(ĐCSVN) - Khoa học công nghệ được xác định là một trong những khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây cũng là con đường ngắn nhất để ngành nông nghiệp đi tắt đón đầu các tiến bộ khoa học của thế giới, hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn khi nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành nông nghiệp ở nước ta.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp là giải pháp mang tính đột phá để nâng cao
năng suất và chất lượng sản phẩm ngành nông nghiệp. (Ảnh: BT)
Những thách thức không nhỏ Hiện nay, có thể thấy ngành nông nghiệp của nước ta còn khá manh mún và nhỏ lẻ với khoảng 13,8 triệu hộ và trên 70 triệu mảnh ruộng, trung bình diện tích sản xuất khoảng 0,3ha/hộ. Đây là một trong những thách thức lớn của ngành nông nghiệp bởi khi diện tích sản xuất không tập trung, rất khó để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện nay, lực lượng nghiên cứu khoa học của nước ta vẫn chủ yếu dựa vào nhà nước là chính, trong khi đó vẫn chưa tận dụng hết nguồn nhân lực nghiên cứu quan trọng từ các nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm đã từng công tác cho khoa học công nghệ nông nghiệp.
Một điểm đáng chú ý nữa là ngành khoa học công nghệ của nước ta có thể nghiên cứu được các giống sản xuất cho năng suất cao, gấp nhiều lần so với năng suất thực tại. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng vào thực tế, do việc tổ chức sản xuất còn yếu kém đã làm giảm năng suất của giống cây trồng kỳ thực đạt được. Giáo sư, Viện sỹ (GS.VS) Trần Đình Long – Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam lấy ví dụ: “Có những giống ngô có thể cho năng suất tới 8 tấn nhưng vì do 85% diện tích trồng không có nước, vì thế ngô chỉ đạt năng suất 4,3 tấn. Như vậy, vấn đề không phải do giống mà do cách tổ chức sản xuất”.
Bên cạnh đó, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, với những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Khánh Hòa là những tỉnh thường gặp thiên tai nặng nề nhất. Nếu không tính toán cẩn thận, phát triển nông nghiệp công nghệ cao dàn trải, khi gặp thiên tai, chúng ta “trở tay” không kịp và mất hết những gì đầu tư.
Chia sẻ về ngành thủy lợi, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết thêm, giữa ngành nông nghiệp và thủy lợi có mối gắn kết hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay, một số dự án thực hiện ở nông thôn đang làm ảnh hưởng tới các công trình thủy lợi. Bản thân các công trình thủy lợi, nếu chúng ta không giữ được thì khó có thể phát triển ngành nông nghiệp.
Một vấn đề đáng bàn nữa là trong sản xuất lúa, theo ý kiến của các nhà khoa học, nên mạnh dạn giảm diện tích lúa, giữ ở mức 3-3,3 triệu ha lúa để trồng, còn lại diện tích chuyển sang trồng các loại cây khác cho năng suất cao hơn. Đây cũng là vấn đề để các nhà khoa học nghiên cứu ra các giống lúa cho năng suất cao hơn, đạt 8-9 tấn/ha và thực hiện triển khai trên diện tích rộng.
Với diện tích quy mô tập trung tạo điều kiện cho việc ứng dụng khoa học công nghệ
và đưa sản phẩm sản xuất theo hướng hàng hóa. (Ảnh: BT)
Cần chú trọng công tác thông tin trong nghiên cứu khoa học Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, quá trình hội nhập với kinh tế quốc tế buộc chúng ta phải đối mặt với những thách thức là các rào cản thương mại quốc tế, đồng thời mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn. Vì vậy, phát triển công nghệ luôn cần được coi trọng, đồng thời rất cần thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tạo ra được đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Theo GS.VS Trần Đình Long, để làm tốt công tác tổ chức sản xuất, rất cần đào tạo đội ngũ quản lý nông nghiệp. Trong đó có chương trình đào tạo bài bản cho những người làm công tác quản lý ngành nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố trên cả nước như: lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các trưởng phòng nông nghiệp, đào tạo đội ngũ chủ nhiệm các hợp tác xã,…Thông qua đó, tạo điều kiện để có đội ngũ chỉ đạo, hướng dẫn giúp bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn.
GS.VS Trần Đình Long cũng nêu thêm, rất cần tăng cường công tác thông tin thông qua việc có đường dây nóng, email để người nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học có thể trao đổi với Bộ NN&PTNT. Qua đó tháo gỡ những vấn đề còn khúc mắc, đồng thời để Bộ nắm rõ hơn về tình hình các hoạt động về khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
“Nhiều nhà khoa học có những vấn đề còn băn khoăn, muốn hỏi ai, nhắn với ai thì rất là khó. Vì vậy, nên có một bộ phận chuyên xử lý vấn đề về thông tin để rút ngắn khoảng cách giữa những người làm khoa học với hệ thống quản lý nhà nước ngành nông nghiệp” – GS.VS Trần Đình Long cho hay.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, ngành nông nghiệp là ngành chịu rủi ro về thiên tai nhất, vì vậy, cần có những định hướng cụ thể về trồng cây, nuôi con gì ở những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Đồng thời, công nghệ cao nên được đầu tư ở những vùng ít chịu ảnh hưởng của rủi ro thiên tai. Bởi nếu như tập trung đầu tư vào một tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai thì chỉ cần một “trận đánh” của bão là có thể mất hết.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để phát huy được khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, rất cần huy động được tổng lực của xã hội, các thành phần kinh tế cùng vào cuộc. Có như vậy mới thúc đẩy được tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với việc lấy khoa học công nghệ làm then chốt.
Cùng với đó, theo ý kiến của các chuyên gia, để phát huy nguồn lực nghiên cứu khoa học công nghệ cho ngành nông nghiệp, cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học đã và đang công tác tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ. Đồng thời cần tháo gỡ những khó khăn về đất đai, có quy hoạch đất đai nông nghiệp với tầm nhìn lâu dài. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp /.