Đồn biên phòng Bản Giàng đón xuân sớm
|
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Giàng tuần tra những ngày giáp Tết. (Ảnh: Thế Mạnh)
|
Vượt gần 100 km từ thành phố Hà Tĩnh lên biên giới đến thăm đơn vị Đồn Biên phòng Bản Giàng vào một ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, chúng tôi càng thấm thía hơn những hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ biên phòng Bản Giàng nói riêng và bộ đội biên phòng nói chung.
Được biết, đồn biên phòng Bản Giàng quản lý đoạn biên giới dài hơn 19 km, gồm 6 cột mốc, với 2 xã biên giới Hương Lâm, Hương Vĩnh và 1 xã biên phòng Hương Liên thuộc huyện Hương Khê, đặc biệt trên địa bàn có 60 hộ người đồng bào dân tộc Chứt sinh sống. Cuộc sống của bà con sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trồng rừng, diện tích đất canh tác nhỏ hẹp nên đang còn gặp rất nhiều khó khăn.
Khi chúng tôi đặt chân đến Đồn, tiết trời ở khu vực biên giới Việt – Lào se lạnh, trong khuôn viên đồn, nhiều cành đào đã hé nụ, nở hoa báo hiệu mùa Xuân nữa đến gần; các băng rôn, khẩu hiệu được trang trí đầy nét xuân trông thật đẹp mắt. Qua con suối nhỏ, chúng tôi đã trông thấy cả một khu tăng gia sản xuất, chăn nuôi tập trung của đơn vị đầy đủ các loại rau xanh mướt, lợn, gà, cá, vịt, ngan do cán bộ, chiến sỹ tự tay chăn nuôi, chăm sóc, tạo cảnh quan yên bình ấm áp ở một vùng biên.
Tâm sự với chúng tôi, trung tá Nguyễn Văn Đàn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng chia sẻ: “Tết năm nào cũng vậy, đơn vị luôn chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, quân số trực Tết ở đơn vị hằng năm 70% quân số, từ hai năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quân số trực Tết nhiều hơn, dù thế nhưng các cán bộ chiến sỹ ở đây luôn xác định tốt tư tưởng, hầu như các đồng chí đều tự nguyện xung phong ở lại đơn vị trực Tết, để đảm bảo Tết đầy đủ cho cán bộ chiến sỹ đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, chế độ Tết trong những ngày Tết”.
Theo nguyện vọng của chúng tôi, trung tá Nguyễn Văn Đàn đã dẫn chúng tôi bằng xe máy qua đường vòng quanh co hướng lên đường biên lên giáp mốc N9 khoảng chừng 10 km để thăm cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại điểm chốt chống dịch COVID-19. Chiếc xe máy vượt dốc cao lên đến một ngon núi tương đối bằng phẳng, xuất hiện trước mắt một ngôi nhà ( chốt) được xây dựng bán kiên cố, xung quay chốt là những luống rau xanh tươi tốt, với đầy đủ các loại rau, cảm tưởng như một gia đình sinh sống ở đây từ nhiều năm trước. Tiến sát vào trong chốt là những chiếc giường tầng được sắp đặt ngăn nắp, những chiếc chăn bông rằn ri được xếp vuông vức. Ở trung tâm là một chiếc bàn được trang trí làm bàn thờ, có gắn cờ tổ quốc, ảnh bác Hồ và đầy đủ bánh kẹo, hoa qủa, bên cạnh bàn thờ có một cành đào đang hé nụ.
Trung tá Nguyễn Văn Đàn cho biết thêm: “Trên tuyến biên giới đơn vị phụ trách có 2 chốt chống dịch, mỗi chốt có 16 cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngăn chặn người vượt xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt đến cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ ở chốt”.
Gặp chúng tôi với khuôn mặt tươi cười, phấn khởi, chiến sỹ binh nhất Hồ Anh Tuấn, quê ở xã Bình An, huyện Lộc Hà đang cấm trên tay những chiếc lá dong chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được đón Tết ở đơn vị, lại được giao nhiệm vụ ở điểm chốt này, em rất tự hào có đóng góp sức mình để phòng chống dịch bệnh. Mặc dù rất nhớ nhà nhưng ở đây có các đồng chí đồng đội và được đơn vị quan tâm đảm bảo đầy đủ chế độ cho những ngày Tết, nên anh em phấn khởi lắm”.
Tết đến, Xuân về lòng ai cũng chộn rộn hướng về gia đình, vợ con ở nơi xa. Tuy nhiên, xác định “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, mọi người đều gác lại niềm vui riêng để hòa niềm vui chung với đồng chí, đồng đội và người dân nơi biên giới, đảm bảo Tết bình yên, vui vẻ cho nhân dân. “Đêm giao thừa của người lính nơi biên cương có đầy đủ hoa đào, mâm cỗ lại có bà con đến chung vui nên rất ấm cúng. Đặc biệt, năm nào sau màn hái hoa dân chủ, giao lưu văn hóa văn nghệ, lắng nghe Chủ tịch nước chúc Tết trên truyền hình, Ban Chỉ huy đồn cũng trực tiếp chúc tết, động viên, mừng tuổi cán bộ, chiến sỹ” -Trung tá Nguyễn Văn Đàn nói.
Dân bản Rào Tre tưng bừng đón Xuân sang
Chia tay với các đồng chí chiến sỹ làm nhiệm vụ ở chốt chống dịch ở tuyến đầu, chúng tôi quay trở về với bản Rào Tre, xã biên giới Hương Liên, nơi hiện có 45 hộ, với 157 nhân khẩu người đồng bào dân tộc Chứt đang sinh sống. Chiếc xe ô tô bán tải chở chúng tôi qua những cung đường chữ S uốn lượn độc đạo từ Đồn Biên phòng Bản Giàng quay về bản Rào Tre chừng gần 30 km. Chứng kiến đổi thay của bản Rào Tre, trước mắt một dãy nhà sàn xen kẽ nhiều ngôi nhà mới ngói đỏ vừa được xây dựng khang trang, con đường dọc bản được rải thảm đến tận ngõ các hộ dân, từng hộ gia đình đều treo cờ tổ quốc rực rỡ như bức tranh yên bình trong cái se lạnh biên giới vào xuân.
Gặp, đón tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, sạch sẽ ngay đầu bản, bà Hồ Nam, nguyên trưởng bản Rào Tre không giấu nổi niềm vui mừng chia sẻ: “Trước đây, dân bản ta nghèo lắm, giờ dân bản ta gì cũng có, đường xá được rải thảm rộng rãi, nhà văn hoá khang trang nhất xã, cuộc sống no ấm hơn trước nhiều rồi. Con gái ta, lấy chồng người Kinh , giờ cũng sống trong bản này, giờ sinh con và làm ăn giỏi nữa.”
|
Cán bộ biên phòng cắm bản cùng bà con dân tộc Chứt cắm cờ Tổ quốc. (Ảnh: Thế Mạnh) |
Đi dọc theo bản, đoàn chúng tôi đã đến thăm gia đình em Hồ Thị Sương, sinh viên chuyên ngành sư phạm mầm non, trường Đại học Hà Tĩnh - người con đầu tiên của dân tộc Chứt đầu tiên đậu vào đại học. Gặp gỡ tâm sự, chia sẻ ước mơ của mình, Sương tươi cười: “Thấy bản em khó khăn, em đã có ước mơ thi vào ngành sư phạm để sau này trở thành cô giáo về dạy học cho các em trong bản, em đã cố gắng phấn đấu để thi đỗ. Khi ước mơ trở thành hiện thực, vui hơn nữa khi em được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mỗi tháng hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho đến khi em tốt nghiệp ra trường, không thể nói hết cảm xúc, gia đình em năm nay nhiều niềm vui , Tết này gia đình em sẽ ăn tết ấm cúng, đầy đủ hơn”
Với sự quan tâm của các cấp, ngành và Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh trong triển khai đề án bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt. Giờ đây, bản có người đậu vào đại học, chi bộ Rào Tre có thêm hai đảng viên mới kết nạp, cuộc sống bà con nơi đổi thay từng ngày…
Xuân về đối với những người chiến sỹ quân hàm xanh luôn mang lại nguồn động viên ấm áp, như khơi dậy những nỗi nhớ và thắt chặt thêm tình đồng đội để cùng nhau nắm chắc tay súng, bảo vệ bình yên cho tuyến biên giới, giúp mọi người, mọi gia đình đón mùa Xuân mới trong vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc. Trong tình yêu thương của đồng đội, sự đùm bọc của bản làng, tin chắc rằng nơi hậu phương đó những người vợ lính biên phòng sẽ thấy lòng mình ấm lại và quên đi những vất vả và hy sinh.
Một mùa Xuân mới đã về đem theo bao niềm vui, bao hy vọng mới trên miền biên ải thân yêu của Tổ quốc./.