Phấn đấu 30% nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu, 20/05/2016 14:15
(ĐCSVN) – Trả lời giao lưu trực tuyến trên Báo Đại biểu Nhân dân vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh phấn đấu 30% nữ trúng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.


Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Duy Thăng

Một độc giả hỏi: Thưa bà Tuyết, các cấp hội phụ nữ có kế hoạch, giải pháp tuyên truyền như thế nào để động viên các tầng lớp nhân dân đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao, theo đúng quy định của luật?

Phó Chủ tịch  Nguyễn Thị Tuyết: Thực hiện vai trò, trách nhiệm của Hội trong tham gia bầu cử QH và HĐND các cấp, ngay từ năm 2015, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã đưa vào kế hoạch và đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội trong năm 2015, 2016. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, xây dựng tài liệu tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam tham gia công tác bầu cử; trách nhiệm của phụ nữ tham gia bầu cử. Tài liệu này đã được in trong Tạp chí và sổ tay báo cáo viên của Ban Tuyên giáo TƯ làm cơ sở cho các cấp ủy Đảng cũng như các cấp hội tuyên truyền về bầu cử.

Chúng tôi cũng đã sớm triển khai tất cả các văn bản của QH của Hội đồng bầu cử quốc gia tới tất cả các cấp hội, xây dựng các văn bản chỉ đạo các cấp hội tham gia bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng có một kế hoạch riêng số 21/ĐCT-KH ngày 22.2.2016 về việ hướng dẫn tổ chức tuyên truyền bầu cử.

Chúng tôi có nhiều hình thức để tuyên truyền tới hội viên phụ nữ trong cả nước, ở cấp TƯ ngoài việc gửi bài trên tạp chí báo cáo viên còn có tài liệu tuyên truyền về công tác bầu cử trong tờ thông tin phụ nữ số 8.3, xây dựng tài liệu sinh hoạt hội viên dưới dạng hỏi đáp... Trung ương Hội còn phát hành một sản phẩm truyền thông bằng quạt giấy để mà truyền thông những nội dung cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong Luật bầu cử. Ở các cấp hội, cũng tổ chức rất nhiều hình thức tuyên truyền như là tổ chức hội đàm, hội thảo, gặp gỡ các nữ ứng cử viên, giao lưu văn nghệ tuyên truyền bầu cử, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật bầu cử, in ấn các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử. Bên cạnh đó, còn tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến cơ sở. Ở vùng sâu, vùng xa, Hội đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với bộ đội biên phòng để tuyên truyền cho chị em phụ nữ tham gia các công tác bầu cử như tiếp xúc cử tri và trực tiếp đi bỏ phiếu...

Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng đã nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền và trách nhiệm tham gia công tác bầu cử. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tuyền truyền về sự đóng góp của các nữ ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, giới thiệu tiểu sử của các ứng cử viên nữ trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo điều kiện cho cử tri biết về các ứng cử viên và sáng suốt lựa chọn người đủ đức, đủ tài làm người đại diện cho mình.

Minh Khôi (44 tuổi), Thái Bình: Việc chủ động tham mưu, giới thiệu nguồn cán bộ nữ, đề xuất phụ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đã đáp ứng yêu cầu đề ra về tiếp tục nâng cao vai trò phụ nữ tham gia công tác xã hội chưa, thưa bà?

Phó chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết: Thực hiện điều 30 của Luật Bình đẳng giới, để có được nguồn cán bộ nữ đề xuất ứng cử ĐBQH Khóa XIV, Hội LHPN Việt Nam đã có sự chuẩn bị với nhiều hoạt động như: Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam có văn bản chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh, thành phố phát hiện, giới thiệu phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực của địa phương để giới thiệu đưa vào nguồn nữ ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã tích cực rà soát, giới thiệu với các cấp ủy thường trực HĐND các cấp các phụ nữ tiêu biểu vào nguồn là ứng cử viên nữ ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Trên cơ sở danh sách nguồn nữ ứng cử viên do các tỉnh, thành, Hội báo cáo Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam lập danh sách trên 200 phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tại các địa phương trong đó có 12 cán bộ hội phụ nữ cấp tỉnh gửi cho Ban công tác đại biểu QH xem xét đưa vào dự kiến cơ cấu ĐBQH Khóa XIV.

Tại mỗi vòng hiệp thương, Hội LHPN Việt Nam đều chủ động nắm tình hình số lượng, cơ cấu ứng cử viên và kịp thời triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm cơ cấu, nhân sự nữ theo luật định. Cụ thể, sau khi hiệp thương lần thứ nhất, Hội LHPN Việt Nam đã kịp thời có văn bản đề nghị UBTVQH xem xét điều chỉnh cơ cấu ĐBQH Khóa XIV là cán bộ Hội, chủ động làm việc với thường trực một số tỉnh, thành ủy về công tác chuẩn bị bầu cử. Đặc biệt thảo luận các giải pháp để bảo đảm ít nhất 35% nữ ứng cử viên và phấn đấu 30% nữ trúng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Hội LHPN các tỉnh, thành cũng chủ động nắm tình hình để kịp thời báo cáo cấp ủy thường trực HĐND, Ủy ban bầu cử xem xét để điều chỉnh cơ cấu nữ nếu khả năng cơ cấu nữ không bảo đảm ít nhất 35% hoặc chất lượng, cơ cấu nữ khó có khả năng trúng cử trước khi kết thúc thời gian điều chỉnh cơ cấu.

Với sự tham gia tích cực của Hội LHPN các cấp đã góp phần đưa tỷ lệ nữ ứng cử ĐBQH đạt 38,97% và tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh theo báo cáo của 35 tỉnh, thành đạt xấp xỉ 40%.

Trần Ngọc Đăng (40 tuổi) hỏi: Các cấp hội đã phối hợp với MTTQ và các cơ quan liên quan giám sát công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, trong đó có việc bảo đảm điều kiện cho ứng cử viên nữ như thế nào, thưa bà?

Phó chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết: Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác đinh việc giám sát công tác bầu cử là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong quá trình bầu cử, vì thế Trung ương Hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam đã ký chương trình phối hợp góp phần tăng tỷ lệ nữ ĐBQH Khóa XIV và nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong đó có phối hợp giám sát trong quá trình thực hiện bầu cử. Trung ương Hội tham gia 5 đoàn giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì đó là các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh. Trung ương Hội đã ban hành kế hoạch 18 ngày 4.2.2016 về việc triển khai công tác giám sát chuyên đề việc thực hiện Khoản 1, 3 Điều 8 và Khoản 1,2 Điều 9 của Luật bầu cử ĐBQH và HĐND và Trung ương Hội đã đi giám sát tại 9 tỉnh An Giang, Tây Ninh, Cà Mau, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Ninh, Lai Châu, Gia Lai, Khánh Hòa. Chỉ đạo Hội LHPN tại 63 tỉnh, thành thực hiện giám sát tại địa phương.

Qua giám sát, có thể đánh giá việc triển khai công tác bầu cử ở các tỉnh kịp thời, chủ động và bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng theo đúng quy định của pháp luật; phát huy vai trò các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử có đại diện của Hội phụ nữ các cấp tham làm thành viên. Tỷ lệ phụ nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện cơ bản đạt tỷ lệ theo quy định của luật. Cùng với đó, UBND các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để Hội LHPN thực hiện tốt việc tham gia công tác bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ; việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp là phụ nữ bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban tổ chức trung ương./. 

Mỹ Anh (TH)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực