Nhớ Tết Việt Nam – nhớ bánh chưng của mẹ!

Thứ bảy, 29/01/2022 15:54
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Một năm 2021 với nhiều thử thách vì COVID-19 đang dần khép lại. Năm mới 2022 sắp mở ra với nhiều hi vọng. Trong khoảnh khắc chuyển giao này, dù hoà mình vào không khí đón chào năm mới ở nhiều nơi trên thế giới, song những người Việt xa quê vẫn luôn nhớ đến Tết Việt, nhớ đến gia đình.
Chị Diệp đang tước sống lá dong, chuẩn bị nguyên liệu gói bánh

Từ nước Áo, chị Nguyễn Ngọc Diệp đã kể câu chuyện về chiếc bánh chưng Việt Nam cho các con của mình qua việc lần đầu tiên làm bánh chưng sau 19 năm xa nhà. Chị cho biết, nếu bạn ở gần hoặc ở cùng cộng đồng người Việt trên toàn thế giới thì việc để có một chiếc bánh chưng cho ngày Tết thật là đơn giản, chỉ cần ra cửa hàng người Việt, hay tụ tập gói bánh cùng nhau thì ai ai cũng có bánh chưng cho ngày Tết. Còn đối với một người vừa chân ướt chân ráo về Châu Âu, lại sống ở một thành phố thuần Áo như chị Diệp thì việc để có một chiếc bánh chưng Việt Nam chỉ có hai cách, một là đi rất xa để mua được một chiếc mà các cụ gọi là “một tiền gà bằng ba tiền thóc” và không có không khí rộn ràng gói bánh chưng Tết, hai là tự gói. Nếu mà ai biết gói bánh và gói thường xuyên thì lại quá dễ vì đã quen tay, thạo việc, còn như chị Diệp, 19 năm xa nhà, lại 17 năm ăn bánh chưng mẹ gói thì quả thật là nan giải, nhưng cũng vì muốn có một chút không khí Tết cho các con đỡ nhớ Việt Nam, nhớ bà ngoại thì cũng phải thử một lần thôi.

Chị bảo, đầu tiên là gọi điện xin tư vấn của người bác bên Séc, bác cho mượn cái nồi to, rồi bác dẫn lên chợ SaPa (chợ của người Việt tại Séc) mua đồ gói bánh. Chị Diệp cho biết, lần gần đây nhất chị được gói bánh chưng là Tết năm 1995. Tết cuối cùng của cả nhà trước khi chuyển hoàn toàn về Hà Nội, vậy là đã 27 năm chị Diệp không được chạm tay vào lá dong rồi. Chị tâm sự, ngồi rửa từng cái lá dong, bao nhiêu kí ức tuổi thơ ùa về, ngày đó nhà chị Diệp nghèo lắm, chả bao giờ mua được lá loại 2, loại 1, chỉ mua những lá đã úa vì nó rẻ hơn lá còn xanh nhiều. Mấy chị em chia nhau ra, đứa rửa lá, đứa tráng nước và đứa đãi đỗ, ngồi mấy tiếng đồng hồ mới rửa xong, những ngón tay bé xíu sun hết cả lại vì ngâm nước quá lâu. Nghĩ đến đâu nước mắt lăn dài đến đó, nhớ tuổi thơ, nhớ nhà cũ, nhớ bà ngoại, nhớ mẹ, nhớ Việt Nam... Giờ thì chị ngồi đây một mình, ngoài trời tuyết rơi trắng xoá, rửa từng chiếc lá để gói cho con của mình những chiếc bánh truyền thống không thể thiếu vào dịp Tết.

Chị bảo, thú thật mọi người cứ nói, lên YouTube mà xem, đầy video hướng dẫn, đúng là có vô vàn hướng dẫn cách gói bánh chưng, nhưng để thực sự có một chiếc bánh chưng vuông vắn, đúng tiêu chuẩn thì quả thật rất khó. Việc đầu tiên là nối lạt để gói bánh chưng dài, hồi bé thấy nhà bác hàng xóm nối lạt, chị tò mò hỏi thì bác bảo để buộc bánh cho chặt, thế là lần mò một hồi cũng nối được cái lạt để làm bánh, may quá hồi xưa hay chơi chong chóng bằng lá dứa nên việc nối lạt không khó lắm. Sau đó, ba mẹ con chị đặt từng chiếc lá, thả dần dần nào gạo, đỗ, thịt theo đúng trình tự rồi gói vào, khi chiếc bánh hình thành, buộc cái lạt đầu tiên, hai con của chị reo lên: “Ôi mẹ ơi, là bánh chưng thật rồi mẹ ơi”, lúc í chị xúc động trào nước mắt. Vội đặt cái bánh xuống, chụp vội cái ảnh rồi gửi về khoe với các chị ở Việt Nam: “Các chị ơi, em đã làm được chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời rồi này”. Chị Diệp nhớ, lúc ý chị vui như một đứa trẻ làm được một điều kì diệu. Thế rồi cả nhà cũng gói xong 10 chiếc bánh chưng đẹp đẽ. Chị bảo, cả nhà mình cứ ngồi ngắm hồi lâu, xúc động lắm, không thể tin một đứa chưa bao giờ sờ vào lá dong mà lại gói được từng này cái bánh mà không có bất cứ sự trợ giúp nào của mẹ, anh chị em bên cạnh.

Những chiếc bánh chưng đẹp đẽ được xếp gọn vào nồi  

Thế đấy, đối với chúng ta, những người con đang sinh sống tại Việt Nam thì được làm, mua hay ăn một chiếc bánh chưng thật đơn giản, chẳng cần chờ đến dịp lễ Tết. Nhưng đối với những người con xa quê hương như chị Diệp thì mua được một chiếc bánh chưng đã khó, còn để làm được 10 chiếc bánh thơm ngon đậm hương vị Việt thì quả là một điều tuyệt vời.

Chị Diệp coi như đây là một món quà mang lại không khí Tết cho con trẻ và cho chính bản thân mình khi không thể về Việt Nam do dịch COVID-19, đón một cái Tết đoàn viên bên những người thân của mình.

Thật trân quý những con người như chị Diệp, yêu Việt Nam từ một món ăn truyền thống giản dị./.

TL
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực