Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: ĐT
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua tổng hợp ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước, qua công tác giám sát của MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 6 kiến nghị:
Thứ nhất, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục chỉ đạo Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như: Nâng cao tính minh bạch và hấp dẫn của môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam; phát huy năng lực sáng tạo của người Việt Nam, tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước như một nguồn lực bên trong quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững; rà soát việc xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, loại trừ bán phá giá, gian lận thương mại, khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài; khuyến khích phát triển thị trường trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nội dung các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp trang bị kiến thức, nâng cao khả năng tận dụng thời cơ và hạn chế rủi ro trong hội nhập kinh tế quốc tế; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Thứ hai, tại kỳ họp này, Quốc hội khóa XIV sẽ bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước. Đề nghị Quốc hội xem xét quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước ở Trung ương theo hướng thật sự tinh gọn về bộ máy và nhân sự, không chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; nhân sự lãnh đạo phải thực sự có đức, có tâm, có tài. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp luật để thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đề nghị có cơ chế cụ thể để Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, trước hết là đối với những người đứng đầu cơ quan nhà nước ở cơ sở.
Thứ ba, trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đề nghị Đảng, Nhà nước sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; đồng thời, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế; củng cố và hiện đại hóa lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; tiếp tục đối thoại, đề ra các giải pháp hòa bình, tham gia xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời tiếp tục có giải pháp giải quyết khó khăn và hỗ trợ sản xuất và đời sống của ngư dân.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ Nhân dân ổn định đời sống và sản xuất, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời tập trung nghiên cứu, đưa ra các biện pháp căn bản, lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, chú trọng việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là đối với ngành nông nghiệp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý đối với người đứng đầu các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, thực hiện chương trình vận động và tổ chức để các tầng lớp Nhân dân cả nước tham gia tích cực bảo vệ môi trường và giám sát toàn diện công tác quản lý, thực hiện pháp luật về môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: ĐT
Thứ năm, để góp phần giải quyết vấn nạn mất an toàn thực phẩm hiện nay, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của cả xã hội, trước hết là của người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và sử dụng thực phẩm an toàn. Cần tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên toàn quốc; xử lý thật nghiêm minh các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. Tổng kết 5 năm thực hiện Luật an toàn thực phẩm để kịp thời sửa đổi, bổ sung trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch huy động toàn bộ hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương tới cơ sở và các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện Chương trình phối hợp với Chính phủ về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của mình quan tâm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp thực hiện hiệu quả Chương trình này.
Thứ sáu, với việc cả nước đang triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đi vào cuộc sống đồng thời với thời điểm Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương nhiệm kỳ 2016 -2021 được kiện toàn, đề nghị các cấp ủy Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế và triển khai các chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để Mặt trận thực hiện có hiệu quả hơn nữa quyền và trách nhiệm của mình trong việc “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” như quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam./.