leftcenterrightdel

(ĐCSVN) – Là Giáo sư người Việt đầu tiên tại đại học University College London (UCL) từ năm 2013, Viện sĩ của 4 Viện Khoa học tại Vương quốc Anh, với nhiều giải thưởng khoa học danh giá, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh luôn trăn trở với mong muốn đưa các nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập không những với các nhà khoa học trẻ thế giới mà còn với nền khoa học tiên tiến trên toàn cầu.

Đó là chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, kiều bào tại Anh, với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

PHÁT HUY NHỮNG TRAO ĐỔI MANG TÍNH HỌC THUẬT

Phóng viên: Là một trong những thành viên sáng lập của Viện Hàn lâm trẻ Toàn cầu và Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam, Giáo sư có thể giới thiệu đôi nét về hai tổ chức này?

GS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Năm 2008, khi là nhà nghiên cứu (Royal Society University Research Fellow) được tài trợ bởi Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Vương quốc Anh (The Royal Society), tôi được cử tham dự cuộc họp giữa các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trẻ hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Cuộc họp mùa hè của Davos) tại Thiên Tân (Trung Quốc), do Liên hiệp các Viện Hàn lâm trên thế giới (IAP) tổ chức. Từ cuộc họp này, các nhà khoa học trẻ mong muốn cống hiến để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn và có ý định thành lập Viện Hàn lâm Trẻ Toàn cầu (Global Young Academy – GYA). GYA được chính thức thành lập vào tháng 2/2010, với sự hỗ trợ từ IAP.

Vì thời hạn thành viên của GYA chỉ có 4 – 5 năm nên khi sắp hết hạn là thành viên của GYA, tôi cảm thấy trăn trở là làm thế nào để có người Việt Nam tại Việt Nam trở thành thành viên của GYA? Việc này rất khó khăn vì tiêu chuẩn về học thuật rất cao mà các đơn ứng cử của Việt Nam thường không được chấp nhận. Mặt khác, một trong những vai trò của GYA là thúc đẩy và hỗ trợ việc thành lập các Viện Hàn lâm Trẻ Quốc gia. Tôi thấy đây là cơ hội tốt để các nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập không những với các nhà khoa học trẻ thế giới mà còn với nền khoa học tiên tiến trên toàn cầu. Chia sẻ quan điểm và những băn khoăn trăn trở của mình, tôi nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các giáo sư ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tại Hội nghị Vật liệu tiên tiến về nano tại Hạ Long năm 2014, tôi quyết định ngày thành lập Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy – VYA). Và VYA đã thành lập ngày 02/11/2014 nhằm tạo nên một cơ sở cho những học giả đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, để cùng thảo luận mang tính định hướng và xây dựng về những chủ đề quan trọng của đất nước và của toàn cầu. Mục tiêu của VYA cũng nhằm phát huy những trao đổi mang tính học thuật dựa trên ý kiến đóng góp từ các chuyên gia của Viện, góp phần đổi mới giáo dục, tác động lên quá trình cải cách và phát triển chính sách của Việt Nam. Thêm vào đó, VYA tạo cơ sở cho việc trao đổi kiến thức và thực hành giữa các học giả ở Việt Nam, những học giả người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn duy trì mối quan hệ với người Việt Nam và các tổ chức khoa học quốc tế.

Tháng 11/2015, tôi được mời đi dự Hội thảo các Viện Hàn lâm Trẻ Thế giới lần thứ 2 tại Stockhom (Thụy Điển). Lúc này, tôi đã nung nấu ý tưởng đăng cai tổ chức hội thảo này tại Việt Nam. Tôi cũng đã tham khảo những yêu cầu cần thiết để tổ chức hội thảo, nhưng năm 2017 thì qua sớm. Sau đó, tôi quyết tâm năm 2019 sẽ là năm tổ chức tại Việt Nam.

Để quảng bá và giúp VYA vượt qua giai đoạn khởi đầu, không ít khó khăn, tôi cùng Ban Cố vấn (PGS. Nguyễn Phương Tùng, PGS Martin Dominik) và các thành viên tích cực của VYA, đặc biệt là TS. Lâm Ngọc Hạnh, chuẩn bị đăng cai tổ chức Hội thảo các Viện Hàn lâm Trẻ thế giới lần thứ 4 tại Việt Nam. Việc này hết sức khó khăn, vì thành viên của VYA lúc đó rất ít, và các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm cũng như không có thời gian cho công việc của VYA. Nhưng rất may mắn, tôi được sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Anh Trần Ngọc An, đồng thời cùng với sự hỗ trợ về tài chính của Phòng Quan hệ quốc tế (Global Engagement Office, GEO) của trường Đại học UCL, và sau đó là sự ủng hộ của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Giáo Dục & Đào tạo và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, cùng sự ủng hộ của bạn bè năm châu.

VYA đã thúc đẩy tổ chức Hội thảo các Viện Hàn lâm Trẻ Thế giới lần thứ 4 với mục đích tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam được gặp gỡ và hợp tác với các nhà khoa học trên thế giới.

leftcenterrightdel
 GS. Nguyễn Thị Kim Thanh (giữa) cùng các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế ứng dụng vật liệu Nano trong chăm sóc sức khỏe ngày 27-31/7/2019.

GÓP PHẦN ĐƯA VIỆT NAM TIẾP CẬN VỚI THẾ GIỚI

Phóng viên: Cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có tiềm năng không nhỏ, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vậy theo Giáo sư, trong những năm qua, chúng ta đã phát huy được tiềm năng đó như thế nào?

GS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Theo tôi được biết, cộng đồng trí thức NVNONN đã và đang thực hiện một số dự án lớn tại Việt Nam, tiêu biểu như: Vietseed, Vnbookdrive, Vietnam Innovation Network, Kambria, Kyber Network, Genetica...
leftcenterrightdel

Những năm gần đây, số lượng các dự án hợp tác của cộng đồng trí thức NVNONN với trong nước đã tăng lên rất đáng kể thông qua việc cộng tác các bài báo khoa học ISI, các quỹ tương hợp (matching funds), các chương trình tổ chức workshop. Ví dụ như ở Anh hiện có Newton fund, the Royal Society, the Royal Academy of Engineering, The Academy of Medical Sciences, British Academy, the British Council, The Global Challenge Research Fund đã tạo ra rất nhiều kết nối có giá trị. Đây là một chiều hướng tốt và sẽ còn tiếp tục được nhân rộng.

Ngoài các Giáo sư, các nhà khoa học có uy tín trở về Việt Nam làm việc hoặc cộng tác, hiện nay còn có một số lượng các nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc ở nước ngoài, phối hợp cộng tác với các trường và viện nghiên cứu ở trong nước. Do đó, cần dần dần tạo ra một nền tảng chung, bền vững và hiệu quả cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong những mục tiêu đề ra của VYA.

Bên cạnh đó, các quỹ như Nafosted cũng đã tạo ra môi trường, để các nhà khoa học Việt Nam có thể ra nước ngoài làm việc trong thời gian từ 3-6 tháng.

Những dự án đã, đang và sẽ được cộng đồng trí thức NVNONN thực hiện đồng thời là cầu nối đưa sinh viên Việt Nam tiếp cận được nền tri thức của nhân loại từ các nước phát triển mà trong điều kiện trong nước chưa thể đáp ứng; cũng như làm cầu nối đưa tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo.

Những dự án này cũng góp phần đưa Việt Nam tiếp cận với thế giới thông qua khả năng xuất bản các ấn phẩm khoa học của các du học sinh khi đang học, cả khi về nước và phối hợp kéo các đề tài về Việt Nam, để có người Việt cùng chung đóng góp với các nhà khoa học trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để tăng khả năng tin cậy khi xin các đề tài nước ngoài, vì năng lực của các nhà khoa học trong nước đã được chứng minh khi nghiên cứu ở nước ngoài.

Không những thế, thông qua các du học sinh trên toàn thế giới, chúng ta có các kết nối với nước bạn trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật và công nghệ… Đặc biệt, khi có các vấn đề tranh chấp thì đội ngũ tri thức trẻ ở nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm tiếng nói chung với quốc tế và lấy lại sự công bằng cho Việt Nam khi cần thiết, mà đôi khi trong nước khó làm được.

Phóng viên: Trong quá trình về Việt Nam làm việc, các trí thức NVNONN đã và đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa Giáo sư?

GS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Theo tôi nhận thấy chính sách và cơ chế quản lý của chúng ta còn nhiều bất cập. Có thể kể đến một số vấn đề như chúng ta chỉ cho làm nghiên cứu vào giờ hành chính, không được làm việc vào cuối tuần. Máy móc thiết bị nghiên cứu không phải quá thiếu thốn, nhưng cách quản lý và khai thác làm mất đi giá trị của thiết bị. Ví dụ như scanning electron microscope (SEM) hay TEM, người chụp được những tấm hình tốt nhất là những nghiên cứu viên làm ra mẫu vật vì họ là người biết rõ đặc điểm của mẫu. Tuy nhiên, các nhân viên quản lý máy thường không bao giờ cho phép các nghiên cứu viên này được thao tác máy vì lo ngại những hỏng hóc có thể xảy ra.

leftcenterrightdel
 

Trong quá trình làm việc và cộng tác, cộng đồng trí thức NVNONN chưa thích nghi được với nhiều quy định của các cơ quan trong nước. Môi trường làm việc trong nước cũng có nhiều khác biệt so với các công ty, trường học mà họ được đào tạo ở nước ngoài. Với các startups từ nước ngoài đưa về Việt Nam, nhiều ngành còn rất mới, chưa có luật lệ cụ thể nên chính những cơ quan hành  chính nhà nước và các ngành liên quan còn bối rối trong giải quyết nhiều vấn đề và đòi hỏi các thông tin từ startups. Thủ tục giấy tờ và các quy định trong việc sử dụng kinh phí nghiên cứu cũng còn nhiều bất cập; đồng thời trang thiết bị để nghiên cứu còn thiếu thốn.

Khi về nước, đội ngũ trí thức NVNONN cũng gặp không ít khó khăn trong việc xin đề tài dự án. Ngay cả những quỹ dành cho nghiên cứu được xem là rất minh bạch cũng khó tránh khỏi điều này. Nhiều người làm nghiên cứu rất giỏi, nhưng không được hỗ trợ đủ kinh phí dành cho nghiên cứu.

Điều kiện nghiên cứu, cơ sở vật chất cho nghiên cứu cũng vô cùng khó khăn, trong khi ở nước ngoài mọi thứ đã có sẵn và chỉ cần có ý tưởng là có thể tiến hành và ra kết quả ngay. Ví dụ, ở Việt Nam, muốn mua chuột nghiên cứu chuẩn, thì không thể, hoặc rất khó tiến hành để mua…

Thêm vào đó, hiện nay theo tôi, trong nước chưa đánh giá cao tầm quan trọng của những nghiên cứu mang tính tiền đề, nghiên cứu cơ bản, nên sẽ làm khó cho các nhà nghiên cứu thực thụ. Việc xã hội hóa hỗ trợ nghiên cứu từ các doanh nghiệp cho các nhà khoa học còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là vô cùng ít ỏi so với các nước phát triển…

Đây là một câu hỏi hay và nó không chỉ đối với giới trí thức mà còn với tất cả những người trở về Việt Nam để làm việc hoặc cộng tác. Sự khác biệt về cơ chế, phong cách làm việc và chế độ ưu đãi là những vấn đề luôn được đặt ra.

Tuy nhiên, tôi tin rằng tâm huyết của những trí thức trẻ NVNONN và những ủng hộ, mở rộng cơ chế ở Việt Nam cùng với sự ủng hộ của các ban, ngành trong nước sẽ dần dần giảm được khoảng cách này. Những tổ chức như Hội trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài nói chung, hay VYA nói riêng, sẽ giúp tập hợp sức mạnh của đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả trong quá trình đóng góp cho quê hương đất nước. Đồng thời, sự phát triển của những quỹ nghiên cứu với cơ chế năng động sẽ là nền tảng tốt để thu hút nhân tài từ các nước về đóng góp phát triển Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

PHÁT HUY NGUỒN LỰC, TIỀM NĂNG CỦA TRÍ THỨC KIỀU BÀO

Phóng viên: Theo Giáo sư, chúng ta cần làm gì để phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng trí thức kiều bào cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước?

GS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Tôi nghĩ việc đầu tiên là cần làm tốt nhất công việc chính của mình, đề án mình làm càng có sự ảnh hưởng bao nhiêu thì tiềm năng của mình để đóng góp cho đất nước càng tốt bấy nhiêu.

Về phía các cơ quan trong nước, tôi nghĩ cần tạo nhiều điều kiện để giới trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài gặp gỡ và trao đổi nhiều hơn với các đối tác ở Việt Nam. Chúng ta cũng cần có cơ chế mở rộng và thoáng hơn trong việc đồng tài trợ với nước ngoài và trong nước.

Thêm vào đó, cần xây dựng những tổ chức để tập hợp sức mạnh của tập thể NVNONN trong những đóng góp lớn và có tính chiến lược cho Việt Nam thay vì qua những cá nhân đơn lẻ. Chúng ta cũng nên tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam và có các điều khoản ưu tiên cho trí thức kiều bào để khuyến khích họ tham gia; đồng thời thành lập các hội nhóm trí thức người Việt theo từng chủ đề riêng (ví dụ như Hội Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu khoa học, Hội Các nhà sinh vật học Việt Nam…)

Các cơ quan chức năng trong nước cũng cần làm cầu nối thông tin để kết nối các dự án hoặc các vấn đề cần giải quyết trong nước với trí thức kiều bào như: đăng các thông tin về dự án, vấn đề cần giải quyết trong nước lên các trang tin của tổ chức, kêu gọi trí thức trong nước tham dự hội nghị quốc tế và trình bày vấn đề cần giải quyết,...

Chúng ta cũng cần tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác thông qua các dự án nghiên cứu quốc tế, đa quốc gia cũng như chủ động cập nhật kiến thức trong nước và ngoài nước để có đủ kiến thức hội nhập.

Phóng viên: Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm tới công tác đối với NVNONN. Là một Việt kiều hiện đang sinh sống ở Anh, Giáo sư đánh giá thế nào về các chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào? Theo Giáo sư, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tiếp tục huy động tinh thần đoàn kết của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới?

GS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Tại Vương quốc Anh nơi tôi đang làm việc và sinh sống, Đại sứ quán Việt Nam tại đây rất quan tâm và tạo điều kiện để tôi có thể kết nối với các cơ quan trong nước như: Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nên việc tổ chức Hội thảo các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ 4 vừa qua tại Đà Nẵng cũng thuận lợi hơn. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài rất có giá trị đối với Việt Nam và việc thành lập Hội đồng cố vấn cho chính phủ là rất thiết thực.

Việt Nam hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ lớn để phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng trí thức kiều bào cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước. Ví dụ như việc mở các Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hay việc hỗ trợ tạo Hệ thống sinh thái cho các startups từ nước ngoài về, các đề án mang tính toàn cầu như sức khỏe và môi trường.

Thêm vào đó, thông qua Đại sứ quán Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan trong nước cho các trí thức NVNONN như tôi, cũng như cho những tổ chức trí thức như VYA.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều NVNONN như tôi còn thiếu thông tin về các cơ chế, chính sách cụ thể của đất nước, gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình trở về làm việc và hợp tác với quê hương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền đối với cộng đồng NVNONN cần được chú trọng và cải thiện hiệu quả hơn, nhằm thu hút được đông đảo bà con kiều bào, đặc biệt là các trí thức NVNONN, về nước, đóng góp xây dựng quê hương.

Đặc biệt, theo tôi, Đảng và Nhà nước ta cần chú ý quan tâm nhiều hơn tới đội ngũ trí thức trẻ, đặc biệt là các trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài bởi đây chính là một nguồn lực to lớn và đầy tiềm năng có thể góp trí góp tài cho quê hương, đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

 

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992, sau đó nhận học bổng nghiên cứu khoa học ở Hà Lan và Anh, nơi chị lấy bằng Tiến sĩ năm 1998.

Năm 2005, chị nhận được tài trợ danh giá (The Royal Society University Research Fellowship) từ Viện Hàn lâm Khoa học của Vương quốc Anh và các quốc gia thịnh vượng chung để thiết lập nhóm nghiên cứu độc lập và tập trung nghiên cứu về khoa học và công nghệ nano cho y sinh.

Chị là Giáo sư người Việt đầu tiên tại UCL từ năm 2013. Chị phụ trách Phòng thí nghiệm UCL Nanomaterials Laboratory, đặt tại Viện Royal Institution và công tác tại Nhóm sinh lý (biophysics), Khoa Vật lý và Thiên văn, Đại học University College London, Anh.

Ngày 29/10/2019, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh được nhận Giải thưởng danh giá Rosalind Franklin The Royal Society năm 2019 vì những thành tích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật liệu nano.

Chị là Viện sĩ của 4 Viện Khoa học tại Vương quốc Anh: Viện sĩ Viện Hóa học Hoàng gia Anh Quốc, Viện sĩ Viện Vật lí, Viện sĩ Viện Sinh học Hoàng gia Anh Quốc, Viện sĩ Viện Vật liệu, Khoáng sản và Khai thác mỏ Anh Quốc.

Khánh Linh (Thực hiện)
29/10/2020 11:04