(ĐCSVN) - Chợ Minh Lương (thôn 3, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) là một chợ phiên độc đáo, chỉ họp vào các ngày 1 và ngày 6 (Âm lịch) trong tháng. Chợ không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm thường ngày của bà con địa phương, giúp thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, mà lớn hơn thế, còn là nỗi nhớ nhung của bao người con xa quê mỗi khi nhớ về những buổi chợ phiên chân chất dấu yêu từ trong kí ức…
Cảnh tấp nập người mua bán tại chợ Minh Lương trong phiên họp cuối cùng của năm.
Sáng tinh mơ ngày 26 tháng Chạp, những ngày ít ỏi còn lại của năm Bính Thân, chúng tôi thức giấc thật sớm để đi phiên chợ cuối cùng của năm. Vừa ra đầu ngõ là cảnh tấp nập, người xe, kẻ gánh người gồng, một không khí hối hả, khẩn trương đổ về chợ từ các thôn xóm trong xã. Trên gương mặt ai cũng hiện rõ nét tươi vui, hồ hởi khi đến chợ để mua sắm tết.
Từ thôn 4 xã Minh Lương, đi bộ chừng 15 phút hướng về trung tâm xã là tới chợ. Vừa đến nơi, chúng tôi đã cảm nhận được những âm thanh lao xao của người đi chợ, đó là tiếng mặc cả mua bán, tiếng cười nói, tiếng những con gà mái kêu quác quác khi bị treo lên móc cân, tiếng mấy con lợn vùng vẫy vì bị trói kêu éc éc…tất cả đã hòa âm lên thành bầu không khí nhộn nhịp, cảm giác trong mỗi người thật bình an, sung túc, tựa như mỗi khi trong nhà có đám cưới.
Đi chợ phiên ngày giáp Tết, có lẽ vui nhất là lũ trẻ con, bởi thường trong dịp này chúng sẽ được bố mẹ cho ăn nhiều quà, được sắm cho những bộ quần áo tươm tất để đón Tết. Khi hòa mình vào chợ, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ bịn rịn bám theo gấu áo của mẹ vì sợ lạc, có đứa khác chắc lần đầu theo mẹ ra chợ nên không giấu nổi vẻ bỡ ngỡ…
Tuy là chợ nông thôn nhưng người dân họp chợ rất có lề lối. Các mặt hàng được bày bán theo khu vực rất quy củ. Có khu vực dành cho bán đồ tươi sống như thịt, cá; có khu vực dành cho bán gia cầm gà, vịt; khu khác lại dành cho rau quả, đồ khô và quần áo…Điều dễ nhận thấy ở chợ phiên Minh Lương là sự phong phú của những thứ hàng mà người dân bày bán không phải là những mặt hàng được nhập từ nơi xa mà chủ yếu là những sản vật được chính bàn tay của người dân địa phương làm ra.
Sự thân thiện, gần gũi ở một phiên chợ quê miền núi hiện hữu trên từng khuôn mặt người.
Hàng hóa chủ yếu là các sản vật nông nghiệp bà con làm ra đem bán tại chợ trong ngày giáp Tết.
Mùa cuối năm, đặc sản ở chợ phiên Minh Lương là những mớ cải xanh non mướt được trồng trên những sườn đồi, hay bãi soi ven suối. Những hạt nếp nương mẩy tròn, những trái cam sành, quả quýt, quả bưởi quyện hương thơm nức chợ.
Không chỉ có thế, những con gia cầm vốn là đặc sản sạch của vùng này như vịt thả rông trên suối, gà đồi, rồi lợn sạch cũng được người dân mang đến bán ở chợ. Chẳng thế mà đều đặn cứ đến ngày 1, ngày 6 của tháng trong năm, nhiều người dân ở các xã khác như Ấm Hạ, Gia Điền, Hà Lương, Đại Phạm (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) cách đó cả chục cây số đã “lặn lội” đến chợ phiên Minh Lương để mong mua được thực phẩm sạch.
Mặc dù là xã vùng miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ, nhưng người dân Minh Lương vẫn rất hào phóng và cởi mở khi bán hàng. Vì sản vật do mình làm ra nên giá cả vừa phải, không bán đắt và không bao giờ chèo kéo khách. Bởi theo họ, bán hàng làm sao để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Vì thế, đến chợ phiên Minh Lương, ai ai cũng cảm thấy thoải mái trong một không khí chợ quê thuần Việt.
