Độc đáo hàng rào đá nơi cao nguyên đá Đồng Văn

Thứ sáu, 27/01/2017 14:59
(ĐCSVN) - Khởi sinh từ chính nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, hàng rào đá tại những bản làng ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào người Mông nơi đây.

Hàng rào đá được xếp từ những viên đá xù xì, nhiều góc cạnh. (Ảnh: QĐ)

Nếu ai đã có dịp đặt chân đến cao nguyên đá Đồng Văn hẳn sẽ thực sự ấn tượng với hình ảnh những hàng rào đá vững chắc, uốn lượn bao quanh những ngôi nhà nhỏ. Cao nguyên đá Đồng Văn vốn được mệnh danh là nơi “mở mắt là thấy đá, bốn bề đều là đá”. Dường như cả cuộc đời của những con người nơi đây đều gắn bó với đá. Để sinh tồn, đồng bào các dân tộc nơi đây đã tìm mọi cách để chinh phục đá. Họ phá đá để tạo lối đi; trồng ngô trong những hốc đá… Đặc biệt hơn cả là họ còn biết dựng lên những hàng rào đá để bảo vệ ngôi nhà của mình.

Đến với những bản vùng cao ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh…, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những hàng rào đá tuyệt đẹp được xây dựng vô cùng chắc chắn, ôm trọn ngôi nhà của người Mông. Những viên đá tưởng chừng như vô hồn, vốn thô ráp, gồ ghề, đầy góc cạnh đã được bàn tay tài hoa của đồng bào người Mông lựa chọn, sắp xếp lại một cách khéo léo để tạo thành những hàng rào đá liền nhau, cứng cáp, vững chắc và độc đáo. Ngắm nhìn những dãy hàng rào đá, ít người biết nó được tạo nên từ hàng trăm, hàng ngàn viên đá nhỏ khác nhau. Điều khác biệt nhất ở đây đó là những viên đá này được giữ gần như nguyên vẹn như những gì tạo hóa sẵn có. Và tác giả của những dãy hàng rào đá đã phải tốn không ít thời gian để chọn lựa, sắp xếp sao cho những viên đá thực sự “ăn khớp” với nhau nhằm tạo ra độ vững chắc cho hàng rào đá.

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã nhận xét rằng, hàng rào đá của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn đã “phá vỡ” mọi nguyên lý, quy luật xây dựng thông thường. Bởi việc xây dựng, tạo hình khối luôn cần đến chất kết dính; song ở đây, hàng rào đá lại được tạo thành từ những viên đá to nhỏ, xù xì với nhiều góc cạnh, hình thù khác nhau nhưng lại là sự ghép nối, gắn kết rất tự nhiên mà không có bất kỳ chất kết dính nào. Chúng được sắp xếp lại theo một quy luật riêng có và cùng “bám víu” vào nhau chắc chắn, vững chãi để vượt qua bao mưa dông, nắng gió nơi cao nguyên khắc nghiệt. Tùy từng vị trí cụ thể để quyết định chiều cao và chiều rộng của hàng rào đá. Phần nhiều hàng rào đá ở cao nguyên đá Đồng Văn đều được gia chủ xếp rộng trên 1 mét, cao gần 2 mét theo quy tắc “phần chân hàng rào xếp to và nhỏ dần về phía trên”. Hoàn toàn không cần tới xi măng, cát…, việc sắp xếp các viên đá dựa toàn bộ vào những góc cạnh tự nhiên sẵn có của từng viên để chúng có thể tự bám vào nhau. Vì thế, thông thường để tạo thành một dãy hàng rào đá bao quanh ngôi nhà, nếu không tính đến thời gian lựa chọn, gùi đá từ những dải núi ở xa về thì thời gian tối thiểu phải có là vài ba tháng. Thậm chí, có những hàng rào đá còn “lấy” của gia chủ thời gian lên tới hàng năm. Dưới bàn tay khéo léo của đồng bào người Mông, những viên đá như tự ăn khớp, tự đan vào nhau để tạo thành lũy chắn. Đã có du khách tò mò thử dùng sức đẩy mạnh vào hàng rào đá và rồi lại càng thêm ngạc nhiên, thán phục trước sự vững chắc của nó. Đá được sắp xếp khéo léo nên đã giằng giữ lấy nhau một cách chắc chắn, trường tồn.

Theo già làng Vàng A De ở bản Khẩy Roài, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, việc lựa chọn, sắp xếp hàng rào đá còn trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá sự trưởng thành của người con trai Mông. Trong cộng đồng người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn, trẻ em nam khoảng 3 - 4 tuổi đã biết tha thẩn đi lấy đá về xếp ở góc vườn. Lớn hơn một chút, khoảng 9 - 10 tuổi đã được cha, chú dạy cho cách chọn đá và xếp đá. Vậy nên, hầu hết đàn ông người Mông đều có thể làm hàng rào đá. Bởi như lời của già làng Vàng A De thì “Con trai Mông trưởng thành thì phải biết 3 việc quan trọng đó là cày nương, thổi khèn và xếp hàng rào đá”.

Hàng rào đá đã trở thành một nét kiến trúc độc đáo riêng có nơi cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: QĐ)

Do đặc điểm sinh sống của người Mông nên hàng rào đá ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh thường xây dựng xung quanh nhà, quanh vườn, quanh nương hay quanh chuồng chăn thả gia súc… Đôi khi vài ba nhà có quan hệ thân tộc cùng làm một hàng rào đá lớn bao quanh. Hoặc có khi là cả dòng họ cùng quây quần bên trong một dải hàng rào đá vững chắc. Dù là của một hay của vài ba gia đình thì hàng rào đá vẫn thực hiện chức năng quan trọng đó là ngăn chặn kẻ gian và thú dữ, bảo vệ cuộc sống bình yên của cộng đồng dân cư. Không chỉ vậy, hàng rào đá được tạo thành từ những viên đá vô tri, gai góc nhưng đã trở thành một nét kiến trúc độc đáo của cảnh sắc nơi cao nguyên đá Đồng Văn. Còn gì đẹp hơn khi giữa ngút ngàn đá tai mèo là hình ảnh một dải hàng rào đá với những loại hoa dây màu sắc sặc sỡ bò quanh; hay những chiếc váy Mông nhiều màu sắc vắt lên hàng rào đá như những bông hoa tươi thắm nổi bật giữa cảnh sắc núi rừng. Hàng rào đá vì vậy đã trở thành một điểm nhấn không thể thiếu trong không gian văn hóa của người Mông, những con người sinh ra, lớn lên luôn được bao bọc, chở che bởi đá!

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nhiều con đường giao thông đã được mở để mọi người đến với cao nguyên đá Đồng Văn được thuận lợi hơn. Việc vận chuyển xi măng, vôi cát đến các bản làng xa xôi nơi đây cũng không còn quá khó khăn như trước. Song, những hàng rào đá vẫn được người Mông trân trọng, bảo vệ, giữ gìn như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ngày xuân, lên với cao nguyên đá Đồng Văn, du khách sẽ hòa mình cùng hình ảnh những ngôi nhà thấp thoáng phía sau hàng rào đá ẩn mình giữa sắc trắng của hoa mận, sắc thắm của hoa đào…/.

Quang Đạo
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực