TP.Hồ Chí Minh: Phát triển kinh tế hài hòa với giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách

Thứ sáu, 27/01/2017 11:27
(ĐCSVN) - Năm 2016 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với TP.Hồ Chí Minh. Đó là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ X, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Mặc dù còn gặp những khó khăn, song kết quả đạt được đã và đang tạo nền tảng cũng như động lực cho Thành phố phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ...

Kinh tế tăng trưởng khá

TP.Hồ Chí Minh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, xây dựng thành phố trở thành thành phố đáng sống 
Năm 2016, trong bối cảnh chung của thế giới và trong nước có những mặt thuận lợi song cũng có không ít khó khăn ảnh hưởng tới sự phát triển sản xuất kinh doanh của Thành phố, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp các ngành, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, Thành phố đã vượt qua những khó khăn thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Theo báo cáo của UBND Thành phố, Thành phố đã hoàn thành đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu của kế hoạch năm, 1 chỉ tiêu chưa đạt về xử lý nước thải công nghiệp và 1 chỉ tiêu sẽ đánh giá vào năm 2017 về chỉ số cải cách hành chính. Kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1.023.926 tỷ đồng, tăng 8,05% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,72), hoàn thành kế hoạch cả năm GRDP đạt 8% - 8,5%. Khu vực dịch vụ tăng 8,07% (cùng kỳ tăng 7,9%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,88% (cùng kỳ tăng 6,05%), khu vực nông nghiệp tăng 5,81% (cùng kỳ tăng 5,66%). Xuất khẩu tăng trưởng khá, nếu không tính giá trị dầu thô đạt 29,2 tỷ đôla Mỹ, tăng 10% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,3%). Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,33% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,85%); bốn ngành công nghiệp trọng yếu chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, bình quân 12 tháng tăng 1,98% so cùng kỳ; thị trường ổn định, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Thu ngân sách thực hiện 307.336 tỷ đồng, đạt 103,03% dự toán, tăng 12,43% so cùng kỳ. Hoạt động tín dụng ngân hàng ổn định và tăng trưởng tốt.
Thành phố đã đưa vào sử dụng 111 công trình với tổng mức đầu tư 19.815 tỷ đồng, góp phần giải quyết nhu cầu dân sinh. Bên cạnh vốn ngân sách, Thành phố mời gọi thành công các nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công tư 20 dự án, tổng mức đầu tư 67.223 tỷ đồng, thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường. Tình hình đầu tư trong nước có chuyển biến tích cực, có 36.000 doanh nghiệp thành lập mới, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung đạt 496.571 tỷ đồng, tăng 35,8% so cùng kỳ. Đầu tư nước ngoài tiếp tục có chiều hướng phát triển tốt, đạt 3,7 tỷ đô-la Mỹ. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố cũng nhìn nhận là còn nhiều việc chưa làm được. Môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động. Một số chỉ tiêu kinh tế tuy có tăng nhưng mức tăng thấp hơn so cùng kỳ, như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng trưởng chậm. Nhập khẩu tăng cao chủ yếu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm. Chưa khai thác hết tiềm năng du lịch thành phố. Ứng dụng khoa học công nghệ chưa mang lại hiệu quả cao, phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện 7 chương trình đột phá còn chậm; chưa giải quyết ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; số vụ cháy và số người chết, bị thương do cháy còn cao; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động hội nhập… Phần lớn những tồn tại này do nguyên nhân chủ quan như hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, năng lực cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu….


Phấn đấu năm 2017 chỉ tiêu GRDP tăng từ 8,4 - 8,7%


Năm 2017 được dự báo tuy kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng sức cạnh của nền kinh tế và bản thân doanh nghiệp còn thấp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa khó cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Hơn nữa, đối với Thành phố, nguồn thu ngân sách nhà nước trong năm 2017 được dự báo sẽ bị ảnh hưởng do việc thực hiện miễn giảm các loại thuế theo lộ trình hội nhập quốc tế đã cam kết. Trong khi đó chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao năm 2017 là 347.882 tỷ đồng, tăng 15,79% so dự toán năm 2016 và tăng 12,95% so ước thực hiện năm 2016.  Cùng với việc tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 giảm còn 18% (giảm 5%  so với tỷ lệ được áp dụng thời kỳ ổn định ngân sách kéo dài  2011 - 2016 là 23%) ảnh hưởng đến khả năng cân đối của ngân sách Thành phố. Trước tình hính đó, Thành phố tập trung thực hiện các giải pháp, nỗ lực, cố gắng đảm bảo kế hoạch đầu tư cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề cấp bách về hạ tầng, ngập nước, chỉnh trang đô thị đồng thời với việc chăm lo an sinh xã hội, thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 8,4 - 8,7%. Để đạt mục tiêu trên, Thành phố đang đặt ra quyết tâm ngay từ đầu năm, nhất là đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp.

Thời gian vừa qua phong trào xây dựng thành phố khởi nghiệp được tập trung đẩy mạnh với nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ. Thành phố bố trí gói tín dụng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp; bố trí 2.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho chương trình kích cầu đầu tư. Từ năm 2017, thành phố sẽ tập trung nâng cao hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ đã ban hành; quyết tâm đến năm 2020 đạt 500.000 doanh nghiệp; trong đó năm 2017 phát triển mới 50.000 doanh nghiệp, đây sẽ là nguồn lực rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. 

TP.Hồ Chí Minh đang hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (ảnh:VL)
Bên cạnh đó, hiện thành phố còn 60 doanh nghiệp nhà nước, dự kiến sẽ tiến hành cổ phần hóa trong năm 2017 - 2018. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép thành phố được để lại nguồn thu từ cổ phần hóa để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đây sẽ là nguồn lực khá lớn để thành phố đầu tư các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Hiện nay cũng có rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký tham gia đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố, nếu có cơ chế hỗ trợ tốt, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư chắc chắn sẽ thu hút rất lớn nguồn lực xã hội đầu tư phát triển thành phố. 

Cùng với đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố (cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm) chiếm 60% tỷ trọng toàn ngành công nghiệp (năm 2015), đang từng bước chuyển dịch mạnh mẽ với việc đầu tư nhiều trang thiết bị mới, ứng dụng những công nghệ sản xuất mới, công nghệ chế biến tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực. Chín ngành dịch vụ chủ yếu (tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng, kho bãi, logistics; viễn thông, thông tin truyền thông; kinh doanh bất động sản; tư vấn khoa học công nghệ; y tế kỹ thuật cao; giáo dục đào tạo chất lượng cao) có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm 92,5% tỷ trọng toàn ngành dịch vụ. 

Một số ngành, lĩnh vực vẫn còn nhiều tiềm năng, điển hình là du lịch, hiện nay du lịch thành phố mặc dù chiếm gần 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tuy nhiên sản phẩm du lịch chưa đa dạng, tính kết nối chưa cao, chưa khai thác hết các lợi thế về du lịch đường sông... Thành phố đang tiến hành quy hoạch phát triển ngành du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030, bắt đầu tập trung thực hiện từ năm 2017. Thành phố cũng đang hoàn chỉnh Đề án xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực… Đồng thời theo dõi tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố 5 năm qua cho thấy, trung bình mỗi năm thành phố tăng trưởng cao hơn khoảng 0,3 - 0,5 điểm %. 

Từ những phân tích trên cho thấy nếu có cơ chế, chính sách phù hợp có thể thu hút nguồn lực xã hội, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, năm 2017, thành phố hoàn toàn có thể thực hiện đạt chỉ tiêu GRDP tăng từ 8,4 - 8,7%.

Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng

Bên cạnh việc phát triển kinh tế mạnh mẽ, các vấn đề xã hội cũng được Thành phố quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng còn nhiều vấn đề tồn tại gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn. Đó là, chương trình giảm ùn tắc giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giảm ô nhiễm môi trường và chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị... Để trở thành thành phố đáng sống, để đảm bảo mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người dân, Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện các Chương trình hành động trên với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, thực hiện các giải pháp toàn diện phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với các tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị cũng như các vấn đề hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện…

Đối với Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, sẽ tập trung phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục đầu tư xây dựng các đường vành đai, đường trên cao, đường xuyên tâm, các tuyến đường sắt đô thị và các công trình giao thông tĩnh; phát triển nhanh và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Với Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thành phố sẽ tập trung nguồn lực triển khai nhanh các công trình trọng điểm, cấp bách, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước, không để phát sinh điểm ngập mới, giảm thiểu tác hại của tình trạng ngập nước đô thị do biến đổi khí hậu.

Đối với Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Thành phố sẽ thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

Còn với Chương trình về chỉnh trang và phát triển đô thị, thành phố triển khai các giải pháp đột phá để di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch với chỉ tiêu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu di dời toàn bộ 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch. Riêng giai đoạn 2015 - 2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn. Bên cạnh đó hình thành các khu dân cư mới khang trang hơn, tiện nghi hơn phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn.

VL
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực