Tết Việt trong mắt Đại sứ hữu nghị vì hòa bình Palestine tại Hà Nội Saleem Hammad

Thứ tư, 02/02/2022 20:38
(ĐCSVN) - Đã được đón 10 cái Tết cổ truyền của Việt Nam, Đại sứ hữu nghị vì hòa bình Palestine tại Hà Nội Saleem Hammad cho biết, Tết Việt đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với anh và để lại trong lòng anh những ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Đại sứ hữu nghị vì hòa bình Palestine tại Hà Nội Saleem Hammad trong trang phục truyền thống Việt Nam (Ảnh: Thu Lan) 

Phóng viên: Xin anh cho biết những điểm giống và khác nhau trong phong tục đón Tết của người dân Việt Nam và người dân Palestine?

Saleem Hammad: Sau 10 năm học tập, sinh sống và đón nhiều cái Tết tại Việt Nam, tôi đã nhận ra rằng, Tết Việt Nam và Tết Palestine có một vài điểm tương đồng như: Dọn dẹp trang trí nhà cửa để đón Tết; chế biến các món ăn truyền thống; sum họp đoàn tụ các thành viên trong gia đình; mặc đồ đẹp đi chúc Tết người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng; lì xì cho người già, trẻ em… Ở Palestine, chúng tôi cũng mặc định ý nghĩa của các ngày Tết là “Mồng 1 Tết Cha, Mồng 2 Tết Mẹ, Mồng 3 Tết Thầy” giống như ở Việt Nam.

Điểm khác biệt nằm ở chỗ, thời điểm diễn ra Tết của 2 đất nước khác nhau. Tết Việt thường được tổ chức cố định vào mùa đông-xuân, tầm khoảng tháng 2 dương lịch hàng năm, còn Tết Palestine được tổ chức sau Tháng  Lễ Ramadan, thời điểm không cố định mà luân phiên tuần tự vào các mùa được tính theo lịch đạo Hồi, và vì thế chúng tôi có thể đón Tết vào các mùa khác nhau, mỗi mùa Tết sẽ có sự thú vị riêng và vô cùng đặc biệt. Ngoài ra, sau Tết 2 tháng, chúng tôi được đón thêm một Tết Lớn  (Tết giết cừu) khi các tín đồ Hồi giáo đã hành hương đến thánh địa Mecca để cầu nguyện, và sau khi trở về sẽ thực hiện nghi thức giết cừu và phân phát thịt cừu cho người thân, họ hàng, và những người nghèo hay kém may mắn hơn.

Phóng viên: Được đón 10 cái Tết tại Việt Nam, anh có cảm nhận như thế nào về ngày Tết cổ truyền của người Việt?

Saleem Hammad: Năm 2021 đầy biến động đã khép lại và tôi được đón cái Tết Việt thứ 10. Tôi nhận thấy rằng, Tết Nguyên Đán là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người Việt Nam, là ngày để đoàn tụ sum họp các thành viên trong gia đình, để các thế hệ quây quần bên mâm cơm ấm cúng chia tay năm cũ và chào đón một năm mới tươi đẹp hơn.

Là người Palestine học tập và sinh sống tại Việt Nam nhiều năm nay, tôi đã không khỏi trầm trồ và ngạc nhiên khi được đón 10 cái Tết Việt. Mỗi cái Tết đều để lại trong tôi những cảm nhận và ấn tượng khác nhau.

Không khí sôi động và hân hoan của dịp Tết Nguyên Đán mà tôi có thể thấy được rõ nét nhất là vào những ngày giáp Tết khi đi cầu nguyện tại Thành đường Hồi giáo số 12 Hàng Lược. Vào thời điểm này, đặc biệt là từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, tôi thấy nhịp sống của người dân Hà Nội như nhanh hơn. Mọi người đều hối hả, vội vàng chuẩn bị sắm đồ đón Tết, mua cành đào, cây quất mang về bày biện trong nhà...

Đối với riêng tôi, Tết Việt mang lại cho tôi nhiều niềm vui nhưng cũng không tránh khỏi những cảm xúc tủi thân, chạnh lòng vì nhớ nhà, nhớ quê hương. Khi tôi nhìn thấy những người bạn Việt Nam thu dọn hành lý rời Hà Nội về quê đón Tết cùng gia đình, trong lòng tôi cũng rất mong sớm có thể trở về đoàn viên với bố mẹ, anh chị em của tôi ở Palestine để được tận hưởng không khí vui tươi, ấm áp, đoàn viên bên gia đình.

Saleem Hammad cho biết,  sau nhiều năm đón Tết tại Việt Nam, tôi nhận thấy, người Việt vô cùng trọng lễ nghĩa. Điều này được thể hiện qua phong tục thờ cúng tổ tiên. (Ảnh: Thu Lan) 

Phóng viên: Anh ấn tượng và thích nhất phong tục nào trong dịp Tết cổ truyền của người Việt?

Saleem Hammad: Sau nhiều năm đón Tết tại Việt Nam, tôi nhận thấy, người Việt vô cùng trọng lễ nghĩa. Điều này được thể hiện qua phong tục thờ cúng tổ tiên. Tôi thực sự rất ấn tượng với phong tục này vì đó là một truyền thống vô cùng tốt đẹp, giáo dục người đời sau phải tôn kính và biết ơn các thế hệ đi trước. Ban thờ tổ tiên là nơi được người Việt coi trọng vì sự linh thiêng, con cháu trong nhà phải thể hiện sự tôn kính bằng việc chắp tay bái lạy. Vào ngày Tết, ban thờ cũng là nơi được trang hoàng rực rỡ và được sửa soạn tinh tươm, được bày biện đầy đủ những đồ lễ truyền thống như: cành đào nhỏ trong lọ lục bình, mâm ngũ quả, bánh chưng, gà luộc, xôi, canh măng và những hộp mứt tết.

Ngoài phong tục thờ cúng tổ tiên, tôi rất thích phong tục gói bánh chưng Tết của người Việt. Tôi rất may mắn khi được trải nghiệm gói khá nhiều loại bánh chưng ở các vùng miền khác nhau của Việt Nam như: Gói bánh chưng vuông bằng khuôn ở Phú Thọ; gói bánh chưng Bồ Đậu bằng tay ở Thái Nguyên; gói bánh chưng đen của dân tộc Tày ở Hà Giang; gói bánh chưng dài (bánh tét) ở Cần Thơ… Tiếc là tôi lại chưa từng nếm thử các loại bánh chưng do chính tay mình gói vì tôi không ăn được thịt lợn, và điều đó đã khiến tôi nảy ra ý định sẽ gói bánh chưng bằng thịt cừu. Nhất định sau này tôi sẽ biến tấu đi một chút, sẽ thực hiện việc gói bánh chưng bằng thịt lạc đà – đặc sản tiêu biểu của Sa mạc Ả Rập nói chung và Palestine nói riêng, để dung hòa ẩm thực giữa hai nền văn hóa lâu đời vốn được coi là vô cùng khác nhau.

Phóng viên: Với vai trò là Đại sứ hữu nghị vì hòa bình Palestine tại Hà Nội, anh có những dự định gì trong năm mới để có thể kết nối người dân hai nước lại gần nhau hơn nữa?

Saleem Hammad:  Từ khi đặt chân đến Việt Nam vào năm 2011, ngoài mục tiêu học thật giỏi tiếng Việt, tôi luôn mong có cơ hội được tìm hiểu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và trở thành một nhịp cầu để góp phần thúc đẩy hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Palestine. Thật may mắn, ước muốn của tôi đã trở thành hiện thực khi chiến thắng trong cuộc thi tìm kiếm Đại sứ hữu nghị Vì hòa bình 2019 thành phố Hà Nội do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức. Sau khi trở thành Đại sữ hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội, tôi đã luôn cố gắng hết sức để xứng đáng với danh hiệu này.

Trong 2 năm qua, tôi đã bắt tay vào thực hiện kênh YouTube của riêng mình, thiết kế các video, clip giới thiệu văn hóa và con người Palestine đến với người Việt Nam để người dân hai nước có thể hiểu nhau hơn, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Trong năm 2022, tôi dự định sẽ hợp tác với một giáo viên Việt Nam dạy tiếng Ả rập xây dựng các clip bằng tiếng Ả rập nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến với người dân Palestine nói chung và cộng đồng người nói tiếng Ả rập nói riêng. Tôi mong rằng, những cống hiến nho nhỏ của mình sẽ góp phần gắn kết người dân hai nước, giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn.

Nhân dịp Năm mới, tôi xin kính chúc tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên và toàn thể độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn anh! 

Thu Lan
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực