Ngày này năm xưa: 15/11

Thứ sáu, 15/11/2024 08:30
(ĐCSVN) - Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15/11/1923. Ông là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông đã trở thành di sản âm nhạc quý báu của nước nhà, trong đó có “Tiến quân ca”- ca khúc đã trở thành Quốc ca của Việt Nam.
Văn Cao sang trọng như một ông hoàng trong âm nhạc theo nhận định của Trịnh Công Sơn - Ảnh: Trần Chính Nghĩa 

Sự kiện trong nước:

- Ngày 15/11/1923, ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Ông là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt và hoà trộn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã trở thành di sản âm nhạc quý báu của nước nhà, trong đó có “Tiến quân ca”- ca khúc đã trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, và sau này là của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, những ca khúc trữ tình nổi tiếng như: “Thiên thai”, “Bến xuân”, “Suối mơ”,… cũng là những khúc tình ca bất hủ không chỉ của riêng ông mà còn của cả nền âm nhạc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Vǎn Cao còn nổi tiếng về làm thơ, vẽ tranh. Nhạc sĩ Vǎn Cao đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất và truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Văn Cao qua đời ngày 10/7/1995.

- Từ ngày 15 đến ngày 21/111975 tại thành phố Sài Gòn - Gia Định, Đoàn đại biểu miền Bắc do đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà làm trưởng đoàn, và Đoàn đại biểu miền Nam do đồng chí Phạm Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng bộ miền Nam, đại diện Đảng trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam làm Trưởng đoàn, tiến hành hội nghị Hiệp thương chính trị để bàn vấn đề thống nhất nước Việt Nam về mặt Nhà nước.

- Ngày 15/11/2020, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực đã được 10 nước ASEAN cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand ký kết trong khuôn khổ của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam.

Hiệp định RCEP tạo ra thị trường 2,2 tỷ dân, với tổng quy mô 26.200 tỷ USD, chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hải quan, giảm thiểu các rào cản thương mại… Hiệp định RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.

Sự kiện quốc tế:

Ngày 15/11/2022, dân số thế giới chính thức đạt 8 tỷ người 

- Ngày 15/11/1988, Hội đồng Dân tộc Palestine, cơ quan lập pháp của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tuyên bố thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

- Ngày 15/11/2022, dân số thế giới chính thức đạt 8 tỷ người. Thế giới đã đón công dân thứ 8 tỷ, là một bé gái người Philippines chào đời lúc 1h29' theo giờ địa phương tại Bệnh viện Tưởng niệm Bác sĩ Jose Fabella, Bệnh viện Phụ sản quốc gia ở thủ đô Manila.

Dấu mốc 8 tỷ người đạt được 12 năm sau khi dân số toàn cầu chạm ngưỡng 7 tỷ, đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

Liên hợp quốc khẳng định dân số là chìa khóa để phát triển bền vững. Bởi vậy, với cột mốc dân số 8 tỷ, có thể nói loài người đang nắm giữ "chìa khóa vàng" để thúc đẩy thế giới hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất là tập trung đầu tư vào con người để có thể vượt qua thách thức, khai thác và phát huy tiềm năng, sức mạnh của 8 tỷ người.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực