(ĐCSVN) - Được ví như “thiên đường của những cột mốc”, Bình Liêu, Quảng Ninh những năm gần đây thu hút sự chú ý của du khách cả trong và ngoài nước. Huyện Bình Liêu có đường biên giới dài 43,168km, nơi nhiều cột mốc nhất và con đường tuần tra biên giới đẹp nhất...
Cách thành phố Hạ Long khoảng 100km, Bình Liêu thực sự là điểm đến ấn tượng với nhiều cái nhất Việt Nam: đồng bào dân tộc thiểu số đông nhất, chiếm 96%; nơi nhiều cột mốc nhất; con đường tuần tra biên giới đẹp nhất... Đến Bình Liêu còn là đến với cảm xúc thiêng liêng nơi phên dậu Tổ quốc với những câu chuyện xúc động, tự hào bên những cột mốc biên cương trải dài...
Là địa bàn miền núi, biên giới, huyện Bình Liêu có đường biên giới dài 43,168km, giáp xã Đông Mân, huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả và Trấn Động Trung, khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng (Quảng Tây - Trung Quốc). Bình Liêu có 45 mốc giới/68 cột mốc thuộc biên giới tỉnh Quảng Ninh. Nơi có 6 xã biên giới với 86 thôn, bản, trong đó có 21 thôn, bản có đường biên giới với Trung Quốc...
Chạm ngõ Bình Liêu lại nhớ bài thơ “Lau biên giới” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Ai đi biên giới cho lòng ta theo với/Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình/Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi/Suốt một đời cùng với gió giao tranh”. Cảnh sắc núi non trùng điệp, những cột mốc biên cương tất cả khiến tất cả chúng ta khi trực tiếp trải nghiệm đều rung lên cảm xúc thiêng liêng. Tự do thả hồn với những cơn gió vùng biên cương để quên đi hết những muộn phiền, bộn bề của cuộc sống chốn thị thành ồn ào, tấp nập. Được trực tiếp chạm tay vào cột mốc linh thiêng của Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, hết thảy trong chúng ta đều sẽ dâng trào cảm xúc và cảm thấy tự hào, yêu thêm Tổ quốc.
Tháng 10, 11 là thời điểm cỏ lau mọc phủ kín cung đường vành đai biên giới phía Tây chạy về hướng Lạng Sơn cũng như các triền đồi, khiến phong cảnh nơi đây đẹp như tranh như vẽ. Đường lên cột mốc 1279/4 cũng được trang hoàng bởi cảnh sắc như thế.
Dọc hai bên đường lên cột mốc 1279/4 là cánh đồng hoa lau ngút ngàn. Không chỉ du khách ở Lạng Sơn, Quảng Ninh mà cả những vùng miền xa xôi của Tổ quốc cũng lựa chọn nơi đây làm điểm khám phá.
Vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng được tô điểm bằng những bông lau trở thành điểm dừng chân và “sống ảo” lý tưởng của nhiều bạn trẻ.
Các du khách thích thú khi chinh phục được cột mốc 1297/4 giữa đại ngàn. Từ cột mốc này, theo đường vành đai biên giới, du khách có thể khám phá thêm nhiều cột mốc thú vị khác như 1298, 1300, 1305…
|
|
Cột mốc 1297/4 được nhiều du khách đến tham quan. |
Vẻ đẹp cảnh sắc núi non vùng biên cương thật sự nằm ngoài sức tưởng tượng khi trải nghiệm thực tế. Cột mốc 1297/4 nằm trên đường biên giới thuộc địa phận xã Bắc Xa, huyện Đình Lập. Cao điểm trong các tháng 10, 11, hoa cỏ lau trải khắp các triền đồi, óng ánh phản chiếu ánh nắng mặt trời khiến cảnh sắc thiên nhiên càng trở nên thơ mộng, hùng vĩ. Tại đây, du khách có thể khám phá các làng, bản còn giữ được những nét nguyên sơ, truyền thống trong kiến trúc xây dựng nhà ở của người dân tộc Tày, Nùng cũng như khám phá nơi bắt đầu của dòng sông Kỳ Cùng.
Từ chân dốc lên đến mốc 1297/4, đi bộ mất khoảng 20 phút. Có mặt tại đây vào lúc chiều muộn nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều đoàn, nhóm du khách từ huyện Bình Liêu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; thành phố Hà Nội… di chuyển lên cột mốc để ngắm cảnh bông lau. Đường lên cột mốc 1297/4 có độ thoải, theo các bậc thang, đường bê tông, du khách có thể vừa ngắm cảnh, vừa thảnh thơi chụp ảnh với những bụi lau 2 bên đường… Từ cột mốc 1279/4, có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn con đường uốn lượn như dải lụa mềm qua núi đồi trùng điệp. Bông lau nở rộ, bung ra những hạt nhỏ màu trắng nhờ gió cuốn đi để sinh sôi, phát triển... Chính vì vậy, cỏ lau còn là tượng trưng cho vẻ đẹp hoang sơ và sức sống mãnh liệt của núi rừng. Khi đi tham quan, ngắm cảnh hoa cỏ lau trên khu vực mốc 1297/4 ở Bắc Xa, du khách cần tuân thủ những nội quy khi đi vào vùng biên, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong cảnh sắc đẹp đẽ đó còn có hình ảnh cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Xa không ngừng tuyên truyền cho các nhóm du khách chấp hành nội quy ở khu vực biên giới, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan, không ngắt, bẻ bông lau…
Hiện, tại khu vực được coi là "thiên đường bông lau" này chưa có dịch vụ du lịch, mọi thứ còn hoang sơ và tự nhiên. Để bảo vệ cảnh quan sạch, đẹp, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Bắc Xa và Đồn Biên phòng Bắc Xa thường xuyên tổ chức dọn dẹp, phát quang dọc đường cỏ lau và khu vực mốc 1297/4. Bên cột mốc thiêng liêng, với cảnh sắc núi non hùng vĩ dọc dải biên cương Tổ quốc, mỗi người sẽ thấy thêm yêu quê hương, đất nước mình… Cột mốc 1297, điểm tựa vững chãi nơi biên cương Tổ quốc, là nơi địa đầu linh thiêng, ghi dấu chủ quyền đất nước. Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, cột mốc 1297 còn là điểm đến hấp dẫn với những ai yêu thích khám phá, chinh phục.
Cột mốc 1297 là một trong những cột mốc biên giới quan trọng của Việt Nam, nằm ở xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Được xây dựng vào năm 1999, cột mốc này là kết quả của quá trình đàm phán và ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cùng năm đó.
Thực tế, cột mốc 1297 là một hệ thống gồm 1 cột mốc chính, mang số hiệu 1297, nằm ở độ cao 821,18m so với mực nước biển, và 4 cột mốc phụ là 1297/1 (841,44m), 1297/2 (909,88m), 1297/3 (948,45m) và 1297/4 (1020,71m). Tất cả đều là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, được đặt trên đỉnh núi thuộc địa bàn xã Bắc Xa. Trong đó, cột mốc 1297/4 là cột mốc cao nhất với chiều cao 1020,71m so với mực nước biển và cũng là cột mốc được nhiều khách du lịch ghé thăm nhất.
Mặc dù Cột mốc 1297 nằm tại tỉnh Lạng Sơn nhưng lại có vị trí tương đối gần với huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Thậm chí, du khách đi từ các khu vực thuộc các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… nếu di chuyển theo con đường từ Bình Liêu sang cột mốc 1297 sẽ thuận tiện hơn nhiều so với việc di chuyển tới Lạng Sơn trước. Chính vì vậy, nhiều người nhầm tưởng rằng cột mốc 1297 thuộc địa phận Bình Liêu, nhưng thực tế nó nằm tại Lạng Sơn, các bạn nhớ nhé! Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ giới thiệu cả 2 cách để du khách tham khảo và lựa chọn.
Đối với du khách đi từ khu vực Bình Liêu (Quảng Ninh), có thể đi theo con đường Tuần tra Biên giới từ cửa khẩu Hoành Mô, chỉ cần khoảng 35km là đến cột mốc 1305. Còn đối với những người muốn ghé qua cột mốc 1305 trước, thì sẽ phải đi vòng một chút và từ điểm bãi gửi xe dưới chân cột mốc 1305 tới cột mốc 1297 là khoảng hơn 24km.
|
|
Vẻ đẹp hoàng hôn từ chặng đường chinh phục cột mốc 1279/4. |
Cung đường này đã được trải bê tông nên xe máy hoặc ô tô (dưới 29 chỗ) đều có thể di chuyển được. Tuy nhiên, đường đi tương đối hẹp, chỉ rộng khoảng 3m, lại uốn lượn theo sườn núi và một bên là vực sâu. Do đó, những người không quen thuộc địa hình hoặc tay lái yếu cần hết sức cẩn thận để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Cũng vì vậy, dù quãng đường không quá xa, nhưng cần phải mất hơn 1 giờ lái xe mới tới nơi. Bù lại, cung đường này được đánh giá là con đường tuần tra biên giới đẹp nhất Việt Nam. Nếu du khách khởi hành từ sáng sớm, khoảng 4-5 giờ, sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của nơi này. Lúc này, những đám mây từ bên kia biên giới Trung Quốc tràn sang, tạo nên cảnh tượng như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Còn đối với du khách đi từ khu vực Lạng Sơn, từ trung tâm thành phố, du khách di chuyển dọc theo quốc lộ 4B đến thị trấn Đình Lập, sau đó rẽ vào quốc lộ 31 đến xã Bắc Xa. Từ đây, du khách đi theo đường trục chính của xã là tới cột mốc 1297. Tuy nhiên, tuyến đường từ trung tâm thành phố tới cột mốc 1297 tương đối xa, khoảng 110km theo tính toán của Google Maps và đường đi cũng khá khó khăn, không kém gì so với đường từ Bình Liêu. Vì vậy, ít người lựa chọn tuyến đường này để di chuyển, trừ khi du khách ở các tỉnh giáp ranh với Lạng Sơn.
Dù đi bằng cách nào đi chăng nữa thì du khách vẫn phải gửi xe ở chân dốc và tiếp tục đi bộ lên tới cột mốc. Đoạn đường này tương đối nhỏ, được trải bê tông, dài khoảng 1km. Đường lên cột mốc 1297 không dốc như đường lên cột mốc 1305 nên nơi đây cũng thu hút khá đông du khách tới tham quan, dù là người già hay trẻ nhỏ đều có thể chinh phục được. Tuy nhiên, mọi người cũng nên lưu ý một điều rằng, để lên được cột mốc 1297, bạn phải được sự cho phép của bộ đội biên phòng, mà giờ làm việc buổi sáng của họ là sau 7 giờ nên trong trường hợp bạn đến sớm hơn thì bắt buộc phải đợi.
Nếu người ta nói rằng đến cột mốc 1305 để chinh phục “sống lưng khủng long” thì đến cột mốc 1297 để ngắm nhìn hoa cỏ lau. Đúng vậy, tại cột mốc 1297, du khách không chỉ được tham quan biên giới Việt – Trung, ngắm nhìn núi non trùng điệp mà còn được chiêm ngưỡng hoa cỏ lau – một loại hoa dại mọc nhiều ở những vùng núi cao, có thân cao từ 1-2m, hoa có màu trắng hay vàng nhạt. Hoa cỏ lau nở rộ vào khoảng từ tháng 10 đến hết tháng 11 hằng năm, trải dài khắp các triền đồi vùng biên giới, óng ánh phản chiếu ánh nắng mặt trời, khiến cảnh sắc thiên nhiên nơi đây càng trở nên thơ mộng.
Đường đến cột mốc 1305 khá khúc khuỷu và nhiều bậc thang. Nhưng đổi lại, du khách sẽ choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đồng thời cũng không khỏi tự hào khi chinh phục được mốc 1305 huyền thoại. Bản thân cột mốc cùng “sống lưng khủng long” nơi này còn là điểm đến hấp dẫn của những ai đam mê mạo hiểm.
Cột mốc 1305 cao 1.305m, nằm trên đoạn tuần tra biên giới phía Tây của xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu Quảng Ninh. Nơi đây cách Thủ đô Hà Nội khoảng 270km. Mốc 1305 được xem là một trong những cột mốc cao nhất của tỉnh Quảng Ninh khi du khách sẽ phải chinh phục sống lưng khủng long với hai bên là dốc núi dựng đứng và để chạm được cột mốc, sẽ phải đi lên 2.000 bậc thang, một hành trình này đầy thử thách sức bền và sự kiên trì của người chinh phục cột mốc.
|
|
Cảnh sắc nên thơ, bao la, hùng vĩ của núi non trùng điệp trong chặng đường chinh phục cột mốc 1305. |
Mỗi một mùa trong năm, cung đường này sẽ khoác trên mình một chiếc áo mới. Khi xuân đến, toàn bộ cung đường uốn lượn trở nên rực rỡ với sức sống mới, khắp nơi ngập tràn màu xanh của hoa cỏ đâm chồi nảy lộc. Khi hè sang, quang cảnh đáng để chiêm ngưỡng là một sống lưng khủng long xanh mát, với những khu rừng thông, rừng quế và rừng hồi được người địa phương trồng. Mùa thu là lúc sống lưng khủng long và cột mốc 1305 đẹp nhất bởi những đồi núi sẽ được phủ lên một màu trắng tinh khôi của bông hoa lau. Đây cũng là thời điểm mà cột mốc 1305 thu hút nhiều du khách nhất. Tuy nhiên, với một số người, mùa đông cũng là thời điểm lý tưởng để khám phá cột mốc. Vì đôi khi, nơi này sẽ có băng giá và tuyết, mang đến những trải nghiệm hiếm có và ấn tượng.
Trong hành trình chinh phục cột mốc 1305, du khách sẽ đi qua cung đường tuần tra biên giới uốn lượn như một dải lụa, xung quanh là núi non trùng điệp để rồi dễ dàng choáng ngợp trước sắc xanh của những rừng cây bạt ngàn như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ khổng lồ. Cung đường này khá dài, dốc và nhiều cua gắt nên cần chuẩn bị một sức khỏe tốt và luôn cẩn thận trong quá trình di chuyển.
Để đến với cột mốc 1305, chúng ta sẽ phải trải qua một cung đường dốc quanh co, uốn lượn trên đỉnh núi. Từ chân dốc, sẽ mất khoảng 1,5 – 2h để đến được đỉnh, nơi có cột mốc huyền thoại. Với độ cao 1.305m, hơn 2.000 bậc thang và có nhiều đoạn là dốc đứng, hành trình này quả thật rất thử thách sức bền và sự dẻo dai nhưng sau khi vượt qua được cung đường giống như sống lưng khủng long này, phần thưởng nhận lại rất xứng đáng, dễ dàng khiến chúng ta quên ngay mệt mỏi bởi bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ngay trước mắt.
Cột mốc 1305 vững chãi và hiên ngang giữa hai triền núi, được làm từ đá hoa cương. Khi được chạm tay trực tiếp vào cột mốc, bạn sẽ cảm thấy trào dâng tình yêu to lớn với Tổ quốc. Trong khi đó, con đường đến với cột mốc 1305 được ví như con đường dẫn lên trời. Khi lên đến mốc 1305, chúng ta sẽ được ngắm toàn cảnh miền biên ải cùng cung đường uốn lượn, mỏng manh trước mắt.
Đường tới cột mốc 1305 là hàng ngàn bậc thang bê tông chênh vênh như dãy núi, nhìn từ xa chẳng khác nào “Vạn Lý Trường Thành” phiên bản Việt. Cột mốc này là một trong hai cột mốc cao nhất ở vùng cực Đông đất nước và là nơi không dễ dàng gì để có thể đặt chân tới đây. Nhưng chính vì đường đi quá đẹp, nhất là vào cuối mùa thu nên cột mốc 1305 mới có một sức hút kỳ lạ đối với du khách.
|
|
"Sống lưng khủng long" gây thương nhớ cho bất cứ ai chinh phục cột mốc 1305. |
Sống lưng khủng long ở Bình Liêu chỉ có thể chinh phục bằng cách leo bộ. Trong ngày thời tiết đẹp, chỉ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ là bạn có thể leo đến đích. Đoạn đường lên mốc 1305 là một cuộc ngao du và thử thách không nhỏ của mỗi phượt thủ với con đường mòn có một không hai nằm giữa các đỉnh núi. Đi giữa “sống lưng khủng long” ngập tràn cỏ tranh hay cỏ lau khi đến mùa, bạn sẽ thấy mình thật nhỏ bé. Len lỏi giữa con đường mòn, đi từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác; lên cao rồi xuống dốc, băng qua những đoạn rừng trúc hay cỏ mọc cao quá đầu, bạn sẽ thấy cột mốc 1305 hiện ra sừng sững giữa núi đồi. Đây như một phần thưởng xứng đáng dành cho mỗi người khi đã đủ mệt và bước chân dường như không còn muốn nhấc lên. Nhưng có trải qua quãng đường tới đây mới thấm thía để đặt chân được tới cột mốc ấy cũng không hề dễ dàng. Mốc biên giới 1305 sừng sững giữa đất trời, như minh chứng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả xương máu của những người đi trước đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất vùng biên. Mặc dù nằm ở vị trí cao nhất trên địa phận huyện Bình Liêu. Nhưng thực chất cột mốc thiên đường 1305 lại nằm ở dưới một thung lũng. Nếu nhìn bằng mắt thường ai cũng thấy mốc 1305 được xây bằng xi măng bình thường như bao cột mốc biên giới khác ở Bình Liêu.
Trải qua hơn 100 năm hình thành nơi phên dậu biên ải, các dân tộc huyện Bình Liêu luôn có ý thức, lòng tự tôn dân tộc, thể hiện rõ nét trong việc gìn giữ tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của 5 dân tộc anh em gồm tộc người Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa... do sinh sống khá cách biệt về địa lý nên chưa bị làn sóng giao thương, du lịch làm biến dạng văn hóa.
Không chỉ vậy, Bình Liêu còn có nhiều địa danh đẹp, giàu tính lịch sử nằm giữa các bản làng bình yên hoặc thắng cảnh như: Đỉnh Cao Xiêm, nơi còn nhiều dấu tích về quá trình bảo vệ Tổ quốc; Bản Sú Cáu, nơi thành lập chi bộ Đảng huyện Bình Liêu năm 1948...; cùng một số địa danh là nơi đóng quân của bộ đội ta trong suốt quá trình chiến đấu bảo vệ vùng biên giới Tổ quốc.
|
|
Vẻ đẹp bất tận của ngọn thác 3 tầng Khe Vằn thuộc thôn Khe Vằn, xã Húc Động và những thửa ruộng bậc thang ở bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu nhìn từ trên cao |
Bình Liêu thực sự bình yên và nhiều cảnh sắc hấp dẫn, như: thác Khe Vằn, cầu treo Nà Làng, cửa khẩu Hoành Mô, bản Sông Moóc, cuối tuần còn có cả chợ phiên của người dân. Đi trải nghiệm mới thực sự hiểu sâu sắc quê hương Việt Nam đẹp đến nao lòng.
Bình Liêu ngày càng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc thì cũng chính là góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh thêm giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Ngành du lịch Bình Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025, đón 221.900 lượt khách, đạt tổng doanh thu 152,7 tỷ đồng. Năm 2030, đón 648.000 lượt khách, đạt tổng doanh thu 554,3 tỷ đồng, đóng góp 20,3% vào tăng trưởng kinh tế của Bình Liêu...
Là một huyện vùng cao, nằm ở phía Bắc và là nơi sở hữu nhiều cột mốc biên giới nhất ở tỉnh Quảng Ninh. Vị trí nằm giáp với Trung Quốc nên Bình Liêu hiện tại có khoảng 60 cột mốc biên giới. Ở Bình Liêu có rất nhiều cột mốc nhưng 1300, 1302, 1305 và 1327 là 4 mốc thiêng liêng không thể bỏ qua khi đến nơi đây.
Theo Phòng Văn hóa huyện Bình Liêu, những cột mốc này nằm rải rác trên cung đường tuần tra biên giới cao hơn 700m so với mặt nước biển. Uốn lượn trên những quả đồi thơm nức mùi nhựa thông. Trong đó, nổi bật nhất là cột mốc số 1305. Điều khiến cột mốc 1305 trở nên đặc biệt hơn so với những cột mốc còn lại đó chính là vị trí. Cột mốc này nằm ở một vị trí rất đắc địa, mà để tới được đây, du khách cần phải chinh phục nơi được mệnh danh là “sống lưng khung long” của Bình Liêu. Cả hành trình tới cột mốc 1305 là một chặng đường mà du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt đẹp của Bình Liêu. Nơi đây có những dãy núi hùng vĩ trải dài, cùng sắc xanh của rừng cây, núi đá, như một bức tranh tuyệt đẹp. Từ cột mốc này, bạn có thể phóng tầm mắt về phía xa để có thể chiêm ngưỡng khung cảnh của nước bạn Trung Quốc./.