Từ bỏ để thêm yêu, thêm tin
Hơn 10 năm làm báo, theo dõi chuyên sâu các vấn đề của văn hóa truyền thống, Mai Lan hiểu rất rõ những những “nốt trầm” của các làng nghề truyền thống trong cơn bão thị trường công nghiệp với rất nhiều thứ mới mẻ, hấp dẫn. Lan càng hiểu rõ hơn những giá trị không gì thay thế được của mạch ngầm văn hóa truyền thống. Đó có lẽ là điều đã thúc đẩy Mai Lan đi đến quyết định “táo bạo”- từ bỏ nghề vốn được coi là “quyền lực thứ tư” để bắt đầu lại với nghề thêu truyền thống của quê hương.
|
Sản phẩm thêu tay với những nét thêu tỉ mỉ, cẩn thận và mang nhiều giá trị thẩm mỹ. |
Mai Lan sinh ra và lớn lên tại làng Quất Động - làng khởi phát nghề thêu trên đất Việt, đã có lịch sử trên 300 năm. Do làng nghề mai một dần, không mấy người còn bám nghề nên Mai Lan cũng không để tâm nhiều. Cuộc sống hiện đại cứ cuốn cô đi, học hành, ra trường đi làm. Song có lẽ cũng là cái duyên khi Mai Lan làm báo lại đảm trách mảng văn hóa. Khi theo dõi lĩnh vực du lịch, Mai Lan mới đau đáu về cuộc phát động sáng tạo các vật phẩm lưu niệm mang đặc trưng của Hà Nội và Việt Nam.
Đến giữa năm 2017, Tiệm thêu tay Tú Thị ra đời, mang tên ngôi đình thờ ông tổ nghề thêu, đặt tại số 23 Hàng Thùng (Hà Nội) như một cách khơi gợi hoài niệm quá khứ xưa. Đó cũng là khởi đầu của hành trình đi theo tiếng gọi của tình yêu với văn hóa truyền thông, là khởi đầu của một niềm tin mãnh liệt vào mạch ngầm văn hóa vẫn còn chảy mãi.
Khơi dậy ngọn lửa nghề
Không đơn thương độc mã, Mai Lan có những người bạn đồng hành đầy tâm huyết, đó là Hà Trang - người đồng sáng lập Tiệm. Những ngày đầu, khi Lan chia sẻ về quyết định của mình, Hà Trang bảo cô không tin đó là sự thật. “Lan rủ về làm cùng, tôi từ chối do cũng không biết gì lĩnh vực này, hơn nữa sợ làm chung sẽ mất bạn”- Hà Trang chia sẻ. Nhưng rồi, sau những lần bị thuyết phục, Trang cũng đồng ý làm thử cùng bạn.
|
Từng hoa văn, họa tiết đều bảo đảm nghệ thuật nhất là việc hài hòa những gam màu.
|
Từ những sản phẩm nhỏ xinh mang tính thử nghiệm, thăm dò thị trường như lót ly/cốc, khăn tay, khăn trải bàn, khăn ăn, khăn quàng cổ, túi, ví, tranh... đến nay Tú Thị tập trung vào mặt hàng chính là áo dài. Từ chỗ “bán không có lãi”, đến nay Tú Thị đã có thể quay vòng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Quất Động.
Không chỉ tạo ra những sản phẩm truyền thống, Tiệm Tú Thị còn tổ chức những workshop về nghề thêu, mở các lớp dạy thêu cho những người yêu mến văn hóa truyền thống. Cứ thế, nghệ thuật thêu tay truyền thống len lỏi chiếm hữu một vị trí nhất định trong trái tim mỗi người. Mỗi khi cầm kim lên và trau chuốt từng đường kim mũi, chỉ càng thấm hơn nỗi vất vả của người làm nghề, càng phục hơn những người quyết đi đến cùng với đam mê văn hóa truyền thống.
|
Dịp Tết là thời điểm người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm lụa
tinh xảo thêu tay để phục vụ nhu cầu du xuân, vãn cảnh.
|
Để có thể đáp ứng nhu cầu tạo ra sản phẩm một cách chuyên nghiệp, Mai Lan đã mở xưởng thêu riêng tại quê nhà. “Khi tôi mở xưởng thêu, người làng kéo đến đầy nhà, ai cũng kể vanh vách về nghề, về những tiếc nuối khi phải bỏ nghề vì miếng cơm manh áo. Tôi biết rằng mạch nguồn của làng nghề không hề mất đi mà vẫn âm ỉ cháy trong mỗi người, việc của mình là phải khơi dậy ngọn lửa đó”- Mai Lam tâm sự. Và đến nay, mạch nguồn đó đang bùng lên mạnh mẽ.
“Tết cũng là thời điểm khách hàng liên tục lên đơn đặt hàng các sản phẩm để đi du xuân, chúc tết người thân, bạn bè, đối tác. Do đó, những ngày giáp Tết, cơ sở của tôi luôn phải hoạt động hết công suất, có những thời điểm phải từ chối nhận đơn hàng bởi nguồn nhân lực cũng như thời gian không đảm bảo. Mong một năm mới sẽ mang lại nhiều bình an, may mắn và hạnh phúc tới tất cả mọi người!” – Mai Lan bộc bạch chia sẻ./.