|
Quang cảnh buổi Tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội. |
Chiều 9/9, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đồng tổ chức Tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu. Tọa đàm diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, từ điểm cầu Hà Nội kết nối với các điểm cầu tại Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Hungary, Séc, Nga.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đồng chủ trì Tọa đàm.
Cùng tham dự Tọa đàm tại điểm cầu ở Hà Nội có đại diện Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao, các bộ, ban ngành liên quan ở Trung ương, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện kiều bào. Tại các điểm cầu ở châu Âu, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các địa bàn, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại châu Âu.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm cho rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành tại các văn kiện Đại hội Đảng và các văn bản như Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/08/2021 do Bộ Chính trị ban hành đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và là cơ sở quan trọng để triển khai toàn diện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Bày tỏ mong muốn thông qua Tọa đàm được lắng nghe các ý kiến đóng góp, trao đổi của kiều bào về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nhấn mạnh những ý kiến đóng góp của kiều bào là cơ sở quan trọng để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào, bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thăm thân, làm ăn, đầu tư tại quê hương.
|
Lãnh đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và bà con kiều bào tham dự Tọa đàm theo hình thức trực tuyến. |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu hiện có khoảng một triệu người, đa phần bà con có cuộc sống ổn định, hội nhập và đóng góp tích cực cho xã hội sở tại, có nhiều trí thức và doanh nhân thành đạt. Nhiều người thường xuyên về Việt Nam, tham gia mọi mặt của đời sống xã hội trong nước như: đầu tư, kinh doanh, mua nhà ở, làm việc, tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ, từ thiện, nhân đạo..., góp phần vào sự nghiệp chung xây dựng, phát triển đất nước.
Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đề nghị, bên cạnh nội dung trọng tâm về chính sách pháp luật về quốc tịch, các đại biểu thảo luận về chính sách pháp luật khác được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm như: Xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, làm việc, mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam... Đây cũng là những vấn đề được nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nêu trong chương trình Khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài về chính sách pháp luật và các thủ tục hành chính liên quan do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chủ trì, phát động.
Tham gia Tọa đàm, các đại biểu đã góp ý về việc được giữ quốc tịch Việt Nam cùng với quốc tịch của nước đang sinh sống; vấn đề khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục xin cấp hộ chiếu Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài (không đòi hỏi điều kiện thường trú tại Việt Nam); chính sách, pháp luật về đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài như ưu đãi quỹ đất dành cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Đây là buổi tọa đàm thứ hai trong chuỗi các buổi tọa đàm sẽ được tổ chức để lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật của Nhà nước. Trước đó, ngày 12/7, Tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc về chính sách pháp luật quốc tịch đã được tổ chức thành công./.