Megastory: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Thứ bảy, 27/11/2021 11:02
(ĐCSVN) - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, Bác Hồ chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tiếp nối tư tưởng, quan điểm của Người, nền văn hóa Việt Nam đã chuyển biến mạnh mẽ, có những đóng góp tích cực, quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
 

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, Bác Hồ chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Quan điểm này nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tiếp nối tư tưởng, quan điểm của Người, nền văn hóa Việt Nam đã chuyển biến mạnh mẽ, có những đóng góp tích cực, quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

 Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 trước khi lên đường về tiếp quản Thủ đô. Bác căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Ảnh tư liệu).

Từ những ngày đầu cách mạng nước ta, Đề cương văn hoá Việt Nam soạn thảo tháng 2 năm 1943, đã xác định 3 nguyên tắc vận động của văn hoá ở Việt Nam, chỉ rõ các quan điểm, đường lối, chỉ đạo của Đảng ta qua các thời kỳ như: Đại hội văn hoá toàn quốc lần thứ 2 (tháng 7-1948); đường lối Đại hội III, Đại hội IV, Đại hội VI...

Đại hội VI của Đảng mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước. Tháng 6-1991, Đại hội VII tiếp tục chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để đưa đất nước đi vào thế ổn định và phát triển. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp ở các nước xã hội chủ nghĩa, nước ta phải đương đầu với khủng hoảng kinh tế - xã hội và tác động từ tình hình chính trị quốc tế. Nhưng thành tựu của gần 5 năm đổi mới, đã giúp nước ta vượt qua khó khăn, đứng vững và tiếp tục tiến lên. Đại hội này ưu tiên phát triển kinh tế, ổn định xã hội, văn hóa chưa được xem là trọng tâm, dù được quan tâm phát triển.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7-1998) ban hành nghị quyết về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc - cương lĩnh văn hóa của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế.

Nghị quyết đưa ra các quan điểm chỉ đạo cơ bản: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng, phát triển văn hoá là sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Nghị quyết nhấn mạnh đến giải pháp xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa, định hướng phát triển văn hóa trong trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội IX của Đảng (tháng 4 - 2001) đánh giá về chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.

Đảng ta tiếp tục khẳng định, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Quan điểm của Đảng về văn hóa thời kỳ này nhấn mạnh: Hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Chú trọng gìn giữ, phát triển các di sản văn hoá phi vật thể, các di sản văn hoá vật thể. Thể hiện bản sắc văn hoá Việt Nam trong những tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình xây dựng, kiến trúc, mở rộng giao lưu văn hoá, thể thao quốc tế; đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hoá lớn gắn kết văn hoá, thể thao, du lịch, giới thiệu, truyền bá hình ảnh đất nước, văn hoá, con người Việt Nam với thế giới.

Đại hội X của Đảng (tháng 4 - 2006), trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2006 – 2010 đã xác định nhiệm vụ về văn hoá. Phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội "làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hoá đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân”.

Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng đời sống văn hoá tiên tiến, thúc đẩy sáng tạo văn hoá và xây dựng thiết chế văn hoá.

 Hội Gióng - một hình tượng đẹp đẽ, hào hùng trong nền văn hoá Việt Nam. Sức hấp dẫn của Hội Gióng trước hết là ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.

KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN QUAN ĐIỂM VỀ VĂN HOÁ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Yêu cầu xây dựng con người Việt Nam đi liền với xây dựng nền văn hóa dân tộc được các kỳ đại hội tiếp theo xác định cụ thể hơn. Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) khẳng định, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là một mục tiêu của chiến lược phát triển, một nhiệm vụ hàng đầu trong các mục tiêu, nhiệm vụ về văn hóa.

Kỳ Đại hội này ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, với 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó nêu rõ:

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng nhân cách, lối sống con người.

Đảng ta nhấn mạnh “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đảng ta đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn về vai trò phát huy nguồn lực của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây chính là sự tiếp nối, phát triển tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá trong thời kỳ mới.

Đại hội lần thứ XII của Đảng (tháng 1-2016), chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân là những nhân tố quyết định tạo ra những chuyển biến của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 1-2021) đã chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Đây là những quan điểm, nội dung quan trọng, có tính thế thừa và có nhiều điểm mới về phát triển văn hóa.

Tròn 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập (24/11/1946), dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta không ngừng phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo những giá trị văn hoá mới, đưa đất nước vững bước trong xu thế tiến bộ nhân loại.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó nêu rõ: Nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.

Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2021tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội).

Tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo đã tập hợp, đoàn kết dưới lá cờ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…

 Giới thiệu văn hoá tại Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”, năm 2021.

 Tuần lễ đã giới thiệu những nét đẹp truyền thống, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam.

Từ những mục tiêu cốt lõi đặt ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, lời hiệu triệu của Bác Hồ đã khơi dậy ngọn lửa quyết tâm, trở thành động lực tinh thần của toàn dân tộc. Cùng chính trị và kinh tế, văn hóa đã góp phần quan trọng vào thành công trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Bước vào thời kỳ mới, tiếp nối tinh thần "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phát huy sáng tạo, bồi đắp nội lực, xây dựng và phát huy những giá trị tốt đẹp trong nền văn hóa Việt Nam, cùng chung sức xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh như mong ước của Người.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao quà tới đại diện cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại Làng  Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại buổi khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2021.
 
N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực