leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) - Cũng như nhiều bạn cùng lớp, Nguyễn Hạ Quyên đã bắt đầu những tiết học tiếng Anh đầu tiên kết nối với các “lớp học xuyên biên giới” bằng sự rụt rè, bỡ ngỡ. Sau này, với những nỗ lực không ngừng, cô học trò nhỏ của trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ) đã giành học bổng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có thể tự tin tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế và khẳng định mình qua những dự án cộng đồng.

leftcenterrightdel

 Học tập tại ngôi trường với khoảng 90% học sinh trong trường là người dân tộc thiểu số, Nguyễn Hạ Quyên– cô gái dân tộc Mường luôn ý thức được rằng: công nghệ và tiếng Anh vốn không phải là thế mạnh của mình cũng như các bạn. Nhưng bằng ước mơ, hoài bão và những nỗ lực không ngừng, Hạ Quyên đã khiến thầy cô và bạn bè khâm phục khi em xuất sắc giành học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho chương trình "Nữ sinh với công nghệ 2022" (Techgirls) trong thời gian 4 tuần.

leftcenterrightdel
Nguyễn Hạ Quyên (ngoài cùng bên trái) và các nữ sinh của Việt Nam nhận học bổng Techgirls 

Techgirls là một chương trình trại hè quốc tế được thiết kế để trao quyền và truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ trên khắp thế giới theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Chương trình là sự trải nghiệm 24 ngày tại Hoa Kỳ với sự hợp tác của Đại học Công nghệ Virginia.  Khi trở về nhà, mỗi Techgirl sẽ thực hiện một dự án cộng đồng nhằm truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm đến những người xung quanh.

Để đạt được học bổng này, ứng viên cần đạt được những điều kiện như: Học sinh trong độ tuổi từ 15 đến 17; đã có các kỹ năng nâng cao và quan tâm nghiêm túc đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học trong các nghiên cứu của mình; có ý định theo đuổi giáo dục đại học hoặc sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ; có kỹ năng sử dụng tiếng Anh vững vàng; thể hiện sự chín chắn, linh hoạt và cởi mở;…

Hạ Quyên chia sẻ: “Với em, học bổng này chính là cơ hội để em trau dồi kiến thức về STEM (phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng – PV) và kĩ năng trở thành những người lãnh đạo. Bên cạnh đó, học bổng này chính là bàn đạp cho sự nghiệp tương lai của em. Em còn có cơ hội để làm quen và trao đổi văn hóa với tất cả các bạn nữ cùng đam mê trên khắp thế giới. Nhờ  đó, em càng có thêm nhiều góc nhìn mới về thế giới xung quanh với những trải nghiệm thực tế vô cùng quý giá”.

leftcenterrightdel

Quay trở lại với việc học tập sau chuyến đi đến Mỹ, Hạ Quyên – nữ sinh của lớp 12A2 lại bắt tay vào dự án  có tên là Eth-techgirls ( Eth là Ethnic nghĩa là dân tộc, techgirls chính là tên chương trình ).  “Dự án này của em chủ yếu hướng tới các bạn nữ là người dân tộc. Em muốn chia sẻ những trải nghiệm có được sau chuyến đi Mỹ tới các bạn, bên cạnh đó em sẽ hướng dẫn cho các bạn những kiến thức và kĩ năng về STEM mà em đã được học”, Quyên nói.

leftcenterrightdel
Nguyễn Hạ Quyên có cơ hội  làm quen và trao đổi văn hóa với các bạn nữ đến từ nhiều quốc gia 

Cô học trò nhỏ hi vọng rằng,  dự án này của em sẽ truyền cảm hứng tới các bạn rằng: dù bạn là ai, dù bạn ở đâu, chỉ cần bạn có ước mơ và cố gắng sẽ có kết quả tốt. Và em cũng muốn nhắn nhủ thông điệp rằng ai cũng có quyền tiếp cận với công nghệ và STEM không phân biệt là nam hay nữ, mọi thứ đều là bình đẳng với tất cả mọi người.

Cùng với dự án trên, Quyên cũng tiếp tục tham gia các chương trình tại trường THPT Hương Cần và thực hiện các chương trình, dự án mà em đảm nhiệm như: Ủy viên câu lạc bộ tiếng Anh trường THPT Hương Cần; Diễn giả tại một số hội nghị và diễn đàn quốc tế; Điều phối viên chính của ACB - Chống bắt nạt và "Nói không với ống hút nhựa" (dự án quốc tế đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới); Thư ký dự án Hợp tác Giáo dục và Thanh niên Việt Nam - Thái Lan (Được tài trợ bởi Đại sứ quán Hoàng gia Thái Lan tại Việt Nam),…

Trong đó, năm 2021, em được tham gia một hội nghị thượng đỉnh của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) với tư cách báo cáo viên. Tại đây, Quyên đã chia sẻ về ảnh hưởng của công nghệ đến cuộc sống của một học sinh miền núi như thế nào, các lợi ích, thách thức và cách em vượt qua nó.

leftcenterrightdel

Sau nhiều chương trình, dự án đã tham gia, Quyên càng thấy giá trị của việc trở thành "công dân toàn cầu". Em cho rằng : “Việc trau dồi kĩ năng, bản lĩnh của học sinh - sinh viên Việt Nam hiện nay để trở thành những “công dân toàn cầu " là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong vài năm tới đây, sự bùng nổ về khoa học - công nghệ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nhân loại lên tầm cao mới. Vậy nên trau dồi kĩ năng để trở thành công dân toàn cầu sẽ giúp tạo điều kiện cho chúng ta nắm bắt xu hướng thành công trong thời đại hội nhập. Hơn thế nữa chúng ta phải nhận định rằng việc trở thành công dân toàn cầu không phải là đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vì chúng ta chỉ đơn thuần là hòa nhập với cộng đồng ngoài kia để tạo cơ hội làm việc ở mọi nơi trên thế giới”.

leftcenterrightdel
Cô giáo Hà Ánh Phượng (bên trái)  là người  đã truyền cảm hứng cho việc học Tiếng Anh của Hạ Quyên  
Nói về người đã truyền cảm hứng cho hành trình học tập của mình, Hạ Quyên cho biết: Cô giáo Hà Ánh Phượng chính là người truyền cảm hứng cho việc học Tiếng Anh của em, cũng như trong nhiều chương trình, dự án khác. Nhớ lần đầu tiên (khi Quyên học lớp 10), lớp học của em kết nối trực tuyến với lớp của một trường bên Thái Lan với nội dung là trò chuyện và trao đổi văn hóa Việt-Thái. Hầu hết em và các bạn đều rất e ngại và rụt rè, không ai dám nói chuyện cùng các bạn học sinh Thái Lan. Nhưng sau đó, lớp học của Quyên có thêm nhiều buổi kết nối trực tuyến hơn. Nhờ đó mà sự rụt rè hôm nào đã trở thành sự tự tin và hứng thú với các tiết học Tiếng Anh. “Cô Phượng là người đã đưa ra nhiều phương pháp học Tiếng Anh mới và sinh động. Nhờ vậy nên môn Tiếng Anh đã thay đổi diện mạo mới trong mắt em và tất cả các bạn của em nữa”, Quyên chia sẻ.

Liên lạc với cô giáo Hà Ánh Phượng để nói về cô học trò này, cô Phượng cho biết: Quyên là học sinh ham học, chăm chỉ, cầu tiến. Từ khi gặp Quyên còn là học sinh tiểu học, cô bé đã thể hiện năng khiếu học tiếng Anh và sau này thể hiện rõ hơn năng khiếu về công nghệ.

leftcenterrightdel
 Nhờ sự nỗ lực và cố gắng, giờ đây Hạ Quyên có thể tự tin kết nối và trao đổi với các bạn trên khắp thế giới về các chương trình, dự án cộng đồng. 

Với cô Phượng, Hạ Quyên là một trong những học sinh tiêu biểu vùng dân tộc miền núi trong việc học tiếng Anh. Các em biết phát huy những điểm mạnh của mình (sinh ra trong môi trường đa ngôn ngữ: tiếng dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh nên việc học thêm ngôn ngữ tiếng Anh cũng có nhiều thuận lợi; ý chí, nghị lực mạnh mẽ muốn vươn ra khỏi “lũy tre làng”,…). Bên cạnh đó, các em cũng nỗ lực vượt qua những khó khăn, hạn chế để biến thành hành động, vươn xa và bay cao hơn, kết nối với chân trời tri thức rộng mở của thế giới, để trở thành những công dân của thời đại 4.0./.

 

Thực hiện: Kiều Giang
Ảnh: NVCC
05/09/2022 15:14