Bà Nguyễn Thị Lan, ở thôn 3 xã Minh Lương cho biết: Chợ phiên Minh Lương họp đã thành lệ từ nhiều năm nay, và cũng không ai biết rõ là chợ phiên hình thành từ bao giờ. Trước đây, ngày thường cũng có chợ nhưng chỉ lác đác mấy hàng thịt cá, hoa quả, tạp hóa. Do đặc thù sinh hoạt sản xuất của vùng, ngày thường người dân phải lên đồi, xuống ruộng lao động không có thời gian đi chợ thường xuyên nên chợ phiên vẫn được người dân duy trì và thịnh hành. Chỉ có ngày chợ phiên mới đông vui tấp nập. Thời điểm đó người dân sẽ mua sắm đồ dùng và nhu yếu phẩm cho gia đình trong cả tuần lễ...
Những người dân hồn hậu tại chợ phiên chia sẻ rằng, một số năm trước đây khi chợ phiên Minh Lương chưa đông vui như bây giờ, người dân mỗi lần muốn mua sắp thực phẩm, nông cụ hay các vật dụng đều phải cuốc bộ đi xa hàng chục cây số ở nơi khác mới có chợ. Tuy nhiên những năm qua, Minh Lương đã được thụ hưởng Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới, cùng nhiều chương trình phát triển kinh tế lồng ghép khác từ Chính phủ, đã kiến thiết cho Minh Lương cơ sở hạ tầng cơ bản, giao thông đi lại thuận tiện. Từ đó, hoạt động giao thương buôn bán cũng theo đà khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.
Cùng với bản sắc thuần Việt của một phiên chợ quê, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” dường như đã về vùng địa phương tự lúc nào. Chẳng thế mà những gian hàng bày bán ở chợ, ngoài sản vật của người dân làm ra, những lái buôn từ nơi xa đến đều mang về hàng hóa có xuất xứ Việt. Từ những vật dụng trong đời sống hàng ngày cho đến những hàng tiêu dùng thiết yếu đều là hàng Việt Nam, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Theo đa số người dân ở đây, dùng hàng Việt cảm giác yên tâm, vì đảm bảo cho sức khỏe lại hợp với túi tiền. Người dân Minh Lương đã thực sự nhận thức được vai trò của hàng Việt trong đời sống hàng ngày. Thế mới thấy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của chúng ta đã thực sự lan tỏa sâu rộng, từ đồng bằng cho tới vùng cao, từ miền núi cho đến nơi hải đảo xa…
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lương cho biết: Chợ phiên Minh Lương từ lâu là nơi giao lưu buôn bán của người dân địa phương. Từ khi tuyến đường ĐT 319B chạy qua xã được nâng cấp trải nhựa, chợ phiên Minh Lương ngày càng đông vui, hoạt động giao thương thuận lợi đã giúp địa phương rất nhiều trong việc tìm đầu ra cho các loại sản phẩm nông sản, rau củ, lương thực, hoa quả và cây gỗ nguyên liệu. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người dân địa phương từ lâu đã ưu tiên dùng các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, trong đó có các sản phẩm do chính người dân làm ra.
Phó Chủ tịch xã Nguyễn Ngọc An nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều đổi thay nhưng hiện Minh Lương vẫn là xã miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ, địa hình chủ yếu đồi núi, xa các trung tâm hành chính – kinh tế, thu nhập của người dân chưa cao. Gần đây địa phương đã đề nghị lên cấp trên xin mở rộng chợ để phục vụ nhu cầu mua bán của người dân tốt hơn, vì đến nay chợ đã bị chật hẹp, quá tải vì nhu cầu giao thương của người dân ngày càng tăng. Hiện vào các ngày chợ, địa phương đều đặn cắt cử cán bộ xuống đảm bảo an ninh, và vận hành chợ hoạt động theo đúng qui củ, nề nếp…
Những ngày tháng Chạp cuối cùng của năm Bính Thân, cái lạnh se sắt bao trùm mọi không gian, nhưng đi chợ phiên Minh Lương luôn cảm nhận được sự ấm cúng lạ thường, mà chỉ những người con Việt là cảm nhận rõ nhất. Năm cũ sắp hết, chuẩn bị đón Tết, người dân Minh Lương đi chợ để bán sản vật và sắm Tết nhiều hơn. Những quả bưởi vàng ruộm thơm lừng, những quả gấc đỏ au, những chú gà trống mào cờ, những thúng cam sành mọng ngọt, những bó lá dong xanh ngắt và những nụ cười sung túc của những người dân trên đường xuống chợ,…tất cả đang báo hiệu Mùa Xuân ấm áp đang đến, và thời khắc chuyển giao sang năm Đinh Đậu 2017 đã rất gần…/.