Ngày này năm xưa: 18/12

Thứ tư, 18/12/2024 09:00
(ĐCSVN) - Đêm 18/12/1972, chính quyền Ních xơn điên cuồng mở cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 và nhiều loại máy bay khác vào thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng nhằm thực hiện âm mưu gây sức ép buộc Hà Nội phải trở lại Hội nghị Paris.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 18/12/1972, bắt đầu Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Diễn ra từ 18 đến 29/12/1972, trong chiến dịch này, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng bằng máy bay chiến lược B52. Đây là cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô. Ảnh: TTXVN. 

Ngay trong trận đánh đầu tiên vào ngày 18/12/1972, quân và dân ta đã hạ gục tại chỗ “siêu pháo đài bay B.52”. Trong 12 ngày đêm chiến đấu dũng cảm và mưu trí, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại. Buộc Nixon phải ra lệnh chấm dứt cuộc tập kích, chịu thua trên bầu trời Hà Nội.

Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng vĩ đại ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

- Ngày 18/12/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp hội nghị mở rộng. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo các chiến trường, các đồng chí trong Quân ủy Trung ương và đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến. Nghị quyết của hội nghị nói rõ: "Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ở hai miền trong thời gian 1975-1976". Bộ Chính trị đưa ra phương án cực kỳ quan trọng là: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

- Ngày 18/12/1980, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1980 gồm 12 chương, 147 điều. Hiến pháp 1980 đã thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước; khẳng định toàn thể nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Ngày 18/12/1985, Nhà thơ Xuân Diệu qua đời. Nhà thơ Xuân Diệu sinh ngày 2/2/1916 tại Hà Tĩnh. Ông là cây đại thụ trong nền thơ ca Việt Nam. Thơ ông lãng mạn, bay bổng nhưng luôn nặng lòng với đời; đồng hành với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông là người có ảnh hưởng nhất trong phong trào Thơ mới, là gương mặt nổi bật của nền thi ca hiện đại.


Phong cách sáng tác của Xuân Diệu luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc 

Không chỉ là một “ông hoàng thơ tình”, Xuân Diệu còn là một nhà nghiên cứu văn học sâu sắc, một nhà phê bình tinh tế, một nhà lý luận văn học độc đáo. Bộ sách dày hai tập “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” là một công trình đồ sộ về truyền thống thơ ca nước nhà.    

Năm 1996, nhà thơ Xuân Diệu được truy tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 18/12/2000, ngày Quốc tế Người di cư. Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết chọn ngày 18/12 là Ngày Quốc tế Người di cư, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến sự tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư.

Ngày 19/12/2018, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM). Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn.

Tháng 6/2023, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết, số người bắt buộc phải di cư trên thế giới đã lên tới con số kỷ lục 110 triệu người, trong đó riêng năm 2022 đã có khoảng 19 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do các cuộc xung đột quân sự, bạo lực sắc tộc và tình trạng biến đổi khí hậu. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 405 triệu người di cư giữa các nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực