Cam Cao Phong “trúng đậm” mùa Tết

Thứ sáu, 27/01/2017 20:46

(ĐCSVN) - Những năm gần đây, cây cam đã trở thành “cây làm giàu” của hàng trăm hộ nông dân ở huyện miền núi Cao Phong (Hòa Bình). Niên vụ cam 2016 – 2017, cam Cao Phong không chỉ được mùa mà còn được giá. Đặc biệt, trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, giá cam đang dần tăng lên, hứa hẹn một vụ thu hoạch thắng lợi đối với những hộ trồng cam ở Cao Phong…

Niềm vui được mùa, được giá của người trồng cam ở Cao Phong trước thềm xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh MH

Sau hơn 4 năm tập trung chăm sóc, năm nay gia đình anh Nguyễn Anh Hưng ở Khu 4, thị trấn Cao Phong đang có hơn 2 ha trồng cam các loại cho thu hoạch với tổng sản lượng ước tính sẽ vào khoảng trên tấn. Với kinh nghiệm theo dõi thị trường nhiều năm, giai đoạn đầu vụ, gia đình anh Hưng chỉ “bán tỉa” tức là tỉa những quả cam chín sớm để bán với số lượng ít. Hiện nay, càng về gần tết, giá thu mua cam của thương lái càng cao. Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Anh Hưng chia sẻ: “Do một số giống cam thường chín rộ từ đầu vụ thu hoạch nên giữ được cam đến gần tết mới bán thì sẽ rất được giá. Với giá thu mua tại vườn hiện nay dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg cam loại 1, năm nay chắc chắn nhà mình sẽ ăn tết to”.

Là một trong những hộ trồng cam tiêu biểu ở xã Thu Phong, dự tính năm nay gia đình chị Bùi Thị Thu sẽ thu về khoảng trên 4 tỷ đồng từ tiền bán cam. Nhờ sự ủng hộ của thời tiết và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng sản xuất sạch, nên hơn 5 ha cam của gia đình chị Thu năm nay phát triển khá tốt, quả sai trĩu trịt, trái căng tròn mọng nước. Ngay từ đầu vụ thu hoạch đã có rất nhiều khách buôn đến tận vườn đặt hàng. Theo chị Thu, vườn cam của gia đình đã bước vào vụ chu kỳ thứ 2 cộng với diện tích trồng mới đưa vào kinh doanh nên năng suất, sản lượng cam năm nay sẽ tiếp tục được nâng lên. Niên vụ trước, gia đình thu khoảng 100 tấn cam lòng vàng, 15 tấn V 2 và 30 tấn cam canh, giá bán trung bình khoảng trên 35.000 đồng/kg. “Năm nay, nhờ các loại cam đều được giá nên nhiều khả năng sẽ “trúng đậm” vụ cam Tết”, chị Thu vui vẻ trao đổi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, dọc theo Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Cao Phong đang có hàng chục cửa hàng bán cam. Những dãy hàng cam vàng rực được bày bán như minh chứng cho một vụ cam bội thu của huyện miền núi Cao Phong. Nhiều thương lái ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam… đã tìm về đây để thu mua cam phục vụ thị trường. Anh Đỗ Văn Bình, thương lái ở thành phố Bắc Ninh cho biết: “Một số năm gần đây, người tiêu dùng ở Bắc Ninh khá ưa chuộng mặt hàng cam Cao Phong. Năm nay, tuy giá nhập vào có cao hơn năm ngoái nhưng do nhu cầu thị trường lớn nên tôi vẫn thu mua với số lượng lớn. Bình quân, cứ mỗi ngày tôi chuyển về và xuất bán khoảng 5 tấn cam các loại”

Khảo sát thực tế cho thấy, so với các năm trước, giá thu mua cam Cao Phong trong niên vụ 2016 - 2017 đã cao hơn hẳn. Công sức lao động, chăm sóc của người trồng cam vì vậy cũng được bù đắp xứng đáng hơn. Thời điểm đầu vụ, giá cam tương đối ổn định. Trung bình ở mức 25.000 đồng/1kg đối với cam xã Đoài; 35.000 đồng/kg đối với lòng vàng là; cam Đường Canh là 50.000 đồng/1kg. Đến nay, giá thu mua vẫn đang tiếp tục tăng lên. Được mùa, giá thu mua cao, trung bình mỗi ha cam người trồng cam Cao Phong thu khoảng từ 600 đến 800 triệu đồng. Cây cam tiếp tục mang lại lợi ích kinh tế cao, phát huy vai trò là cây trồng chủ lực của địa phương. Trong đó, cam Canh và cam V2 là 2 giống cam thường cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nên rất được ưa chuộng. Đặc biệt cam V2 vỏ mỏng mịn, múi mềm, mọng nước được nhiều gia đình chọn mua để cúng gia tiên hay dùng làm quà biếu. Cam Canh là giống cao tiến vua có tiếng từ xưa, cũng là sản phẩm được chuộng mua nhiều trong các dịp Tết.

Cùng phóng viên đi tham quan những vườn cam ở Tiểu khu 1, thị trấn Cao Phong, anh Phạm Minh Thái - Chủ tịch Hội trồng cam Cao Phong cho biết: "Ước tính ớ bộ, sản lượng cam của toàn huyện trong niên vụ này rơi vào khoảng 23.000 tấn; tăng khoảng 3.000 tấn so với niên vụ trước. Về giá thu mua thì khả quan hơn năm ngoái. Cơ bản các hộ trồng cam trên địa bàn rất phấn khởi với những đơn đặt hàng từ người buôn đến tận người ăn rất nhiều vì cam Cao Phong đã có chỉ dẫn địa lý và có được niềm tin của người tiêu dùng".

Được biết, những năm gần đây, diện tích và sản lượng cam ở Cao Phong liên tục tăng lên. Năm 2010, toàn huyện mới có 557 ha cam, quýt với sản lượng đạt 9.000 tấn thì đến nay, sau 6 năm, diện tích trồng cam, quýt đã là hơn 2.000 ha với sản lượng ước đạt 23.000 tấn. Trước thềm Tết Đinh Dậu năm nay, người trồng cam Cao Phong vui mừng không chỉ vì được mùa, được giá mà còn bởi vì cam Cao Phong đã tiếp tục khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: “Từ sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tháng 11/2014 đến nay, giá trị của trái cam Cao Phong đã tăng lên từ 3 - 4 lần. Vụ cam năm nay, giá thu mua tiếp tục tăng cao. Sắp tới, địa phương sẽ nghiên cứu về việc sản xuất bao bì, gắn tem nhãn riêng cho cam Cao Phong để người tiêu dùng dễ nhận biết”.

Cam Cao Phong đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cam Cao Phong cũng tốt hơn nhờ kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất sạch. Được mùa, được giá, Tết Đinh Dậu này sẽ lại tiếp tục có hàn chục hộ nông dân ở Cao Phong thu về hàng tỷ đồng từ tiền bán cam. Đó cũng chính là động lực để người trồng cam ở Cao Phong nỗ lực nhiều hơn nữa trên hành trình nâng cao hơn nữa chất lượng trái cam theo hướng “sạch và an toàn” để xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng trong cả nước./.

Phạm Minh Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực