leftcenterrightdel
 

Tuồng (hát Bội) xuất hiện vào thế kỷ thứ XII đời nhà Trần một loại hình sân khấu cung đình dành cho cung vua, phủ chúa. Theo các tài liệu về cung đình Huế, môn nghệ thuật dân gian này phát triển cực thịnh vào thời vua Tự Đức (1848 - 1883). Ở thời kỳ cực thịnh, trong các lễ hội lớn ở các làng xã nước ta hầu như đều diễn tuồng. Những đêm hát tuồng ở sân đình, từ quan viên, chức sắc cho đến dân chúng không ai không đắm mình thưởng thức bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc vang lên trong tiếng trống chầu rộn rã.

Loại hình nghệ thuật lâu đời này còn lưu dấu đến nay như một vốn văn hoá dân gian quý của đất nước. Trong nghệ thuật Tuồng, người nghệ sĩ Tuồng ngoài tài năng diễn xuất, hát hay, múa giỏi, còn phải biết tự hóa trang gương mặt khi lên sân khấu. Nghệ thuật hóa trang trong Tuồng rất độc đáo, tùy theo tính cách của nhân vật hay nội dung vở diễn mà tương ứng với một loại mặt lạ Tuồng.

Trong nghệ thuật Tuồng nói chung, các nghệ sĩ sân khấu dân gian khi trình diễn thường dùng hai loại mặt lạ, loại thứ nhất được chế tạo rồi đeo lên mặt người diễn. Loại thứ hai là loại mặt nạ được vẽ trực tiếp lên mặt người. Theo quan điểm các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, Tuồng của Việt Nam chỉ dùng loại mặt nạ được vẽ trực tiếp lên mặt người diễn, dựa trên các tích Tuồng.

Nhiều người cho rằng mặt nạ Tuồng Việt Nam nhìn giống mặt nạ kinh kịch Trung Quốc nhưng càng đi sâu tìm hiểu càng thấy sự khác biệt trong cách tạo hình nhân vật, cũng như nghệ thuật sử dụng màu sắc. Mặt nạ Tuồng Việt dùng ít màu, chủ yếu là những màu nguyên chất, kết hợp lối vẽ mềm mại vừa đủ. Còn kinh kịch Trung Quốc, sử dụng nhiều màu nguyên chất và sử dụng thêm nhiều màu khác như màu lục, tím, xanh dương, nâu, vàng chanh, vàng thư, vàng đất…

Trong Tuồng truyền thống Việt Nam màu sắc có ý nghĩa, màu đỏ tượng trưng cho người thẳng thắn, trí dũng, nghĩa khí, trung liệt. Màu trắng là nhân vật có diện mạo đẹp, thư sinh, nhu mì, trong sáng. Trắng mốc, xám, hồng lợt, vỏ cua là vai nịnh thần, gian thần, bạc bẽo, vong ân bội nghĩa. Màu xanh da trời thể hiện nhân vật chưa biết tốt, xấu, mưu mô hay xảo quyệt. Màu lục tượng trưng nhân vật không chung thủy… Những gương mặt dùng mầu sắc trung tính, nhẹ nhàng, thường dùng cho gương mặt của lão văn, lão tiều, phụ nữ và trẻ em… cách sử dụng mầu sắc dân gian này mang một đặc trưng của văn hóa phương Đông.

Các màu chủ đạo người nghệ sĩ dân gian dùng vẽ mặt nạ Tuồng là màu đen, trắng, đỏ, vàng, lam. Từ những màu cơ bản, nguyên chất này, họ khéo léo pha trộn mầu, tạo ra những mầu mới, để thể hiện nổi bật tính cách nhân vật Tuồng trong mỗi vở diễn.

leftcenterrightdel

 Hát Tuồng là loại hình sân khấu dân gian, nên cách hóa trang của Tuồng cũng đặc biệt nhằm để thể hiện rõ các tuyến nhân vật. Các tuyến nhân vật của Tuồng chủ yếu là: kép, tướng, đào - Trong ảnh: Biểu diễn Yuồng cổ tại Hội Gióng, Hà Nội.

leftcenterrightdel

Trang điểm Tuồng thể hiện rõ các tuyến nhân vật như lông mày uốn lượn, bay múa - người đắc ý, kiêu ngạo. Lông mày thẳng dốc hoặc có viền đỏ là người nóng tính. Lông mày ngắn là kẻ gian xảo, xu nịnh. Mặt thật, má hồng các vai trung thần. Mặt vằn vện có xen màu đỏ vai yêu ma quỷ quái. 

Sắc mặt nạ Tuồng dân gian còn được các nghệ sĩ thể hiện theo lối âm dương. Âm tương ứng với sắc tối yên tĩnh, hấp thụ màu, càng nhiều màu tối thì càng nhiều năng lượng âm; dương tương ứng với sắc sáng, giàu năng lượng. Dựa trên nguyên lý đó người mang mặt nạ có sắc dương đại diện cho những người chính nhân quân tử, trung nghĩa, hiếu lễ. Ngược lại những người mang mặt lạ màu âm, đại diện cho các thế lực hắc ám thù địch, tráo trở, luồn lách…

Quy luật vận động của vũ trụ - thuyết ngũ hành cũng được thể hiện trong cách sử dụng mầu, những gương mặt mang màu đỏ (hỏa) khắc với nhân vật màu đen (thủy) nên hai màu đối lập đen - đỏ thường được cha ông ta vận dụng trong những vai diễn mang tính chất thù địch, đối lập nhau. Cách thể hiện này giúp người xem dễ dàng nhận biết về nhân vật, hoàn cảnh vở diễn thông qua sự cảm nhận của mình.

Có thể nhận thấy cách thể hiện này trong vở Tuồng Sơn Hậu, một vở tuồng cung đình kinh điển của Việt Nam, ra đời khoảng nửa cuối thế kỉ 18. Nhân vật Tạ Ôn Đình là mặt rằn đen, còn mặt Đổng Kim Lân là mặt màu đỏ hai nhân vật này luôn đối chọi, đấu tranh với nhau quyết liệt.

leftcenterrightdel
 Trong nghệ thuật Tuồng bởi vì chỉ cần nhìn vào trang điểm gương mặt của diễn viên khán giả đã đoán được tính cách và tầng lớp xã hội của nhân vật đó.

Đặc trưng mỹ thuật phương Đông trên mặt nạ Tuồng dân gian

Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương, Tuồng mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về ứng xử giữa con người với con người, giữa gia đình và đất nước, chất bi hùng là một đặc trưng nổi bật trong Tuồng truyền thống Việt Nam. Để diễn đạt tính cách nhân vật trong vở diễn, tính mỹ thuật được ứng dụng cao làm nổi bật hình tượng nhân vật, tạo sức hấp dẫn với người xem.

Để làm được điều này, đòi hỏi nguời nghệ sỹ dân gian phải có sự sắp xếp thể hiện sao cho đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Bố cục mỹ thuật ở đây chính là sự sắp xếp các yếu tố tạo hình như: đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc… trong một khuôn khổ nhất định của một tác phẩm, thông qua cảm xúc và ý tưởng của người nghệ sĩ dân gian.

Để thể hiện tính cách các nhân vật, dạng bố cục được các nghệ nhân dân gian hay sử dụng là “bố cục theo chủ đề”. Để làm điều này người nghệ sĩ hóa trang phải nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo để tạo lên những bố cục, các họa tiết, hoa văn, ý tưởng phù hợp với chủ đề theo các tuyến nhân vật. Đồng thời các kỹ thuật sử dụng mầu, quan niệm về màu sắc, khả năng cảm thụ của người vẽ tổng hoà trong ý tưởng nghệ thuật, tất cả tập trung khắc hoạ tính cách nhân vật trong Tuồng dân gian.

leftcenterrightdel
 Một trích đoạn Tuồng cổ biểu diễn tại Trung tâm giao lưu văn hoá nghệ thuật phố cổ Hà Nội.
leftcenterrightdel

 Những năm gần đây, được sự nhìn nhận, quan tâm tích cực của cộng đồng đối với loại hình nghệ thuật dân gian này đang giúp Tuồng cổ đến gần hơn với công chúng.

Một dạng bố cục trên mặt lạ các nghệ sĩ dân gian thường sử dụng là “bố cục đối xứng”,  khuôn mặt người diễn được chia theo chiều đứng thành hai phần đối xứng nhau. Hai nửa khuôn mặt cân xứng đẹp mắt, được người vẽ xử lý hài hoà theo những hình mảng, đường nét vẽ cân đối. Sự sáng tạo cao của người nghệ sĩ khi dùng chính các bộ phận mắt, mũi, miệng, cằm trên khuôn mặt người làm các hoạ tiết trang trí, diễn đạt ý tưởng nghệ thuật, gây ấn tượng với người xem.

Một loại bố cục khác là “bố cục cân đối”, dựa trên quy luật tỷ lệ vàng - trục mắt nằm ở vị trí 2/3 so với khuôn mặt vị trí miệng, mũi, trán. Các nghệ sĩ hóa trang chia khuôn mặt nhân vật thành các phần theo 4 đường thẳng ngang. Các điểm vàng nằm trên đường ngang được xác định là những điểm gây hiệu ứng thị giác mạnh, được người nghệ sỹ khai thác để vẽ những hoạ tiết, đường nét, mảng mầu chủ đạo giúp tăng thêm giá trị về tạo hình, sự nhấn nháy ấy khiến người xem có cảm giác dễ chịu, thoải mái.

Mặt nạ dân gian hấp dẫn người xem bằng ngôn ngữ của nghệ thuật hội hoạ, khi kết hợp với nghệ thuật trình diễn nó trở lên sống động vô cùng. Trên mặt nạ Tuồng, người ta tìm thấy cái đẹp của bố cục, của màu sắc, hài hoà trong đường nét và sự cân bằng các yếu tố tạo hình khác nhau, mang một vẻ đẹp độc đáo của văn hoá Việt Nam.

Nguyễn Dương
15/08/2021 10:18