Về nơi “Mắt thần Đông Dương”
Trong chuyến công tác những ngày cuối năm, chúng tôi vinh dự được đặt chân lên đỉnh Sơn Trà (TP Đà Nẵng), trực tiếp được tiếp xúc, nói chuyện và hiểu hơn về nhiệm vụ của những người lính Ra đa tại đây.
Tiếp chuyện và trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Phạm Minh Quế- Trạm trưởng Trạm Ra đa 29 (thuộc Trung đoàn Ra đa 290, Sư đoàn phòng không 375, Quân chủng Phòng không- Không quân) vui vẻ nói trong sự hãnh diện, tự hào của người lính: “Được làm việc tại đây là niềm tự hào và vinh dự của mỗi người lính chúng tôi. Bởi “Ra đa Sơn Trà” hay Ra đa 29 đã từng được mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương”. Công việc của chúng tôi từng ngày, từng giờ là canh giữ vùng trời của Tổ quốc, kịp thời phát hiện các hành động bay trên không, qua đó phối hợp cùng các lực lượng để xử lý, bảo vệ sự bình yêu trên vùng trời Tổ quốc thân yêu”.
Qua câu chuyện của Thiếu tá Phạm Minh Quế, chúng tôi được biết, đỉnh Sơn Trà nơi đơn vị anh công tác có độ cao 621m so với mực nước biển. Nơi đây địa hình khá đặc biệt với những dãy núi cao nhô ra biển như cánh tay ôm trọn Vịnh Đà Nẵng. Từ độ cao này, Trạm Ra đa 29 được thiết lập với một hệ thống máy móc, thiết bị chuyên ngành khá quan trọng và hiện đại. Làm việc tại Trạm là những người chiến sĩ Ra đa, luôn luôn tập trung quan sát, phát hiện kịp thời, không để Tổ quốc bị bất ngờ vì những tình huống trên không.
“Do đặc thù của công việc, mỗi người lính Ra đa chúng tôi tổ chức duy trì canh trực thường xuyên tại các vị trí; yêu quý vũ khí, khí tài, trang bị và coi đơn vị như ngôi nhà thứ hai của mình. Từng đồng chí luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ thiết bị và nỗ lực luyện tập, học hỏi để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời luôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ, cùng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”- Thiếu tá Phạm Minh Quế- Trạm trưởng Trạm Ra đa 29 cho biết thêm.
Chia sẻ về công việc của bản thân và các đồng đội, Thượng uý Phan Tiến Vĩ, Phó Trạm trưởng Trạm Ra đa 29 bộc bạch: “Mỗi ngày chúng tôi phân chia thành 9 phiên trực, trong đó có những ca trực sẵn sàng chiến đấu tại sở chỉ huy 24/24h; trực tại các đài Ra đa theo lịch các phiên trong ngày. Cùng với trực chuyên môn, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn tự giác nêu cao trách nhiệm để xây dựng “ngôi nhà chung Ra đa 29” luôn ấm tình đồng đội, đoàn kết và thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”.
Thượng uý Phan Tiến Vĩ chia sẻ thêm, từ 6 giờ sáng, các chiến sĩ hậu cần đã chia nhau xuống núi đi chợ mua lương thực, thực phẩm; sau đó trở về chuẩn bị bữa ăn cho toàn đơn vị. Đoạn đường từ Trạm xuống chân núi Sơn Trà dài hơn 07km, đi thêm 03km nữa mới đến chợ. Vào những lúc mưa lớn, điển hình như hồi tháng 10/2022, đường đèo núi bị sạt lở, cô lập hơn 01 tuần, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải đi đường vòng, băng rừng, lội suối để đến chợ mua lương thực, thực phẩm rất vất vả. Không những thế, nhớ lại thời điểm dịch COVID-19, “Chúng tôi phải chủ động liên hệ với các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm; yêu cầu họ đưa hàng đến tập kết tại chân núi theo địa chỉ đã hẹn. Sau đó cử người xuống núi vận chuyển lên đơn vị, tránh không tiếp xúc để đảm bảo phòng chống dịch”- Thượng uý Phan Tiến Vĩ kể lại.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 29 trồng rau xanh cũng cấp cho bữa ăn của đơn vị. |
Nói thêm về các nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, Thượng uý Phan Thanh Lãm, Chính trị viên Trạm Ra đa 29 cho biết, cùng với thực hiện nghiêm các nhiệm vụ chuyên môn, lãnh đạo Trạm và cấp uỷ Đảng đơn vị đặc biệt quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ.
“Hiện đơn vị đang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo đó, đơn vị đã và đang tập trung triển khai các nội dung của Cuộc vận động; yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn, tự cường, tinh thần đấu tranh dũng cảm, bất khuất, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, cần cù, sáng tạo của dân tộc; truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình, truyền thống vẻ vang của Quân đội và đơn vị.
Thực hiện nghiêm 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với Nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cống hiến trí tuệ, tài năng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân, của quốc gia- dân tộc, vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, của Quân đội.
Không ngừng nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, huấn luyện, học tập, nghiên cứu khoa học; nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; làm chủ và giữ gìn tốt vũ khí trang bị được biên chế. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tự chủ, tự lực, tự cường, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Toàn quân phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”- danh hiệu cao quý mà Nhân dân tin cậy, yêu mến tặng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam; giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Cùng với nội dung trên, theo Thượng uý Phan Thanh Lãm, thời gian qua, chi ủy, chỉ huy Trạm đã tổ chức nhiều hoạt động chính trị để cán bộ, chiến sĩ học tập, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật và nêu cao tinh thần trách nhiệm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong đó, đã đặt ra yêu cầu để cán bộ, chiến sĩ rèn luyện, phấn đấu, cống hiến là “Rèn luyện, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là trách nhiệm của mỗi quân nhân”. Đồng thời đề ra 05 chuẩn mực xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới là: bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao; đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh; có văn hoá tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khoẻ tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ tốt, tôn trọng, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với Nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng”.
|
|
“Phòng Hồ Chí Minh” - Nơi cán bộ, chiến sĩ thường xuyên sinh hoạt và đọc sách. |
Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Trạm Ra đa 29 thông tin tình hình, nhiệm vụ tại đơn vị, chúng tôi trực tiếp tham quan nơi ăn, nghỉ của cán bộ, chiến sĩ tại Trạm. Tại “Phòng Hồ Chí Minh” của đơn vị, chúng tôi gặp chiến sĩ trẻ là một báo vụ, sinh năm 2003. Anh là Phạm Minh Tỉnh, quê tỉnh Quảng Bình. Đầu năm 2022 Tỉnh nhập ngủ và đến 11/2022 được biên chế về Trạm Ra đa 29.
Tại đây, Tỉnh học báo vụ và hiện nay trở thành một báo vụ có trình độ chuyên môn khá. “Em được các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Trạm quan tâm giúp đỡ, động viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những ngày đầu khi đến đây, trên đỉnh Sơn Trà đầy nắng gió và sương muối; hơn nữa do bị cô lập với khu dân cư, nằm chót vót trên đỉnh núi nên mỗi ngày chỉ tiếp xúc với anh em đồng chí trong đơn vị nên em rất buồn và nhớ nhà. Nhờ sự động viên, chia sẻ của các anh cán bộ chỉ huy và các anh em chiến sĩ trong Trung đội, em dần quen và nắm bắt kịp thời các kiến thức để bắt tay vào nhiệm vụ ngày càng tự tin, vững vàng hơn. Đến nay, em không chỉ nắm vững kỹ thuật, kỹ năng trong công tác mà qua sự phấn đấu, nỗ lực của mình, vừa qua em đã được kết nạp vào Đảng”- Báo vụ Phạm Minh Tỉnh chi sẻ.
Trong khi đó, trắc thủ Ra đa Đặng Bá Đạt (sinh năm 2004, quê huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho hay, sống và công tác tại Trạm Ra đa 29 trên đỉnh Sơn Trà thời tiết khắc nghiệt nhưng đổi lại luôn được các anh chỉ huy cũng như đồng chí, đồng đội rất quan tâm nên Đạt nhanh chóng hoà nhập và thực hiện tốt các nhiệm vụ tại đây. “Mỗi ngày ở đây có đến 4 mùa, song dài nhất là mùa mưa và gió biển với sương muối bao phủ khiến mọi thứ đều ẩm ướt, áo quần phơi nhiều ngày không khô. Vào mùa khô thì thiếu nước sinh hoạt. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị thay phiên nhau xuống suối cách trạm vài km để lấy nước về sinh hoạt. Điều kiện khó khăn như vậy nhưng được sự giáo dục, động viên của các cấp lãnh đạo, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã được quan tâm giúp đỡ, động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ”- trắc thủ Ra đa Đặng Bá Đạt chia sẻ thêm.
Nói thêm về các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán tới đây, Thiếu tá Phạm Minh Quế- Trạm trưởng Trạm Ra đa 29 cho hay là đơn vị đã có kế hoạch, phân công trực phục vụ sẵn sàng chiến đấu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm nhất. Cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức quán triệt các chỉ thị, mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu của trên đến 100% cán bộ, chiến sĩ; đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát, bổ sung hoàn thiện kế hoạch chiến đấu và tổ chức luyện tập thuần thục từng phương án đã được phê duyệt. Phối hợp với đơn vị bạn, chính quyền và nhân dân địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban, trực chiến tại Sở chỉ huy…
Để đảm bảo quân số và yêu cầu trực sẵn sàng chiến đấu trong dịp Tết, lãnh đạo đơn vị cũng tìm hiểu, cho phép cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ đã nhiều năm chưa về quê đón Tết với gia đình được nghỉ phép để về quê đón Tết; đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức một số hoạt động vui xuân, đón tết cho cán bộ, chiến sĩ như phối hợp với Hội Phụ nữ TP. Đà Nẵng tổ chức Lễ hội gói bánh chưng; phối hợp với Đoàn Phường Thanh Bình, Chi đoàn trường Tiểu học Trần Cao Vân tổ chức Hội thi văn nghệ, thi hái hoá dân chủ, giao lưu văn hoá…
“Hiện đơn vị cũng tranh thủ các điều kiện thời tiết để trồng một số vườn rau xanh và nuôi được đàn lợn hơn 30 con. Cạnh đó, vừa qua các cấp chính quyền tại TP Đà Nẵng cũng tài trợ bắt đường ống dẫn nước từ suối lên đỉnh Sơn Trà dài hơn 04km và xây dựng bể chứa để giúp đơn vị có nước sinh hoạt. Đây là nguồn lực và cũng là điều kiện thuận lợi giúp đơn vị đón một cái Tết ấm áp, đậm đà tình cảm mà các cấp lãnh đạo cùng Nhân dân, chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân đã quan tâm, giúp đỡ. Tinh thần chung của đơn vị là sẽ có một cái Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm và đảm bảo sẵn sàng chiến đấu”- Thiếu tá Phạm Minh Quế- Trạm trưởng Trạm Ra đa 29 thông tin thêm./.