leftcenterrightdel
 

Theo dòng chảy thời gian, dòng sông Hồng mềm mại, uốn lượn, lắng đọng phù sa tạo lên miền đất trù phú mang một không gian văn hoá, cùng bề dày lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay. Những năm đầu thế kỷ 21, những cây cầu bắc qua sông Hồng có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, đó là những cây cầu đang bắc vào tương lai.

Dòng sông Hồng chảy qua khu vực nội thành Hà Nội đến nay đã có 6 cây cầu đi qua. Sau cầu Long Biên xây dựng năm 1902 là cầu Thăng Long, cầu Chương Dương xây dựng vào cuối thời kỳ bao cấp, rồi đến cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy và Nhật Tân xây dựng đầu thế kỷ 21. Mỗi cây cầu ở Thủ đô mang một đặc trưng lịch sử, văn hoá riêng, lưu dấu ấn thời kỳ Hà Nội dưới ách thống trị của thực dân Pháp đến biểu tượng về một Thủ đô đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế.

Hà Nội có vị trí địa lý quan trọng, để kết nối vùng Tây Bắc, Đông Bắc với miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam… đất nước, đều phải đi qua Hà Nội. Vì vậy suốt những năm cuối của thế kỷ XX, cầu Long Biên là cây cầu huyết mạch, đóng vai trò “kết nối” giữa hai vùng tả - hữu sông Hồng. Thời kỳ đó Hà Nội chỉ duy nhất có cây cầu Long Biên do người Pháp xây dựng để lại sau khi rút khỏi Hà Nội, vào ngày 9/10/1954.

leftcenterrightdel

 Nhiều du khách nước ngoài tới Hà Nội rất thích thú khi thăm quan và tìm hiểu khu phố cổ Hà Nội, nơi có những con phố nhỏ, ngõ nhỏ cổ kính kề bên dòng sông Hồng, đặc biệt có cầu Long Biên – một công trình kiến trúc xây dựng năm 1898 - 1902 tôn lên vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội.

Trong hơn 80 năm cầu Long Biên phải oằn mình gánh tải một lưu lượng giao thông lớn. Hẳn nhiều người dân sinh sống ở Thủ đô những năm 1980 và một số tỉnh thành khác chưa quên ấn tượng “tắc cầu” Long Biên, dòng người và phương tiện cơ giới chờ qua cầu kéo dài hàng chục km. Cảnh nghẽn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên tuyến giao thông này.

Đến giữa thập niên 1980, Hà Nội xây dựng thêm cầu Thăng Long về phía thượng nguồn cầu Long Biên. Cây cầu được sự hỗ trợ xây dựng của Liên Xô, khởi công ngày 26/11/1974, thông xe toàn bộ năm 1985, cầu sử dụng 230.000 m3 bê tông, 53.293 tấn sắt thép. Gần một thế kỷ qua, đến nay cầu Thăng Long vẫn là một biểu tượng tự hào về tình hữu nghị hai nước Việt - Xô.

Thời điểm này cầu Thăng Long chưa phát huy hết hiệu quả do hệ thống giao thông chưa đồng bộ. Song song với xây dựng cầu Thăng Long, tháng 6/1983, Hà Nội khởi công xây dựng cầu Chương Dương, hoàn thành năm 1985. Đây là cây cầu huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, kết nối hai bờ sông Hồng. Cây cầu thép - bê tông hoàn toàn do các kỹ sư và công nhân Hà Nội thiết kế, thi công trong thời gian ngắn. Cầu lấy tên một bến trên sông Hồng, nơi đã vang lừng chiến thắng đánh bại quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII, để khơi dậy khí thế Chương Dương trong thi đua lao động sản xuất, trên tinh thần tự lực, tự cường của Việt Nam.

Từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đã thể hiện ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, giải quyết cơ bản việc đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc. Từ khi có cầu Chương Dương, vùng đất phía Đông của Hà Nội đã đổi thay, từ các làng mạc, ruộng đồng những khu đô thị, nhà máy, phố phường tấp nập đã mọc lên, mang tầm vóc một đô thị hiện đại, trẻ trung, năng động.

Gần 4 thập kỷ qua, cầu Chương Dương vẫn kiêu hãnh song hành cùng sự phát triển của Thủ đô, một nhân chứng về quá trình đổi mới đi lên của đất nước và là một phần của lịch sử Hà Nội. 36 năm qua, những người thợ xây cầu Chương Dương năm xưa, đã hun đúc khí thế, tinh thần tự lực, tự cường ngành cầu đường nước nhà, để tiếp tục nối thêm những bờ vui trên khắp các vùng miền đất nước.

leftcenterrightdel
 

DÁNG VÓC THỦ ĐÔ THỜI HỘI NHẬP

Hòa nhịp cùng sự phát triển đất nước, trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, giao thông phát triển, vươn lên đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Hà Nội đã có thêm những cây cầu mới bắc qua sông Hồng. Kiến trúc kết cấu cầu thép cầu Chương Dương đã nhường chỗ cho những cây cầu bê tông hiện đại, xây dựng bằng những những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Một trong số đó là cầu Thanh Trì, cầu thông xe ngày 2/2/2007, ở thời điểm này cầu Thanh Trì là cây cầu bê tông cốt thép lớn nhất Đông Nam Á, tổng chiều dài hơn 12000 m (cầu chính qua sông dài 3084 m), rộng 33,10 m với 6 làn xe chạy. Dự án cầu Thanh Trì và hệ thống đường dẫn là một dự án lớn, trọng điểm của cả nước, nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ cho trục kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bằng Bắc bộ.

Tiếp đó, tháng 9/2010, để chào đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy chính thức được thông xe, cầu dài 5.830m, trong đó phần cầu chính vượt sông dài 3.778m, được kết cấu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 77 nhịp, phần cầu chính được bố trí chuỗi nhịp dài 990m, đặt trên 2 mố và 76 trụ, trong đó 6 nhịp thông thuyền giữa sông dài 135m/nhịp. Quy mô mặt cắt ngang rộng 19,25m.

leftcenterrightdel
 

Cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam nằm trên tuyến đường vành đai 2, kết nối trung tâm Hà Nội với các khu công nghiệp phía Bắc. Cầu khởi công vào tháng 3/2009 với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản. Tháng 1/2015, cây cầu dài 8,3 km, gồm 4 làn xe, đã chính thức đi vào sử dụng, tạo một điểm nhấn ấn tượng trong cảnh quan đô thị Hà Nội, một tuyến cao tốc đô thị hiện đại đẹp nhất miền Bắc.

Cầu Nhật Tân không chỉ là sản phẩm của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản mà còn là một biểu tượng mới của Thủ đô đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, dù còn nhiều tồn tại trong giao thông Hà Nội cần phải khắc phục, như sự phát triển thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông cần thích ứng với quy hoạch đô thị, năng lực quản lý hệ thống giao thông đô thị…Nhưng, không thể phủ nhận những bước phát triển vượt bậc trong bức tranh toàn cảnh giao thông của Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Năm nhịp cầu Nhật Tân tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội.

Trong quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cầu qua sông Hồng và sông Đuống. Đáng chú ý trong số này, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai xây dựng 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên.

Việc thành phố triển khai xây dựng 10 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng, bên cạnh ý nghĩa về giao thông đô thị còn hướng đến đẩy mạnh liên kết các vùng kinh tế, tạo động lực để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống, xã hội người dân ở ven đô Hà Nội.

Từ xa xưa, đến nay dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, mãi miết bồi đắp nền văn minh sông Hồng, lắng đọng sắc mầu văn hiến vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Cùng những di sản lịch sử, văn hóa lâu đời đất Kinh kỳ, những cây cầu của thế kỷ XXI sẽ góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội hội nhập, phát triển nhưng vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững.

leftcenterrightdel

 Dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa chảy qua nội đô Hà Nội, từ lâu đã song hành cùng nền văn hóa lúa nước của dân tộc, sông phản chiếu chiều sâu văn hóa Hà Nội, tạo lên một nhịp sống sinh động không bao giờ ngơi nghỉ giữa lòng đô  thị.

Thế Dương
22/08/2021 08:20