Văn hóa đọc - một năm nhìn lại

Thứ hai, 30/01/2017 09:39
(ĐCSVN) - Năm 2016 là năm đặc biệt của ngành xuất bản sách, của những người yêu sách khi Ngày Sách Việt Nam, Hội chợ Sách… đang dần trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, văn minh của những người yêu sách, góp phần vào việc thay đổi và dần nâng cao văn hóa đọc.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, bắt đầu từ năm 2014, là một quyết định bước ngoặt, làm cho cả xã hội có một sự chuyển động tích cực theo hướng khôi phục và phát triển văn hóa đọc. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và bản quyền thế giới, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam như: Tổ chức hội sách, quyên góp sách tặng trẻ em thiệt thòi, xây dựng thư viện tại các vùng sâu, vùng xa, thư viện tại các vùng biên giới… đã được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của nhiều nhà xuất bản, cơ quan phát hành, thư viện và các trường học từ phổ thông đến đại học…

Năm 2016, với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách, báo và tri thức trong đời sống, các sự kiện Ngày Sách, Hội Sách… được tổ chức thường xuyên. Và dù được tổ chức với quy mô nào, các chương trình này cũng thu hút hàng ngàn, hàng vạn người đến xem, chọn mua sách. Đến với các Hội Sách mới thấy được hết sự sôi động của thị trường sách Việt Nam trước sự ra đời của nhiều doanh nghiệp làm sách, cùng các thể loại sách "trăm hoa đua nở". Thế nhưng, việc Hội Sách thu hút đông người tham gia, lượng sách bán ra với con số ấn tượng như thế đã đủ để khẳng định: Văn hóa đọc đã được nâng cao?!, và một câu hỏi luôn được đặt ra: Thực trạng của văn hóa đọc ra sao?!

Hội Sách thu hút nhiều độc giả đến xem và chọn mua sách (Ảnh: Nguyễn Phương)

Có thể nói rằng, văn hóa đọc đã dần thay đổi theo hướng tích cực, nhưng “thực sự được nâng cao” thì chưa hẳn. Bởi, việc sách phong phú hơn, được quảng bá rộng rãi hơn cũng chưa góp phần nâng cao văn hóa đọc của cả xã hội khi có quá nhiều "sách rác", có quá nhiều sách cung cấp những thứ kiến thức kiểu "làng nhàng" và cũng không thiếu những sách làm sai về mặt nội dung đến đáng ngại (nhất là mảng sách cho thiếu nhi). Đó là chưa nói đến những sách sai lỗi chính tả, văn phong ẩu, dung tục…

Cũng có thực tế rằng, nhiều người đi Hội Sách không hoàn toàn vì mục đích “đọc” mà chỉ là để xem cho vui. Hội Sách nào làm hoành tráng thì người ta đến “ngó” rồi khi thấy nhiều sách giảm giá lại nghĩ “chẳng lẽ về không”. Mua một cuốn về đọc được vài trang xong, để rồi bỏ xó...

Việc một quốc gia có Ngày Sách và hàng năm tổ chức nhiều ngày hội đọc sách là một việc làm thiết thực, góp phần nâng cao văn hóa học của người dân. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng: “Đọc” là một lẽ tự nhiên của con người, là nhu cầu, là sự thích thú…, không lệ thuộc vào khẩu hiệu, không bị chi phối bởi một sự gò ép nào cả. Điều quan trọng là cần khuyến khích người Việt đọc sách nhiều hơn, từ đó đưa việc đọc trở thành một thói quen và dần nâng cao năng lực đọc cũng như tiếp cận tri thức.

Thiết nghĩ, muốn văn hóa đọc của cộng đồng phát triển được thì ngay từ bây giờ, phải bắt đầu tạo thói quen đọc sách ở thế hệ thiếu nhi. Nhưng để phổ biến thói quen đọc sách và văn hóa đọc nói chung một cách bền vững hơn, có lẽ trước tiên cần phải chú trọng đến việc đọc sách trong nhà trường. Từ những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa vốn là kinh điển cần được giáo viên chú trọng vào phương pháp giảng dạy truyền cảm đến học sinh cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, của văn chương để các thế hệ học sinh tự giác tìm về với sách như một thú vui, như một nhu cầu tự nhiên…

Không chỉ ở nhà trường, việc giáo dục về việc đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Các bậc phụ huynh cần khuyến khích và định hướng con trẻ từ khi còn nhỏ để có thể tạo cho con một thói quen, một tình yêu cùng sách, giáo dục cho con lòng đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách. Cần định hướng cho người đọc nói chung và bạn đọc trẻ nói riêng, việc đọc sách không phải là theo trào lưu, mà còn giúp nâng cao nhận thức, tích lũy tri thức. Để thu hút các em, sách không chỉ cần nội dung tốt mà còn phải có hình thức đẹp, hấp dẫn. Người lớn cần làm công tác thẩm định để cung cấp cho các em tác phẩm có ích ngay từ đầu. Dần dần, cùng với sự hình thành thói quen đọc sách, các em sẽ tự biết lựa chọn những tác phẩm sách hay, phù hợp và bổ ích tùy theo lứa tuổi.

Chúng ta thường “đổ lỗi” cho việc giới trẻ ngay nay lười đọc hay họ không biết chọn sách. Có những bạn chạy theo phong trào để đọc sách. Có nhiều sách được coi là “sách đen” vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc hăng say. Nhưng, chính các nhà quản lý, các nhà xuất bản… đã giới thiệu quá nhiều đầu sách, nhưng chưa có định hướng để đọc một cách có văn hóa. Rất cần có một đội ngũ và một hệ thống thẩm định sách một cách khách quan, nghiêm túc và có chất lượng để giới thiệu những đầu sách có giá trị.

Ngoài ra, hiện này các ngày hội sách, giới thiệu sách chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, còn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì hầu như không có. Hơn nữa, giá sách đa số còn cao so với mức sống của nhiều người dân, nên giá cả vẫn là trở ngại với một bộ phận người thích đọc sách, nhất là ở vùng nông thôn.

Mọi sự luôn phải có sự khởi đầu. Có thể những nỗ lực của Chính phủ, của những nhà xuất bản, những người làm sách… chưa thể thay đổi ngay lập tức cục diện về văn hóa đọc tại Việt Nam, nhưng những gì chúng ta thấy được trong thời gian qua thực sự là tín hiệu tích cực để có thể hy vọng...

Hồng Ngọc
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực