Ngày tết, các gia đình đồng bào Mường ở Hòa Bình đều dựng cây nêu ở vị trí trang trọng phía trước nhà. (Ảnh NQ)
Là một trong những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mường, dựng cây nêu ngày tết đã trở thành một phong tục không thể thiếu của mỗi gia đình người Mường ở Hòa Bình. Không chỉ mang đậm những giá trị văn hóa độc đáo, tục dựng cây nêu ngày tết còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc gắn với đời sống văn hóa, phong tục tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người Mường.
Dịp cuối năm là thời điểm công việc nương rẫy đã cơ bản hoàn thành. Những nương lúa đã thu hoạch xong đang chờ một vụ canh tác mới. Lúa, ngô, khoai, sắn đã được mang về để gọn gàng trong các căn nhà sàn nhỏ xinh. Người người phấn khởi chuẩn bị cho việc đón tết truyền thống với nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi. Tết năm mới, trong tiếng Mường cổ được gọi là “Thết năm mởi”. Theo phong tục người xưa để lại, khi cây nêu được dựng lên là lúc người Mường chính thức bắt đầu các hoạt động chuẩn bị để đón tết, mọi công việc khác đều dừng lại để nhường chỗ cho công tác chuẩn bị. Nếu ở một số vùng, đồng bào dân tộc Kinh dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp, tức là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời thì ở các huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, người Mường thường dựng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp. Cộng đồng dân tộc Mường gọi đó là Lễ lên nêu. Sau đúng 10 ngày, đến ngày 7 tháng Giêng, khi người Mường tổ chức hội Khai hạ cũng là thời điểm các gia đình làm lễ dỡ cây nêu xuống còn gọi là “hạ nêu”.
Về nguồn gốc của tục dựng cây nêu trong ngày tết, truyện cổ của dân tộc Mường ở Hòa Bình kể lại rằng: Thủa xưa, khi đất trời hỗn mang, lũ ma quỷ hoành hành gây nên bao tai ương trên đất mường. Theo lệnh của Mệ Vua Woàng Bà hay còn được gọi là Phật Bà (Phật của người Mường), con dân đất mường khắp nơi gia nhập các đội quân đánh quỷ do Mệ Vua thành lập. Đội quân đội nào cũng có cồng chiêng, có lệnh, vừa đánh quỷ vừa tấu chiêng dậy đất. Lũ quỷ thua trận bỏ chạy đến đâu, theo phép Mệ Vua dân mường cho cắm cây Nêu nhận và giữ đất đất đến đó. Trên cây Nêu có treo chiếc áo của Phật sử dụng phép biến hóa, hễ bóng của chiếc áo tỏa ra đến đâu lũ quỷ bỏ chạy khỏi đó và đấy cũng là đất của Phật cho con người sinh sống. Sau đó, vào dịp tết cổ truyền, người Mường đều dựng cây nêu để tỏ lòng tưởng nhớ công ơn của Mệ Vua và đuổi trừ ma quỷ.
Theo đó, ngày 28 tháng Chạp, cùng với việc chuẩn bị các loại rượu, thịt, bánh và mâm cơm để cúng gia tiên, các gia đình người Mường ở Hòa Bình đều dựng một cây nêu ở vị trí trang trọng phía trước sân nhà. Thông thường, cây nêu được làm từ cây tre. Cũng có nơi sử dụng cây lành hanh, là loại cây thuộc họ nhà tre nhưng thân nhỏ, đốt thưa, thẳng và khá cao. Đàn ông trưởng thành trong bản rủ nhau vào rừng tìm cho được những cây tre, cây lành hanh thật thẳng, cao khoảng 6 - 8 mét và còn nguyên ngọn. Kinh nghiệm là thường lấy những cây ở phía ngoài cùng của bụi tre hay bụi lành hanh vì những cây này thường dễ đào trọn cả vầng gốc, có nhiều rễ; khi trồng xuống đất để dựng làm cây nêu sẽ tươi lâu hơn. Sau đó, người ta sẽ tỉa sạch các nhánh và lá ở phía dưới, chỉ để lại tán tròn ở phần ngọn. Dọc theo thân cây nêu, người Mường hay treo những vật dụng lao động như cuốc, bừa, dao… được đan bằng tre, nứa. Phía trên ngọn cây nêu, thường được treo một lá cờ Tổ quốc buộc chếch 45o so với thân cây. Với những cây nêu cao, dù đứng ở xa người ta vẫn có thể thấy khá rõ sắc đỏ của lá Quốc kỳ tung bay trong gió xuân.
Ngày xuân, ghé thăm những bản làng vùng cao của cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình, du khách như lạc giữa “rừng” cây nêu với lá cờ Tổ quốc được dựng phía trước những nếp nhà đơn sơ. Và hình ảnh cây nêu xanh cùng là Quốc kỳ đỏ thắm nổi bật giữa sắc xanh của núi rừng như nhắc nhở mỗi người về truyền thống cha ông, về tinh thần yêu nước…
Già làng Bùi Văn Khoản ở xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) xúc động chia sẻ: “Không biết từ bao giờ, mỗi khi tết đến là các gia đình trong bản không ai bảo ai đều dựng cây nêu ở phía trước nhà. Trước đây, còn chế độ Lang đạo thì cả bản phải tập trung dựng cây nêu ở nhà Lang trước tiên. Từ sau ngày độc lập, cây nêu còn được gắn thêm lá cờ Tổ quốc thiêng liêng để vừa nhắc nhở con cháu về phong tục tết xưa vừa khắc ghi công ơn của Đảng, Bác Hồ”.
Tiếp cận từ góc độ văn hóa truyền thống, ẩn chứa bên trong việc chuẩn bị và dựng cây nêu mỗi dịp tết đến, xuân về chính là niềm vui mừng đón năm mới, mừng tổ tiên về vui với con cháu; là mong muốn đuổi những điều bất hạnh và ước nguyện về một năm mới an lành, may mắn. Cây nêu đã tạo nên thế cân bình trong sự vận hành thay đổi giữa năm cũ và năm mới, con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ và hướng về một năm mới với nhiều may mắn, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở... Cùng với đó, việc dựng nêu còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục con người về tình yêu quê hương, đất nước; nhắc nhở con cháu đạo hiếu với ông bà, tổ tiên… Có thể thấy, dựng cây nêu ngày tết của cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình là một phong tục đẹp, chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu, giá trị văn hóa và mang tính nhân văn cao cả.
Cùng với sự giao thoa về văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc, ngày nay, phong tục dựng cây nêu ngày tết của người Mường ở Hòa Bình còn mang ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”; tiễn năm cũ, đón năm mới để cầu may mắn; là sự giao hòa giữa con người và đất trời, thiên nhiên trong quãng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong khi ở một số vùng miền, tập tục văn hóa truyền thống này đang dần bị mai một thì tại các bản làng vùng cao ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc, Cao Phong.. của tỉnh Hòa Bình, tục dựng cây nêu vẫn luôn được cộng đồng dân tộc Mường lưu giữ và truyền lại qua các thế hệ.
Những ngày này, hoa đào thắm đỏ cùng hoa mơ, hoa mận trắng tinh đã và đang bung nở trên khắp núi rừng Hòa Bình. Và ẩn hiện trong bức tranh mùa xuân độc đáo đó là hình ảnh những cây nêu cùng lá cờ Tổ quốc như tạo nên một cảnh sắc độc đáo, riêng có của các bản làng người Mường trong thời điểm quê hương, đất nước vào xuân./.