Du lịch Việt Nam 2017: Kỳ vọng thêm nhiều bứt phá

Thứ bảy, 28/01/2017 16:48
(ĐCSVN) – Trong năm 2016, Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế tăng 26% so với năm 2015; khách nội địa đạt 62 triệu lượt và tổng thu du lịch đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 18,6%. Năm 2017, ngành du lịch kỳ vọng thêm nhiều bứt phá để tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng.

 

 

Khách quốc tế tham quan Việt Nam. Ảnh: VH

 

Mức tăng trưởng ấn tượng của du lịch Việt Nam

Năm 2016 là năm thành công, phát triển ấn tượng của du lịch Việt Nam. Riêng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hai mốc kỷ lục từ trước đến nay. Đó là tổng số khách đến nhiều nhất trong một năm (trên10 triệu lượt) và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt). Những dấu ấn này đã tạo ra cơ hội cho ngành du lịch tới bước ngoặt vào một thời kỳ phát triển mới. Trong năm 2016, Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế tăng 26% so với năm 2015; khách nội địa đạt 62 triệu lượt và tổng thu du lịch đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 18,6%. Đây là con số mà Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra cho năm 2020. Như vậy, ngành du lịch có thể cán đích trước bốn năm và năm 2016 sẽ trở thành mốc son đánh dấu sự tăng trưởng có tính nhảy vọt.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, làm nên những con số ấn tượng trên là kết quả từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng của tất cả các cấp ban, ngành. Có thể nói, chưa bao giờ, du lịch được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi như hiện nay. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, năm 2016 là một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đối với ngành Du lịch khi lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại Thành phố Hội An, Chính phủ tiếp tục chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha). Cùng với đó, để đạt được mức tăng trưởng nêu trên, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, năm qua, công tác quản lý Nhà nước về du lịch được tăng cường; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp phát triển mạnh mẽ, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng chỉ tiêu cao, lưu trú dài ngày từ các thị trường trọng điểm.

Ngoài ra năm 2016, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và triển khai chiến dịch e-marketting nhằm nâng cao chất lượng truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành Du lịch đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai thực hiện chương trình quảng bá về Du lịch (VTVTrip) nhằm giới thiệu hình ảnh các điểm đến trên kênh truyền hình quốc gia, đồng thời công bố đưa vào hoạt động trang web vietnamtourism.vn với giao diện và nội dung mới phục vụ quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức chiến dịch Why Vietnam, khởi động dự án Super Selfie quảng bá du lịch Việt Nam.... “Có thể nói năm qua là một năm nỗ lực vượt khó của ngành Du lịch Việt Nam” – Ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định

Kỳ vọng về chất lượng tăng trưởng

Năm 2017 kỳ vọng hội tụ chính sách vĩ mô cùng với vào cuộc đồng loạt của khu vực tư nhân sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, trong năm 2017, Quốc hội sẽ thông qua Luật Du lịch sửa đổi. Luật Du lịch sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý cởi mở, thông thoáng, bình đẳng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng và doanh nghiệp hội nhập phát triển. Đồng thời đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ được triển khai; sự ra đời quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; áp dụng thị thực điện tử đi liền với chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường quản lý điểm đến, cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam... là những giải pháp căn bản nhằm đẩy lùi những hạn chế, khiếm khuyết hiện tại để thúc đẩy phát triển đi vào chiều sâu chất lượng, hiệu quả, bền vững với sức cạnh tranh cao.

Mặt khác, đầu tư vào phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ du lịch của cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhiều năm qua đến nay bắt đầu phát huy hiệu quả. Các sân bay: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi... được đầu tư nâng cấp, nhiều đường bay mới, đường cao tốc mới đi vào hoạt động. Năm 2017 cũng là thời điểm ra đời và đi vào hoạt động nhiều cơ sở dịch vụ có tầm cỡ thuộc các tập đoàn: Vingroup, Sungroup, Tuần Châu, FLC, BIM, Mường Thanh, Him Lam... ở Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang, Sầm Sơn, Đồ Sơn, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Hà Nội, Sài Gòn...

Đặc biệt, năm 2017, công tác xúc tiến quảng bá du lịch sẽ được tăng cường mạnh mẽ và đổi mới cả về nội dung và hình thức. Ngoài các phương thức truyền thống như tham gia hội chợ, đón các đoàn FAM/Press, tổ chức phát động thị trường tại nước ngoài, việc ứng dụng marketing điện tử được đẩy mạnh. Sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến quảng bá ngày càng chặt chẽ.

Năm 2017 và đầu năm 2018, theo kế hoạch, Tổng cục Du lịch sẽ tham dự rất nhiều hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài: ITB Berlin (Đức), MITT (Nga), WTM (Anh), CITM (Trung Quốc), TRAVEX (ASEAN), KOTFA (Hàn Quốc) JATA (NHật Bản)...  và chủ trì tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường: Hàn Quốc, Úc và New Zealand, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Tây Ban Nha… Trong đó, tập trung vào chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc và hoạt động quảng bá, xúc tiến nhân dịp Năm APEC 2017 tại Việt Nam.

Tổng cục Du lịch cũng sẽ phối hợp chỉ đạo tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2017 tại Lào Cai và xây dựng kế hoạch tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018 tại Quảng Ninh; tổ chức các hoạt động, sự kiện lớn: Hội chợ VITM 2017, Hội chợ ITE HCMC 2017; tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa để đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa.

Với những tín hiệu tích cực như vậy, dự báo năm 2017, Việt Nam sẽ đón khoảng 11,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 11,5%) và 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch ước đạt 480.000 tỷ đồng (tương đương 24 tỷ USD, tăng khoảng 20%). Dự báo đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón từ 18 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng thu từ du lịch đạt 33 - 35 tỷ USD và đóng góp cho nền kinh tế quốc dân từ 10 - 12%.

V.Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực