(ĐCSVN) - Nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang qua các nhiệm kỳ luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển trong công cuộc xây dựng tỉnh Hà Giang.
Để tìm hiểu rõ hơn về những chủ trương này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phỏng vấn đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang.
|
|
Chiếc khèn là biểu tượng độc đáo gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang. |
PV: Thưa đồng chí, những giá trị văn hóa Hà Giang đã được hình thành, bảo tồn và phát triển qua thời gian, tạo nên những nét bản sắc riêng có. Xin đồng chí giới thiệu đôi nét về đặc trưng văn hóa, con người Hà Giang?
Đ/c Thào Hồng Sơn: Hà Giang là tỉnh miền núi, cực Bắc của Tổ quốc, có lịch sử văn hóa lâu đời với cảnh quan thiên nhiên hũng vĩ, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội còn khó khăn; là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc, đặc biệt có những dân tộc ít người chỉ sinh sống ở Hà Giang, mỗi dân tộc đều sở hữu giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo được gắn với các phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống. Con người Hà Giang kiên cường chống chọi với thiên nhiên, đoàn kết, yêu nước đã tạo nên nét đặc sắc văn hóa Hà Giang, như: Cày trên hốc đá, làm ruộng bậc thang; đoàn kết chống giặc ngoại xâm; một số dân tộc thiểu số ở Hà Giang có chữ viết và tiếng nói riêng; các hình thức văn học dân gian truyền miệng, các loại hình nghệ thuật như múa, tạo hình, trang trí hoa văn trên trang phục, chế tác trang sức phong phú. Sự đa dạng về ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc nhà cửa, nhạc cụ, công cụ sản xuất... tới sự khác biệt trong phong tục, tập quán, nghi thức tiến hành các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, các lễ hội và có nhiều di sản được công nhận của thế giới và trong nước. Hà Giang có di sản đặc biệt là Tám lời Bác Hồ căn dặn khi Người lên thăm Hà Giang.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và điều kiện tự nhiên khá đặc thù, một mặt cộng đồng các dân tộc vẫn duy trì, bảo lưu được cơ bản những giá trị văn hóa truyền thống vốn có, mặt khác họ cũng sáng tạo thêm nhiều giá trị văn hoá mới phù hợp với hoàn cảnh sống. Những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Hà Giang được thể hiện trên các mặt: Văn hóa vật chất, các quan hệ ứng xử xã hội và đời sống tinh thần. Từ đó đã hình thành nên giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Hà Giang đó là ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc, tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương đùm bọc lẫn nhau; đức tính thật thà, bao dung, tự trọng; cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động; yêu tự do, lãng mạn; có vốn tri thức dân gian phong phú.
Trong các cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ biên cương Tổ quốc, các giá trị văn hóa truyền thống ấy được tỏa sáng, tạo nên sức sống mãnh liệt để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và là nền tảng để góp phần xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.
PV: Với nền văn hóa đặc sắc, phong phú như vậy, tỉnh xác định nhận thức về những giá trị văn hóa đối với công cuộc phát triển của tỉnh như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Thào Hồng Sơn: Nhận thức văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng; cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể hoá chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang qua các nhiệm kỳ luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển trong công cuộc xây dựng tỉnh Hà Giang; gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định: “... Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…”. Định hướng phát triển là “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc, xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện; tiếp tục thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông và nhân rộng đối với các dân tộc thiểu số khác; phát triển Hội nghệ nhân dân gian, truyền dạy văn hóa truyền thống trong các trường học; đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở…”. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kết luận, kế hoạch, đề án... chuyên đề về lĩnh vực văn hóa, triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2020 -2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 06/10/2021 về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 26/11/2021 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.
PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của Hà Giang sau hơn 32 năm đổi mới, 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và 02 năm thực hiện Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc?
Đ/c Thào Hồng Sơn: Sau hơn 32 năm đổi mới, 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và 02 năm thực hiện Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, nhận thức của người đứng đầu và các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò tầm quan trọng văn hóa, văn nghệ ngày càng hoàn thiện và phát triển toàn diện. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao. Quan điểm “Văn hóa còn, dân tộc còn”, “Văn hóa là nền tảng tinh thần", là "Động lực phát triển" của đất nước được thấm nhuần sâu sắc, văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang được ban hành và tập trung chỉ đạo triển khai.
Công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện một cách tập trung và toàn diện theo hướng chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu với nhiều hoạt động thiết thực, nội dung phong phú gắn với các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh mang tính giáo dục cao. Qua việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và toàn thể nhân dân tinh thần yêu nước, đoàn kết, khơi dậy khả năng sáng tạo, tích cực thi đua lao động, cống hiến hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hà Giang.
|
|
Mỗi dân tộc Hà Giang đều sở hữu giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo gắn với các phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống. |
Công tác xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn xã hội. Bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh Hà Giang và Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, nhận diện các hủ tục lạc hậu cần xóa bỏ. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai quyết liệt và đồng bộ như: Xây dựng kế hoạch thành lập các tổ khảo sát; thống kê các phong tục, tập quán trong từng xã, từng dân tộc; xác định những phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ; tổ chức mạn đàm và hội thảo để thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn, các hội thi tuyên truyền... Ngay trong trung tuần tháng 10 vừa qua, Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức thành công Hội thi "Dân vận khéo" tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh năm 2023. Hội thi có tổng số 15 đội tham gia với 150 thành viên là những thí sinh xuất sắc của các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; được tổ chức livestream trực tiếp trên nền tảng số, mạng xã hội đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, theo dõi.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy vai trò chủ thể của người dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện nghiêm túc nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cải tạo vườn tạp”, “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”... thực sự lan tỏa đi vào cuộc sống; nhiều hoạt động được lồng ghép, kết hợp triển khai sâu rộng trên địa bàn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện và xem đó là nhiệm vụ thường xuyên. Đến nay, 100% các làng, thôn, bản, tổ dân phố đã tổ chức xây dựng hương ước, quy ước và được thực hiện nghiêm túc; xuất hiện nhiều trưởng họ, già làng, người có uy tín, trưởng thôn gương mẫu đứng ra phát động xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa…; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên. Nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả như: Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi, xóa bỏ những tập tục lạc hậu không phù hợp; xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc; câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình… được các địa phương triển khai, nhằm phát huy sức mạnh, sáng tạo của cộng đồng, tạo điều kiện để người dân phát huy tính tự chủ, tự nguyện và trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hóa, đã thực sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ, làm thay đổi tư duy, tạo lối sống tích cực đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho nhân dân.
|
|
Đoàn chuyên gia tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khảo sát đánh giá thực địa tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc. |
Cấp ủy đảng các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng con người Hà Giang thời kỳ đổi mới, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc, như: Thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ của cá nhân, cơ quan, đơn vị; đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong hệ thống trường học của tỉnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; hình thành và phát huy “Hội nghệ nhân dân gian”; một số chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người thời đại mới đã được đưa vào quy ước, hương ước, vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức…
Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân được phát huy, các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai rộng khắp. Ý thức bảo vệ môi trường sống được nâng lên. Các giá trị đạo đức truyền thống nhìn chung được giữ gìn, phát huy, đổi mới theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
|
|
Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang quan tâm triển khai thực hiện đạt hiệu quả. |
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát triển rộng khắp và đi vào chiều sâu; việc xóa các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh được các địa phương triển khai quyết liệt, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Việc huy động các nguồn lực, đề cao tính tích cực của xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, lòng nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, tri ân gia đình chính sách, chia sẻ với các đối tượng xã hội gặp khó khăn có bước chuyển tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Mặt khác, với vai trò bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ… hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị định hướng, giáo dục, có tính chân - thiện - mỹ được ra đời và được giới thiệu, quảng bá, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, góp phần hạn chế những tác động xấu đến đời sống tinh thần của nhân dân theo Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được quan tâm, nhiều di sản văn hóa được vinh danh, bước đầu gắn kết hiệu quả giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được tăng cường quản lý, tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng trong tỉnh. Hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã bám sát định hướng vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước, của tỉnh…
PV: Với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tỉnh Hà Giang hiện đã bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa như thế nào?
Đ/c Thào Hồng Sơn: Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện đạt hiệu quả; văn hóa của các dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức kiểm kê, nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể; hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận, xếp hạng 61 di tích, danh thắng; 27 di sản văn hoá phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đặc biệt, di sản thực hành Then Tày, Nùng, Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với 10 tỉnh, thành phố khác. Có 31/61 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo (gồm 15 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh) với nguồn ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh và xã hội hóa. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh...
Cùng với đó, hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể cũng được đầu tư phục dựng, bảo tồn trong đó có một số lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một và được lưu giữ tại “Ngân hàng Văn hóa nghệ thuật Quốc gia”. Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phục dựng đã và đang được phát huy, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đặc biệt, thời gian qua, Hà Giang đã tổ chức tái đánh giá thành công và chuẩn bị tổ chức đón nhận Danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III và Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ IX của tỉnh vào ngày 28/10 tới đây.
|
|
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được tỉnh Hà Giang quan tâm, nhiều di sản văn hóa được vinh danh, bước đầu gắn kết hiệu quả giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. |
Chúng tôi cũng đã tiến hành cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; tổ chức sự kiện Lễ đón nhận Danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Chợ Phong Lưu Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Định kỳ hàng năm, Hà Giang tổ chức một số lễ hội với quy mô cấp tỉnh và huyện như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai, Lễ hội mùa vàng tôn vinh Di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội khèn Mông... vừa phát huy được lễ hội truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ, vừa quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc đến với du khách trong nước và quốc tế.
Với những nỗ lực của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đã góp phần tạo nền tảng để phát triển du lịch, phát triển kinh tế. Nhờ đó, năm 2022 khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 2 triệu lượt người và trong 9 tháng đầu 2023, khách du lịch đến Hà Giang đạt gần 2,2 triệu lượt người.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!