Về Quảng Ngãi đón Tết truyền thống với đồng bào Hrê

Thứ hai, 31/01/2022 19:48
(ĐCSVN) - Khi mùa hoa gạo nở rộ đỏ rực cùng tiếng chim vơ – linh (chèo bẻo) kêu khắp núi rừng thì cũng là lúc người Hrê ở miền núi Quảng Ngãi vui mừng đón tết truyền thống của dân tộc mình. Tết của đồng bào Hrê gọi là H’tend, theo tiếng địa phương có nghĩa là Hội Tết, thường tổ chức vào khoảng tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch và kết thúc trước khi cúng rẫy (tháng 2 đến tháng 3.

Bà Thung (phải) quây quần cùng người thân bên nồi bánh tét. (Ảnh: Phạm Linh)

Không khí rộn ràng của ngày Tết

Người Hrê không ăn Tết cùng một ngày mà mỗi làng, mỗi xã định ra ngày Tết của riêng mình. Trước khi tổ chức ăn Tết vài ngày, đại diện gia đình đi mời bà con họ hàng, bạn bè thân thuộc đến ăn Tết với gia đình, bởi nếu không có lời mời thì họ không đến. Tất cả các thành viên trong làng thường tập hợp tại nhà già làng vui chơi, ca hát và chúc tụng nhau. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống đậm bản sắc dân tộc mà người Hrê gìn giữ qua bao đời nay

Không khí trong buôn làng những ngày trước Tết rất rộn ràng, nhộp nhịp. Một ngày trước Tết, chủ làng sẽ tuyên bố ngày vô lá (tức là ngày dân làng mang lá dong vào nhà). Ngày hôm đó cả nhà dọn dẹp sửa sang nhà cửa, tu sửa lại chuồng, chọn những cây tre to, đặc về làm trụ cửa chuồng trâu, tranh thủ đi bắt con cá dưới suối về muối chua, ăn kèm với bánh lá dong, bẫy hú rừng để bữa tiệc ngày Tết thêm đầy đủ. Dân làng vào rừng kiếm dây mây nhỏ làm dây treo ching chủ (tiếng Hrê gọi chiêng là chinh. Chinh chủ là chiếc lớn nhất), lấy cây lồ ô làm đàn vinh-rút, cây triên về làm cần uống rượu cần, cây trảy về làm trụ buộc chóe rượu, lá dong về gói bánh,…

Vào ngày Tết, nhà nào cũng có nồi bánh tét trong nhà. Nồi bánh tét không cần đậy nắp, chỉ cần phủ lá lên trên rồi đè lại bằng hai thanh củi để bánh không bị trồi ra khi nước sôi. Thông thường, bánh sẽ được luộc chín trong vòng 3 - 4 giờ, sau ba lần đổ thêm nước lạnh vào nồi.

"Những ngày giáp Tết trên này trời lạnh nên ai cũng thích cảm giác ngồi bên bếp lửa chờ bánh chín", bà Thung, ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ chia sẻ.

Những gia đình giàu có thường nấu một lần đôi ba nồi, ủ hàng chục ché rượu cần để đãi khách. Đồng bào nơi đây quan niệm của thần linh đã ban cho thì mọi người cùng hưởng. Bởi vậy cứ mỗi dịp lễ tết, ngày mừng lúa mới là người dân trong làm tụm năm, tụm bảy uống rượu cần. Uống rượu cần đã trở thành một trong những phong tục truyền thống của người Hrê nơi đây. Các gia đình khui hầm chum, chóe, chuẩn bị lúa nếp làm rượu cần. Nhà khá giỏi ngày tết có từ 5 – 6 chóe rượu cần trở lên. Chị Phạm Thị Thương (thôn Nam Lân, Xã Ba Động, huyện Ba Tơ) cho biết: “Muốn chóe rượu thơm, ngon ngoài sử dụng nguyên liệu (mì, nếp, ngô,…) còn phải có cách chế biến men khéo léo và kinh nghiệm của những người phụ nữ trong gia đình. Trong phong tục của người Hrê, chóe rượu cần còn có cả linh hồn. Người Hrê đều mong cho chóe rượu cần làm ra thơm ngon; vị ngọt, vị đắng quyện vào nhau để “cái miệng của khách uống không biết chán, say không biết đường về”. Rượu cần từ khi bắt đầu làm, ủ cho đến khi uống được phải mất cả một tháng. Kinh nghiệm của người Hrê là dùng lá chuối bịt kín miệng chóe rượu cần. Khi lá chuối bịt miệng chóe rượu khô, trở sang màu vàng úa, tức là rượu đã chín, uống được sẵn sàng đem ra cúng thần linh.

Các hoạt động trong ngày Tết của người Hrê

Các chàng trai, cô gái Hrê cùng nhau nhảy múa trong ngày Tết. (Ảnh: Phạm Linh) 

Ba ngày Tết của người Hrê có tên gọi: “Hei htock hla” (Ngày lên lá), “Hei kaq” (Ngày ăn) và “Hei ôq cajoh xêp” (Ngày uống rượu lạt). “Ngày lên lá” là ngày đầu tiên, tất cả mọi việc chuẩn bị cho ngày Tết đều thực hiện vào ngày lên lá (trừ lễ cúng cho con trâu, cho chiêng, cho ché). “Ngày ăn” là ngày tiếp khách, ngày ăn uống, sinh hoạt vui chơi giải trí... “Ngày uống rượu lạt” là ngày nghỉ ngơi, tùy thích, có thể đi thăm các gia đình trong làng với nhau mà không cần phải mời.

Ngày Tết thứ nhất được mở đầu khi con chim vơ - linh gọi mặt trời, sao mai còn lấp lánh trên đầu núi. Nghi lễ trước tiên gọi là H’vang h’nim, nội dung là dọn nhà, đuổi tà ma, xua mọi điều xấu và rước điều tốt, niềm vui vào nhà. Tiếp đến là lễ cúng Kla hoang, Chem h’rai, Quai xiroo, nội dung chủ yếu là rước thần linh, tổ tiên về ăn Tết cùng người sống, cầu mong sự no đủ, tránh được điều xấu, kẻ ác.

Sáng ngày thứ 2, nhà nào cũng làm lễ cúng trâu (Ta h’reo capơ) ngay trước cửa chuồng. Đây là lễ cúng đặc biệt quan trọng, vì đối với người Hrê, ngoài giá trị của cải, con trâu là vật thân thiết giúp họ kéo gỗ, cày bừa. Lễ Ta h’reo capơ kết thúc sau lời nguyện cầu của chủ nhà mong cho con trâu được mạnh khoẻ. Sau đó chủ nhà dọn cơm lam, rượu, thịt để mời khách cùng cả nhà ăn uống no say. Sau vài tuần rượu, người lớn tuổi kể Hơ-mơn theo nhịp trống, hát Ka-lêu, Ka-choi; con trai thì trổ tài đánh chiêng, chơi đàn krâu, brót, múa gươm, phóng lao, đánh vật, leo núi; con gái thì nhảy múa, khoe vòng kiềng và những bộ váy thổ cẩm tự mình dệt lấy. Các cô cũng hát Ka-chơi đối đáp với các chàng trai mà mình thích. Cuộc vui kéo dài đến sáng.

Ngày Tết thứ 3 là ngày cuối cùng, gọi là Ôkroh, đón khách đến thăm nhà. Chủ và khách chúc nhau những lời lẽ thật tốt đẹp. Trước đây hội vui Ôkroh có thể kéo dài thời gian nhưng nay chỉ thu gọn trong 3 hôm. Tuy nhiên, không khí ngày lễ Tết vẫn sôi nổi, vui tươi khắp các buôn làng người Hrê cho đến hết mùa xuân.

Bài: Kim Cương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực