Từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám nghĩ đến truyền thống hiếu học

Thứ hai, 19/02/2018 16:53
(ĐCSVN) - Những thông điệp xuyên thời gian mà cha ông ta gửi lại ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn còn nguyên giá trị, cả về giáo dục, đào tạo, trọng dụng trí thức và nghĩa vụ, trách nhiệm của trí thức đối nhân dân, đối với đất nước.
Du khách thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.
(Ảnh: Quốc Khánh)

 

Ngày Tết, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn luôn là điểm vãn cảnh đầu xuân rất có ý nghĩa, chợ “Ông đồ” góp phần làm sống lại phần nào không khí học hành thi cử ngày xưa. Quanh năm, di tích này không khi nào vắng khách, nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa, giáo dục diễn ra tại đây như lễ công bố và trao giấy chứng nhận học hàm; dâng hương trong các kỳ thi học sinh giỏi; phát phần thưởng của các trường học… Bên cạnh đó, lượng người đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám khấn vái, cầu may trong thi cử cũng rất đông, ngôi trường đại học đầu tiên trong lịch sử dân tộc trở thành một cơ sở thờ tự, tín ngưỡng của nhân dân.

 

Trong lịch sử, nơi đây có hai phần, trước hết là Văn Miếu lập năm 1070 – là Miếu thờ Văn Tuyên Vương Khổng Tử (551 TCN – 479 TCN), ông tổ của đạo Nho và là triết gia cổ đại lỗi lạc. Bên cạnh đó, Văn Miếu thờ các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Phần thứ hai là Quốc Tử Giám, trong đó Giám có nghĩa là một cơ quan, Tử là học trò và Quốc là quốc gia. Trước hết, đây là trường học của hoàng gia, học trò đầu tiên chính là các hoàng tử nhà Lý sau đó từng bước dành cho con nhà quan lại và học trò giỏi con nhà thường dân trong cả nước, đặt nền móng mở đầu nền đại học của nước ta.

 

Giáo dục và thi cử để tuyển chọn quan lại cho bộ máy nhà nước là một bước tiến dài so với nhà Tiền Lê, nhà Đinh trước đó. Với các trí thức lớn như Lê Văn Thịnh, Mạc Hiển Tích và nhiều tiến sĩ được đào tạo và tuyển chọn, nhà Lý đã đưa đất nước vào kỷ nguyên cường thịnh và phát triển, Bắc thì phá Tống, Nam thì bình Chiêm, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển rực rỡ. Đến nhà Trần, nhà Lê thì khoa cử đi vào quy củ, nền nếp… Quan điểm về đào tạo và trọng dụng nhân tài của tổ tiên ta thể hiện điển hình trong Bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất năm 1442, do Tiến sĩ Thân Nhân Trung ( người Tày, quê Bắc Giang) soạn: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”. Với quan điểm đó, đội ngũ trí thức được tuyển chọn tham gia bộ máy nhà nước khiến các triều đại trong lịch sử Việt Nam tạo được vị thế độc lập tự cường và xây dựng được một nền văn hiến Đại Việt, phù hợp với bối cảnh lịch sử đương thời.

 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám hôm nay là một di tích, ghi dấu truyền thống hiếu học vẻ vang của tổ tiên ta, thể hiện khát vọng giành lấy những đỉnh cao tri thức của sĩ tử, cũng như mong mỏi, kỳ vọng của triều đình, của nhân dân đối với trí thức. Trên 82 tấm bia ghi danh Tiến sĩ còn lại, đều có chung phong cách mở đầu bằng bài ký, sau đó đến phần ghi tên, mà bia Tiến sĩ Trung Quốc, Hàn Quốc không có những bài bi ký đặc sắc như của Việt Nam. Các bài ký đó thể hiện quan điểm về giáo dục, đào tạo nhân tài, ca ngợi, biểu dương thành tích của các Tiến sĩ nhưng kèm theo đó bao giờ cũng là những lời nhắc nhở, khuyên răn rất thống thiết.

 

Đơn cử, bài ký khoa Quý Mùi, năm 1463 nêu: “Kẻ sĩ may mắn được ghi danh vào tấm đá này, phải làm cho danh đúng với thực … Những người ở chức tháp tùng hầu vua phải lo dâng tiến mưu hay, những người nắm giữ kỷ cương phải lo làm cho chính sự trong sạch, những người cai trị địa phương phải lo… sao cho nơi mình làm quan dân được no đủ mà gốc nước được vững bền … khiến cho người đời đến xem đọc bia đá này, chỉ vào tên mà nói: Đây là những người trung với nước, hiếu với dân, bàn nói ngay thẳng làm sáng thánh đạo, giữ vững đạo đức kiến lập công lao, được như thế là may mắn lắm. Nếu không được thế thì người xem đưa mắt bảo: Kẻ này nhu nhược, kẻ này đức mỏng, kẻ này hèn nhát... Công luận còn đó, há chẳng nên cẩn thận lắm sao?”. Thậm chí có tấm bia còn ghi “Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đỗ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian tà, kẻ này nịnh hót, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục” (Văn bia khoa thi Mậu Tuất -1478).

 

Những thông điệp xuyên thời gian mà cha ông ta gửi lại ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn còn nguyên giá trị, cả về giáo dục, đào tạo, trọng dụng trí thức và nghĩa vụ, trách nhiệm của trí thức đối với nhân dân, đối với đất nước.

 

Truyền thống ấy được tiếp nối không ngừng. Ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một trong những biện pháp cấp bách lúc bấy giờ là xóa nạn mù chữ. Bác viết: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”. Và trong bức thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai trường tháng 9/1945, Bác nhấn mạnh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

 

Từ quan điểm sáng suốt đó, dân trí được khai mở, công tác giáo dục, đào tạo được phát huy, xây dựng được đội ngũ trí thức góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

 

Ngày nay, Đảng ta khẳng định, giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đầu tư cho giáo dục được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Cuộc cách mạng 4.0 làm thay đổi về bản chất một số loại hình công việc, một phần lao động của con người được thay thế bằng tự động hóa, bằng trí tuệ nhân tạo đang đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một nhu cầu và một thách thức lớn đối với Việt Nam, làm sao để có nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi chuyên môn, thích ứng với bước phát triển mới của khoa học và công nghệ, có đầy đủ tinh thần và ý thức trách nhiệm…

 

Trở lại với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nếu chúng ta tiếp thu và phát huy được tinh hoa mà cha ông để lại, có một nền giáo dục thực chất, vừa dân tộc, vừa hiện đại thì Việt Nam nhất định sẽ đến ngày “sánh vai cùng cường quốc năm châu” độc lập, tự chủ và giàu mạnh như Đại Việt xưa “cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương” như Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định./.

Minh Khôi - Đăng Dương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực