Làng gốm cổ Kim Lan

Thứ hai, 31/01/2022 19:55
(ĐCSVN) - Nhắc đến làng nghề gốm sứ ở Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay tới Bát Tràng. Nhưng ở Hà Nội còn có một làng gốm cổ nữa, làng gốm sứ Kim Lan nằm kế cận với làng Bát Tràng, thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội). Tết đến, xuân về, người dân làng cổ đang hối hả cung ứng những sản phẩm ưng ý nhất tới nhu cầu sắm Tết của người dân.

Theo các nhà khảo cổ học tiến hành khảo sát vùng này vào năm 2001-2003, lịch sử gốm sứ Kim Lan có từ thế kỷ thứ 7 và hưng thịnh vào thế kỷ thứ XII-XIII. Tuy nhiên sau đó suốt một thời gian rất dài, gốm sứ Kim Lan bị lãng quên. Phải đến những năm 80 của thế kỷ XX, dân làng khôi phục lại nghề. Những năm 1990-1993, Kim Lan có khoảng 750 lò sản xuất gốm sứ, chủ yếu làm bát đĩa. Lúc này, dù số lò sản xuất nhiều nhưng do phương thức sản xuất thủ công nên sản lượng làm ra ít. Thời điểm đó sản phẩm rất được ưa chuộng.

 Tuy nhiên những năm 2000, sản phẩm không còn được khách hàng yêu thích, nhiều hộ gia đình trong làng không trụ được đã phải bỏ nghề. Nhưng đến những năm 2002 đến 2009, sản xuất gốm sứ trong làng được phục hồi. Đây cũng được coi là một khoảng thời gian phát triển khá hưng thịnh của gốm sứ Kim Lan. Các sản phẩm thời kỳ này được xuất khẩu sang thị trường chính là Hàn Quốc, ngoài ra còn có Mỹ và Nhật Bản. Mặt hàng xuất khẩu chính là chậu hoa. Sau năm 2009, gốm sứ Kim Lan lại rơi vào khủng hoảng, phải cạnh tranh với gốm sứ Trung Quốc, làng chỉ còn khoảng 250 hộ sản xuất. Những người tâm huyết và yêu nghề lúc này một lần nữa phải vật lộn, đứng ra chèo chống và giữ nghề cho làng. Họ đã mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất chuyển từ sản xuất bằng lò than truyền thống sang sản xuất bằng lò gas. Sản phẩm gốm sứ Kim Lan hiện nay chủ yếu là mặt hàng bình dân, dân dụng như đồ thờ cúng, lọ hoa, chậu hoa, gạch ngói xây dựng… có mặt ở khắp đất nước từ Bắc đến Nam. 

 Nơi đây có Bảo tàng gốm sứ Kim Lan là bảo tàng cấp xã đầu tiên của cả nước, trưng bày các sản phẩm gốm cổ được khai quật, giúp du khách hiểu hơn về gốm sứ cổ Kim Lan. Hiện nay, xã có hơn 300 hộ sản xuất. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhật, chủ một xưởng sản xuất - một người có đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm sứ làng Kim Lan cho biết: Do người dân Kim Lan thường sản xuất theo kiểu trào lưu thấy người khác làm mặt hàng nào có lãi nhiều thì họ đua nhau làm theo. Việc làm này khiến sản phẩm mất giá. Vì vậy gốm Kim Lan hiện nay cần tìm hướng đi, đưa ra những mẫu mã đa dạng, để chinh phục khách hàng cả trong và ngoài nước. Ông Nhật nhấn mạnh thêm, các sản phẩm sản xuất tại xưởng của gia đình ông khi bán ra đều in tên xưởng nhà mình trên bao bì để khẳng định giá trị và xây dựng thương hiệu của gia đình nói riêng cũng như gốm Kim Lan nói chung.

 Phát triển và phục hồi một làng nghề truyền thống cần cả một quá trình, đòi hỏi sự chung tay góp sức không chỉ của người dân mà còn cả sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như các bộ, ban ngành liên quan. Mong rằng, trong tương lai không xa làng nghề gốm sứ Kim Lan sẽ thực sự được khôi phục, phát triển hơn nữa và là địa chỉ du lịch nổi tiếng của khách trong và ngoài nước.

 Mỗi mùa vụ Tết, các lò gốm tại Kim Lan luôn đỏ rực lửa với những đơn hàng đặt trước, thậm chí còn cả sau Tết. Năm nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 phần nào ảnh hưởng tới điều kiện, sản xuất kinh doanh của các chủ gian hàng tại làng nghề, nhưng không vì đó sản phẩm gốm Kim Lan giảm giá trị về chất lượng sản phẩm, chất lượng mỹ thuật… Nghệ nhân gốm Kim Lan luôn chú tâm, thổi hồn vào từng sản phẩm để mang sự độc đáo mỹ thuật đẹp nhất trao tặng du khách, với mong muốn một năm mới luôn nhiều tài lộc, bình an và may mắn sẽ tới với mọi nhà!

Dưới đây là một số quy trình sản xuất gốm từ những bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân làng gốm Kim Lan:

Trong quy trình sản xuất gốm Kim Lan thì việc lựa chọn nguyên liệu đất sét và phụ gia đặc biệt quan trọng. 
Từng công đoạn được các nghệ nhân thực hiện tỷ mỉ, chi tiết như đổ khuôn ...
 .. sắp xếp các sản phẩm vào lò nung.
 Hay như việc sàng lọc các sản phẩm sau nung cần thật sự kỹ càng, cẩn thận.

Công đoạn cuối cùng và quyết định sự thành công của "mẻ" gốm đạt tiêu chuẩn

hay không là từ đôi bàn tay, trí tưởng tượng về mỹ thuật của nghệ nhân. 

 

Trường Quân - Thuận Phong
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực