Giáo dân hái lộc Xuân là những lời Chúa dạy về đạo đức, yêu thương, bình an, hạnh phúc... (Ảnh: AL)
Trong không khí cả nước chuẩn bị đón Tết, người Công giáo cũng rộn ràng chuẩn bị đào hoa, mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, lau bàn thờ… Song bên cạnh đó, họ còn có cách đón năm mới rất riêng, đó là chuẩn bị tâm hồn trong sáng: dọn mình xưng tội, làm nhiều việc bác ái như thăm hỏi tặng quà người nghèo khó, người khuyết tật… Những giáo dân tin rằng đó là những việc làm để lại may mắn cho con cháu và phúc phần cho chính mình sau này. Do đó, các xứ đạo thường tổ chức gói bánh chưng, chung tay mua quà tặng người neo đơn, người khuyết tật và những bệnh nhân phong cùi.
Đến đêm 30 Tết, cha xứ cử hành Thánh lễ đón Giao thừa tại nhà thờ. Bà con giáo dân quy tụ chung dưới ngôi thánh đường. Sau những nghi lễ tôn giáo, các giáo dân sẽ lên hái lộc xuân. Lộc xuân là những lời Chúa dạy về đạo đức, yêu thương, bình an, hạnh phúc... được in trang trọng và đính trên cây đào, cây mai. Cây lộc đặt gần nơi cha xứ làm lễ. Giáo dân phấn khởi lên hái lộc trong tiếng thánh ca vui mừng. Lộc xuân được giáo dân đem về đặt tại nơi trang trọng trong nhà mình, coi đó như tôn chỉ mục đích sống tốt lành cho cả năm.
Hái lộc được tổ chức vào thánh lễ Giao thừa hoặc thánh lễ mùng 1 Tết. Các thánh lễ này có sự tham dự của tất cả các đội nhạc như trống, kèn Tây, cồng chiêng… Đúng thời khắc Giao thừa tất cả các đội sẽ đồng loạt nổi nhạc, chuông nhà thờ rộn ràng ngân vang, tạo nên không khí vui tươi của mùa xuân mới.
Những năm gần đây, hầu khắp các xứ đạo đều thành lập được đội kèn Tây, trong đó có những đội kèn độc đáo chỉ toàn nữ nhạc công. Có những đội kèn quy mô hoành tráng tới 500- 600 nhạc công. Vì thế, các lễ đón Giao thừa, lễ mừng năm mới thường rất sôi động, vui tươi.
Ở một số xứ đạo thuộc giáo phận Thái Bình, Tp.Hồ Chí Minh, dịp tết Nguyên Đán còn tổ chức tế giao thừa tại nhà thờ với các đội nhạc tấu. Sau tiếng nhạc là lời thỉnh nguyện cho Tổ quốc, cho giáo hội, quê hương…
Ngày mùng 2 Tết cũng rất đặc biệt với người Công giáo, vì đây là dịp để tất cả con cháu dâng lời cầu nguyện xin cho linh hồn ông bà tổ tiên sớm được về nơi Thiên đàng. Không khí vui vẻ đầu năm mới cộng thêm lòng thảo kính ông bà, khiến ai ai cũng tới nhà thờ trong tâm trạng ngập tràn niềm vui.
Nếu như những gia đình lương dân thường làm cơm cúng tổ tiên trong các ngày đầu năm mới và tảo mộ vào tiết Thanh Minh thì với người Công giáo, họ không cúng mà chỉ thắp nén tâm hương và có riêng một ngày lễ để nhớ tới những người đã khuất trong dịp Tết, đó chính là ngày mùng 2 Tết. Tiếp đến là ngày "Nhận Tiên nhân" mùng 3 hoặc mùng 4. Các con cháu trong gia tộc tụ họp tại vườn Thánh (nghĩa trang) để sửa sang mộ phần cho ông bà cha mẹ. Không có quan niệm "trần sao, âm vậy", các giáo dân chỉ thắp nén tâm nhang, đặt bông hoa thanh bạch và đọc lời cầu nguyện cho các linh hồn sớm được tha thứ tội lỗi đã phạm nơi trần thế để được về nước trời.
Tuy không cúng bái linh đình nhưng trước Tết, người Công giáo đã dành hẳn cả tháng 11 dương lịch, gọi là Tháng các linh hồn để kính nhớ ông bà tổ tiên, người đã khuất. Trong tháng này, con cháu sẽ chỉnh trang mộ phần, vườn Thánh. Tối đến, vào một giờ nhất định cả làng lại cùng nhau ra vườn Thánh thắp hương, nến, hoa cầu nguyện cho người đã khuất. Cả vườn Thánh lung linh ánh nến, người người quy tụ tạo nên không gian ấm cúng linh thiêng, như xóa đi khoảng cách giữa người sống và người đã khuất.
Như vậy, chữ “Hiếu” với người đã khuất trong những ngày Tết được người Công giáo thể hiện rất trang trọng, sâu lắng mà không hề phô trương tốn kém. “Thờ” hiểu theo nghĩa của người Công giáo là “thờ kính” cha mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục… chứ không phải thờ cúng một vị thần thánh, hay đấng tối cao. Người Công giáo không tin người chết sẽ hưởng dùng những hoa trái, mâm xôi, thịt cúng, mà chỉ biểu lộ lòng thành kính, hiếu thảo của cháu con. Họ tin rằng, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích: được đền bù tội lỗi, được con cháu báo hiếu và được phúc phần ở đời sau.
Đối với các đôi vợ chồng mới cưới, theo niềm tin Công giáo, hôn nhân của họ là do ý định của Thiên Chúa và được Người chúc phúc: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. Với quan niệm này, hôn nhân Công giáo rất đỗi thiêng liêng, bền vững mãi mãi.
Với ý nghĩa tốt đẹp trên, hôn nhân Công giáo thường được tổ chức tại nhà thờ trước khi tổ chức theo nghi thức xã hội. Tết đến, đôi vợ chồng mới cưới sẽ nhận được nhiều lời chúc phúc nhất. Cái Tết của họ sẽ được gọi là "Tết mới". Trong "Tết mới", hai vợ chồng sẽ cùng nhau mang "lễ vật" đi chúc Tết những bậc cao tuổi và người thân trong dòng họ.
Lễ vật rất đơn giản, giàu nét văn hóa địa phương. Người được chúc Tết cũng sẽ nhận lễ vật của đôi vợ chồng mới cưới nhưng sau đó họ sẽ trao lại và không quên mừng tuổi cho đôi vợ chồng mới, dù chỉ là vài chục nghìn đồng nhưng nó sẽ mang đến may mắn cho tổ ấm và bước đường làm ăn của cả năm.
Người Công giáo cũng không có quan niệm chọn ngày xông nhà, xông cơ quan trong năm mới và không kiêng ngày nào là ngày xấu. Với họ, mọi ngày đều là tốt đẹp nếu như mình ăn ở hiền lành, phúc đức. Vì thế, kể các ngày mà nhiều người kiêng kỵ thì người Công giáo vẫn đi chúc Tết, vẫn tổ chức các công việc bình thường.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, người Công giáo Việt Nam vừa có chung niềm vui trong truyền thống dân tộc vừa có nét riêng độc đáo giàu ý nghĩa, biểu hiện sự hội nhập giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam cũng như quá trình Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc./.