leftcenterrightdel
 

“Làm cả năm no ba ngày Tết” câu nói dân gian cho thấy sự quan trọng đến nhường nào về cái Tết Âm lịch của người Việt. Tết Âm lịch còn có tên gọi khác như Tết Cả, Tết Ta, Tết Nguyên đán, Tết Cổ truyền, Tết năm mới. Cách tính Âm lịch của Việt Nam theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Âm lịch thường đến muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận 1 tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của Tết Âm lịch không bao giờ trước ngày 21/1 Dương lịch và sau ngày 19/2 Dương lịch mà rơi vào cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch.

Hàng năm, dịp Tết Âm lịch thường kéo dài từ 7-8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày của đầu năm mới (từ 23 tháng Chạp - hết mùng 7 tháng Giêng). Đây không chỉ là khoảng thời gian thiêng liêng, nó còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh cổ truyền của dân tộc Việt.

Trong sự phát triển chung của đời sống, xã hội, Tết ngày nay không phải quá lo toan tằn tiện hay dành dụm như xưa, nhưng sự háo hức chờ đón Tết, từ tình thân, hương vị, không gian vẫn như xưa.

Phong tục đón Tết Âm lịch ở mỗi vùng miền nước ta có khác nhau đôi chút, nhưng đều mang các đặc trưng của ngày Tết, đó là “sắm Tết”, “lễ Tết”, “ăn Tết” và “chơi Tết”, gắn kết cùng là sự tri ân, đoàn tụ, hướng về quê hương, tổ tiên, về cha mẹ, gia đình và người thân. Bởi vậy Tết Âm lịch lưu giữ được hồn cốt riêng của ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất của cả dân tộc Việt.

leftcenterrightdel
 

Trong “sắm Tết” nét đặc trưng nhất là những phiên chợ Xuân phục vụ thú chơi Tết của người Việt. Tại nhiều địa phương xuất hiện các chợ phiên mỗi năm chỉ họp một lần như: Chợ hoa đào, chợ hoa mai, chợ quất, chợ chữ, chợ đồ cổ… Chợ Tết đã trở thành một nếp sống in đậm dấu ấn đời sống, văn hoá của dân tộc mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Trong những phiên chợ cuối năm, người ta có dịp hòa mình vào khung cảnh sắc xuân vui tươi, rực rỡ sắc màu, người người náo nức mua sắm để có một cái Tết tươm tất, đầy đủ, yên vui. Bên cạnh những mảng màu văn hoá của bánh chưng xanh, hoa mai, hoa đào, câu đối đỏ, chợ Tết mang một phong vị rất riêng.

Theo dòng chảy thời gian, trong nhịp sống hiện đại, những phiên chợ Tết cuối năm ở mỗi vùng quê hay giữa thành thị ngày nay vẫn gợi nên những nét đẹp ngàn đời của đất nước. Chợ Tết nơi đô thị luôn náo nhiệt vui tươi, rộn rã nhiều sắc màu, ẩn chứa và phô diễn những nếp sống, văn hoá của những làng quê Việt.

Ở Hà Nội dù có rất nhiều chợ hoa nổi tiếng khác nhau, song với những ai thích hoài niệm một cái Tết xưa, chợ hoa Hàng Lược luôn là điểm đến ưa thích và quen thuộc mỗi khi Tết đến. Chợ phiên mỗi năm này chỉ họp một lần vào dịp sát Tết cổ truyền mang nét đẹp riêng có của người dân sinh sống tại Hà Nội. 

leftcenterrightdel
Khi Hà Nội se lạnh cũng là thời điểm những con phố cổ bừng lên sắc Tết.

leftcenterrightdel
 

 Ăn Tết

Theo truyền thuyết Tục gói “Bánh chưng, bánh dày” có từ đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (các con của nhà Vua) đến và truyền rằng: Vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà Vua nhất sẽ được nhà Vua nhường ngôi. Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà Vua.

Riêng Lang Liêu là người con nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang, chàng không tìm những sản vật quý hiếm về dâng Vua cha, mà đã dùng ngay những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho trời tròn và đất vuông (còn được gọi là bánh chưng và bánh dày) để làm lễ vật dâng vua cha. Lễ vật của Lang Liêu hợp với ý Vua Hùng nhất và nhà Vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu… Từ đó bánh chưng, bánh dày đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tổ tiên.

Trải dài qua các thời kỳ Bắc thuộc và đô hộ của thực dân, phong tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt cho tới hôm nay, lưu dấu một nét văn hoá đẹp của dân tộc.

leftcenterrightdel
Giới thiệu tục lệ gói bánh chưng ngày Tết tại khách sạn Metrophone, phố Ngô Quyền, Hà Nội.
leftcenterrightdel
Bà con kiều bào về quê hương chung vui đón Tết cổ truyền cùng dân tộc với nét đẹp truyền thống.

“Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những đứa trẻ trong gia đình tôi rất háo hức được xem gói và luộc bánh chưng. Đây là dịp gia đình tôi xum vầy, đầm ấm nhất. Trong xã hội phát triển, tục gói bánh chưng Tết phần nào mai một bởi hàng hoá bán sẵn. Nhưng hàng năm gia đình tôi đều tổ chức gói bánh chưng để nếp sống này thấm nhuần vào thế hệ trẻ, khi lớn lên chúng có thể hiểu và kế tục truyền thống ông cha trong phong vị ngày Tết cổ truyền” - Chị Bình, tại khu phố cổ Hà Nội chia sẻ.

Cùng tục lệ bánh chưng, bánh dày ngày Tết, mỗi vùng miền nước ta đều có những đặc sản, những món ăn truyền thống mang phong vị Tết riêng. Mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc có các món truyền thống như: Bánh chưng xanh, thịt gà, dưa hành muối, nem rán, giò lụa, canh măng nấu với bóng bì hoặc chân giò lợn, miến…

Mâm cơm của người miền Nam có bánh tét, củ kiệu muối, thịt kho nước dừa, canh khổ qua nấu tôm. Còn người miền Trung có món bò nấu thưng, thịt nạc rim và món giò heo, giò heo ướp nghệ tươi giã nát, nấu liu riu mềm, thêm đậu phộng bóc vỏ ăn với xôi trắng. Trong mâm cỗ người dân xứ Huế không thể thiếu món tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả. Ẩm thực Tết đã trở thành một phần không thể thiếu làm nên phong vị của Tết cổ truyền Việt.

leftcenterrightdel
 

Mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất của những lễ hội, trong thời khắc chuyển mình của năm mới, đất trời giao hòa trong lộc non và nắng ấm. Nhiều người chọn những ngôi chùa linh thiêng để du xuân kết hợp vãn cảnh chùa, tìm đến sự thanh tao, rũ bỏ phiền muộn năm cũ, hy vọng vào những điều tốt đẹp trong năm mới.

Dù Tết âm lịch chỉ diễn ra trong ba ngày đầu tháng Giêng, nhưng trước và sau hàng chục ngày đã diễn ra các hoạt động liên quan đến Tết. Nổi bật trong chơi Tết là thú trảy hội, du xuân. Hàng năm, nước ta có khoảng 8.000 lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân, trong khoảng thời gian 3 tháng đầu năm.

Các lễ hội hướng tới sự tôn kính, tưởng nhớ những đấng bậc thiêng liêng như Thần, Phật, hay các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở làng. Lễ hội là một bảo tàng sống về văn hoá dân tộc, một cách thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lưu truyền những giá trị văn hóa, lịch sử ngàn năm của người Việt.

leftcenterrightdel

 

Nguyễn Thế Dương
29/01/2022 10:03