễ hội truyền thống được bảo tồn, phục dựng như lễ hội Yên Thế, Xương Giang, vật cầu nước Làng Vân; các mô hình truyền dạy hát dân ca quan họ, ca trù và dân ca các dân tộc thiểu số đang được nhân rộng tại các địa phương…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, 10 năm qua, thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”, toàn tỉnh có 4 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, có thêm 13 di tích xếp hạng quốc gia, 163 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 445 di tích được tu bổ với tổng kinh phí 145 tỷ đồng. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, hệ thống di tích Tây Yên Tử đang trở thành điểm nhấn của công tác phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch.

leftcenterrightdel

Chùa Vĩnh Nghiêm (nơi được xem là chốn tổ của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, có niên đại hơn 700 năm với bộ mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương).

Tỉnh Bắc Giang có hơn 500 lễ hội truyền thống, hơn 2000 nghìn di tích lịch sử văn hóa, trong đó đã xếp hạng 543 di tích (477 di tích cấp tỉnh, 86 di tích cấp quốc gia, trong đó có 23 điểm là di tích, cụm di tích, di tích khởi nghĩa Yên Thế là Di tích cấp quốc gia đặc biệt… Nổi bật trong các di sản vật thể, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Tư liệu ký ức thế giới, một điểm nhấn đặc biệt trong bức tranh văn hoá Bắc Giang. Những tư liệu trong kho mộc bản là nguồn sử liệu có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, y học, Phật học, phản ánh tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển đất nước.

leftcenterrightdel

Kho mộc bản được lưu giữ ở chùa Vĩnh Nghiêm, làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là bộ sưu tập mộc bản của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một Thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Nội dung kho mộc bản phản ánh tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào thế kỷ thứ XIII, thể hiện tinh thần tự lực và tùy duyên, xem Phật chính là bản thân mình, tự tin vào bản thân, không tin vào các thế lực thần bí, lạc quan với cuộc sống thực, thuận theo tự nhiên.

Kho mộc bản gồm các bộ kinh, sách, luật giới nhà Phật và trước tác của một số danh nhân, thiền sư đã sáng lập, chấn hưng, phát triển trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm trong nhiều thế kỷ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển về văn hóa, xã hội trong lịch sử Việt Nam như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa Đồng Kim Cương, Huyền Quang Lý Đạo Tái,...

Theo tài liệu, kho mộc bản có 3.050 tấm ván rời, với 9 đầu kinh, sách chính được san khắc khoảng từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, nhưng phần lớn được san khác trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, gồm các tác phẩm: Thần du Tây phương, Tây Phương mĩ nhân truyện (năm Tự Đức thứ 26-1873), Tỳ khâu ni giới (năm Tự Đức 34-1881), Sa di ni giới lãnh (năm Tự Đức 34-1881), Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (năm Tự Đức 37-1884), Kính tín lục (năm Tự Đức 39-1886), Thiền tông bản hạnh (năm Bảo Đại 7-1932), Đại thừa chỉ quản (năm Bảo Đại 10-1935), Di Đà kinh. Trong đó Thần du Tây phương ký và Tây phương mĩ nhân truyện là sách nói về nguồn gốc của đạo Phật Ấn Độ.

Những bản mộc thư niên đại 700 năm, có kích thước không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh/sách có kích thước khác nhau. Bản khắc lớn nhất là loại sớ, điệp chiều dài hơn 100 cm, rộng 40-50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15 - 20cm, phần lớn mộc bản bộ Kinh Hoa Nghiêm (hơn 2800 mảnh) có kích cỡ 33cm - 23cm - 2,5cm. Trong số các mộc bản có Tập Nhật trình Yên Tử nói về sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và phương pháp tu thiền tâm của thiền phái này.

Văn tự trên bản mộc cho thấy quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam chuyển từ sử dụng chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng sử dụng chữ Nôm của Việt Nam. Mẫu chữ Nôm trong tác phẩm Thiền Tông Bản Hạnh cũng được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu chữ cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight,ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.

Các tăng ni, phật tử theo dòng Đại thừa ở Việt Nam cũng như ở ngoài nước đều sử dụng các bộ kinh, luật, sách trên để tu trì hành đạo. Mộc bản là di sản văn hóa quý giá của Phật giáo Đại thừa trên toàn thế giới nói chung và Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam nói riêng.

leftcenterrightdel
 Du khách tham quan Khu di tích chùa Bổ Đà.

BỔ ĐÀ CỔ TỰ

Toạ lạc trên núi Phượng Hoàng, phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chùa Bổ Đà một di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu khác của Bắc Giang, được xây dựng từ thời nhà Lý, trùng tu, mở mang vào thời Lê Trung Hưng và các giai đoạn sau này. Chùa thờ Tam giáo đồng nguyên gồm Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, phối thờ tượng Thạch Linh Thần Tướng và Trúc Lâm Tam Tổ.

Chùa Bổ Đà có kiến trúc khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống vùng Bắc Bộ, đó là lối kiến trúc ‘‘nội thông ngoại bế”, được bao bọc bởi hệ thống rặng tre xanh tốt, hệ thống tường trình đất như một chiến lũy bảo vệ vững chắc, tạo vẻ u tịch, linh thiêng… Các mảng chạm khắc tinh xảo tại các hạng mục kiến trúc của di tích với nhiều đề tài phong phú như: hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, hình lá lật, linh thú, đề tài tứ linh, tứ quý…Căn cứ vào dấu vết vật chất và thư tịch cổ ở khu di tích chùa Bổ Đà cho thấy công trình tôn giáo này được xây dựng và phát triển mạnh vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đầu thế kỷ XVIII, niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729), trụ trì chùa Bổ Đà là Phạm Kim Hưng đã tiến hành trùng tu, mở mang khu di tích và phát triển nơi đây trở thành một Trung tâm Phật giáo lớn theo Thiền phái Lâm Tế.

Vãn cảnh chùa Bổ Đà, khách tham quan được hoà mình vào thiên nhiên thơ mộng, huyền bí, có thể nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, tôn giáo qua hệ thống các tài liệu, tượng Phật, câu đối, đại tự, sách kinh Phật, các bộ hương án, đồ thờ… có giá trị lịch sử, văn hoá hiếm thấy ở những ngôi chùa khác.

leftcenterrightdel
 

Nổi bật trong không gian văn hoá chùa Bổ Đà là vườn tháp cổ được xây dựng trong khoảng 300 năm, kể từ khi vị sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch. Vườn tháp nằm trên diện tích 8.000 m2, mỗi ngôi tháp lưu giữ xá lị, tro cốt của 4 - 26 vị tăng, được đánh giá là vườn tháp cổ đẹp và lớn nhất trong các cổ tự ở Việt Nam. Với những nét độc đáo về kiến trúc cùng bề dày lịch sử và văn hóa, chùa Bổ Đà đã được công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt.

Hàng năm, lễ hội chùa Bổ Đà tổ chức từ ngày 15 - 19/2 âm lịch, thu hút hàng chục nghìn người dân ở các địa phương trong tỉnh và du khách trong, ngoài nước tham dự.

LÀNG CỔ THỔ HÀ BÊN BỜ BẮC SÔNG CẦU

Trong hành trình tìm hiểu di sản, di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Bắc Giang, với nhiều du khách làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, nằm bên dòng sông  sông Cầu thơ mộng là một điểm đến hấp dẫn. Ngôi làng hiện diện không gian truyền thống một làng Việt cổ với cây đa, bến nước, sân đình. Trước năm 1960 làng Thổ Hà nổi tiếng về nghề làm gốm, từ năm 1990, nơi đây nổi tiếng về nghề thủ công làm bánh đa nem và mỳ gạo.

Bước qua những cổng làng xưa cũ, du khách cảm nhận nét cổ kính của Thổ Hà qua đình làng, chùa cổ, những ngõ xóm cổ, văn chỉ, cây đa cổ thụ, bến nước, đến thăm lò sản xuất gốm, các gia đình sản xuất bánh đa nem và mỳ gạo bằng máy và thủ công…những giá trị văn hóa đặc sắc ở vùng đất bờ Bắc sông Cầu hòa quyện tạo lên một Thổ Hà đậm đà bản sắc.

leftcenterrightdel
 Dấu ấn nghề gốm ở Thổ Hà còn lưu dấu trên những bức tường nhà.

Nằm trong không gian văn hóa “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại vùng Kinh Bắc, 5 làng Quan họ cổ ở bờ Bắc sông Cầu, tỉnh Bắc Giang hội tụ những không gian sinh hoạt, lề lối và phong tục chơi Quan họ lâu đời. Trong số 49 làng Quan họ cổ được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại có 5 làng thuộc huyện Việt Yên (Bắc Giang) đó là các làng Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ và Sen Hồ.

Theo các nhà nghiên cứu, không gian quan họ ở bờ Bắc sông Cầu rất rộng lớn, lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc của Di sản văn hoá Quan họ với hơn 200 làn điệu Quan họ cổ và hàng ngàn bản đang lưu giữ trong nhân dân. Riêng huyện Việt Yên có 130 nghệ nhân có thể hát Quan họ đúng bài bản với những niêm luật và lối hát của lề lối Quan họ cổ, cùng đó hàng trăm cụ ông, cụ bà có độ tuổi từ 70 đến gần 90 vẫn hát và trao truyền Quan họ cho thế hệ trẻ.

leftcenterrightdel

Du khách tham quan tìm hiểu hát Quan họ, tại đình làng Thổ Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Những năm gần đây, Bắc Giang đã và đang đầu tư mạnh để phục dựng lại con đường hoằng dương Phật pháp của vua Trần Nhân Tông theo sườn Tây Yên Tử.

Cùng với Đông Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Tây Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang cùng phối hợp, kết nối thành quần thể danh thắng Yên Tử, tạo điều kiện để phát triển du lịch, phát huy các di sản văn hóa ở các địa phương.

Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh nằm ở sườn Tây và Bắc của dãy núi Yên Tử, thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tây Yên Tử trải dài từ Sơn Động đến Yên Dũng, nơi có hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của núi, rừng. Nơi đây khách thăm có dịp tìm hiểu thêm về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Có rất nhiều điều ẩn chứa trong không gian văn hoá tỉnh Bắc Giang và “Miền đất thiêng Tây Yên Tử” đang mời gọi mỗi du khách tìm về.

Nguyễn Dương
27/07/2021 11:30