Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga lần thứ X và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm văn hóa Swami Vivekananda Ấn Độ (SVCC) tổ chức “Ngày hội giao lưu văn hóa Ấn Độ”, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm - Hà Nội).
“Ngày hội giao lưu văn hoá Ấn Độ” diễn ra ngày 1/6/2024 với các hoạt động Ngày hội Yoga, giao lưu, khám phá nền văn hoá giàu bản sắc của đất nước Ấn Độ; các hoạt động trải nghiệm chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 dành cho các cháu thiếu nhi và gia đình.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khẳng định, Bảo tàng mong muốn xây dựng một nhịp cầu văn hóa, kết nối hai nền văn hóa Việt Nam và Ấn Độ. Sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau chính là nền tảng vững chắc để tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 là dịp để chúng ta thể hiện tình yêu thương, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước. Kết hợp hai sự kiện này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục thế hệ trẻ về lối sống lành mạnh, không chỉ qua việc rèn luyện thể dục thể thao mà còn cần sự hiểu biết và tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau.
Thông qua Ngày hội, các em thiếu nhi không chỉ có những giờ phút vui chơi, học hỏi bổ ích mà còn nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe và văn hóa trong cuộc sống. Sự kiện “Ngày hội giao lưu văn hóa Ấn Độ” sẽ mở màn cho chuỗi các hoạt động trải nghiệm, bổ ích, lý thú mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dành cho các bạn trẻ trong mùa hè này”, bà Tuyết nhấn mạnh.
|
|
TS. Monica Sharma - Giám đốc Trung tâm văn hóa Swami Vivekananda Ấn Độ phát biểu tại sự kiện. |
TS. Monica Sharma - Giám đốc Trung tâm văn hóa Swami Vivekananda Ấn Độ (SVCC) cho biết, Yoga là một phương thức thực hành cổ xưa của Ấn Độ, có tên gọi tiếng Phạn là “hợp nhất”, biểu thị sự thống nhất giữa cơ thể, ý thức của con người với thiên nhiên.
Yoga giúp tăng cường sức mạnh con người nhờ sự linh hoạt của các bộ phận cơ thể, cải thiện chức năng của hệ thần kinh và tuần hoàn máu, tăng cường sự phối hợp giữa tâm trí và cơ thể, cải thiện sức khỏe mỗi người. Yoga giúp người luyện tập kết nối với môi trường xung quanh, khai mở thiền định, trở thành nguồn năng lượng tích cực trên thế giới.
Liên hợp quốc đã công nhận yoga là một phương pháp tiếp cận toàn diện cho sức khỏe và hạnh phúc, thừa nhận việc phổ biến lợi ích của việc tập yoga là đóng góp cho sức khỏe của người dân trên thế giới. Liên hợp quốc mời tất cả các cá nhân và quốc gia kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga và nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tập yoga. Chính phủ Ấn Độ cũng đã đưa ra chủ đề cho Ngày Quốc tế Yoga năm nay là: Yoga - trao quyền cho phái đẹp.
Năm nay các sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga diễn ra ở khoảng 35 tỉnh thành, đã cho thấy sự quan tâm sôi nổi của người dân Việt Nam đối với luyện tập Yoga.
Hằng năm, Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda thường xuyên tổ chức các lớp học yoga hàng ngày. Chính phủ Ấn Độ cũng đã tổ chức cấp bằng các khóa học về yoga, một số có học bổng dành cho những người quan tâm đến yoga để hành nghề. Trung tâm cũng có các lớp học dành cho học viên Việt Nam và quốc tế về ngôn ngữ Hindi và Múa Ấn Độ, giới thiệu các chương trình học bổng của chính phủ Ấn Độ về các môn học này cũng như nhiều bộ môn khác.
|
|
Một số hình ảnh về màn đồng diễn giao thức Yoga Ấn Độ. |
|
|
Với ý nghĩa kết nối con người, Yoga truyền đi cảm hứng sống tích cực, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ sức khoẻ bản thân, sự an lạc trong tâm hồn. |
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có hơn 2 tỷ người tập Yoga; trên 300 triệu người tập Yoga hàng ngày. Tại Việt Nam có đến hàng ngàn câu lạc bộ Yoga với hàng trăm nghìn người tập mỗi ngày. Yoga đã trở thành lối sống, xu hướng tập luyện thu hút đông đảo người dân thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, ngành nghề.
Liên hợp quốc cũng đã chọn ngày 21 tháng 6 là Ngày Quốc tế Yoga trên cơ sở đồng thuận của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện của Ấn Độ.
Ấn Độ - đất nước có nền văn hóa giàu đa dạng, giàu bản sắc thể hiện qua nhiều loại hình văn hóa phong phú như ngôn ngữ, văn hóa truyền thống, ẩm thực, trang phục, âm nhạc, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, phong tục, lễ hội, tín ngưỡng… Những năm gần đây mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ liên tục phát triển.
Dù có vị trí địa lý xa cách, nhưng những đền đài của văn hóa Chăm, Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam, tông phái Phật giáo tiểu thừa cùng sự lan tỏa của Yoga là những minh chứng cho sự giao thoa văn hóa giữa hai nước, tạo nên niềm tin vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hợp tác bền chặt về mọi mặt giữa 2 nước và nhân dân Việt Nam, Ấn Độ.
Ngày hội văn hóa Ấn Độ giúp công chúng Thủ đô và du khách được trải nghiệm sự đa dạng, phong phú của nền văn hoá truyền thống Ấn Độ với nhiều hoạt động như: Vẽ Henna, mặc thử Saree - trang phục truyền thống, trải nghiệm ẩm thực truyền thống của đất nước Ấn Độ… đồng thời sáng tạo cùng sáp ong và sáp chàm, một kỹ thuật vẽ hoa văn độc đáo của phụ nữ dân tộc ở Việt Nam, tạo ra những món quà tặng từ sơn mài hay làm ra những sản phẩm handmade ngộ nghĩnh, đáng yêu.
|
|
Giới thiệu nghệ thuật trang trí thủ công Ấn Độ trong Ngày hội. |
|
|
Giới thiệu nghệ thuật ẩm thực Ấn Độ tại sự kiện. |
Trong dịp này, để dành tặng các cháu thiếu nhi từ 5 đến 15 tuổi có một mùa hè bổ ích, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh CLB nghệ thuật thiếu nhi Artstar với mong muốn mang lại những buổi học hiệu quả đầy ắp tiếng cười, “học mà chơi, chơi mà học”, giúp các em có những kỹ năng sống cơ bản, tự tin hơn trong cuộc sống.
Với các nội dung hoạt động phong phú, ý nghĩa cùng sự tham gia của đông đảo thành viên cộng đồng người Ấn Độ và người dân Việt Nam, sự kiện đã góp phần đưa văn hóa Ấn Độ tới gần hơn với người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.