(ĐCSVN) - Mặc dù đã có sự chuẩn bị ứng phó chu đáo từ Trung ương đến các địa phương nhưng chỉ sau hơn một ngày "tấn công" vào một số tỉnh, thành phía Bắc của Việt Nam, cơn bão số 3 - siêu bão Yagi – cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua đã để lại những hậu quả nặng nề khiến nhiều người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương; nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; nhiều nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, các thiết chế văn hóa bị đổ, tốc mái, hư hại nặng nề…

 
             

Theo các cơ quan khí tượng đánh giá bão số 3 (Yagi) được cho là siêu bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua, thiết lập nhiều kỷ lục mới, cho đến thời điểm này.

left center right del
Đường đi của cơn bão số 3 - bão Yagi 

Tối 1/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippines. Sáng 2/9, bão vượt qua khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippines) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2024.

left center right del
Bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippines vào tối 1/9; sáng 2/9, bão vượt qua khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippines) gây thiệt hại nặng nề cho khu vực này.

Chỉ sau khoảng 2 ngày, từ cấp 8 bão đã tăng 7 cấp. Và đến 10h sáng ngày 5/9, bão số 3 đạt cường độ cực đại cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17).

Theo các chuyên gia khí tượng, đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão.

Bão số 3 luôn duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 16. Khi ảnh hưởng đất liền cường độ mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14. 

left center right del
Siêu bão số 3 vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) gây thiệt hại nặng nề. 
 Các lực lượng của Trung Quốc gồng mình với siêu bão số 3.

Vào Việt Nam, bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc đã bị tổn thất rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7, tháng 8.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, đây là cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Lần thứ 3 trong lịch sử cấp độ rủi ro thiên tai (cấp độ 4 màu đỏ) được ban hành và cũng lần đầu tiên trong lịch sử cấp độ 4 được sử dụng ở Vịnh Bắc Bộ.

Sau hơn một ngày "tấn công" vào đất liền Việt Nam, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ. Sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp. Đến chiều tối 8/9, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần.

 

Mặc dù đã đã được cảnh báo và chuẩn bị chu đáo nhưng siêu bão số 3 (Yagi) đi qua đã gây ra thiệt hại rất nặng nề cho một số quốc gia cũng như các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, bão Yagi đổ bộ vào Philippines trong tối 1/9, gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều khu vực. Theo báo cáo của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa Quốc gia Philippines, bão Yagi đã tấn công một số khu vực của Philippines khiến 16 người đã thiệt mạng, 15 người bị thương, 21 người khác mất tích - Các trường hợp thiệt mạng trong bão Yagi là do lở đất hoặc đuối nước.

left center right del

Tại Trung Quốc, siêu bão Yagi có sức gió lên tới 245 km/giờ, sau khi đổ bộ vào các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông ngày 6/9 đã khiến 4 người thiệt mạng và 95 người bị thương ở Trung Quốc, đồng thời gây mất điện, gián đoạn thông tin liên lạc ở các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông; hàng loạt cây cối bật gốc và nhà cửa hư hại nghiêm trọng; 400.000 người phải sơ tán tránh bão…

Tại Việt Nam, siêu bão Yagi ảnh hưởng trực tiếp đến 26 tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa; đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội….

Tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 8/9 cho biết: Đã có 5 người chết; 186 người bị thương; 25 tàu bị chìm; hơn 3.279 nhà hư hỏng; 401 cột điện gãy đổ; chục ngàn cây xanh đổ, gẫy, bật gốc… Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là những đánh giá sơ bộ được thống kê chưa đầy đủ, sau hơn một ngày bão số 3 hoành hành.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 14h ngày 8/9, bão số 3 đã làm 14 người tử vong, 220 người bị thương và thiệt hại nhiều về tài sản.

Cụ thể, về người: 14 người chết (Quảng Ninh 4, Hải Phòng 2, Hải Dương 1, Hà Nội 1, Hoà Bình 4, Yên Bái 1, Lạng Sơn 1); 1 người mất tích do lũ cuốn (Bắc Giang); 220 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 40, Hải Dương 05, Hà Nội 4, Bắc Giang 4, Lạng Sơn 4, Cao Bằng 1, Phú Thọ 2, Hoà Bình 1, Thanh Hoá 2). 

Về tài sản: 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; nhiều cột điện và viễn thông bị gãy đổ, 5 đoạn đường dây 500KV, 31 đường dây 220KV, 97 đường dây 110KV, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng; 7.394 nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ…

 Nhiều ngôi nhà, biển quảng cáo và các công trình bị hư hại nghiêm trọng do bão số 3 gây ra.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ ngày 8- 9/9, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương.

 

Tại Hội nghị Đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: Bão số 3 đã hoành hành trên đất liền hơn một ngày, gây hậu quả nghiêm trọng. Hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa lũ, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc.

left center right del

Thủ tướng yêu cầu đánh giá tình hình, công tác dự báo, công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin cho người dân, thực hiện "4 tại chỗ"; công tác ứng phó ở cả Trung ương và địa phương; đánh giá hậu quả, phân tích, chia sẻ các bài học kinh nghiệm; các biện pháp khắc phục hậu quả trong thời gian ngắn nhất có thể và các biện pháp lâu dài, chiến lược. Thủ tướng yêu cầu rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại, các gia đình có người thiệt mạng. “Trong lúc này, người dân đang phải chịu thiệt hại. Do đó phải bàn với tinh thần khẩn trương; tiếp tục triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả bão; kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, ứng phó sạt lở, sụt lún”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Bão cũng tác động tới hệ thống điện, viễn thông, Thủ tướng đã chỉ đạo các nhà mạng liên kết chia sẻ kết nối mạng để bảo đảm sóng viễn thông phục vụ công tác chỉ huy, khắc phục hậu quả thiên tai. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay sau bão số 3, các địa phương đã dồn tổng lực để khắc phục hậu quả.

Hà Nội: Ngày 8/9, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố.

 Ngay sau bão, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh trực tiếp đi thị sát và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bí thư và Chủ tịch, các cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội tiếp tục thống kê thiệt hại, đồng thời huy động mọi lực lượng, phương tiện, thiết bị tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra.

Tất cả các lực lượng chức năng đơn vị quận, huyện trên địa bàn thành phố đều ra quân dồn lực khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên Thủ đô sáng 8/9 phối hợp các lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ, vệ sinh môi trường, thăm hỏi người già neo đơn, hỗ trợ người dân sửa sang nhà cửa; hỗ trợ và bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân....

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội rạng sáng 8/9 điều động 400 cán bộ, chiến sĩ và 14 phương tiện chuyên dùng của lực lượng chủ lực phối hợp lực lượng tại chỗ giúp địa phương khắc phục hậu quả cây đổ tại 8 quận: Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ giúp nhân dân thu hoạch hoa màu các vùng ngập úng; thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn..

left center right del
 Phương án ưu tiên trong khắc phục hậu quả sau bão là phải đảm bảo cho giao thông thông suốt.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương di dời 249 hộ dân với 690 nhân khẩu tại địa bàn có nguy cơ sạt lở, sập đổ nhà tạm tại các huyện: Ba Vì, Mê Linh, Sơn Tây, Mỹ Đức, Gia Lâm.

Lực lượng dân quân tự vệ tại các địa phương đã trợ giúp nhân dân chằng, buộc nhà cửa, di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Trên 3.000 dân quân tự vệ, dân quân thường trực tham gia giúp cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả.

Ngay từ sáng sớm ngày 8/9, các đơn vị duy trì cây xanh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện giải tỏa, thu dọn được trên 570 cây đổ, khoảng 500 cành gãy.

Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục giải tỏa các trường hợp còn lại theo nguyên tắc: Ưu tiên theo thứ tự giải quyết giải tỏa phục vụ đảm bảo giao thông, các tuyến đường trọng điểm, trục chính, nơi có các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện... Dự kiến, trong vòng 24 giờ sẽ hoàn thành công tác giải tỏa trước mắt để đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, tuyến phố chính.

Các điểm ngập trên Thành phố Hà Nội cũng đang được các đơn vị thoát nước xử lý, đến trưa ngày 8/9, Hà Nội hầu như không còn điểm ngập nước.

Bão số 3 gây ra trên 181 sự vụ ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng công cộng như: Chạm chập, mất pha, gãy cột thép, vỡ hỏng đèn... Các sự vụ trên đang được xử lý, giải tỏa kịp thời. Các lực lượng đã xử lý xong 106/181 sự vụ và đang tiếp tục khắc phục trong thời gian sớm nhất đảm bảo công tác chiếu sáng đô thị.

Các sự cố gây hư hỏng nêu trên không ảnh hưởng đến công tác cấp điện hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Việc khắc phục dự kiến xong trong ngày 8/9.

Quảng Ninh: Là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong bão số 3, từ sáng sớm 8/9, tất cả người dân thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đổ ra đường, ra ngõ bắt tay vào dọn dẹp đường phố, khơi thông cống rãnh… khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 để lại. Người chặt cây, người vác cành, người quét dọn để nhanh chóng thu gom cây đổ, tôn bay, sắt thép bên đường để ngõ, phố thông thoáng, xe cộ đi lại thuận lợi. Đến 9 giờ 30 ngày 8/9, nhiều đường phố, ngõ xóm của Hạ Long đã thông thoáng, phương tiện đi lại bình thường.

left center right del

Cùng với nhân dân, sáng 8/9, các lực lượng, đơn vị, chính quyền địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra. Chính quyền các địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa bàn trọng điểm cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả. Đến khoảng 8 giờ 30 phút ngày 8/9, một số trạm bơm xăng, dầu trên địa bàn Hạ Long đã kịp thời khắc phục ảnh hưởng của bão, hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu của người dân thành phố.

Theo tin của UBND huyện Vân Đồn, sáng 8/9, các lực lượng chức năng của huyện đã tìm kiếm được 6 người mất tích trên biển. Đây là những công nhân trông coi các bè nuôi trồng thuỷ sản. Hiện sức khoẻ của những người này đều ổn định.

Thông tin ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã cứu được 46 người bị mắc kẹt trên các tuyến biển, đảo. Công tác tìm kiếm cứu nạn đang được tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì triển khai lực lượng với quy mô lớn…

Hải Dương: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Hải Dương đang nỗ lực ở mức cao nhất trong khắc phục hậu quả của bão số 3 để ổn định sản xuất, sớm trở lại cuộc sống bình thường.

left center right del
Sau bão, vấn đề môi trường đòi hỏi phải được quan tâm hàng đầu. 

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra trên địa bàn và yêu cầu: Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả các thiệt hại liên quan đến ngành, lĩnh vực; phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã trong việc triển khai khắc phục hậu quả sau bão.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải: Thực hiện đánh giá mức độ thiệt hại đối với các công trình đường giao thông, chủ động sửa chữa bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông được thông suốt; hỗ trợ các huyện, thành phố, thị xã bảo đảm kết nối giao thông giữa các địa phương.

Đối với lĩnh vực xây dựng: Tổ chức đánh giá mức độ ảnh hưởng về độ an toàn và công năng sử dụng đối với các các công trình xây dựng bị ảnh hưởng sau bão; cùng với các địa phương rà soát hệ thống cây xanh bị thiệt hại, có phương án trồng thay thế, bổ sung.

Các sở, ban, ngành căn cứ vai trò, nhiệm vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh khắc phục sự cố sau cơn bão số 3 sớm nhất, nhất là dự báo và xây dựng kế hoạch ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn sau cơn bão. Rà soát, phòng ngừa dịch bệnh về người, gia súc, gia cầm có thể xảy ra, bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường.

leftcenterrightdel
 
left center right del
Ngay sau bão người dân ở nhiều tỉnh, thành có bão đi qua đã chung tay cùng với các cơ quan chức năng xuống đường dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, đảm bảo giao thông thông suốt. 

Theo công ty Điện lực Hải Dương, đến sáng sớm 8/9 đã khôi phục 19/23 trạm 110kV gặp sự cố. Tuy nhiên về lưới điện trung, hạ áp thống kê sơ bộ hơn 800 cột gặp sự cố, rất nhiều đoạn tuyến dây bị đứt; mới cấp điện được khoảng 20.000 khách hàng, 649.000 khách hàng đang bị ảnh hưởng, chờ khắc phục.

Với điều kiện thời tiết và nhân lực hiện tại, trong ngày 8/9, ngành điện của tỉnh Hải Dương sẽ khẩn trương khắc phục sự cố để cấp điện cho các hệ thống chính, nhất là cấp điện cho các trạm bơm; việc khắc phục để cấp điện sinh hoạt cho người dân sẽ đạt khoảng 70%.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, sáng 8/9, các nhà mạng Vinaphone và MobiFone đã hoàn thành phối hợp triển khai dịch vụ roaming miễn phí. Nhà mạng Viettel đã chia sẻ mạng lưới với các nhà mạng khác. Thuê bao các nhà mạng khác có thể sử dụng sóng Viettel và ngược lại.

Sáng 8/9, người dân khắp các địa phương trong tỉnh Hải Dương khẩn trương bắt tay dọn dẹp cây xanh gãy đổ, giải tỏa các tuyến đường giao thông. Dù trời mưa to, bà con nông dân Hải Dương vẫn tranh thủ ra đồng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Hải Phòng: Trong ngày 8/9, Hải Phòng cũng chỉ đạo toàn tỉnh tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bão số 3.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị các đơn vị khẩn trương thu dọn vật cản nhằm khôi phục giao thông, sửa chữa khắc phục kết cấu hạ tầng thiết yếu, cấp điện, cấp nước trở lại, khôi phục các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc; tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường; tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng hư hại chưa được khôi phục... Các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tổ chức hỗ trợ về y tế đối với các đối tượng bị thiệt hại; động viên, hỗ trợ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, trở lại cuộc sống bình thường; các lực lượng chuyên trách tiếp tục tập trung ứng cứu kịp thời các sự cố có thể xảy ra.

left center right del
 Dù còn rất nhiều việc phải làm mới có thể khắc phục được cơ bản hậu quả do bão số 3 để lại. Tuy nhiên hầu hết các tỉnh, thành có bão đi qua đều ưu tiên khắc phục để giao thông được thông suốt vào chiều ngày 8/9.

Về điện, Hải Phòng có 5 trạm 220kw, 35 trạm 110kw bị ảnh hưởng. Đến nay có 3/5 trạm 220kw đã được khắc phục. Các huyện An Lão, Kiến An, Tràng Duệ sẽ cố gắng hoàn thiện khắc phục trạm 110 trước 19 giờ tối.

Bắc Ninh: Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh, do ảnh hưởng của bão, nhiều công trình, diện tích nông nghiệp, cây xanh bị thiệt hại. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo khắc phục sau mưa bão.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh huy động các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân có phương án khắc phục sự cố, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Về sự cố điện, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu Công ty Điện lực Bắc Ninh tiếp tục ứng trực toàn hệ thống với tinh thần cao nhất, tập trung khắc phục tối đa các sự cố do bão số 3 gây ra. Trong đó, tập trung đảm bảo điện cao nhất cho các bệnh viện, cơ sở sản xuất đặc biệt quan trọng, các trạm bơm, điểm mục tiêu thông tin truyền thông và an ninh quốc phòng.

Lực lượng chức năng của các tỉnh, thành tích cực khắc phục hậu quả sau bão. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu lãnh đạo Công ty Điện lực Bắc Ninh có phương án bám sát trung tâm chỉ huy để chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Khi khắc phục được sự cố, đóng điện trở lại phải đảm bảo an toàn về kỹ thuật, nhất là đảm bảo nguồn điện phục vụ hoạt động cho các điểm trọng yếu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh cũng đã duy trì 4 đoàn kiểm tra ứng phó, xử lý khắc phục hậu quả bão số 3; đồng thời, yêu cầu các đơn vị thuộc Sở, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống và Nam Đuống tổ chức trực 100% quân số để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai do bão gây ra; chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi và tình hình tiêu úng của các trạm bơm...

Nam Định: Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, ngay trong ngày 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra; trước mắt tiêu úng thoát nước tại khu vực bị úng, ngập để đảm bảo sản xuất nông nghiệp; tập trung sửa chữa đảm bảo hệ thống lưới điện được thông suốt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà và kiểm tra chỗ ở đảm bảo an toàn, hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra. Huy động các lực lượng dọn dẹp ngay vệ sinh môi trường, quét dọn các đường, cơ quan, công sở, trường học... để hoạt động bình thường từ ngày mai.

left center right del
Tại các tỉnh, thành, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng nặng nề. Nhân dân đang rất tích cực khắc phục hậu quả sau bão. 

Thái Bình: Tại TP Thái Bình, sáng ngày 8/9, UBND TP đã tổ chức họp triển khai công tác khắc phục hậu quả bão số 3. Ngay trong sáng nay (8/9), các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Để nhanh chóng khắc phục do bão số 3 gây ra, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND, trong đó yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng cần ưu tiên khôi phục ngay hoạt động trong các lĩnh vực: Bảo đảm giao thông thông suốt, điện, nước, viễn thông, vệ sinh môi trường…

Khẩn trương thống kê, rà soát thiệt hại do bão gây ra và khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; tập trung các biện pháp tiêu úng kịp thời, nhanh chóng khôi phục sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra đê điều, đặc biệt các vị trí, công trình trọng điểm xung yếu, nếu phát hiện sự cố cần huy động lực lượng, phương tiện, nhân lực và tổ chức củng cố, tu bổ ngay…

  
TT
08/09/2024 19:21